Hiền hậu truyện (Kỳ 6): Tuyệt thế giai nhân Tam Quốc tài hoa hiền đức vô thường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người Trung Quốc xưa có câu: "Giang Đông có Nhị Kiều, Hà Bắc Chân thị đẹp”, ấy là để ngợi ca một bậc tuyệt thế giai nhân thời Tam Quốc. Đó chính là Chân phu nhân của Ngụy Văn Đế Tào Phi. Nhưng mặc dù nổi tiếng là một nữ nhân tài hoa hiền đức, Chân thị vẫn không thể tránh khỏi vận mệnh nghiệt ngã vô thường.

Xem lại:
Hiền hậu truyện (Kỳ 5): Khang Hy vì nàng mà tình hoài nhung nhớ

"Thải lan tạp ký" ghi chép rằng: Khi Chân hậu nhập cung Ngụy, trong cung có một con rắn lục, miệng nhả ra châu ngọc màu đỏ. Con rắn không tấn công người, hễ có người lại gần thì sẽ biến mất. Mỗi khi Chân hậu trang điểm, con rắn này lại cuộn lại như hình búi tóc. Chân hậu cảm thấy kỳ lạ bèn cho người búi tóc y như hình mà con rắn bày ra, vô cùng tinh tế khéo léo, có thể nói là “xảo đoạt thiên công”. Các cung nhân bắt chước theo tóc của Chân hậu nhưng không thể bì được độ mỹ lệ. Đó gọi là "Linh xà kế".

Tranh vẽ “Nữ sử châm đồ” - Cố Khải Chi
Chân phu nhân sáng lập kiểu búi tóc “Linh xà kế”. Tranh vẽ “Nữ sử châm đồ” (Ảnh: Public Domain)

“Thử nữ quý nãi bất khả ngôn” (vị nữ nhân này cao quý không thể nói)

Chân thị sinh năm 183 trong một gia đình trâm anh thế phiệt ở Vô Cực, Trung Sơn (nay là huyện Vô Cực, tỉnh Hà Bắc). Nàng là con gái của huyện trưởng Chân Dật, từ nhỏ đã được cha mẹ ân cần dạy dỗ, quản giáo nghiêm khắc.

Lúc ấy có một thuật sĩ xem tướng cho con cháu nhà họ Chân. Sau khi xem xong một lượt, vị thuật sĩ chỉ tay vào Chân thị nói rằng: “Thử nữ quý nãi bất khả ngôn”, nghĩa là vị nữ nhân này cao quý không thể nói.

Đến khi phụ thân qua đời, Chân thị lúc ấy chỉ mới 3 tuổi, nhưng vì tưởng nhớ cha mà khóc òa lên rất thương tâm. Người nhà lấy làm lạ, ai cũng cho rằng tuổi còn nhỏ mà đã trọng tình trọng nghĩa như thế, thực là khác người.

Chân thị xuất thân là dòng dõi thư hương, từ nhỏ đã rất thích đọc sách, ngôn đàm cử chỉ đều mẫu mực quy củ, những trò vui chơi huyên náo đều không hấp dẫn được nàng. Năm Chân thị 8 tuổi, ngoài sân có người cưỡi ngựa múa tạp kỹ, gia nhân và các chị em đều thi nhau lên gác xem cảnh náo nhiệt, chỉ có Chân thị là không đi. Các chị em thấy lạ bèn hỏi, Chân thị chỉ nói: “Nhìn có gì hay đâu, đây không phải là thứ mà con gái nên xem”.

Khi 9 tuổi, Chân thị thường say sưa đọc các sách kinh sử, không ít lần dùng bút lông và đài nghiên của anh trai để viết chữ. Anh trai cười nhạo, nói: “Con gái thì nên học tập nữ công, còn em đọc nhiều sách thế có tác dụng gì, lẽ nào để sau này làm nữ quan sao?”. Chân thị đáp: “Thời cổ đại, những nữ tử hiền đức đều cần học tập kinh nghiệm thành bại của tiền nhân mà tự nhắc nhở bản thân mình. Nếu em không đọc sách, thì lấy gì để mà làm gương?”.

Dân thường vô tội, tội ở ngọc ngà

Những năm cuối thời nhà Hán, liên tiếp nhiều năm mất mùa đói kém, thiên hạ đại loạn. Vì để sống qua ngày, bách tính phải bán đi bảo vật và những thứ có giá trị trong nhà. Nhà họ Chân dư dả lương thực liền nhân cơ hội này thu mua một lượng lớn kim ngân châu bảo.

Lúc ấy Chân thị chỉ mới hơn 10 tuổi nhưng đã khuyên nhủ mẹ rằng: “Lúc loạn thế mà cầu trân bảo thực không phải là chuyện hay. ‘Thất phu vô tội, giữ ngọc có tội’, đây là tham của hại thân. Hiện tại láng giềng quanh đây đều đói kém, còn nhà ta thì đang dư dả, chẳng phải lo đến cái ăn cái mặc. Nếu thừa cơ chiếm lấy tài vật, chẳng sẽ khiến người ta đố kỵ, nói không chừng sẽ chiêu họa sát thân sao? Chi bằng đem lương thực trong nhà đi cứu tế tứ phương, ấy mới là ban phát ân huệ”. Người nhà cho là có lý, sau đó đem lương thực trong phủ phân phát cho lân lý hương thân.

