Đệ tử của Phật Thích Ca thần thông quảng đại, tại sao lại bị đọa địa ngục?

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Trong suốt lịch sử Phật giáo, cái tên Đề Bà Đạt Đa luôn đồng nghĩa với ‘ác ma’. Vì vậy, đây là đối tượng bị lên án gay gắt trong giới Phật giáo.

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Người xuất gia phá hoại thanh danh Phật giáo

Đối với từ ‘xuất gia’, cách hiểu của chúng ta là nó đề cập đến việc con người rời xa thế tục như từ bỏ gia đình, sự nghiệp, xã hội, v.v. vào chùa hoặc núi sâu tu luyện. Mục đích là để đạt được giải thoát hoặc viên mãn. Về lý mà nói, người xuất gia phải từ bỏ của cải thế gian của mình. Tuy nhiên, một giao dịch đất đai gần đây tại Trung Quốc liên quan đến Thiếu Lâm Tự, đã tiết lộ nguồn tài chính hùng hậu của Thiếu Lâm Tự.

Theo báo địa phương, một mảnh đất thương mại ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam đã được bán với giá 452 triệu nhân dân tệ (khoảng 68 triệu đô la). Một trong những cổ đông của người trúng thầu là trụ trì chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn, tỉnh Hà Nam, trụ trì này cũng có bằng MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh).

Được biết từ năm 2018, vị trụ trì này đã được gọi là hoà thượng đại gia đất ở địa phương, và một số hãng truyền thông thậm chí còn tiết lộ rằng chuỗi tràng hạt mà ông đang đeo rất đắt giá. Chuỗi hạt này được gọi là tịnh thuỷ kim phách. Kim phách là hổ phách có màu vàng kim, và tịnh thuỷ kim phách là cực phẩm trong hổ phách, trong sáng và ít tạp chất hơn. Chuỗi hạt Phật châu mà vị hoà thượng này đeo ước tính được kết bằng trăm viên kim phách quý giá, có thể nói là rất xa hoa.

Thật ra, vào thời Phật Thích Ca Mâu Ni cũng có một người xuất thân từ gia đình quyền quý, khi bày tỏ nguyện vọng xuất gia của mình với Phật Thích Ca Mâu Ni, ông vẫn đeo vàng bạc trên người. Người này là Đề Bà Đạt Đa. Trong suốt lịch sử Phật giáo, cái tên Đề Bà Đạt Đa luôn đồng nghĩa với ‘ác ma’. Vì vậy, đây là đối tượng bị lên án gay gắt trong giới Phật giáo.

Cái tên Đề Bà Đạt Đa luôn đồng nghĩa với ‘ác ma’ (Ảnh: Miền cộng cộng)
Cái tên Đề Bà Đạt Đa luôn đồng nghĩa với ‘ác ma’ (Ảnh: Miền cộng cộng)

Đề Bà Đạt Đa

Đề Bà Đạt Đa là em họ của Phật Thích Ca, đồng thời cũng là hoàng tử, địa vị dĩ nhiên cao quý. Ông có vóc dáng vừa cao ráo, vừa anh tuấn. Một hôm ông cùng em trai của mình là Ananda và những người khác đến gặp Đức Thích Ca xin xuất gia, trở thành đệ tử của Đức Phật.

Khi đó, Đề Bà Đạt Đa nói với hầu hết với những người đồng hành khác rằng, mình là thành viên của hoàng tộc, giờ muốn xả bỏ vinh hoa phú quý thế gian, muốn xuất gia tu hành, nên mặc quần áo và trang sức sang trọng nhất. Trên đường đi xuất gia, xe voi và xe ngựa đi phải dùng loại sang trọng nhất.

Trên miệng nói là muốn xả bỏ vinh hoa phú quý, nhưng hàng loạt những hành động này dường như đang nói với mọi người rằng, ta là hoàng tử giàu có và quyền lực nhất đi tu.

