Không thờ cúng Táo Quân, làm thế nào vẫn được phúc lộc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại sao Hoàng Hương không thờ cúng Táo Thần? Lẽ nào ông không kính Thần? Thực ra không phải ông không kính Thần, mà chỉ là không "nịnh Thần".

Tục thờ cúng Táo Quân

Ngày 23 tháng Chạp là ngày cúng Ông Táo, là phong tục truyền thống lâu đời. Từ ngày ngày có thể coi là bắt đầu vào thời gian ăn Tết.

Người Việt thường cúng Ông Táo từ ngày 20 đến trưa ngày 23, vì tin rằng từ 12 giờ giữa ngày 23 tháng Chạp là Ông Táo khởi hành lên Thiên Đình báo cáo với Ngọc Hoàng. Hai Ông Táo và một Bà Táo chính là 3 vị Thần trông nom toàn bộ cuộc sống của một gia đình, gồm Thần Đất, Thần Nhà và Thần Bếp. Người miền Bắc thường cúng gà và 3 con cá chép sống và phóng sinh, để các Ông Bà Táo cưỡi lên Trời. Người miền Trung thì cúng một con ngựa giấy và bộ yên cương để Ông Bà Táo cưỡi, tiễn tượng đất nung Ông Bà Táo cũ và nghênh đón tượng đất nung Ông Bà Táo mới lên bàn thờ. Còn người miền Nam lại cúng Ông Táo vào đêm từ 20 đến 23 giờ ngày 23 tháng Chạp, lễ vật là món chè, kẹo mè đen đậu phộng và "cò bay ngựa chạy", tức là cò giấy ngựa giấy, để Ông Bà Táo cưỡi lên Trời.

Thờ cúng Táo Quân là phong tục cổ xưa của người Việt và người Hoa, về đại thể thì giống nhau nhưng chi tiết thì khác nhau. Người Việt thờ 2 Ông Táo và một Bà Táo, còn người Hoa thường chỉ thờ một Táo Thần, cũng có địa phương thờ một Ông Táo và một Bà Táo.

Phong tục thờ cúng Táo Thần của người Hoa là thờ tranh vẽ hình tượng Táo Quân, hoặc bài vị bằng giấy đỏ có viết chữ "Tư Mệnh Táo Quân Thần vị", và cúng bằng thịt, cá, rượu nếp, bánh kẹo, trái cây.

Các câu chuyện về việc thờ cúng Táo Thần thì các thư tịch xưa cũng có ghi chép. Dưới đây là một số câu chuyển cổ xưa về việc thờ cúng Táo Thần.

Ấm Tử Phương dùng dê vàng cúng Táo Thần mà gia tộc hưng thịnh

Theo các thư tịch cổ ghi chép thì vào thời nhà Hán ở Trung Quốc có một gia đình là hậu duệ của Quản Trọng. Thời Hán Tuyên Đế, gia đình này sinh ra một người đại thiện là Âm Tử Phương. Tử Phương thờ phụng cha mẹ cực kỳ hiếu kính. Ông là người thiện lương nhân từ, vui thích làm việc thiện, bố thí.

Vào một buổi sáng sớm ngày đại tế cuối năm, khi ông đang làm lễ cúng tế Táo Thần thì Táo Thần hiển hiện hình tướng.

Âm Tử Phương vốn trong lòng luôn cảm tạ Thần ban phước nên lập tức vui mừng quỳ xuống bái tạ. Lúc đó trong nhà ông có con dê vàng, ông liền dùng dê vàng để cúng Táo Thần.

Từ đó trở đi, của cải trong nhà Âm Tử Phương nhanh chóng sinh sôi nảy nở, ông trở thành người giàu nhất nước, "có hơn 700 khoảnh ruộng (1 khoảnh bằng 100 mẫu), xe, ngựa, người hầu sánh ngang với vua". Con cháu đời sau nhà họ Âm đều được phúc ấm, hưng thịnh 3 đời. Đời cháu được phong hầu, phong hậu. Cháu gái là Âm Lệ Hoa là Quang Liệt Hoàng Hậu của Hán Quang Vũ Đế. Câu chuyện Âm Tử Phương dùng "dê vàng cúng Táo Thần" cũng vì thế được lan truyền thành phong tục. Thậm chí cho đến tận cung đình nhà Thanh sau này vẫn dùng "dê vàng cúng Táo Thần". (Theo sách "Yên Kinh tuế thời ký").

