Khả năng gọi món ăn tiết lộ chỉ số EQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có một câu nói rằng: Nếu có cách nào nhanh nhất có thể nói lên chỉ số EQ (chỉ số cảm xúc) của một người, thì đó là cách gọi đồ ăn.

Nhiều sự việc trong đời người là được thể hiện tại bàn ăn. Khi một người gọi món ăn, người đó có cân nhắc tới sở thích của người khác không? Họ có hỏi liệu đối phương kiêng ăn món gì không? Liệu có tôn trọng thói quen ăn uống của đối phương không? Mọi chi tiết đó có thể phản ánh ra sự tu dưỡng và phẩm chất của một người.

Gọi món ăn tưởng chừng là một chuyện rất nhỏ, nhưng nó phản ánh rất rõ tính cách và đẳng cấp xã hội con người.

Khi tôi mới bước vào xã hội, lên thành phố làm việc, tôi thường ăn trưa với ba đồng nghiệp khác cùng làm trong công ty.

Mai Lan là người thành phố và có gia cảnh rất tốt. Mỗi khi đi ăn cùng nhau, cô ấy không bao giờ nhìn giá cả và thường gọi rất nhiều món đắt tiền. Điều này cũng dẫn đến vấn đề khi mọi người chia nhau tiền ăn, số tiền đều vượt xa ngân sách cho một bữa trưa. Các đồng nghiệp có ý nhắc nhở cô ấy rằng bữa ăn trưa nên đơn giản chút sẽ tốt hơn, không cần ăn những món đắt tiền.

Đánh giá EQ của một người có cao hay không, có thể nhìn vào cách người đó gọi món ăn. (Ảnh: pexels)

Nhưng sau vài ngày, Mai Lan vẫn y như cũ, cứ làm theo ý cô ấy, gọi đồ ăn theo ý muốn bản thân, chẳng hề quan tâm mức giá có phù hợp với các đồng nghiệp khác hay không. Cuối cùng, các đồng nghiệp không bao giờ đi ăn trưa cùng với cô ấy nữa.

Mức độ kinh tế của mỗi người là khác nhau, khi gọi món ta cần cân nhắc xem người khác có thích món ăn nào đó hay không, cũng như giá cả có hợp với túi tiền của người khác hay không.

Do đó, để đánh giá EQ của một người có cao hay không, có thể nhìn vào cách người đó gọi món ăn.

Cô tôi là một người rất giỏi trong gọi món ăn. Mỗi khi gia đình tụ họp đi ăn, cô luôn có thể đáp ứng được nhu cầu của mọi người.

Ví dụ, bà nội đeo răng giả, không ăn được đồ quá cứng, thì cô sẽ gọi cho bà món ăn mềm như mì, bánh bao. Hay như chú của tôi không thích ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ và nhiều vị, nên cô thường gọi một số món súp và rau. Với người chị họ bị dị ứng với hải sản, cô sẽ dặn kỹ người phục vụ không cho các nguyên liệu hải sản vào món ăn...

Cô tôi hầu như nhớ được khẩu vị và sở thích của mọi người, khi gọi món thì vừa đa dạng vừa làm mọi người hài lòng, ăn uống rất thoải mái, dễ chịu. Sau này, mỗi lần đi ăn ở ngoài, mọi người đều yên tâm để cô tôi gọi đồ ăn.

Cô tôi hầu như nhớ được khẩu vị và sở thích của mọi người, khi gọi món thì vừa đa dạng vừa làm mọi người hài lòng, ăn uống rất thoải mái, dễ chịu. (Ảnh: pexels)

Quả đúng như câu nói nhìn vào chi tiết thấy trình độ.

Đừng xem việc gọi món ăn chỉ là chuyện nhỏ, chính là qua những chi tiết này trong cuộc sống hàng ngày mà có thể bộc lộ rõ ​​nhất trí tuệ cảm xúc của một người. Những người có EQ thấp chỉ quan tâm đến bản thân khi gọi đồ ăn và không biết cân nhắc tới cảm xúc của người khác.

Đối với những người có EQ cao, khi gọi đồ ăn sẽ đặt lợi ích của người khác lên trước và kết hợp đúng món ăn để mọi người có thể ăn uống vui vẻ.

Người có EQ cao, khi gọi đồ ăn sẽ đặt lợi ích của người khác lên trước để mọi người có thể ăn uống vui vẻ. (Ảnh: pexels)

Có một câu nói hay rằng: “Ngôn hành, cử chỉ, lễ nghi khí độ, nhân cách và sự hấp dẫn của một người sau khi trưởng thành phụ thuộc vào phẩm cách của người đó. Khả năng giải quyết công việc, kỹ năng xã hội và giá trị con người cũng bắt nguồn từ phẩm cách”.

Phẩm cách của một người như thế nào có thể được nhìn thấy ngay từ những vấn đề nhỏ nhặt như gọi đồ ăn.

Một ngày cuối tuần, tôi đi ăn đồ Thái với một người bạn. Khi gọi món, tôi hỏi cô ấy muốn ăn gì thì cô ấy nói: “Tuỳ theo cậu, mình ăn gì cũng được”.