Khi Chân thị 14 tuổi thì anh trai thứ hai qua đời. Chân thị rất thương tâm, thường giúp chị dâu góa bụa chăm lo việc nhà và săn sóc các cháu nhỏ. Nhưng mẹ của Chân thị lại khác, luôn đối xử hà khắc với con dâu mình.

Chân thị bèn khuyên mẹ: “Nhị ca mất sớm, chị dâu trẻ tuổi ở nhà thủ tiết, lại còn phải chăm lo cho các cháu, như thế đã đủ đáng thương lắm rồi. Là mẹ chồng, mẹ cũng nên coi chị ấy như con gái ruột mà yêu thương che chở mới phải”. Mẹ Chân thị vừa cảm động lại vừa thấy hổ thẹn mà rơi lệ, đến lúc này mới thay đổi và quan tâm tới con dâu. Từ đó mẹ chồng nàng dâu cũng càng thêm gần gũi thân mật.

Trước làm dâu họ Viên, sau kết duyên họ Tào

Chân thị lớn lên ngày càng xinh đẹp, tài hoa uyên bác, tú lệ đoan trang. Trong những năm Kiến An, nàng kết hôn với công tử có gia thế hiển hách, đó là Viên Hy - con trai của Viên Thiệu. Sau này Viên Hy phải đi U Châu làm thứ sử, còn Chân thị thì ở lại Nghiệp Thành để phụng dưỡng mẹ chồng là Lưu phu nhân.

Năm 204, con trai trưởng của Tào Tháo là Tào Phi công phá Nghiệp Thành (nay là Hàm Đan, Hà Bắc), kéo quân tiến vào Viên phủ. Chân thị vì quá sợ hãi nên đã úp mặt vào đầu gối Lưu phu nhân mà khóc.

Tào Phi hỏi người này là ai, Lưu phu nhân đáp: “Là thê tử của Viên Hy”. Tào Phi đòi xem mặt, Lưu phu nhân bèn nâng cằm Chân thị, để nàng ngẩng mặt lên. Chân thị lúc ấy đầu bù tóc rối, nhưng dung mạo quả là bậc sắc nước hương trời, khiến Tào Phi xiêu lòng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Lưu phu nhân quay sang nói với Chân thị: “Giờ thì mẹ con ta không lo bị giết rồi!”. Quả nhiên sau đó, Tào Phi dù chỉ 18 tuổi nhưng vẫn nhất quyết kết hôn với Chân thị lúc ấy đã 21 tuổi rồi.

Tào Phi nạp Chân thị
Tranh vẽ “Tào Phi thừa loạn nạp Chân thị” (Tào Phi nhân lúc loạn thế cưới Chân thị) (Ảnh: Public Domain)

Riêng mình sủng ái, đức hạnh hiền lương

Chân thị được Tào Phi vô cùng sủng ái, nàng liên tiếp sinh cho Tào Phi con trai là Tào Duệ, sau này lên ngôi là Ngụy Minh Đế, và con gái là Tào thị, sau này trở thành Đông Hương công chúa.

Một lần, mẫu thân của Tào Phi là Biện phu nhân đổ bệnh nơi đất khách quê người. Chân phu nhân hay tin, nhưng vì đường sá xa xôi nên không thể kịp thời đến chăm sóc, nàng buồn bã đến mức ăn không ngon, ngủ không yên, hai hàng nước mắt cứ chảy dài. Mãi đến khi Biện phu nhân đích thân viết thư về, nói rằng thân thể đã hồi phục thì Chân thị lúc ấy mới thấy nhẹ nhõm trong tâm. Biện phu nhân hiểu được lòng thành của con dâu, cảm động nói: "Thật là một đứa con dâu hiếu thuận!".

Chân phu nhân không chỉ có sắc đẹp khuynh thành mà còn có đức hạnh hiền thục, tấm lòng rộng rãi quảng đại, vô cùng khoan dung đại lượng. Nàng thường nói với Tào Phi: “Phu quân nên nạp thêm những nữ tử xinh đẹp hiền đức mới có thể con đàn cháu đống, có thêm người nối dõi tông đường”.

Tào Phi có rất nhiều thê thiếp, Chân phu nhân đối với họ vô cùng hòa thuận, nàng gìn giữ trong ngoài êm ấm nên rất được mọi người kính trọng. Đối với những người thiếp được sủng ái, nàng luôn khuyên họ nên quan tâm chăm sóc Tào Phi, vì Tào gia mà “thêm cành thêm lá”, sinh thêm nhiều con cháu tử tôn. Nàng cũng an ủi những người thiếp bị lạnh nhạt và khuyên bảo họ đừng nên quá ưu sầu lo lắng.