Sau khi xuất gia, trong 12 năm đầu, Đề Bà Đạt Đa đã thể hiện rất tốt, thậm chí còn sở hữu thần thông mạnh mẽ. Với thân phận cao quý trước khi xuất gia của Đề Bà Đạt Đa - là em họ của Đức Phật Thích Ca và cũng là một hoàng tử, cộng với biểu hiện tốt, và xuất ra thần thông lớn mạnh, khiến ông được nhiều cư sĩ tại gia, thậm chí cả tăng nhân xuất gia sùng bái một cách mù quáng. Ngay cả hoàng tử A Xà Thế của Ma Yết Đà quốc cũng khen ngợi và sùng bái Đề Bà Đạt Đa, mỗi ngày dâng cho ông 500 phần thức ăn ngon.

Nhiều cư sĩ tại gia, thậm chí cả tăng nhân xuất gia sùng bái một cách mù quáng (Ảnh: Miền công cộng)
Nhiều cư sĩ tại gia, thậm chí cả tăng nhân xuất gia sùng bái một cách mù quáng (Ảnh: Miền công cộng)

Dần dần, Đề Bà Đạt Đa không trụ vững nổi trước vô số những lời khen ngợi và ngưỡng mộ từ đám đông. Tâm danh lợi bắt đầu ăn mòn quyết tâm tu tập của ông ta. Ông trở nên tự coi mình ở vị trí cao. Thậm chí, ông ta còn so sánh mình với Phật, được mọi người vây quanh, và ông ta cảm thấy mình không khác gì Phật Thích Ca.

Lúc này lòng đố kỵ không biết từ lúc nào đã bắt đầu nảy mầm trong ông ta. Một hôm Đề Bà Đạt Đa đến gặp Đức Phật Thích Ca và nói rằng, Đức Phật Thích Ca tuổi đã cao, ông ta đề nghị Đức Phật Thích Ca giao lại tăng đoàn cho mình để lãnh đạo, nhưng Đức Phật Thích Ca đã nghiêm khắc từ chối, vì Đức Phật thấy trong tâm Đề Bà Đạt Đa đã sinh ra vọng niệm.

Vì vậy, Đức Phật tuyên bố rằng, kể từ bây giờ tất cả những gì Đề Bà Đạt Đa làm dưới danh nghĩa của Đức Phật, Phật Pháp và Tăng đoàn, bản thân ông ta đều phải tự chịu trách nhiệm. Phật Thích Ca Mâu Ni đều không thừa nhận.

Nhưng vẫn có nhiều đệ tử của Phật tôn sùng Đề Bà Đạt Đa. Thậm chí có người còn cho rằng, Đức Phật Thích Ca nói những điều này vì ghen tị với Đề Bà Đạt Đa. Vậy là trước sự tán dương của đám đông, Đề Bà Đạt Đa ngày càng trở nên cuồng vọng, thậm chí còn sinh ra ý đồ muốn giết Đức Phật Thích Ca. Cuối cùng, ông ta đã phạm phải 5 nghịch tội ác.

Năm nghịch tội trong Phật giáo

Năm nghịch tội này là những tội nghiêm trọng nhất trong tất cả các tội lỗi của Phật giáo. Đó là giết cha, giết mẹ, giết A La Hán (chỉ người tu luyện), xuất Phật thân huyết (là sát hại bậc Thánh giả đã trở thành Phật, ngay cả khi gây vết thương chỉ bằng một giọt máu cũng nghiêm trọng như thế), phá hoà hợp tăng (gieo rắc mối bất hòa trong một nhóm tu luyện, đến mức nhóm này tan rã khiến họ không thể tu hành được nữa)

Đề Bà Đạt Đa đã nhiều lần phái người mưu hại Phật Thích Ca, nhưng không ngờ được cuối cùng những kẻ sát thủ được phái đi đều bị Phật Thích Ca cảm hoá. Kế hoạch phái người đi hại Phật không thành nên Đề Bà Đạt Đã đã dùng tới động vật. Ông ta chuốc say một con voi dữ, và đợi đến khi Đức Phật Thích Ca đi vào thành khất thực, liền thả con voi ra.

