Bạch hổ hạ phàm bảo vệ Đại Đường, trải bao gian khổ thực hiện thệ ước (3)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong tác phẩm diễn nghĩa, vì ân oán tình thù của Đan Hùng Tín và La Thành chưa kết được, nên mới có câu chuyện Thanh Long Bạch Hổ luân hồi chuyển thế tương chiến.

Xem lại:
Bạch Hổ hạ phàm bảo vệ Đại Đường, trải bao gian khổ thực hiện thệ ước: Phần 1; Phần 2;

Chính sử giản lược - Diễn nghĩa khoa trương

Trịnh đế Vương Thế Sung giữ được danh tướng Ngõa Cương là Đan Hùng Tín. Tiểu thuyết diễn nghĩa và trong Bình thư nói rằng, bởi Lý Uyên giết lầm anh của Đan Hùng Tín, vì có thù ấy với Lý Đường mà ông không theo quân Đường. Vương Thế Sung kén Đan Hùng Tín làm Phò mã, trở thành quan hệ vua - tôi, cha - con mật thiết.

Ghi chép liên quan đến Đan Hùng Tín trong sách sử cũng rất ít, không có gì mấy ngoài những nội dung đã kể, và khiến cho người ta ấn tượng sâu sắc chính là ghi chép về việc "Ám sát không thành" của ông.

Ngày 21 tháng 9 năm 620, Lý Thế Dân đến Du Khoa săn bắn xong, leo lên lăng Ngụy Tuyên Vũ ở Mang Sơn để dò xét chiến địa. Vương Thế Sung dẫn hơn vạn binh mã bất ngờ tới, bao vây đội kỵ binh của Tần Vương. "Đan Hùng Tín dương giáo nhắm đến Thế Dân, Kính Đức thúc ngựa hô to, đâm ngang sang làm Hùng Tín ngã khỏi ngựa." Quân Trịnh đông đúc như đàn ong bị mãnh tướng sấm sét này dọa cho kinh sợ lùi về phía sau, Uất Trì Kính Đức bảo vệ Lý Thế Dân đột kích ra khỏi vòng vây. (“Tư trị thông giám”)

Trong “Tùy Đường gia thoại” (còn có tên “Quốc sử dị toản”) của Lưu Tốc thời Đường có nói, khi giao chiến dưới thành Lạc Dương, Đan Hùng Tín danh xưng "Phi tướng" phóng ngựa mang thương, thiếu chút nữa đã giết được Tề Vương Lý Nguyên Cát. Từ Thế Tích liên tục hô lớn xin ông anh ngừng tay, Hùng Tín quay đầu lại cười bí hiểm mà dừng lại. “Tân Đường thư” ghi: "Tần Vương vây Đông Đô, Hùng Tín chống lại, thương đâm đến gần Vương, Từ Thế Tích hô lên: “Tần vương đấy!”, liền lui."

Trong 46 người xưng huynh đệ với nhau ở trong diễn nghĩa, bạn tốt “thề cùng sống chết” với Đan Hùng Tín thật sự chỉ có đồng hương Từ Thế Tích (nguyên mẫu của Từ Mậu Công trong tiểu thuyết). Hai người họ là trợ thủ đắc lực của Trác Nhượng - người sáng lập quân Ngoã Cương. Tần Quỳnh, La Sĩ Tín (nguyên mẫu của La Thành) đi theo tướng Tùy Bùi Nhân Cơ, là vì uy danh hiển hách, thao lược siêu quần của Lý Mật mà đến, đối với Đan Hùng Tín không có mấy giao tình. Dù sao thì bối cảnh, quá trình, chí hướng của hai bên cũng khác xa nhau, huống hồ quan trên của Tần Quỳnh là Trương Tu Đà còn chết bởi tay mãnh tướng Ngõa Cương.

