Khi bậc thầy bói toán cũng bó tay trước định mệnh, đại gia trông đợi gì ở thật giả tâm linh?

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Xưa kia, đã từng có nhiều bậc thầy Kinh Dịch, bói toán, chiêm bốc nhìn thấy trước cái kết cục bi thảm của mình mà không thể cưỡng lại số mệnh. Lại có những kẻ quyền thế rắp tâm chiếm được đất đẹp về phong thủy mà vẫn tán gia bại sản, thân bại danh liệt. Sách cũ chép rằng…

Đại gia và niềm tin “tâm linh”

Đại gia là khác người, khác biệt dễ nhận thấy là lòng tự tin, tự tin tuyên bố và tự tin thực hiện. Thực ra tự tin là một phẩm chất tốt, nhưng nhiều đại gia sa vòng lao lý còn tự tin phạm pháp và tự tin làm những việc bất chính, như vậy là quá đà mất rồi.

Cái gì đã cho họ lòng tự tin ấy?

Sức mạnh của đồng tiền trong thời đại kim tiền;
Quan hệ bè phái và sự nâng đỡ của các thế lực;
Tài năng của bản thân;
May mắn khó lý giải mà họ đã tự thân được trải nghiệm trong suốt cuộc đời;

Và sự an tâm vì đã có thế lực “tâm linh” che chở

Bởi vậy, nhiều đại gia làm ăn bất chính vẫn đi chùa, cúng dường, ăn chay, tin vào bói toán, có người tin vào bùa chú, phù thủy, có người cúng vái khắp nơi, trấn yểm đủ kiểu… và hầu hết họ đều tin vào phong thủy. Khỏi cần nói đến số tiền khổng lồ họ chi vào việc thiết kế nơi ở, nơi làm việc hay sinh hoạt “tâm linh”… sao cho hợp với phong thủy.

Dương trần có tiền bạc, quan hệ; âm giới có phong thủy, “tâm linh”, che trên đỡ dưới, thế mới yên tâm để “vẫy vùng”.

Hãy lấy một ví dụ nhỏ. Trên những siêu xe mà họ sở hữu có thể tìm thấy vô vàn chi tiết chứng tỏ cho niềm tin “tâm linh” ấy. Nào là màu xe phải hợp mệnh hợp tuổi, nếu không thì phải sơn lại, hoặc có người dát vàng; biển số cũng phải là biển đẹp, “tứ quý”, “ngũ quý”, “lộc phát phát” (688), “san bằng tất cả” (6789)... vật dụng phong thủy treo xe hơi cũng vậy, từ màu sắc, chất liệu, hình dáng, ý nghĩa… phải giúp sở hữu chủ hưng vượng.

Nhưng gần đây có người thống kê rằng, nhiều đại gia gắn bó với thương hiệu xe siêu sang Rolls Royce của Anh Quốc đã vướng vòng lao lý, thắc mắc liệu Rolls Royce có là rủi ro về mặt tâm linh?

Bánh Cuốn, Royce, Cuộn Royce, Ô Tô, Xe Cô Dâu
Liệu Rolls Royce có là rủi ro về mặt tâm linh? (Ảnh: Pixabay)

Thực ra chẳng phải tại xe Rolls Royce, cũng không phải vì niềm tin tâm linh khiến họ phải ngồi tù. Lý do trên bề mặt là vì họ phạm pháp, nguyên nhân cội nguồn là điều từ từ chúng ta sẽ phân tích. Nhưng xem phong thủy, tử vi, bói toán, cúng vái, trấn yểm v.v. dẫu có ứng nghiệm cũng chẳng lâu dài, dường như không giúp được gì nhiều trước an bài của định mệnh nếu bản thân đương sự không có sự thay đổi căn bản về tâm tính. Xưa kia, đã từng có nhiều bậc thầy Kinh Dịch, bói toán, chiêm bốc nhìn thấy trước cái kết cục bi thảm của mình mà không thể cưỡng lại số mệnh. Lại có những kẻ quyền thế rắp tâm chiếm được đất đẹp về phong thủy mà vẫn tán gia bại sản, thân bại danh liệt. Sách cũ chép rằng…

Chiếm được phong thủy bảo địa vẫn thân bại danh liệt

Một phú ông họ Từ sống ở huyện Thiệp, tỉnh An Huy vào thời nhà Thanh rắp tâm tìm một nơi phong thủy bảo địa để táng hài cốt của thân nhân vào đó. Một lần tình cờ ông ta biết được nơi ở của một tiều phu chính là mảnh đất ông ta cần. Nhưng người tiều phu nhất quyết không bán đất, phải làm sao đây?

