Cội nguồn nhạc vũ (P-4): Nhân Thần giao tiếp - Đông Tây hài hòa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bí mật của âm nhạc nằm ở chỗ mô phỏng các con số hài hòa được trình hiện bởi thiên thể, phản ánh quy luật hài hòa của vũ trụ. Pitago đã kết hợp âm nhạc, con số và thiên văn học thành một, sáng lập ra tư tưởng triết học “Âm nhạc thiên thể”

Xem lại: Cội nguồn nhạc vũ (P-3): Hạ trần hóa vật - Thần Tiên ẩn mình

Ngoài ra còn có rất nhiều truyền thuyết đẹp và cảm động để lại ở phương Tây về âm nhạc. Trong sử thi "Homer", Tiên cá Sirens có một giọng hát quyến rũ, ai nghe thấy tiếng hát của nàng sẽ điên đảo thần hồn, tâm trí mê loạn, cuối cùng họ sẽ bị ma lực giọng hát này dẫn dụ đâm vào đá ngầm mà chết. Dù vậy, những nhóm người vẫn nối tiếp nhau bước vào chỗ chết, không thể dừng lại.

Tiên cá Sirens có một giọng hát quyến rũ, ai nghe thấy tiếng hát của nàng sẽ điên đảo thần hồn, tâm trí mê loạn, cuối cùng họ sẽ bị ma lực giọng hát này dẫn dụ đâm vào đá ngầm mà chết. (Ảnh: Pixabay)

Odysseus, người anh hùng trở về sau cuộc chiến thành Troy, đã vượt qua được vùng biển của Tiên cá Sirens, do nhận được lời khuyên của nữ thần Charles, anh đã ra lệnh cho thuộc hạ bịt chặt lỗ tai của họ bằng sáp ong, còn anh thì không bịt tai và được trói chặt vào cột buồm, chỉ để nghe âm thanh ma huyễn của Sirens. Không lâu sau, thuyền đi vào biển Sirens, và Odysseus nghe thấy tiếng hát quyến rũ, không thể cầm mình, cố gắng tuyệt vọng để thoát khỏi dây trói và hét lên lệnh cho tùy tùng đưa tàu đến đảo ma, nhưng không ai nghe thấy. Các thủy thủ lái tàu tiến về phía trước cho đến khi không còn nghe thấy tiếng hát nữa, họ cởi dây trói cho Odysseus mà bình an thoát hiểm.

Orpheus, con trai của Thần Apollo và Nữ Thần Muses, là người duy nhất có thể đánh bại bài hát của Sirens bằng âm thanh của đàn. Lúc sinh ra đã có một tài năng âm nhạc phi phàm, từ khi còn rất nhỏ, Thần Apollo đã dạy cậu chơi violin và tặng cậu cây vĩ cầm của mình. Tương truyền, tiếng đàn của Orpheus có thể khiến mãnh thú cúi đầu, đến những hòn đá cứng cũng phải gật gù. Trên hành trình tìm kiếm Dê lông vàng, anh cũng đã đi qua lãnh thổ của Tiên cá Sirens, và tiếng hát ma mị đó lại cất lên. Các anh hùng trên con tàu mất trí trong tích tắc, quên chèo, quên hết mọi thứ và chỉ mong ở lại với Tiên cá mãi mãi.

Vì vậy, Orpheus ngồi thẳng lưng, tay kéo Tiên cầm, một giai điệu xuyên thấu bầu trời, dập tắt những những thanh âm dâm đãng. Tâm trí của các thủy thủ lần lượt được đánh thức, sức lực trở lại, chèo thuyền mạnh mẽ cùng nhau rời khỏi hòn đảo, Tiên cá vừa giận vừa xấu hổ, lặn xuống mất tăm.

Sau đó, để cứu cô vợ xinh đẹp, nàng Eurydice, anh đã một mình bước vào Âm Phủ, suốt dọc đường, vừa đi vừa đàn hát, tiếng đàn cảm hóa cả những vong linh cùng các Thần, họ lần lượt mở đường nhường bước cho anh. Cuối cùng, ngay cả Diêm Vương Hades tàn nhẫn vô tình và Vương Hậu Persephone cũng cảm động, phá bỏ giới luật, hứa cho Eurydice phục sinh, nhưng cảnh báo Orpheus rằng đừng bao giờ quay đầu lại khi chưa rời khỏi Âm Phủ. Ngay khi Orpheus tới bước cuối cùng ra khỏi âm phủ, anh cầm lòng không đậu quay nhìn người vợ yêu dấu của mình, làm mọi thành quả trước đó của anh trở nên vô ích, ôm hận mà chết. Sau khi chết, cây đàn của ông trở thành chòm sao Lyra trên bầu trời đêm.

Chàng Amphion, con trai của thần Zeus, tiếng đàn của chàng cũng làm cảm động cả cây và đá. Khi anh chơi đàn 7 dây, âm thanh của đàn đã cảm ứng đến cả những hòn đá, chúng lăn đến xung quanh và tạo ra một bức tường thành, đó là thành phố Thebes sau này… Đây là những truyền thuyết về âm nhạc từ thời Hy Lạp cổ đại.