Khác với đám lục lâm thảo khấu bình thường, Từ Thế Tích xuất thân nhà giàu, văn võ kiêm toàn, có mắt nhìn người, ông nhìn ra Lý Mật là bậc tuấn kiệt trong thiên hạ có thể làm cho quân Ngoã Cương lột xác. Ông và học trò của Lý Mật là Thần tiễn thủ Vương Bá Đương cùng nhau khuyên Trạch Nhượng tôn Lý Mật làm chủ. Trong thời kỳ huy hoàng khi quân Ngoã Cương lớn mạnh cường thịnh, tin chiến thắng liên tiếp báo về, Từ Thế Tích nhiều lần dùng kỳ mưu đánh bại Vương Thế Sung ở hai bên bờ Lạc Thủy, Lý Mật phong ông làm Đông Hải quận công.

Tháng 11 năm 617, thượng tầng Ngõa Cương nội chiến, Lý Mật thiết yến rồi sát hại Trạch Nhượng, Vương Bá Đương cứu Từ Thế Tích, người bị chém bị thương, Đan Hùng Tín quỳ xuống đất dập đầu xin tha mạng, Trưởng sử Phòng Ngạn Tảo "lấy cớ Hùng Tín phản trắc thất thường, khuyên Mật trừ đi; Mật yêu tài ông, không đành lòng". (“Tư trị thông giám). Để ổn định cục diện, Lý Mật để Đan Hùng Tín, Từ Thế Tích, Vương Bá Đương chia nhau lãnh đạo bộ hạ cũ của Trạch Nhượng.

Vụ việc tương tự “Hồng Môn Yến” này khiến 2 người Từ, Đan cực kỳ thất vọng. Lý Mật cũng khó xử, ông gắn bó thân cận hơn đối với Tần Quỳnh, Trình Giảo Kim. Lý Mật sai Từ Thế Tích - người châm chọc ông - đi đóng quân ở Lê Dương (Tuấn Huyện), Hà Nam. Khi Vũ Văn Hóa Cập vây Lê Dương nơi Từ Thế Tích trấn thủ, Lý Mật tự mình dẫn 500 kỵ binh tinh nhuệ gấp rút tiếp viện, họ nội ứng ngoại hợp, đồng tâm hiệp lực, đánh bại quân Kiêu Quả.

Trận quyết chiến cuối cùng của quân Ngoã Cương và quân Vương Thế Sung, Đan Hùng Tín ngồi yên quan sát rồi chủ động dẫn quân đầu hàng, đây là một trong những nhân tố gián tiếp dẫn đến Lý Mật bại vong. Tần Quỳnh, Trình Giảo Kim, hai người bị thương bị bắt, họ đối với Đan Hùng Tín, tâm phúc của Vương Thế Sung, cũng chỉ là đồng liêu bằng mặt không bằng lòng mà thôi. Cũng không biết được đám người Lý Mật khi nương tựa Đại Đường có đem những bình luận tiêu cực, móc nối Đan Hùng Tín và "Phi tướng" Lữ Bố tới Trường An hay không.

Đầu hè năm 621, huyết chiến ba ngày ba đêm, Đan Hùng Tín ruổi ngựa nhảy vách đá không chết, sắp sửa cùng hơn mười thuộc hạ của Vương Thế Sung "y phép xử tử" trên bến Lạc Dương, cũng chỉ có Từ Thế Tích xin tha cho ông, nguyện đem quan tước của bản thân chuộc mạng cho Đan Hùng Tín. Từ Thế Tích theo Đường, không nhân chủ cũ thất thế mà tranh công, lại còn thu nhận mai táng cho Lý Mật khi ông phản Đường bị giết, đây là nhân phẩm "nhớ ơn, nhường công" cao quý, được Đường Cao Tổ Lý Uyên khen ngợi là "bề tôi thuần khiết", ban cho họ Lý, sửa thành Lý Thế Tích. Ông 27 tuổi giữ chức quan Hữu võ hầu Đại tướng quân thuộc hàng Chính tam phẩm, phong tước Tào quốc công thuộc hàng Đệ nhất đẳng.

Lý Tích (Lý Thế Tích) - trong 24 công thần của Đường Thái Tông - tại Lăng Yên Các. (Phạm vi công cộng)

Giữa quân và thần cũng là lựa chọn hai chiều, Lý Uyên cự tuyệt xá tội cho mãnh tướng số một của quân Trịnh là Đan Hùng Tín. Lý Thế Tích dâng thư nói Đan Hùng Tín "võ nghệ tuyệt luân", Đại Đường có thể dùng được, "Xin dùng quan tước mà chuộc, Cao Tổ không cho. Gặp khi Hùng Tín sắp bị giết, Tích khóc lóc thảm thiết, cắt thịt đùi cho ăn." (“Cựu Đường thư - Lý Tích truyện”).