Một kẻ chân tay họ Chu đã bày mưu cho họ Từ kết thông gia với người tiều phu, sau đó mời vợ chồng tiều phu chuyển đến ở nhà mình cho đầm ấm. Khi đã chiếm được cảm tình của thông gia, họ Từ mới đề cập lại câu chuyện mảnh đất. Lúc này người tiều phu vui vẻ biếu không mảnh đất ấy cho họ Từ. Ông ta hí hửng táng hài cốt thân nhân mình vào đó, khi đào sâu xuống ba thước đất thì thấy một tấm bia đá bị khuyết một góc, trên mặt bia viết: “Cư thử tuyệt, táng thử cát” (Cư trú ở đây thì nghèo khổ tuyệt tử tuyệt tôn, mai táng ở đây thì may mắn tốt lành).

Họ Từ sau đó phất lên nhanh chóng, tiền bạc nhiều ức vạn, con cái đỗ đạt, gia thế lẫy lừng. Nhưng người con trai thứ ba - con rể lão tiều phu, thì hư hỏng đàng điếm, rước kỹ nữ về làm thiếp, bạc đãi vợ. Người vợ anh ta đành thưa chuyện với ông Từ, lại bị ông ta mỉa mai nhục mạ, người thiếp kỹ nữ được thể càng hống hách, hãm hại cô.

Người vợ đau khổ, héo hon rồi chết, mẹ cô thương con cũng chết theo. Người cha tiều phu đau khổ quay về ngôi nhà cũ nay đã thành sinh phần nhà họ Từ, rồi gục chết ở đó.

Một hôm sét đánh trúng mộ huyệt nhà họ Từ khiến ông ta phải sửa sang lại phần mộ, lần này khi đào sâu xuống lại bắt được một mảnh bia đá trên đó khắc dòng chữ: “Nghĩa tắc cát, bất nghĩa tắc tuyệt” (Người có nghĩa thì được may mắn cát tường, kẻ bất nghĩa thì tuyệt tử tuyệt tôn). Chính là phần khuyết thiếu của tấm bia đá năm xưa.

Sau đó thì sao? Các con trai của họ Từ đều chết hết vì nhiều lý do, gia đình ông Từ tán gia bại sản, tuyệt tử tuyệt tôn. Ông Từ này cuối cùng tha hương, cô độc, chết trong nghèo đói. Còn tên họ Chu đã bày mưu cho ông ta thì nhìn thấy ông lão tiều phu hiện về nên hoảng loạn hộc máu mà chết.

Đại thần Kinh Phòng tinh thông Kinh Dịch và cái chết được nhìn thấy trước

Thời Hán Nguyên đế triều Tây Hán, có Kinh Phòng là một bậc thầy về Kinh Dịch. Ông học Dịch ở Tiêu Diên Thọ người nước Lương, rồi lại học thêm được từ một ẩn sĩ nữa.

Tại sao chỉ nhìn tinh tú trên trời mà biết được hoạ phúc, thịnh suy của nhân gian? - DKN News
Ông học Dịch ở Tiêu Diên Thọ người nước Lương, rồi lại học thêm được từ một ẩn sĩ nữa. (Ảnh: Tổng hợp)

Phòng đã học được đến chỗ tinh yếu của Tiêu Diên Thọ, rất giỏi việc tiên đoán các tai biến dị thường căn cứ trên các quẻ Dịch và hiện tượng gió mưa, nóng lạnh v.v. nhiều lần dâng sớ cho Hán Nguyên Đế nói về các việc ấy và đều ứng nghiệm, rất được Hán Nguyên đế tin cẩn, trọng dụng, thường triệu kiến để hỏi các việc. Phòng lại chủ trương việc xét tuyển quan lại phải dựa vào thành tích trong công việc, chứ không phải dựa vào miệng lưỡi khen chê của những kẻ có ảnh hưởng đến triều đình.

Thời đó, có Trung thư lệnh là Thạch Hiển vào hùa với Thượng thư lệnh Ngũ Lộc Sung Tông chuyên quyền ở triều đình. Kinh Phòng thường gặp Nguyên đế lúc nhàn rỗi để bàn về cái nguyên nhân trị, loạn của các đời, và cuối cùng đều dẫn đến vấn đề nhân sự, nói rõ ràng cặn kẽ đến cực điểm. Hán Nguyên đế cũng hiểu rằng Phòng muốn ám chỉ đến phe đảng của Thạch Hiển lộng hành ở triều đình, nhưng ông ta nhu nhược không dám quyết.

