Kẻ trộm báo ân tặng gia chủ bảo địa phong thủy

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Sau đó Trần Ông lại mời thầy phong thủy đến xem mộ. Các thầy phong thủy đều nói, đây là cát địa phong hầu bái tướng. Thế là Trần Ông lựa chọn đá xây mộ, gia thế ngày càng hiển đạt tôn quý. 

Vào triều Minh, Trung Quốc, ở Sơn Tây có vị tên là Trần Ông, gia đạo thanh bần, sống bằng nghề dạy học, ngoài 40 mà vẫn chưa có con. Nhiều năm dạy học, ông tích cóp học phí được bốn, năm mươi lạng bạc. Ông chế thành hơn chục nén bạc. Mỗi tối, dưới ánh đèn, ông vuốt ve những nén bạc, coi đó là một cách giải trí. Vợ ông thường cười ông về việc này, nhưng ông không cho là có gì đáng cười cả.

Trong làng có anh Giáp là con em người cùng họ. Cuộc sống của Giáp rất gian khổ, không biết lấy gì để sống. Giáp vốn biết nhà Trần Ông có chút tích lũy, cũng đã từng trèo tường nhìn trộm, có ý định lấy trộm bạc, nhưng chưa có cơ hội. Một buổi tối, vợ của Trần Ông mở cửa đi vệ sinh, Giáp thừa cơ lẻn vào trong nhà. Anh ta biết rất rõ số bạc giấu ở dưới đệm, vội vàng thò tay lần mò trong bóng tối.

Trần Ông tuy nằm trên giường nhưng vẫn chưa ngủ say, cảm thấy dường như có người đang thò tay lần mò trên giường, liền nhóm lửa ở lò sưởi kiểm tra, thấy anh Giáp là người cùng họ thì kinh ngạc, lập tức tắt lửa đi, hạ giọng hỏi nhỏ: “Cậu làm gì vậy? Sao lại làm việc xấu xa này, khiến tông tộc mất mặt”.

Giáp vừa kinh sợ vừa xấu hổ, trả lời rằng: “Tết nhất đến nơi rồi, cháu vừa đói vừa rét, thực sự đã không còn đường sống nữa rồi nên mới làm việc hạ sách này”.

Trần Ông nói: “Được rồi, ta sẽ tha thứ cho cậu một lần”.

Thế rồi Trần Ông đem tất cả số bạc đã tích cóp được tặng cho Giáp, và nói: “Hãy mau về đi, từ nay về sau hãy tự lo liệu bản thân, lần này ta không nói cho ai biết việc cậu ăn trộm”.

Giáp không kịp cảm tạ, cầm số bạc vội vàng rời đi.

Sau đó Trần Ông lớn tiếng kêu lên: “Có trộm”.

Người vợ nghe thấy vội vàng trở về và hỏi: “Có việc gì?”

Trần Ông nói: “Vừa rồi có trộm lẻn vào nhà, hiện giờ nó đã sợ hãi bỏ chạy rồi, không biết có mất vật gì không?”

Nói rồi, ông bảo vợ thắp đèn đi kiểm tra. Người vợ phát hiện ra tất cả số bạc tích cóp được đã bị mất, cảm thấy vô cùng buồn rầu. Trần Ông an ủi vợ rằng: “Tiền tài được hay mất đều là trong mệnh đã chú định rồi”.

Khi đó, Trần Ông rất khổ tâm vì không có người thừa kế. Nhưng sau đó, vợ ông bỗng nhiên có mang, liên tiếp sinh liền mấy người con trai, gia cảnh cũng dần dần giàu có.

Vợ ông bỗng nhiên có mang, liên tiếp sinh liền mấy người con trai. (Tranh của Lãnh Mai đời Thanh)

Anh Giáp sau khi có được số bạc đó, cần cù tiết kiệm kinh doanh, và trở nên khá giả, mua đất cưới vợ, cưới được cô vợ là người rất hiền thục. Anh thường kể lại câu chuyện xưa với vợ, muốn báo đáp đại đức của Trần Ông, nhưng mãi vẫn chưa có cơ hội.

Một năm nọ, sắp đến thời gian thu hoạch lúa, để phòng việc trộm lúa, ban đêm Giáp trở dậy đi tuần. Khi đó ánh trăng vằng vặc chiếu sáng nhân gian, sáng như ban ngày. Giáp nhìn thấy có 2 người trên con đường nhỏ giữa cánh đồng đang đi vội vã, cho rằng đó là kẻ trộm lúa, bèn lặng lẽ theo dõi. Tuy nhiên, anh nghe thấy hai người trao đổi với nhau. Một người nói: “Ở chỗ này”.

Còn người kia nói: “Không đúng, không đúng, tôi xem chính xác nhất, phải là chỗ này, không phải ở đó. Nếu anh không tin, có thể cắm một cành cây ở chỗ này, nếu sau 10 ngày mà cành cây không khô héo, thì có thể kiểm nghiệm được thật hay là giả”.

Người kia nói: “Thế cũng được”, và bẻ một cành cây cắm xuống đất. Sau đó cả hai người rời đi.