Táo quân
Hình tượng Táo Quân mà người Hoa thờ cúng là một Ông Táo, hoặc là một Ông Táo và một Bà Táo, còn người Việt thờ cúng là hình tượng hai Ông Táo và một Bà Táo. (Ảnh: baike.baidu.com)

Tại sao Hoàng Hương không cúng Táo Thần vẫn được phúc lộc lớn?

Người con hiếu thảo thời Tây Hán là Âm Tử Phương dùng "dê vàng cúng Táo Thần" mà gia tộc hưng thịnh nhiều đời. Sau này đến thời Đông Hán cũng có một người con hiếu thảo nữa là Hoàng Hương, người được chép vào sách giáo khoa dạy trẻ em xưa - Tam Tự Kinh:

Mùa đông ủ chăn ấm,
Ngày hè quạt gối giường.
Tuổi nhỏ hiểu đạo con,
Ngàn năm mỗi Hoàng Hương.

Nguyên văn:

Đông nguyệt ôn khâm noãn,
Viêm thiên phiến chẩm lương.
Nhi đồng tri tử chức,
Thiên cổ nhất Hoàng Hương.

Hoàng Hương không chỉ là một người con nổi tiếng hiếu thuận, ông còn là viên quan Thượng thư lệnh được Hán Hòa Đế kính trọng và tin cậy. Hoàng Hương gia cảnh nghèo khó, mẫu thân qua đời khi Hoàng Hương mới 9 tuổi. Hoàng Hương đau buồn khôn nguôi, thân hình tiều tụy, thế là cậu bé Hoàng Hương dồn hết lòng hiếu kính để quan tâm chăm nom thờ phụng cha. Người trong làng xã đều ca ngợi cậu làm tròn Đạo Hiếu.

Năm 20 tuổi, Hoàng Hương đã nổi tiếng là người học rộng. Kinh sư truyền tụng rằng: "Thiên hạ vô song, Giang Hạ Hoàng Hương", danh tiếng Hoàng Hương đã truyền đến tai hoàng đế.

Hoàng Hương được hoàng đế đánh giá cao và trọng dụng, làm quan từ chức Lang trung rồi lên đến chức Thượng thư lệnh. Khi ông được thăng làm Thái thú quận Ngụy, ông đã thay đổi tập quán cũ, giảm rất nhiều chi phí mua sắm thiết bị mới khi các quan chức mới và cũ bàn giao, kế nhiệm. Thời đó, khi quan mới nhậm chức, chi phí mua sắm thiết bị mới, thay thế đồ cũ lên đến hàng ngàn hàng vạn tiền. Khi Hoàng Hương làm Thái thú, ông còn chưa đến địa giới quận Ngụy đã hạ lệnh bãi bỏ tất cả chi phí mua sắm đồ dùng thiết bị mới. Đến ngày nhậm chức, ông lại bãi bỏ một số chi phí mua các vật dụng, cũng không thờ cúng Tháo Thần để cầu phúc, thường đóng cửa từ chối không tiếp khách. (Theo Đông Quan Hán Ký)

Tại sao Hoàng Hương không thờ cúng Táo Thần? Lẽ nào ông không kính Thần? Thực ra không phải ông không kính Thần, mà chỉ là không "nịnh Thần".

Từ khi Ấm Tử Phương dùng dê vàng cúng Táo Thần được phúc báo, rồi hình thành phong tục. Đến thời Hoàng Hương, phong tục lan rộng, đa số người thờ cúng Táo Thần là để cầu được phúc lộc. Khi cái tâm cầu phúc lộc lớn, việc thờ cúng Thần chỉ là để được phúc báo thì đó không phải là kính Thần, mà là "nịnh Thần", con người dùng quan niệm của coi người để đối đãi với Thần, giống như quà cáp, cống nạp, biếu xén, mua quan bán chức ở thế gian. Đó không chỉ là "nịnh Thần", mà thực sự là "phỉ báng Thần", "khinh nhờn Thần".

