Chữ Tình và Hiếu xung quanh vở diễn “Chẻ núi cứu mẹ” của Shen Yun

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Đây là câu chuyện mở rộng của vở diễn Shen Yun mang tên “Chẻ núi cứu mẹ” (Tách núi), với hy vọng mang lại một cách nhìn bao quát và khác biệt về tác phẩm này. Câu chuyện kết hợp các tình tiết có liên quan của những tác phẩm nổi tiếng trong văn hóa truyền thống.

Hãy bắt đầu bằng Tây Du Ký.

Lai lịch vị Thần hàng phục Tôn Đại Thánh

Sau khi làm loạn Hội Bàn Đào, Tôn Đại Thánh đã trộm cắp linh đơn rượu ngự rồi trốn về Hoa Quả Sơn để tiếp tục cùng bầy khỉ của hắn chè chén say khướt, tội này khó dung tha. Vì vậy, mười vạn Thiên binh Thiên tướng được cử xuống trần để hàng phục yêu hầu nhưng không ai làm nổi, dù trong đoàn quân ấy tướng tài vô số.

Quan Âm Bồ Tát bèn tiến cử một người, Ngọc Hoàng Thượng Đế lập tức hạ chỉ điều động. Người ấy lai lịch thế nào? Chi bằng hãy để con khỉ hiếu động tiết lộ giùm thông qua một trích đoạn trong truyện Tây Du Ký:

Nhị Lang quát lại:

– Nhà ngươi có mắt như mù, không nhận ra ta sao? Ta là cháu ngoại của Thượng Đế, sắc phong là Chiêu Huệ Linh Hiển Vương Nhị Lang đó. Nay ta vâng lệnh Thượng Đế đến đây bắt con khỉ Bật Mã Ôn làm loạn Thiên Cung. Nhà ngươi vẫn chưa biết sắp chết sao?

Đại Thánh nói:

– A, ta nhớ ra rồi. Trước đây, em gái của Thượng Đế nhớ tiếc phàm trần, xuống hạ giới lấy chồng là Dương Quân, sinh được một người con trai, người ấy từng dùng búa bổ vỡ núi Đào Sơn. Đó là nhà ngươi đấy hử? Ta muốn mắng nhà ngươi mấy câu, nhưng ta với ngươi không oán thù gì. Ta định nện cho nhà ngươi một gậy, nhưng lại tiếc tính mạng nhà ngươi. Thôi, đồ nhãi ranh hãy cút về đi, và gọi bốn Đại Thiên Vương ra đây mau!...”

Đó đích thị là Nhị Lang Thần, tên gọi Dương Tiễn, con trai thứ hai của một phàm nhân là Dương Thiên Hựu và Dao Cơ Tiên tử - em gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Như vậy Dương Tiễn gọi Đức Ngọc Đế bằng cậu.

Mỹ Hầu Vương đại chiến Nhị Lang Thần (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Dương Tiễn được nhắc đến vài lần trong Tây Du Ký và thường xuyên trong Phong Thần Diễn Nghĩa. Ông có Thất thập nhị huyền công (72 phép thần thông) không kém gì Tôn Đại Thánh, lại có 6 vị Thần (anh em Mai Sơn) và con Hạo Thiên Khuyển trợ giúp, lực lượng này đủ để hàng phục yêu hầu.

Ta hãy quay lại với câu chuyện gia đình thú vị của Đức Ngọc Đế.

Lịch sử gia đình lặp lại

Bà Dao Cơ, thân phận cao vời, là vị Tiên chịu trách nhiệm gieo tuyết xuống trần. Một hôm khi đang làm phận sự từ trời cao, bà bỗng nhìn thấy một thư sinh nghèo lên kinh ứng thí. Tất nhiên ông thuộc loại đẹp trai học giỏi, đã thế lại hay thơ, tâm hồn lãng mạn, trời cao đổ tuyết thì miệng người cũng nhả ngọc phun châu. Dao Cơ nghe thơ trong lòng xao xuyến, việc công tư hơi có chút lộn xộn, bèn bỏ dở việc gieo tuyết, xuống trần giả làm một người hầu gái gặp cảnh ngộ để thử lòng Dương Thiên Hựu. Thế là họ Dương, vốn là người hào hiệp, vô tư xả thân giúp bà đến nỗi ông cũng mắc nạn, bị tuyết lạnh cóng sắp chết. Bà động lòng thương liền dừng việc giáng tuyết, mặc dù biết làm như thế sẽ bị Ngọc Hoàng giáng tội.