Thạch Hiển và Ngũ Lộc Sung Tông biết được, rất căm hận Phòng, kiến nghị đẩy Phòng đi xa làm Thái thú Ngụy Quận. Phòng cũng biết việc ấy, thỉnh Nguyên đế rằng: “Hết năm, xin được ngồi xe trạm dịch về tấu báo việc” (1). Nguyên đế đồng ý. Cẩn thận hơn, Phòng dâng thư dán kín rằng:

“Sau khi thần rời kinh, lo sợ bị đại thần nắm việc ngầm hại, thân chết mà công chẳng thành, cho nên mong hết năm được ngồi xe trạm dịch về tấu báo việc, may được chúa thượng thương xót đồng ý. Thế rồi vào ngày Tân Tỵ, theo quẻ bói thì mây ám gió loạn che trùm, vầng thái dương ảm đạm, đấy là điềm báo đại phu che khuất Thiên tử mà chúa thượng tỏ ý hoài nghi vậy. Trong khoảng hai ngày Kỷ Mão, Canh Thìn, nhất định có người ngăn trở thần, khiến thần không thể ngồi xe trạm dịch về tấu báo việc.” (2)

Phòng chưa xuất phát, Nguyên đế sai người viết chiếu ngăn Phòng không được ngồi xe trạm dịch về tấu việc. Phòng càng sợ hãi. Mùa thu năm ấy, Phòng đi đến Tân Phong, nhờ người chuyển dâng lên Nguyên đế một phong thư dán kín khác, viết rằng:

“Lúc trước, vào trung tuần tháng 6 thần nói về ‘quẻ Độn’ chưa ứng nghiệm, phép chiêm bốc nói: ‘Người có đạo thuật mới rời đi, khí trời lạnh lẽo, nước suối vọt trào thành tai họa.’ Đến tháng bảy, nước suối vọt trào. Đệ tử của thần là Diêu Bình bảo thần rằng: ‘Ngài có thể gọi là người hiểu rõ đạo thuật, chưa thể gọi là người tin đạo thuật vậy. Ngài nói về các tai biến dị thường, chưa từng không ứng nghiệm. Nay nước suối vọt trào, người có đạo thuật sẽ bị ruồng đuổi mà chết, còn nói gì được nữa?’ Thần nói: ‘Bệ hạ là người chí nhân, đãi ta rất hậu, dẫu được nói mà chết, ta vẫn muốn nói.’ Bình lại nói: ‘Ngài có thể gọi là hạng tiểu trung, chưa thể gọi là hạng đại trung vậy. Khi xưa thời nhà Tần, Triệu Cao chấp chính, có người tên là Chính Tiên, vì chê trách Cao mà chết, cái uy của Cao từ đấy thành, duyên do mối loạn của nhà Tần, là do Chính Tiên thúc đẩy vậy.’ Nay thần được ra ngoài làm Quận thú, lấy việc khảo hạch chính tích làm trách nhiệm của mình, chỉ sợ chưa kịp dốc sức báo đáp đã chết, mong Bệ hạ không để cho lời dự báo cái vạ nước suối vọt tràn của thần chứng nghiệm, khiến thần phải chết như Chính Tiên, bị Diêu Bình cười chê.” (3)

Kinh Phòng đến huyện Thiểm, lại dâng thư dán kín nói rõ các lý lẽ mà mình bị ám hại, chứng minh bằng các điềm mây ám gió loạn bao trùm, mặt trời ngày càng âm u. Phòng đi được hơn một tháng, rốt cuộc bị triệu về tống giam vào ngục, rồi tiếp tục bị vu vạ, cuối cùng bị chém vứt xác ngoài chợ, vợ con bị đày ra biên ải.

Thời Kinh Phòng còn học Kinh Dịch của Tiêu Diên Thọ, Thọ vẫn thường nói:

“Học được cái đạo của ta mà mất mạng, là Kinh sinh vậy”. (4)

Vì sao công phu phong thủy mà vô ích, biết trước số phận vẫn tiêu vong?

Văn hóa truyền thống đề cao chữ “Đức”. Hiểu được chữ “Đức” này, sẽ hiểu được nguyên nhân của thịnh suy, thành bại của đời người, của dòng họ. Đức là một trong những nguyên lý gốc rễ của vũ trụ thể hiện ở thế gian con người.

Làm thế nào có được Đức? Làm việc thiện thì có đức, nên người xưa nói “hành thiện tích đức”. Chịu khổ cũng giải được bớt nghiệp, cũng tức là tích được thêm đức, vì đức và nghiệp là ngược nhau. Vậy mới có câu nói: “khổ tận cam lai”.

Đức chẳng phải chỉ tích trong một đời, nghiệp cũng vậy, đức và nghiệp tích tụ qua các đời như phù sa bồi tụ bờ sông, theo sinh mệnh như hình với bóng.