Trong Luận Ngữ cũng ghi chép lại mẩu chuyện rằng, quyền thần nước Vệ là Vương Tôn Giả bày tỏ với Khổng Tử rằng: "Thờ cúng (nịnh) Áo Thần tôn quý quản sinh tử họa phúc để được Thần bảo hộ thì chi bằng thờ cúng (nịnh) Táo Thần quản ăn mặc phúc lộc ban phúc". (Nguyên văn: Dữ kỳ mị ư Áo, ninh mị ư Táo).

Vương Tôn Giả muốn biết Khổng Tử có quan điểm thế nào về vấn đề này, cũng là phán ảnh quan niệm của khá nhiều người là "mị Thần" (nịnh Thần), "mị Táo" (nịnh Táo Thần).

Nhưng Khổng Tử không đồng ý cách làm này. Khổng Tử cho rằng cần phải hành xử chân chính, làm việc chiểu theo tiêu chuẩn đạo đức làm người, cho dù ở nơi không có ai hay ai biết, vẫn hành xử quang minh chính đại, không làm việc mờ ám, không hổ thẹn với Thần linh, không hổ thẹn với lương tâm. Đây chính là cách thức mà Khổng Tử thờ cúng Thần linh, là phương thức cầu nguyện Thần. Nếu trái với Đạo Trời tức là "đắc tội với Trời", thì cho dù là cầu khấn Táo Thần hay Áo Thần đều không có tác dụng.

Hoàng Hương không theo phong tục, đến ngày nhậm chức, không thờ cúng Táo Thần cầu phúc, ở nhà thì đóng cửa không tiếp khách, tránh các loại người đến chúc tụng, làm quen, xu nịnh. Thế nhưng, Hoàng Hương từ một người nghèo khó thấp kém lại được cai quản những việc cơ mật quốc gia, được hoàng đế tán thưởng và tôn trọng, vậy ông làm thế nào để có được phúc phận đó?

Sách "Hậu Hán Thư" có ghi chép, khi Hoàng Hương nhậm chức Thượng thư lệnh, quản lý những việc trọng yếu quốc gia. Ông chuyên cần chính sự, lo việc công như chính việc nhà. Năm Vĩnh Nguyên thứ 12 đời Hán Hòa Đế (năm 100), Đông Bình Thanh Hà dâng tấu vụ án truyền bá yêu ngôn âm mưu làm loạn, liên lụy đến hàng ngàn người, có thể đều phải tội chém đầu. Hoàng Hương dốc tâm điều tra làm rõ sự tình, không để người nào bị oan uổng, xem xét hình phạt theo khung giảm nhẹ, đã cứu mạng được rất nhiều người. Bình thường ông chấp pháp luận tội danh và hình phạt, thường ở mức nhẹ trong khung hình phạt. Hoàng Hương quý trọng tính mạng con người, đối với những người làm việc sai lầm hoặc lầm lỡ rơi vào vòng pháp luật, ông đều có lòng xót thương, lo lắng và cứu trợ họ.

Tục ngữ có câu: "Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Thế nên việc Hoàng Hương bình thường cứu sống nhiều tính mạng con người vô tội, thế nên âm đức vô lượng. Từng giờ từng phút, ông thực hành theo Đạo Trời, nên công đức vượt xa rất nhiều so với những người thờ cúng Táo Quân, vì đó chỉ là hình thức, còn trong tâm họ có thực sự kính Thần không, có thực hành theo Đạo Trời, lẽ Trời không thì Thần Phật đều biết cả, vì "trên đầu ba thước có Thần linh", "con người sinh một niệm thì Trời Đất đều biết hết".

Thế nên, thờ cúng Táo Thần như Ấm Tử Phương, hay không thờ cúng như Hoàng Hương, thì họ đều có một điểm chung là thực tâm thành kính với Thần Phật, và hàng ngày thực hành Đạo Trời, đều là những người đại thiện. Thần Phật nhìn nhân tâm, chứ không nhìn hình thức lễ bái, lễ vật. Hàng ngày làm việc thiện, nuôi dưỡng thiện tâm, đó mới là phương thức thờ cúng Thần tốt nhất, mới được phúc báo, phúc lộc lâu dài, phúc ấm cháu con. Đó cũng chính là thể hiện của việc Trời bảo hộ, ban phúc lành cho người thiện lương.

Trung Hòa
(Bài viết có sử dụng một phần bài viết của tác giả Dung Nãi Gia - Epoch Times)



BÀI CHỌN LỌC

Không thờ cúng Táo Quân, làm thế nào vẫn được phúc lộc?