Nguyệt Lão xuất hiện nói cho bà biết, trong một đời xa xưa, bà đã nợ duyên họ Dương, nay là lúc phải trả. Thế là bà kết duyên cùng họ Dương và sinh được 3 người con với Dương Thiên Hựu. Chuyện đến nước này, đức Ngọc Đế đành lệnh cho Thiên Thần giam bà dưới núi Đào Sơn.

Vì thế, Dương Thiên Hựu đau lòng mất sớm, sau đó người con lớn của ông cũng mất, chỉ còn lại hai anh em Dương Tiễn và Dương Thiền. Dương Tiễn được giao cho Khương Tử Nha, ông này lại giao anh cho Ngọc Đỉnh Chân Nhân nuôi dạy. Còn Dương Thiền thì về với Tây Vương Mẫu.

Dương Tiễn học thành tài, dùng rìu trổ thần thông bổ núi Đào Sơn cứu mẹ. Về sau, ông được phong Thần, gọi là Nhị Lang thần, lập đạo quán ở sông Quán Giang.

Vở kịch éo le của gia đình này chưa dừng ở đó.

Em gái Dương Thiền (sau đổi là Dương Liên) của Dương Tiễn cũng tu thành Thần, gọi là Tam Thánh Mẫu, chưởng quản khu vực núi Hoa Sơn. Bà sống cuộc sống ung dung tự tại của một vị Thần, lại đôi khi hiển Thánh giúp giáo hóa dân chúng vùng này trở nên lương thiện, vì thế nạn bệnh dịch, họa thú dữ đều hết, đền thờ bà được dân chúng nhớ ơn mà đời đời hương khói.

Trong tích Bảo Liên Đăng, Nguyệt Lão đã tìm đến Tam Thánh Mẫu, bảo rằng bà vẫn còn một mối nợ tình với người phàm mà chưa trả. Kẻ phàm nhân vẫn trong mê đi đòi nợ tình đời đời kiếp kiếp này giờ đây là một thư sinh có tên Lưu Ngạn Xương, cũng lại là một anh chàng đẹp trai học giỏi, cũng đang lên kinh ứng thí.

Đã là nợ thì phải trả, kể cả khi chủ nợ xấu trai học dốt, trái tính trái nết; đằng này chủ nợ lại đẹp trai học giỏi, tính tình dễ chịu… Thôi! Đành trả cho xong.

Tam Thánh Mẫu (Dương Liên) kết duyên cùng Lưu Ngạn Xương. Được ba tháng thì họ Lưu phải tiếp tục trẩy kinh, lúc này Dương Liên đã mang thai. Lưu Ngạn Xương đã để lại cho bà miếng trầm hương gia bảo, dặn khi nào sinh con hãy đặt tên là Trầm Hương, lấy đó làm dấu hiệu nhận biết. Đó là đoạn đầu câu chuyện Bảo Liên Đăng.

Còn trong vở diễn “Chẻ núi cứu mẹ” này, thì Lưu Ngạn Xương “tình cờ” gặp đoàn Tiên nga giáng trần vui vầy ca múa trong một thung lũng. Anh ta lấy trộm được chiếc áo khoác tím của Dương Liên nên nàng không bay về trời cùng các bạn được. Lạ lùng thú vị là chuyện Tiên giáng trần múa ca rồi bị lấy trộm áo không bay về trời được thì cả Đông lẫn Tây đều có, ví như câu chuyện chàng thủy thủ lấy trộm bộ da báo biển của một nữ Thủy Thần khi nhóm của nàng lên mặt biển vui đùa, khiến nàng không thể biến trở lại thành báo biển để quay về đại dương, đành kết hôn với chàng... là câu chuyện huyền thoại dẫn đến sự hình thành thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Trong nền văn hóa phương Tây cũng tồn tại những câu chuyện tương tự thật đáng suy ngẫm vậy...