Một số tăng nhân sợ hãi bỏ chạy, một số tăng nhân liều mạng bảo vệ Sư tôn, tuy nhiên không ai ngờ một cảnh tượng kinh ngạc xảy ra. Con voi lao đến trước mặt Đức Phật Thích Ca, dừng lại, quỳ hai gối xuống và dùng vòi liếm vào chân Đức Phật Thích Ca. Ngay cả con voi dữ cũng bị Đức Phật Thích Ca cảm hoá.

Đề Bà Đạt Đa không cam lòng, vẫn không biết ăn năn, thậm chí còn cố gắng đẩy tảng đá lớn xuống để ý đồ nghiền nát Đức Phật Thích Ca, tuy không thành công, nhưng đã khiến cho chân của Đức Phật Thích Ca bị thương và chảy máu. Đây đã là phạm một trong 5 nghịch tội - xuất Phật thân huyết.

Một trong những nữ đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni là Liên Hoa Sắc đến thuyết phục Đề Bà Đạt Đa nên sám hối với Đức Phật, và cải tà quy chính, không ngờ lại bị Đề Bà Đạt Đa đánh chết. Kết quả là ông ta đã phạm tiếp một trong năm nghịch tội - giết A la hán.

Tới đây, mọi người có thể thắc mắc tại sao lại xảy ra sự việc như vậy, và các tăng nhân cũng có nghi ngờ như vậy. Hơn nữa, Liên Hoa Sắc cũng là người có thần thông đệ nhất, lẽ nào bà không thể tự cứu mình được?

Liên Hoa Sắc là một trong mười đệ tử có thần thông đệ nhất của Phật Thích Ca Mâu Ni (Ảnh: Wikipedia)
Liên Hoa Sắc là một trong mười đệ tử có thần thông đệ nhất của Phật Thích Ca Mâu Ni (Ảnh: Wikipedia)

Phật Thích Ca Mâu Ni nói với các đệ tử rằng bi kịch như hiện nay không phải chỉ xảy ra một lần, nó đã từng xảy ra trong quá khứ. Kiếp trước Đề Bà Đạt Đa là một con sói dữ, còn Liên Hoa Sắc là con dê mẹ. Khi đó con dê đã bị con sói giết chết một lần, nay lại vì tội lỗi kiếp trước chín muồi, mà lịch sử luân hồi lặp lại một lần nữa.

Không chỉ vậy, vì để thỏa mãn dục vọng tội lỗi của bản thân, Đề Bà Đạt Đa còn tự xưng là Đại sư, đề xuất rất nhiều điều xem ra có vẻ đường hoàng, giống thật mà giả. Một số tăng nhân mới xuất gia, chưa có hiểu biết sâu về Phật Pháp, đã đồng tình với Đề Bà Đạt Đa và đứng về phía ủng hộ ông ta.

Nhưng Đức Phật Thích Ca thương xót những người mới xuất gia này, nên đã sai các đệ tử của Ngài đến thuyết phục họ. Những người này cũng trở lại tu theo Phật Pháp và sám hối trước Đức Phật Thích Ca.

Cuối cùng mọi ý đồ xấu xa của Đề Bà Đạt Đa đều thất bại, tội nghiệp quấn thân, nơi ông ta đứng nứt tách một khe lớn trên mặt đất. Vậy là Đề Bà Đạt Đa bị đọa vào địa ngục vô gián như thế, và đã được định sẵn là phải chết trong đau đớn và tội lỗi cực đại.

Từ ‘địa ngục vô gián’ xuất phát từ trong các kinh thư như ‘Pháp Hoa Kinh’, ‘Câu Xá Luận’, ‘Huyền Ứng Âm Nghĩa’ của Phật giáo. Những người bị đọa vào địa ngục vô gián là những người ác độc nhất, phạm tội nặng nhất, sẽ bị giáng vào địa ngục vô gián. Trong địa ngục vô gián không bao giờ có hy vọng được giải thoát, không có cảm giác nào khác hơn là chịu đựng đau khổ.