Nguyên phối phu nhân của Tào Phi là Nhâm thị, vì không cách nào dung nhẫn những người thiếp mới được Tào Phi sủng ái nên thường xuyên tranh cãi, miệng nói ra những lời oán hận khiến cả nhà phải nhiều phen náo động. Tào Phi có ý phế truất Nhâm thị, Chân phu nhân liền khuyên chồng: “Xét về phẩm đức lẫn dung mạo, thiếp đều không thể bì được với chị ấy. Chị ấy xuất thân từ danh gia vọng tộc, thiết nghĩ chàng không nên đuổi chị ấy đi”. Tào Phi nói, Nhâm thị tính tình nóng nảy, không ôn nhu dịu dàng khiến ta không chấp nhận được. Chân phu nhân tiếp tục thỉnh cầu: “Tất cả mọi người đều biết thiếp được nhận ân sủng của chàng, nếu như Nhâm thị bị đuổi đi, thiếp sẽ mang tội, cha mẹ chồng cũng sẽ nói thiếp ích kỷ tự tư, hy vọng chàng có thể nghĩ lại!”. Nhưng Tào Phi không nghe, cuối cùng vẫn phế truất Nhâm thị và lập Chân phu nhân làm chính thất.

Tào Phi
Tranh vẽ Ngụy Văn Đế Tào Phi (Ảnh: Public Domain)

“Đừng vì chuyện tài hoa, quên thứ mình quý mến”

Sau này khi Quách quý nhân và Âm quý nhân đắc sủng, Chân phu nhân theo đó liền bị Tào Phi lạnh nhạt. Văn thơ của nàng phong nhã hoa lệ, đã để lại một tác phẩm lưu truyền hậu thế là “Đường thượng hành” (Đi trên bờ đầm). Bài thơ thể hiện nỗi bi thương ai oán vì bị nghi ngờ ruồng bỏ, đồng thời cũng toát lên tình yêu vô bờ của một người vợ dành cho chồng.

Trong bài có đoạn:

Đừng vì chuyện tài hoa,
Quên thứ mình quý mến.
Đừng vì thịt cá rẻ,
Mà quên tỏi với hành.

Đừng vì đay tơ mềm,
Mà quên gianh với cói.
Bước ra lại khổ sầu,
Bước vào càng thêm khổ.

Biên ải nhiều gió buốt,
Cỏ cây sao rậm rì.
Đi lính mà vui được,
Tuổi thọ dài ngàn thâu.

Nhưng bài thơ này lại không khiến Tào Phi cảm động. Mặc dù Chân phu nhân chúc phúc phu quân “tuổi thọ dài ngàn thâu”, nhưng Tào Phi lại cho là nàng xúc phạm, lại thêm Quách quý nhân xúc xiểm gièm pha. Sau đó Tào Phi đã nổi giận bèn sai người mang chiếu thư ban chết cho Chân phu nhân.

Cũng trong thời gian ấy, Tào Phi mộng thấy một làn khói xanh bay lên trời, bèn nhờ đại thái sư Chu Tuyên giải mộng. Chu Tuyên nói: “Thần e rằng trong thiên hạ sẽ có một bậc nữ nhân cao quý phải chịu chết oan”.

Chân phu nhân
Tranh vẽ Chân phu nhân (Ảnh: Public Domain)

Tào phi chấn động, trong lòng vô cùng hối hận bèn lập tức phái người đuổi theo sứ giả cầm chiếu thư. Nhưng không kịp nữa rồi, Chân phu nhân đã uống rượu độc mà chết, khi ấy nàng vẫn chưa đầy 40. Đó cũng là năm thứ hai Tào Phi đăng cơ. Sau này, Tào Phi lập Quách quý nhân làm hoàng hậu.

Khi hạ táng, Chân phu nhân bị người ta dùng tóc che lấp khuôn mặt, đồng thời nhét đầy cám gạo vào miệng. Theo lễ tang cổ đại, làm như vậy thì âm hồn người chết đến nơi âm tào địa phủ sẽ không thể mở miệng mà kêu oan. Mãi đến sau này, con trai của Chân phu nhân là Tào Duệ lên ngôi, trở thành Ngụy Minh Đế đã truy xét việc này, lúc ấy mới có thể an ủi oan hồn cho mẫu thân.

Cuộc đời của Chân hậu ghi chép trong “Thi nữ sử toản quyển chi tam” (Ảnh: Public Domain)

Chân phu nhân sinh thời không được phong hậu, sau khi chết mới được truy phong thụy hiệu là Văn Chiêu hoàng hậu, được xây dựng tẩm miếu riêng gọi là Văn Chiêu Miếu, đời đời hưởng hương hỏa giống như tổ miếu. Câu dự ngôn “thử nữ quý nãi bất khả ngôn” (vị nữ nhân này cao quý không thể nói) cuối cùng đã trở thành sự thực.

Minh Hạnh
Theo Tần Thuận Thiên - Epoch Times

Tài liệu tham khảo:

“Hán Tấn Xuân Thu”
“Tư trị thông giám”
“Tam quốc chí - Ngụy lược”

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Hiền hậu truyện (Kỳ 6): Tuyệt thế giai nhân Tam Quốc tài hoa hiền đức vô thường