Họ có với nhau một đứa con, chính là Trầm Hương.

Lịch sử lặp lại, khi xưa Nhị Lang Thần Dương Tiễn bổ núi cứu mẹ, thì nay buộc phải thi hành luật Trời, giam em gái là Tam Thánh Mẫu Dương Liên dưới núi Hoa Sơn. Trung gian còn có nhiều chuyện xảy ra, nhưng tóm lại là đứa bé Trầm Hương 8 tuổi - cháu gọi Dương Tiễn bằng cậu - phải lên đường đi cứu mẹ.

Trầm Hương mải miết đi đến núi Hoa Sơn, giữa đường bị lạc, đang hoang mang ngơ ngác thì gặp được Vô Tri Đạo trưởng “tình cờ” đi ngang qua đó. Vị đạo trưởng máy động tâm cơ, bấm quẻ xem thử, thấy đứa bé có duyên với mình, bèn nhận làm đồ đệ.

Thử hỏi có sự “tình cờ” hay không trong cuộc đời này? Hay chỉ có những sắp đặt quá đỗi tinh vi uyên áo của Thiên thượng mà phàm nhân không hiểu lại gọi là “tình cờ”, là “tự nhiên”.

Như vậy là Trầm Hương theo Đạo trưởng Vô Vi học được Thất thập nhị huyền công như cậu mình là Dương Tiễn, lại trải qua hai thử thách buông bỏ Danh - Lợi và nỗi sợ Sinh - Tử, khiến chàng càng thêm mạnh mẽ, cuối cùng lấy được cây búa năm xưa cậu Dương Tiễn dùng để bổ vỡ núi Đào Sơn, để lúc này bổ núi Hoa Sơn, cứu được mẹ.

Cuối cùng Trầm Hương lấy được cây búa năm xưa cậu Dương Tiễn dùng để bổ vỡ núi Đào Sơn, để lúc này bổ núi Hoa Sơn, cứu được mẹ.. (Ảnh: sohu)

Đến đây kết thúc câu chuyện tình éo le mấy đời của gia đình Đức Ngọc Đế.

Truyện xưa giàu nội hàm, lắm ẩn ý, nên có nhiều lối hiểu. Nhưng phải đặt nó vào đúng bối cảnh truyền thống, để rồi luận giải bằng văn hóa tu luyện mới đặng khám phá phần nào thông điệp bí ẩn ảo diệu của nó.

Thần Phật cũng không thoát nợ - nghiệp thì phải trả

Phật Thích Ca có lần kể câu chuyện dòng họ Ngài từ xa xưa vì sát hại một bầy cá dưới ao nên sau này gặp quả báo bị tàn sát, tôn giả Mục Kiền Liên dùng thần thông cũng không cứu được, bản thân Đức Thích Ca dù đã thành Phật nhưng vẫn bị quả báo đau đầu 3 ngày. Chẳng là khi ấy Ngài tuy không giết cá nhưng ngồi xem một cách vui thích và gõ vào đầu con cá lớn nhất 3 cái. Hoặc chính đại đệ tử của Ngài là Mục Kiền Liên rất giỏi thần thông nhưng vì nợ nghiệp nên vẫn bị quả báo, bị đâm chém đến chết. Câu chuyện của Tam Thánh Mẫu xem ra cũng là theo một lý ấy, khó trách được bà vì sao đã là Thần Tiên mà vẫn vương vấn một chữ “tình”.

Chữ “Tình” với cảnh giới Thần Tiên

Thần Phật bên ngoài Tam giới không còn tâm phàm, không còn thất tình lục dục, đặc biệt là Thần Phật không xem trọng tình yêu ghét riêng tư, thay vào đó là lòng bác ái, tình thương bao la - như tín ngưỡng Cơ Đốc; hay tâm từ bi với chúng sinh - nói theo phong cách nhà Phật.

Cảnh giới tinh thần càng cao, không gian ngự trị càng ở nơi thăm thẳm huyền diệu.

Khi vướng víu phàm tâm, trĩu nặng tư tình thì cảnh giới hạ xuống, thân thể cũng giáng xuống cõi trần, trở nên nặng nề vô năng.