Đề Bà Đạt Đa từ ​​một đệ tử của Phật có biểu hiện tốt, có uy tín, nhưng rồi sa đọa trở thành kẻ đại ác, bị đẩy vào địa ngục, thực sự đã để lại một bài học lớn cho con người. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói rằng giả như hoàng tử A Xà Thế của Ma Yết Đà quốc không cúng dường 500 phần thức ăn ngon, thì Đề Bà Đạt Đa cuối cùng đã không làm điều tồi tệ như vậy. Chính vì sự ngưỡng mộ và khen ngợi mù quáng của những người xung quanh mà Đề Bà Đạt Đa dương dương tự đắc và cuối cùng bị đọa vào địa ngục.

Thực tế từ xưa đến nay, luôn có những kẻ như Đề Bà Đạt Đa bức hại chư Phật, đệ tử của Ngài, nhưng hình thức biểu hiện cũng thay đổi theo sự thay đổi của thời đại và xã hội.

Phật giáo phát triển và chia tông phái

Trong hơn 2.500 năm sau khi Phật Thích Ca nhập Niết bàn, thời kỳ mạt pháp đến. Tâm thái của những người bái Phật và tình hình trong tôn giáo cũng đã có những thay đổi to lớn.

Mạt Pháp là vào thời điểm cụ thể sau khi Phật Thích Ca nhập niết bàn, Pháp do chính Ngài truyền sẽ tiến vào mạt Pháp. Lúc đó Pháp do Ngài truyền sẽ không còn tác dụng giáo dục nữa. Và nhiều người cho rằng chúng ta ngày nay đang ở thời kỳ mạt pháp. Các tăng nhân ở một số chùa đang làm những việc hủy hoại thanh danh của Phật giáo.

Phật giáo giảng phóng hạ các chấp niệm nhân gian. Còn mục đích con người ngày nay tới chùa bái Phật, là để mong muốn được thoả mãn dục vọng nhân gian.

Phật giáo giảng phóng hạ các chấp niệm nhân gian. Còn mục đích con người ngày nay tới chùa bái Phật, là để mong muốn được thoả mãn dục vọng nhân gian (Ảnh: pixabay)
Phật giáo giảng phóng hạ các chấp niệm nhân gian. Còn mục đích con người ngày nay tới chùa bái Phật, là để mong muốn được thoả mãn dục vọng nhân gian (Ảnh: pixabay)

Ví dụ như xin Thần, Phật ban cho phát tài nhanh chóng, để giảm bớt nỗi đau bệnh tật cho người thân, hay cầu có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc và sinh con trai, ... Nhiều ngôi chùa treo biển ‘cầu gì được nấy’ xuất hiện.

Còn bên ngoài chùa, nhiều người còn bất kính, thản nhiên nói đùa về Thần Phật; nhiều hình thức vô tình thành ra phỉ báng Đức Phật, như từ lời nói, tới tác phẩm nghệ thuật, giải trí, v.v. Nó hoàn toàn trái ngược hẳn với sự tôn kính của người xưa đối với Phật.

So với thời đại Đề Bà Đạt Đa cố tình vu khống Phật và hại Phật, con người trong thời loạn lạc của thời mạt pháp ngày nay thực sự không dễ dàng nhận ra các hành vi bất kính với Thần Phật của mình.

Lão Tử giảng ‘Đạo Pháp tự nhiên’, ý nghĩa là quy luật của vũ trụ chính là Đạo. Khi con người không vi phạm quy luật của vũ trụ và giữ vững bản chất thiện lương khi làm việc của mình là đã ở trong Đạo. Bản thân tôn giáo chỉ là hình thức. Người trong tôn giáo không đại biểu cho việc có thể tu thành và đắc Đạo.

Trên thực tế, Phật giáo nguyên thủy khi Đức Phật Thích Ca còn sống không có hình thức xây dựng chùa để thờ phụng, điều mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để lại chính là giới luật.