Đến thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, một nhân vật huyền thoại đã ra đời trên hòn đảo Samos của Hy Lạp cổ đại. Ông là nhà triết học, số học và lý thuyết âm nhạc nổi tiếng người Hy Lạp cổ đại - Pitago. Ông là người đầu tiên tìm ra mối quan hệ thần bí giữa âm nhạc và số học, được mệnh danh là "Cha đẻ của âm nhạc", "Cha đẻ của số học", "Cha đẻ của Hình học", và là người đặt nền móng cho thiên văn học cổ đại, "Trường phái Pitago" của ông ảnh hưởng đến phương Tây và toàn thế giới.

Trong truyền thuyết lịch sử, Pitago là một người nửa Thần, theo cách nói của chính ông: "Có người, cũng có Thần, cũng có những người giống Pitago."

Pitago, người đàn ông ở giữa bức hình với quyển sách, đang dạy nhạc, trong Trường học Athena của Raphael. (Miền công cộng)

Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Heraclides xứ Pontus cho biết: Pitago thường nói rằng ông là Etalides, con trai của thần Hermes, một trong mười hai vị thần của đỉnh Olympus (Aethalides). Hermes cho phép ông chọn bất kỳ năng lực nào ngoại trừ sự bất tử, vì vậy ông chọn giữ ký ức về những gì ông đã trải qua, cho dù đó là trước hay sau khi chết, và sẽ không bị xóa khi luân hồi. Vì vậy, ông được chuyển sinh năm lần. Lần thứ hai chuyển sinh thành Euphorbus, và ông tham gia vào cuộc chiến thành Troy. Sau khi chết, ông cũng du hành đến Âm phủ và nhập vào nhiều loài động thực vật; lần thứ ba tái sinh thành Hermer Hermotimus; lần thứ tư được đầu thai thành Pyrrhus; lần thứ năm tái sinh thành Pitago. Mỗi lần được đầu thai, ông nhớ được tất cả các chi tiết mà ông đã trải qua trong cuộc đời mình, thậm chí còn lưu giữ lại những ký ức bên ngoài nhân loại, do vậy mà thành tựu lên một Pitago có trí tuệ siêu phàm.

Một ngày nọ, Pitago đi ngang qua một xưởng rèn và nghe thấy tiếng búa đập vào đe, cảm thấy rất vui tai, từ đó phân ra ba loại hòa âm là quãng bốn, quãng năm và quãng tám. Ông đoán rằng sự khác biệt về âm thanh có thể là do trọng lượng khác nhau của các búa, vì vậy cân trọng lượng của từng chiếc búa, và về nhà sắp xếp độ dài của dây theo quan hệ tỷ lệ này, lặp đi lặp lại thực nghiệm và phát hiện tỷ lệ của quãng tám, quãng năm và quãng bốn lần lượt là 2: 1, 3: 2 và 4: 3, từ đó thiết lập lý thuyết toán học về âm trình.

Pitago tin rằng bản chất của vạn vật là con số, và vẻ đẹp (sự hài hòa) là mối quan hệ giữa các con số lý tưởng, vì vậy vẻ đẹp của âm nhạc được xác định bởi sự hài hòa của các con số.

Pitago là người đầu tiên cho rằng, trái đất là một hình cầu và gọi vũ trụ là Cosmos (nghĩa là: trật tự), cho rằng toàn bộ vũ trụ là một thể hệ hài hòa của các con số và các mối quan hệ của chúng. Trật tự của vũ trụ nằm trong sự chuyển động hài hòa của các thiên thể, các tinh cầu lớn nhỏ, quỹ tích dài ngắn, vận động nhanh chậm, cự ly xa gần, mà phổ thành một khúc “Âm nhạc thiên thể” vĩnh hằng hài hòa. Bí mật của âm nhạc nằm ở chỗ mô phỏng các con số hài hòa được trình hiện bởi thiên thể, phản ánh quy luật hài hòa của vũ trụ. Pitago đã kết hợp âm nhạc, con số và thiên văn học thành một, sáng lập ra tư tưởng triết học “Âm nhạc thiên thể” (Musica universalis), cho rằng Âm nhạc thiên thể là một loại âm nhạc vĩnh hằng hài hòa, mà âm nhạc nhân gian chỉ là mô phỏng theo mà thôi.

Pitago tự nhận rằng chỉ có ông mới có thể nghe và hiểu được âm nhạc thiên thể, ông sử dụng một phương pháp bí ẩn để đắm mình trong âm nhạc hài hòa của vũ trụ.

Ở đây, chúng ta hãy quay ngược thời gian và quay trở lại thời tiền sử xa xôi của phương Đông:

Nữ Oa Thị đã phỏng theo quy luật chuyển động của mặt trời, mặt trăng và các vì sao trong vũ trụ, đối ứng tương hợp mà sáng tác ra “Sung Nhạc” (Tạm dịch: Nhạc tròn đầy). Sau khi nhạc vũ phổ thành thì hóa vật vô thanh, làm thiên hạ vạn vật đồng quy Đại Đạo, trở lên hài hòa trật tự.