Anh Giáp lúc này mới biết, thì ra hai người này là thầy phong thủy, vì đi tìm cát huyệt phong thủy mà đến đây. Anh vội vàng đi đến chỗ cắm cành cây, thì ra là mảnh đất anh mới mua, nên anh càng để tâm quan sát. Quả nhiên sau 10 ngày, cành cây vẫn không bị khô héo. Giáp vui mừng lắm, trở về bàn với vợ rằng, chuẩn bị đem hài cốt cụ tổ cải táng ở mảnh đất ấy. Vợ anh ngăn lại, nói rằng: “Chúng ta là những người dân thường, đột nhiên có được miếng đất phong thủy tốt, e rằng phúc đức chúng ta không đủ, khó mà thụ nhận được. Anh thường xuyên nói muốn báo đáp đại đức của Trần Ông. Nghe nói nơi an táng mộ tổ của Trần Ông có phong thủy không tốt, ông ấy đang tính cải táng. Chi bằng tặng miếng đất này cho ông ấy, mộ tổ của chúng ta an táng ở bên cạnh là được rồi”.

Giáp nói: “Nàng nói rất đúng, nhưng Trần Ông là bậc trưởng giả trung hậu, nếu nói rõ là tặng thì ông ấy nhất định sẽ không nhận, làm thế nào đây?”

Hai vợ chồng suy nghĩ rất lâu, bỗng Giáp nhảy lên, vỗ lưng vợ, cười và nói rằng: “Tôi có cách rồi. Trước đây Trần Ông an táng mộ tổ, đào huyệt không sâu. Khi đó tôi tận mắt trông thấy. Thừa lúc đêm khuya vắng vẻ, hai chúng ta di dời mộ cho ông ấy, sau đó lại lấp đất lại mộ cũ, không để cho Trần Ông biết. Thế này chẳng phải là được việc đó sao?”

Người vợ nói: “Hay”.

Thế là hai người làm như đã bàn, công việc xong xuôi mà Trần Ông không hề hay biết.

Một năm sau, Trần Ông có cháu nội, đặt tên là Trần Kính. Sau này Trần Kính được Hoàng đế Thuận Trị triều Thanh ban cho tên chữ là Đình, nên đổi tên là Trần Đình Kính. Quả nhiên, Trần Kính tuổi trẻ đã thi đỗ, 20 tuổi đỗ tiến sĩ, được tuyển làm Thứ cát sĩ, được ban chức Kiểm thảo của Mật thư viện, và đã từng dạy Hoàng đế Khang Hy.

Năm Khang Hy thứ 14 (năm 1675), Trần Kính được ban chức Nội các Học sĩ, Kinh diên Giảng quan, Lễ Bộ Thị lang, sau lên đến chức Tả đô Ngự sử, Thượng thư Bộ Công và Bộ Hộ.

Năm Khang Hy thứ 42 (năm 1703), Trần Kính được bổ nhiệm làm Văn uyên các Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Lại, đảm nhiệm Tổng tu quan, biên soạn “Khang Hi tự điển”.

Năm Khang Hy thứ 51 (năm 1712), Trần Kính bệnh qua đời, hưởng thọ 75 tuổi, được ban thụy hiệu là Văn Trinh.

Năm Trần Ông 100 tuổi, ông vẫn có tinh thần mạnh khỏe. Mỗi năm vào ngày tế lễ Xuân, Thu, ông vẫn cử hành tế lễ tại ngôi mộ cũ. Tất cả những thầy phong thủy và thuật sĩ nhìn thấy huyệt mộ này đều nói rằng, đất này thì con cháu không phát. Có người còn bày cho Trần Ông rằng, nhà anh Giáp có mảnh đất phong thủy tốt nhất, nếu muốn cải táng thì đó là mảnh đất lý tưởng nhất.

Trần Ông cũng muốn có được mảnh đất đó để cải táng, nhưng vì chuyện xưa, e ngại Giáp sẽ suy nghĩ, nên áy náy không nói ra, đành phải lựa chọn những chỗ khác, nhưng các thầy phong thủy đều nói là không tốt. Bất đắc dĩ, Trần Ông đành nhờ người đánh tiếng, ướm thử ý anh Giáp thế nào. Anh Giáp cười và nói: “Nếu là như vậy, thế thì tôi đã cải táng mộ huyệt nhà Trần Ông vào chỗ đó từ lâu rồi”.

Thế là anh Giáp đem toàn bộ đầu đuôi câu chuyện nói với người đó, và nhờ ông ta chuyển lời đến Trần Ông. Trần Ông vô cùng cảm kích, đích thân đến cảm tạ, và thù lao hậu hĩ, nhưng anh Giáp không nhận.

Sau đó Trần Ông lại mời thầy phong thủy đến xem mộ. Các thầy phong thủy đều nói, đây là cát địa phong hầu bái tướng. Thế là Trần Ông lựa chọn đá xây mộ, gia thế ngày càng hiển đạt tôn quý.

Sau đó mấy năm, Trần Đình Kính được ban chức Văn uyên các Đại học sĩ kiêm Thượng thư Bộ Lại, quả nhiên đúng như lời các thầy phong thủy đã nói.

(Nguồn: Sách “Lý thừa” của Hứa Phụng Ân, đời Thanh)

Theo Thái Nguyên - Epoch Times
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Kẻ trộm báo ân tặng gia chủ bảo địa phong thủy