Hơn 100 năm sau khi Đức Phật Thích Ca nhập niết bàn, Phật giáo chia thành thượng tọa bộ và đại chúng bộ. Các đệ tử Phật giáo theo đại chúng bộ khi đó đều nghiêm túc tuân thủ giới luật của Đức Phật Thích Ca và kiên trì tu tâm. Còn các Phật tử của đại chúng bộ chuyên tâm hoằng dương Phật pháp, chú trọng quản lý quần chúng. Giữa hai bộ phái có sự khác biệt lớn. Về sau, thượng tọa bộ trở thành Phật giáo Tiểu thừa (cũng gọi Phật giáo Nam tông).

Đại chúng bộ đã trải qua rất nhiều lần cải tổ nên rất khác với Phật giáo nguyên thủy của Phật Thích Ca, và nó đã phát triển thành Phật giáo Đại thừa (cũng gọi Phật giáo Bắc tông). Về cơ bản nó đi về phía bắc, qua Afghanistan và các nước phương Tây khác, sau đó được giới thiệu đến Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Do đó, những dấu tích mà Phật giáo để lại cũng có thể được tìm thấy ở Afghanistan, chẳng hạn như di chỉ Đền thờ Phật giáo Hada và di chỉ Mes Aynak, tất cả đều là những di chỉ đền thờ Phật giáo cổ đại quan trọng ở Afghanistan. Ngoài ra còn có tượng Phật Bamiyan nổi tiếng, tuy nhiên, tượng Phật này đã bị Taliban cho nổ tung vào năm 2001.

Trong khi đó Tiểu thừa Phật giáo được truyền bá về phía nam. Nó chủ yếu được truyền bá ở Thái Lan, Lào, Campuchia, Sri Lanka...

Phật giáo du nhập vào Trung Nguyên khoảng 500 năm sau khi Phật Thích Ca nhập Niết bàn. Minh Đế của Đông Hán nghe nói rằng có một vị Thần ở Tây Vực, bèn phái sứ giả đến Thiên Trúc, tức là cổ Ấn Độ, để cầu Phật Pháp, và xây dựng chùa Bạch Mã, ngôi chùa Phật giáo đầu tiên được công nhận ở Lạc Dương, Trung Quốc. Khi đó, một số nhà sư từ Thiên Trúc cũng bắt đầu đi từ Tây Vực đến Trung Nguyên để truyền Pháp và phiên dịch kinh Phật.

Thực ra cả đời truyền đạo của mình, Phật Thích Ca Mâu Ni không lưu lại kinh thư. Nhưng sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, các đệ tử của Ngài đã tổng kết lại những điều Đức Phật đã giảng và đưa ra bốn bộ A Hàm kinh - là kinh điển của Phật Pháp nguyên thủy.

Nhưng một số lý luận và quan điểm của Phật giáo Đại thừa du nhập vào Trung Quốc lúc đó đã thay đổi rất nhiều so với Phật giáo nguyên thủy, và có nhiều nghi thức thờ cúng hơn, v.v. Vậy nghi lễ cúng bái này có nguồn gốc như thế nào?

Tập tục tế bái

Trước khi Phật giáo truyền vào Trung Nguyên thì từ xa xưa người Trung Nguyên đã có phong tục cúng tế rất lâu đời.

Trước khi Phật giáo truyền vào Trung Nguyên thì từ xa xưa người Trung Nguyên đã có phong tục cúng tế rất lâu đời (Ảnh: chụp màn hình video)
Trước khi Phật giáo truyền vào Trung Nguyên thì từ xa xưa người Trung Nguyên đã có phong tục cúng tế rất lâu đời (Ảnh: chụp màn hình video)

Trong “Chu Lễ” ghi lại rằng “Bang đô chi phú, dĩ đãi tế tự”. Nghĩa là các loại thuế nhà nước thu được đều dùng vào việc tế tự vì đây là việc quốc gia đại sự. Tế tự là thể hiện quan trọng của việc tôn kính trời đất và không quên tổ tiên.

Tại nhiều di tích cổ ở Trung Quốc, chẳng hạn như di chỉ Ân Khư, Tam Tinh Đôi, đều tìm thấy những hố hiến tế khổng lồ, và những đồ vật được khai quật là có lượng lớn đồ dùng để hiến tế.