Tu dưỡng đạo đức là con đường ngắn nhất để đi đến thành công
Đức chẳng phải chỉ tích trong một đời, nghiệp cũng vậy, đức và nghiệp tích tụ qua các đời như phù sa bồi tụ bờ sông, theo sinh mệnh như hình với bóng. (Ảnh: Epoch Times)

Có đức - có tiền; có đức - có địa vị quyền lực. Người ta vẫn gọi những người không có tài mà giàu có, danh nổi, có địa vị, vinh hạnh… là những kẻ may mắn, nhưng thực ra là vì họ đời này qua đời khác tích được nhiều đức, tài năng không phải yếu tố quyết định, chuyện may mắn là không tồn tại, chẳng qua chỉ là cách lý giải khi không thể lý giải.

Trong danh tác “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, khi lập di chúc gửi các con, tiên chủ Lưu Huyền Đức viết: “Chớ thấy điều ác nhỏ mà cứ làm, chớ thấy điều thiện nhỏ mà không làm! Có hiền có đức, mới phục được lòng người, đức của cha con mỏng manh, chớ nên bắt chước…” (5). Người xưa luôn nhấn mạnh vai trò của chữ “Đức” và coi đó là tài sản lớn nhất dành cho hậu thế. Đức là nguồn năng lượng, dù nó không dễ nhìn thấy như những thứ thủ thuật như toán mệnh, phong thủy và những thuật tương tự.

Phú ông họ Từ làm việc thất đức, thì thuật phong thủy cũng vô dụng, vì đã mất đi nguồn năng lượng có thể chuyển hóa thành tài vận, hưng vượng.

Nhưng đại thần Kinh Phòng nói lời trung trực, làm việc ngay thẳng sao vẫn không thay đổi được số phận? Vì cần phải xét trong bối cảnh lớn hơn của triều đại mà lời nói của ông nhắm đến.

Một triều đại muốn thay thế một triều đại khác, phải chứng tỏ được Đức lớn trời ban, mới có thể quy phục quần chúng để lên ngôi chính thống. Do vậy mới có thuyết “Ngũ Đức thủy chung” của Trâu Diễn thời Chiến Quốc. “Ngũ Đức” là 5 đức theo Ngũ Hành, “thủy chung” là tuần hoàn không dứt.

Khi đức suy thì triều đại đó cũng suy tàn và sẽ bị thay thế bằng triều đại khác có Đức lớn xứng đáng hơn.

Ở thời điểm Hán Nguyên đế chấp chính, đức của triều Tây Hán đang trên đà suy sụp, bản thân Hán Nguyên đế cũng không làm được gì nhiều để cứu vãn sự suy tàn đó. Nên Kinh Phòng dẫu có thần cơ diệu toán cũng vô dụng, không thể cải sửa Thiên ý.

Lời can gián của Kinh Phòng phải đặt trong bối cảnh chi phối lớn hơn là khí số của triều Tây Hán. Giả sử lời của Kinh Phòng được Hán Nguyên đế tiếp thu và thực hiện thành công, thì nguyên tắc gốc rễ của vũ trụ đã bị phá vỡ, điều này là không thể có.

Cũng tương tự như Gia Cát Lượng thần cơ diệu toán phò tá Lưu Huyền Đức là người có Đức lớn, lại có văn thần võ tướng tài năng, nhưng khí số họ Lưu đã hết, tức là Đức của Hán triều đã hết, thì những lợi thế đó cũng chỉ giúp Lưu Huyền Đức kéo dài thêm chút thời gian cho họ Lưu trước khi nhà Thục Hán của ông bị thôn tính mà thôi. Mà tất cả những điều này đã được Gia Cát Lượng tiên đoán hết rồi.

Kinh Phòng muốn toàn mạng phải có đức dày, Hán Nguyên đế muốn kéo dài vận mệnh Hán triều, bản thân cũng phải có đức lớn, và họ cũng phải nỗ lực sửa đức như các minh quân hiền thần đời trước, việc này còn phải xem tâm thái của họ có muốn hay không. Còn như theo đuổi các biện pháp kỹ thuật như dùng bói toán, phong thủy v.v. cũng chỉ là tiếp tục đi theo định số mà thôi. Điều này, thầy Diên Thọ và trò Diêu Bình của Kinh Phòng đã nói trước rồi.