Trên pháp trường, Đan Hùng Tín nói với Lý Thế Tích đang gào khóc rằng: "Tôi biết anh không làm gì được." Ông biết số kiếp đã định, biện bạch cũng không ích gì. Lý Thế Tích quơ đao cắt lấy trên đùi mình một miếng thịt cho bạn tốt ăn, nức nở nói: "Sinh tử khó gặp lại, lấy thịt này đem theo huynh xuống đất." Thế tích tỏ ý sẽ nuôi nấng con trai Đan Hùng Tín và quan tâm người nhà ông. Thế Tích không quên lời thề thuở đầu. "Hùng Tín ăn không nghi ngờ", rồi chịu chết (“Tùy Đường gia thoại”, “Cựu Đường thư - Lý Tích truyện”).

Triều đại hưng khởi và thay đổi là có an bài của lẽ Trời. Trong loại thế quần hùng tranh giành, có thể thấy rõ xu thế tất yếu và đưa ra lựa chọn dứt khoát, thật đúng không phải người bình thường. Huynh đệ Ngõa Cương đã đưa ra các lựa chọn khác nhau, số phận khác nhau trời vực, cũng chỉ có thể nói rằng ai cũng vì chủ của mình, ai cũng có số phận của mình.

Muốn đánh giá khách quan công bằng về cổ nhân, cần tôn trọng sự thật lịch sử, lấy sử làm tham chiếu. Chính sử vốn có lô-gíc nội tại khiến người ta suy xét, mà câu chuyện diễn nghĩa lại là sáng tác nghệ thuật trải qua gia công tinh luyện, hư thực giao nhau. Từ truyện bạch thoại Tống Nguyên đến tiểu thuyết Minh Thanh, từ sự ứng biến ngẫu hứng của người kể chuyện, đến sự kết hợp giữa thanh nhã và thông tục của hí kịch cổ đại, pho truyện anh hùng Tùy Đường nhận được sự yêu thích rộng khắp. Tần Thúc Bảo lúc gặp thời càng thêm cẩn thận, Trình Giảo Kim là vị tướng có phúc, khôi hài, gặp dữ hóa lành, Từ Mậu Công túc trí đa mưu, Uất Trì Cung một roi đoạt giáo... Mỗi lúc trà dư tửu hậu, bình dân bách tính lại bàn về những hình tượng nhân vật sống động này, thuộc như lòng bàn tay.

Có không ít phiên bản mà trong chinh chiến khói lửa thấp thoáng hình bóng giai nhân, những chuyện như Lý Mật dùng ngọc tỷ đổi Tiêu Mỹ Nương, La Thành và con gái Đậu Kiến Đức về cùng một nhà, em gái Hoa Hựu Lan của Hoa Mộc Lan... thảy đều là dàn dựng, để thêm phần náo nhiệt, tăng sắc thái, hấp dẫn tiêu khiển cho dân chúng mà thôi.

Hình tượng Đan Hùng Tín đã được định hình lại, từ mãnh tướng, nghịch tặc diễn biến thành hào hiệp, hoặc đồng thời có cả hai khía cạnh. Trong bối cảnh chính sử, dung nạp truyền thuyết dân gian và dã sử, Đan Hùng Tín hành tẩu giang hồ ra tay trượng nghĩa đã từng là kẻ đứng đầu lục lâm thảo khấu của Cửu tỉnh Ngũ lộ, ngoại trừ có thù giết anh với Lý Đường là thật ra, còn lại thì rất nhiều là tình cảnh huynh đệ hư cấu.

Những cảnh diễn pháp trường xử tử rất khoa trương kích động, gây nhiều suy đoán và tưởng tượng. Lại có phiên bản hết sức ướt át về Tần Quỳnh và Đan Hùng Tín định hôn sự cho con cái, cũng có bản mang yếu tố ma quái được lan truyền rất rộng, trải qua Bình thư hí khúc không ngừng cải biên diễn dịch, tăng thêm mâu thuẫn xung đột, đem ân oán tình thù nhuộm đẫm.