Có vẻ như phong tục cúng tế không chỉ được con người trong nền văn minh này của chúng ta thực hiện, mà ngay cả những nền văn minh tiền sử cũng có phong tục này. Các lễ cúng tế truyền thống của Trung Quốc được chia thành ba loại: cúng tế Thiên Thần, cúng Địa Kỳ (Thần Đất), cúng nhân quỷ (người chết).

Đây là hành động thể hiện sự tôn kính của con người đối với các vị Thần, cảm ơn các vị Thần đã che chở và cầu mong sự may mắn. Các nghi thức tế lễ của người cổ đại rất đặc biệt về nghi thức và có một quy trình đầy đủ, chi tiết. Trước khi một lễ tế lớn được tổ chức, cần phải chuẩn bị rất nhiều, trong đó, người giao tiếp với thần linh và cầu nguyện thần linh phải bắt đầu trai giới trước ngày tế vài ngày.

Vào ngày tế lễ, tư tế có trách nhiệm tắm rửa, thay quần áo, chủ trì toàn bộ nghi thức lễ tế. Đồng thời, một mặt, tư tế sẽ đại biểu cho con người dâng lễ vật lên thần linh, mặt khác đại biểu cho Thần linh và truyền lời cho con người. Lễ vật dùng để cúng tế thường là thức ăn, trong đó có thịt.

Sau này khi Phật giáo truyền vào Trung Nguyên, thì cũng có dùng rau, quả làm vật tế chay. Từ đây có thể thấy rằng cúng tế trước hết là để con người thực sự thể hiện sự tin tưởng đối với sự hiện hữu của Thần và thành tâm sùng bái Thần.

Với những suy nghĩ thiện lương và những việc làm tốt, con người sẽ được Thần thương xót, sẽ có được môi trường ổn định để hồi phục sức khỏe. Vì vậy văn minh truyền thống của các nước Á Đông đều là kiến lập trên cơ sở tín Thần, và truyền thống tế tự vẫn luôn được lưu truyền tới nay.

Ngoài ra, cùng với Phật giáo Đại thừa du nhập vào phương Đông và phát triển cho đến ngày nay, người dân lần đầu tiên tiếp xúc với Phật giáo thì việc thắp hương lễ Phật là điều đương nhiên. Đó là một hình thức thể hiện sự tôn kính của cổ nhân đối với Thần, với Thiên. Nhưng tới thời mạt Pháp, sự tôn kính của con người đã giảm đi, và nó trở thành một phương thức cầu xin Trời Phật phù hộ, làm ăn phát đạt.

Chúng ta thường nghe nói rằng khi dâng lễ, cúng bái Thần Phật thì phải thành tâm. Tâm thành tất sẽ linh nghiệm. Một số chính giáo của Tây phương như Đạo Thiên Chúa khi cầu nguyện cũng cho rằng, phải thành tâm mới có thể kết giao được với Thần linh. Cổ nhân không nghi ngờ đối với Thần. Khi truyền đạt những lời của trái tim đến Thần, nhất định tâm phải chân thành.

Thời xa xưa, một số người muốn đi vào rừng sâu, núi thẳm để ẩn cư và tu luyện cách biệt với thế gian, mục đích là để tẩy tịnh bản thân, tu luyện viên mãn. Thời đó cũng không có hình thức tôn giáo, càng không có chùa, cũng không có tế bái.

Điều này chẳng phải chứng tỏ rằng bản thân tôn giáo không phải là phương thức để con người tu hành mà trọng điểm là ở nhân tâm. Nhưng trong tôn giáo, nếu nhân tâm ngày càng tốt hơn, thì cũng có thể đạt được mục đích của việc tu hành.

Ngày nay cho dù tôn giáo có biến đổi thế nào, nhưng bản thân tôn giáo không có gì là sai, chỉ là nhân tâm đã thay đổi, ngày càng rời xa Đạo.

Minh An
Theo EarthInn



BÀI CHỌN LỌC

Đệ tử của Phật Thích Ca thần thông quảng đại, tại sao lại bị đọa địa ngục?