Trừ bỏ quan tham, giúp đỡ dân chúng, tiến cử người trung thiện… hổ dữ tự bỏ đi

Những năm Vĩnh Bình triều Đông Hán (thế kỷ 1 sau CN) ở quận Cửu Giang nhiều hổ dữ gây hại cho dân, thường phải tuyển mộ người đặt cạm bẫy, nhưng vẫn có nhiều người bị hại. Thái thú Cửu Giang là Tống Quân gửi công văn xuống các huyện thuộc rằng:

“Vùng Giang, Hoài có mãnh thú, cũng như đất bắc có gà, lợn vậy, nay hổ gây hại cho dân, lỗi ở quan lại tàn bạo, lại khiến người phải lao nhọc chăng bắt, đấy không phải là cái gốc của việc thương xót lo lắng cho dân vậy. Việc cốt yếu lúc này là trừ bỏ kẻ gian tham, nghĩ xét tiến cử người trung thiện, có thể trừ hết được cạm bẫy, bỏ bớt thuế khóa”. (6)

Bản thân Tống Quân chăm chỉ quan vụ, nghe ngóng dân tình, cắt bỏ hết những chức quan thừa thãi vô tích sự hay gây phiền nhiễu cho dân. Từ đó bách tính an cư lạc nghiệp, hổ dữ cũng bỏ đi đâu không biết.

Vua Trung Tông triều Thương sửa đức mà giải được điềm gở

Thời vua Trung Tông Thái Mậu của triều Thương xuất hiện một hiện tượng dị thường, một cây dâu (tằm) và một loài cây dại cùng nhau mọc giữa điện triều, trong một đêm mà to như đại thụ. Trung Tông thấy vậy lo sợ, liền vấn kế Y Trắc.

Y Trắc tâu rằng: “Dâu và cây dại hai loại này vốn dĩ mọc nơi hoang dã, theo lý mà xét không nên mọc trong triều. Nay lại thấy chúng ở đây, hơn nữa chỉ sau một đêm đã to lớn nhường này, ắt là yêu quái dị dạng. Tuy nhiên yêu không thể thắng đức. Hiện tại trong triều xuất hiện yêu vật, chẳng hay việc chính sự của quân vương có chỗ nào khiếm khuyết? Người tu dưỡng đạo đức thì có thể thắng được".

Trung Tông nghe xong, liền sửa sang chính sự, siêng năng việc nước, tu dưỡng thân tâm xem trọng lễ tiết, giúp dân no ấm, đất nước thái bình, thiên tử sửa đức mà trên cảm đến Trời dưới phục lòng dân, lân bang cũng quy phục. Triều Thương một lần nữa đang trên bờ suy tàn được phục hưng trở lại.

Đại gia tích được đại đức sẽ có đại phúc, xã hội cũng được nhờ… và ngược lại

Đại gia là những người có sức ảnh hưởng đến xã hội, nhất cử nhất động đều được chú ý, họ được nhiều người xem như tấm gương thành công để học theo. Nên “tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa”. Một việc thiện họ làm có thể gây được cảm hứng cho nhiều người làm việc thiện khiến xã hội thêm phần tốt đẹp; một việc ác họ làm có thể gây hại mạnh mẽ cho xã hội, cái hại lớn nhất là gây mất lòng tin, và đạo đức chung của xã hội càng xuống dốc, nên nghiệp ác tạo ra càng lớn.

Nhưng đại gia cũng là những người ở trong vòng xoáy danh - tiền - quyền - ân oán, càng dễ dàng bị cuốn đi hơn người bình thường. Trong danh tác Tam Quốc Diễn Nghĩa, Chu Du nói: “người ta họa phúc khôn lường, biết đâu mà giữ cho xuể”, Khổng Minh đáp lại: “Trời kia mưa gió thất thường, người ta có liệu trước được không?” (7)

Chốn giang hồ xưa nay mưa gió họa phúc xoay vần cũng là thường, chẳng có mưu cơ nào mà liệu được hết; bói toán, phong thủy, chiêm bốc, trấn yểm và hết thảy những tiểu thuật tương tự của tiểu đạo thế gian cũng chẳng đủ uy lực bảo hộ, duy có việc sửa mình, tích đức, tạo phúc, đoạn tuyệt với việc làm bất chính mới là phát triển bền vững, mới là gốc rễ của năng lượng tích cực, mới mang lại bình an thật sự mà thôi.

(Bài viết chỉ thể hiện ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ

Chú thích:

(1), (2), (3), (4), (6): trích “Tư Trị Thông Giám” của Tư Mã Quang, bản dịch của nhóm Cổ Thư Lâu

(5), (7): Trích “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung, bản dịch của học giả Phan Kế Bính



BÀI CHỌN LỌC

Khi bậc thầy bói toán cũng bó tay trước định mệnh, đại gia trông đợi gì ở thật giả tâm linh?