Nhưng ở trong Tam giới, Thần tiên dù không còn dục vọng vẫn còn một chút tình, nên mối quan hệ của Dao Cơ với Dương Thiên Hựu, Tam Thánh Mẫu với Lưu Ngạn Xương bắt đầu bằng sự hòa hợp về tinh thần hơn là thân xác.

Trong Tây Du Ký, hồi thứ 22, Tôn Hành Giả mượn lời cổ nhân: “cắp Thái Sơn nhẹ như hạt cải, cõng người phàm khó thoát bụi trần”, để giải thích vì sao họ Tôn không thể cõng Đường Tăng mà bay qua sông Lưu Sa được. Bởi vì cõng một phàm tâm còn nặng hơn cả gánh núi Thái Sơn.

Điều này lý giải vì sao khi Thần Tiên phạm tội, cảnh giới tinh thần rơi rớt thì thường bị giam dưới núi, bị cả quả núi nặng nề đè lên trên; hay là vì phàm tâm đã biến họ thành nặng nề nên rớt xuống cõi trần này? Hiểu theo nghĩa nào cũng được.

Nên khi Tôn Đại Thánh bị ma tính dẫn động đại náo Thiên đình mới chịu phạt bị đè dưới núi Ngũ Hành. Hai mẹ con Thần Dao Cơ, Tam Thánh Mẫu động tâm với người phàm nên bị đè dưới núi Đào Sơn, Hoa Sơn.

Đạo Đức Kinh mới có câu “Thiên Địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu”, ý rằng ông Trời không thể có cái tư tình giống như con người. Vì lẽ ấy Đức Ngọc Đế và Nhị Lang thần là những vị Thần duy trì Thiên đạo, đâu thể dung túng cho cho người nhà phạm tội.

Chữ Hiếu với cảnh giới con người

Người xưa có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên - trăm điều thiện chữ hiếu đứng đầu”. Đạo đức Nho gia hết sức đề cao chữ Hiếu. Trong nhà có làm con hiếu, ngoài xã hội mới làm người tốt, hữu dụng. Người xưa chọn kẻ trị quốc biết thương dân là từ trong đám hiếu tử mà ra.

Bởi vậy, bổn phận làm người con có hiếu thúc giục Dương Tiễn cứu mẹ Dao Cơ; Trầm Hương cứu mẹ Dương Liên. Đức chí hiếu cũng cảm động đến lòng Trời, được Trời giúp, nên mới xuất hiện Đạo trưởng Vô Tri và những an bài sau đó cho Trầm Hương. Song nếu anh không vượt qua được những thử thách buông bỏ Danh - Lợi, Sinh - Tử như trong tích Bảo Liên Đăng ghi lại, thì không đủ sức mạnh hay Thần lực để phá núi, hay nói đúng hơn là chưa xứng đáng để được triển hiện Thần tích.

Và dù sao thì Dao Cơ, Tam Thánh Mẫu cũng phải chịu nạn cho đủ tháng đủ ngày, mới sạch nợ để quay về vị trí ban đầu của mình ở Thượng giới. Giống như Tôn Đại Thánh, thế nào cũng phải đợi Kim Thiền Tử tái sinh đến kiếp thứ 10 (trở thành Đường Tam Tạng), cả thảy mất 500 năm chịu tội, mới được cứu thoát nạn núi đè, trở thành người hộ vệ đoàn lấy kinh.

Sự an bài vô cùng tinh vi cẩn mật của cõi trên là điều không bao giờ phàm nhân chúng ta có thể hiểu được đến nơi đến chốn. Những điều được tính toán sắp xếp cực kỳ xảo diệu vượt xa mức nhận thức của con người, thì đều biến thành “tự nhiên”, “tình cờ”.

Thành ra, người viết bài xin dừng ở đây. Phần nghệ thuật âm thanh, hình ảnh, kỹ xảo điện tử tuyệt vời v.v. của vở diễn vẫn còn phong phú lắm, xin mời khán thính giả tự mình khám phá.

(Bài viết được sự đồng ý của tác giả gốc, có chỉnh sửa)

Tùng Vân



BÀI CHỌN LỌC

Chữ Tình và Hiếu xung quanh vở diễn “Chẻ núi cứu mẹ” của Shen Yun