Khi mấy người Tần Quỳnh và danh tướng Ngõa Cương lần lượt bỏ Trịnh theo Đường, trong lòng Đan Hùng Tín cảm thấy bội phần mất mát, vì để giữ lại La Thành đang bị bệnh, ông và vợ chạy thầy chạy thuốc dốc lòng chăm sóc, La Thành rất cảm động, phát thệ đồng tâm hiệp lực bảo vệ Trịnh đế Vương Thế Sung. Không lâu sau, La Thành trở giáo, dẫn quân Đường dẹp yên Ngũ lộ phản vương, Đan Hùng Tín thà chết không hàng, mắng chửi đám anh em kết nghĩa trong doanh trại Đường vô tình vô nghĩa, mắng chửi Từ Mậu Công lôi kéo tướng sĩ Lạc Dương, nguyền rủa La Thành sớm chết vì vạn tên xuyên thân, phát thệ 20 năm sau trở lại (đoạt giang sơn) báo thù.

Lý Đường hưng khởi là ý Trời, hành động ngược lại xu thế, thì bị nghiền nát trong lúc giao thời. Trong loạn thế, Vương Thế Sung không giữ được nhân tài, con rể ông mong có thể ôm giữ đám anh em kết nghĩa đông đảo kia có phải là viển vông rồi hay không? Đạo bất đồng bất tương vi mưu. Đứng ở góc độ bản thân, Đan Hùng Tín cố chấp cho rằng những anh em từng chịu ân huệ của ông này đều có lỗi với ông! Từ lão đại hiển hách giang hồ đến tội phạm bị anh em bắt giết, uất ức nổ ra, độc sân hận phun trào, ông hoàn toàn chìm trong oán ghét căm thù. Thanh Long lâm phàm Đan Hùng Tín trước khi lâm chung oán niệm quá sâu, bị thúc đẩy bởi lời thề độc giết chóc, nên vong linh liền dùng cách đầu thai chuyển thế, hóa đen triệt để thành nhân vật phản diện trong câu chuyện tiếp theo, trả thù đám anh em kết nghĩa khốc liệt hơn, họa loạn giang sơn Đại Đường.

Xuân năm 622, La Thành 23 tuổi, trong lúc chinh chiến cả người lẫn ngựa kẹt trong bùn sông, lúc hấp hối vì vạn tên xuyên thân, nghe được Thiên Thần triệu hồi Bạch Hổ tinh quy vị. Hồn ông lìa xa vợ đẹp, Tần Vương dẫn quân xung phong, âm hồn La Thành trợ giúp. (“Đại Đường Tần Vương từ thoại”). Ông không quên được cảnh khi truy kích Uất Trì Kính Đức thì lần đầu gặp gỡ Lý Thế Dân trong rừng cây, là cảm ứng thần kỳ một lần vạn năm, đời đời kiếp kiếp đi theo! Tần Vương tràn đầy năng lượng, khí vũ hiên ngang, với sự hạ mình cầu hiền, chân thành rất mực như vậy đã khiến người luôn luôn tâm cao khí ngạo như ông cảm phục kính nể từ đáy lòng, nhận rằng đây chính là minh chủ Trời ban! La Thành quyết định bỏ ông vua con Vương Thế Sung, tất cả trung nghĩa tín điều đều phục tùng Thiên ý.

Nút thắt của Xích phát linh quan Đan Hùng Tín và Lãnh diện hàn thương tiếu La Thành đã kết ở đời này. Cho nên Thanh Long Bạch Hổ cần nhiều lần hạ phàm, ở trong nhân gian hỗn tạp tương sinh tương khắc, khống chế lẫn nhau mà giải quyết thù oán, xoay quanh Trung thổ Thần Châu mà triển khai loạt đại chiến phản nhà Đường và bảo vệ nhà Đường.

(Còn tiếp)

Theo Trầm Tĩnh - Epochtimes

Hữu Đức biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Bạch hổ hạ phàm bảo vệ Đại Đường, trải bao gian khổ thực hiện thệ ước (3)