Thế là tôi gọi một món nguội và hai món nóng, tưởng chúng tôi sẽ có bữa ăn no nê ngon lành, nhưng món ăn vừa dọn ra, mặt cô nàng lập tức “sầm sầm”. Cô ấy nói trong 3 món không có món nào cô ấy thích, cắn vài miếng là không muốn ăn, cô ấy đặt đũa lên bát rồi ngồi đó và bắt đầu chơi điện thoại. Còn tôi thì xấu hổ vô cùng, không biết nên ăn tiếp hay kết thúc càng sớm càng tốt.

Khi gọi món, người có thói quen ‘tuỳ ý’ đối phương nhưng thực chất là không muốn chủ động nghĩ ra, đẩy phiền phức cho người khác. (Ảnh: pexels)

Thực ra, khi gọi món, người có thói quen ‘tuỳ ý’ như thế, thường không hẳn là thực sự muốn ‘tuỳ’ để người khác gọi, mà vì họ quá lười biếng, không chủ động nghĩ ra, đẩy phiền phức cho người khác, để đối phương đoán khẩu vị của mình. Họ dường như nhường quyền chủ động cho người khác, nhưng sau đó lại thích tìm ra lỗi.

Quá bị động đôi khi cũng là biểu hiện của sự ích kỷ.

Trong kỳ nghỉ, Lệ Hoa đã có một bữa ăn với một vài người bạn. Mọi người đều là con gái, thường chiều ý nhau và trước khi gọi món đều hỏi ý kiến ​​của mọi người trong nhóm. Ví dụ, có ai phải kiêng món nào không? Thích ăn nhạt hơn hay cay hơn? Có thể ăn được hành, gừng và tỏi không?

Nhưng chỉ có cô bạn tên Quyên thì khác, khi gọi món thì thích chiếm vị trí chủ đạo, nếu cô nghĩ thịt nướng ngon thì sẽ ra sức bảo mọi người nên gọi thêm, mà còn thêm hai đĩa nữa, nghe cô giới thiệu thì mọi người cũng đồng ý.

Sau đó, khi ăn, mọi người uống hết súp, đồ ăn kèm gọi ra cũng gần giống nhau, thịt nướng tuy ăn với nước sốt nhưng vẫn tương đối khô, cuối cùng mọi người cũng chỉ ăn hết một đĩa thịt và thừa nguyên cả đĩa, đành phải gói mang về.

Trình độ gọi món ăn của một người không chỉ tiết lộ phẩm cách của một người, mà từ đó còn cho thấy tầng thứ của họ. (Ảnh: pexels)

Qua cách gọi món có thể thấy, cô bạn Quyên có hơi chút mạnh mẽ và độc đoán, cô chọn gọi món mình thích và không để ý tới số lượng. Trong các giao tiếp xã hội, những người như Quyên thường khiến mọi người cảm thấy bị áp đặt và cuối cùng cô ấy sẽ bị xa lánh. Do đó, trình độ gọi món ăn của một người không chỉ tiết lộ phẩm cách của một người, mà từ đó còn cho thấy tầng thứ của họ.

Như có một câu nói: “Phẩm cách của một người là sức mạnh bên trong, và sự tồn tại của nó có thể trực tiếp phát huy tác dụng, thậm chí quyết định hướng đi của cuộc đời bạn”.

Trên mạng xã hội có một mẩu tin tức như sau: Một cặp đôi đi du lịch tới một danh lam thắng cảnh ở Trùng Khánh, nhưng họ đã đánh nhau trước cổng danh thắng và cảnh sát được gọi đến. Sau khi tra hỏi, mới vỡ lẽ ra rằng họ đang ăn trong khu thắng cảnh, cô bạn gái ăn chưa no và muốn gọi thêm món ăn, nhưng người bạn trai đã ngăn cản thô bạo, không cho bạn gái gọi món. Cả hai không chỉ xảy ra tranh cãi, thậm chí còn động tay động chân.

Gọi đồ ăn nhìn ra bản chất của con người, và cách một người gọi đồ ăn không thể tách rời khí chất của người đó. Một người thật sự có giáo dưỡng, có tính cách tốt sẽ không ngăn bạn gái gọi đồ ăn khi ăn chưa no, lại càng không vì chuyện thế này mà ra tay đánh nhau.

Những gì bạn gọi trong bữa ăn không chỉ đơn giản là thức ăn, mà là cảm xúc đúng mực, là trí tuệ cảm xúc, là sự tôn trọng và quan tâm đến mọi người. (Ảnh: pexels)

Cũng như có một câu trong “Lời nhắn nhủ đến tuổi trẻ” được viết như thế này: Sự giáo dưỡng không phải là điều có thể dễ dàng mua từ nơi khác và gắn lên thân người, mà là đức hạnh thấm sâu từ bên trong sinh mệnh bản thân mỗi người.

Những gì bạn gọi trong bữa ăn không chỉ đơn giản là thức ăn, mà là cảm xúc đúng mực, là trí tuệ cảm xúc, là sự tôn trọng và quan tâm đến mọi người.

Gọi món là một môn khoa học, người có thể gọi món là người biết cách quan tâm đến khẩu vị của mọi người, đáp ứng nhu cầu của mọi người và làm cho mọi người ăn thoải mái và thú vị.

Một người như vậy đáng tin cậy khi làm việc, có thể suy nghĩ về vấn đề từ quan điểm của người khác và năng lực xã hội không hề kém.

Vì vậy, đừng đánh giá thấp người có thể gọi đồ ăn bên cạnh bạn, trình độ gọi món trực tiếp thể hiện trình độ của một người.

Minh An

Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Khả năng gọi món ăn tiết lộ chỉ số EQ