Luận Phong Thần diễn nghĩa: Trụ vương dâng hương đền Nữ Oa (phần 3)
Nữ Oa Thị đã phỏng theo quy luật chuyển động của mặt trời, mặt trăng và các vì sao trong vũ trụ, đối ứng tương hợp mà sáng tác ra “Sung Nhạc”. (Tranh: Winnie Wang - Vision Times)

Nhìn lại khoảng thời gian này, bạn có thể nghiệm gì khác không? Hai nền văn minh này bổ sung cho nhau, các nền văn minh phương Đông và phương Tây, ở đỉnh cao của Thần tính và Thiên Đạo, có những hợp âm hoàn mỹ, tạo thành âm nhạc của Thiên Thể.

Âm nhạc ban đầu, về cơ bản là một sự bắt chước vũ trụ tự nhiên. Như Nữ Oa phỏng theo Vũ Trụ sáng tác ra “Sung Nhạc”, Nghiêu Đế phỏng theo đại tự nhiên sáng tác ra “ Đại trang”… Lão Tử nói: "Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên". Đây cũng là quá trình và cội nguồn tiếp thu trí tuệ của nhân loại.

Ở đây, các quy luật của vũ trụ tự nhiên được tất cả noi theo như một hình mẫu lý tưởng hoàn hảo nhất, trở thành tiêu chuẩn của cái đẹp, trở thành cội nguồn của trí tuệ và năng lực của nhân loại.

Từ xa xưa, loài người đã tin rằng chúng ta là do Thượng đế tạo ra, vũ trụ thiên nhiên cũng do Thượng đế tạo ra, vạn vật đều do Thượng đế mà ra. Thần hiện diện khắp nơi trong mọi thứ mà Thần tạo ra, nuôi dưỡng vạn vật, hòa làm một với thiên nhiên vũ trụ , lặng lẽ chi phối sự vận hành của toàn bộ vũ trụ.

Đạo gia cho rằng vạn vật trong vũ trụ đều do Đạo tạo ra, Đạo là quy luật vĩnh hằng bất biến kiến lập lên vũ trụ vạn vật, mà Đạo lại bắt nguồn từ trí tuệ của Thần.

Nhạc phỏng theo quy luật của vũ trụ tự nhiên, tức là phỏng theo Đạo tạo ra vạn vật, phỏng theo Trí Huệ của Thần, nên có mang theo lực lượng và dấu ấn của Thần, có năng lực sửa sai từ tận cùng của vạn vật , để tất cả đồng hóa với Đạo, hài hòa và trật tự.

Trong truyền thuyết phương Đông, vào thời kỳ đầu của nền văn minh nhân loại, các vị Thần đã được chuyển sinh làm Thánh Nhân, mang trí tuệ trao cho nhân loại, truyền lại văn hóa, bảo hộ con người qua thời kỳ hoang dã mà tiến nhập văn minh. Nhạc đã ra đời như vậy, nền văn minh cao thâm khôn lường của dân tộc Trung Hoa cũng từ đây mà ra, vì vậy nó được gọi là: Văn Hóa Thần Truyền.

Toại Nhân Thị, Phục Hy Thị, Nữ Oa Thị, Thần Nông Thị v.v … đều là những vị Thần giáng thế, từng tồn tại ở trạng thái nửa Nhân nửa Thần và để lại nhiều Thần tích trong lịch sử, trao cho dân tộc Trung Hoa trí tuệ vô cùng cao thâm.

Ở phương Tây cũng vậy, trong Thần thoại Hy Lạp cổ đại, nền văn minh của Nhân loại được tạo ra và cai quản bởi các vị Thần. Ví dụ, văn học và nghệ thuật do thần Apollo phụ trách, và chín nữ thần Muse phụ trách âm nhạc, lịch sử, thơ ca, kịch và vũ đạo. Do đó, âm nhạc (music) trong tiếng Anh có nguồn gốc từ âm nhạc cổ Hy Lạp (mousike), có nghĩa là “nghệ thuật của Nữ Thần Muse ”.

Dù là phương Đông hay phương Tây, từ ngày xửa ngày xưa, khi các vị Thần và nhân loại đồng tại trên trái đất, đã để lại nhiều Thần tích và nhiều ẩn đố, nhưng đem những điều đó ẩn tàng trong văn hóa giao cấp cho Nhân loại, làm Nhân loại sau thời khắc mê lạc nào đó, có thể tìm lại được tung tích của Thần, từ đó thức tỉnh ký ức ban sơ, quay về với vòng tay của Đấng Sáng Thế.

(Còn tiếp)

Thái Bình
Theo Chân Ngu - zhengjian



BÀI CHỌN LỌC

Cội nguồn nhạc vũ (P-4): Nhân Thần giao tiếp - Đông Tây hài hòa