Luận đàm về giáo dục: Giáo dục đúng nghĩa bắt đầu từ triết lý giáo dục đúng đắn (Kỳ 3)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giáo dục tiến bộ được coi là cuộc “cách mạng” giáo dục ở Mỹ và phương Tây từ hơn một thế kỷ trước. Từ khi lớp khiên bảo vệ nhận thức và đạo đức của thế hệ trẻ bị gỡ xuống, đã có rất nhiều các cuộc tấn công khác nhau vào nền giáo dục Mỹ. Và vì Hoa Kỳ có ảnh hưởng toàn thế giới, nên tác động đến Hoa Kỳ cũng là tác động đến toàn thế giới.

Xem lại Kỳ 1, Kỳ 2

Kỳ 3: Giáo dục tiến bộ, hay là sự thoái lui của nền văn minh?

“Bàn tay đưa nôi là bàn tay ngự trị thế giới”

Đây là tựa để thi phẩm nổi tiếng của thi sĩ người Mỹ thế kỷ 19 là William Ross Wallace, thi phẩm này ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng và công lao của người mẹ trong việc hạ sinh và nhất là dưỡng dục thế hệ trẻ - lực lượng mai này sẽ thay đổi thế giới. Trong đó có những vần thơ đã trở thành bất hủ:

“Suối nguồn thánh khiết của tuổi thơ,
Đẹp tươi, mạnh mẽ đến không ngờ
Chính nhờ tay mẹ, người dẫn lối
Giữa đôi bờ trong sạch - đục nhơ
Giữa dương quang - bóng tối lờ mờ
Phải chăng bàn tay đưa nôi ấy
Là bàn tay ngự trị thế giới ước mơ?” (1)

Bàn tay cha mẹ chăm chút cho con từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy con những bài học đầu đời... hành động giản dị nhưng ảnh hưởng sâu đậm. Là Thánh nhân, hiền nhân hay là ác nhân nhiều khi là bắt đầu từ chỗ khác nhau về sự dưỡng dục của cha mẹ.

Có câu “mẹ hiền sinh con tiến sĩ”. Thậm chí Thánh nhân cũng phải nhờ có mẹ sinh ra, nhờ mẹ nuôi dạy, mẹ đặt nền móng đầu tiên cho những bài học về đạo lý làm người. Hỏi rằng không có Mạnh Mẫu, sao có Á Thánh Mạnh Tử? Nhờ có bà mẹ hiền này, Mạnh Tử mới được sống gần môi trường tu dưỡng học tập tốt nhất - trường học, mà không phải là nghĩa địa âm u sầu thảm hay chợ búa chao chát bon chen (xem câu chuyện Mạnh Mẫu Tam Thiên).

Ca dao Việt cũng có lời rằng:
“Con ơi muốn nên thân người
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha...”

Cha mẹ, theo truyền thống, là người thầy đầu tiên của con trẻ, và vai trò của họ là không gì có thể phủ nhận được. Cũng không kém gì những người thầy ở trường học vậy.

Cha mẹ, theo truyền thống, là người thầy đầu tiên của con trẻ, và vai trò của họ là không gì có thể phủ nhận được. (Ảnh: Miền công cộng)

“Không thầy đố mày làm nên”

Bằng câu nói ấy, người Việt khẳng định rằng nhờ có thầy, người học trò mới có thành công và thành nhân. Người Trung Hoa xưa lại có câu: “Trọng thầy mới được làm thầy”. Chẳng thế mà thầy xếp trên cả cha trong thứ bậc “Quân, sư, phụ” của Nho giáo. Triết gia Hy Lạp cổ là Aristotle lại có câu rằng: “Những người nuôi dạy trẻ thậm chí còn được tôn vinh hơn bậc cha mẹ bởi những hy sinh của họ cho thế hệ tương lai.” Còn học trò Alexander Đại Đế của ông thì nói: “Tôi mang ơn cha mẹ cho tôi sự sống, nhưng tri ân thầy tôi đã dạy tôi sống đẹp.”

Thử hỏi, không có Khổng Tử, làm sao có 72 hiền nhân và ba nghìn đệ tử biết lễ nghĩa cùng với văn hóa Khổng Nho xán lạn suốt mấy nghìn năm? Không có Chu Văn An, sao có “Trạng Quét” Lê Quát và tể tướng Phạm Sư Mạnh? Không có Aristotle sao có Alexander Đại Đế? v.v.

Rõ ràng, vai trò giáo dục theo truyền thống của người thầy là không gì có thể phủ nhận được.

Những ngợi ca mà nhân loại dành cho cha mẹ và người thầy xưa nay cũng nhiều như sách vở thế gian. Còn người Việt thì luôn có cách ca ngợi vừa trân trọng vừa trìu mến như thế này:

Ngày nào em bé cỏn con,
Bây giờ em đã lớn khôn thế này.
Cơm cha, nghĩa mẹ, chữ thầy,
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao.
(Ca dao)

Giáo dục tiến bộ - nguồn gốc và sự biến hóa tư tưởng

Vậy mà có một triết lý giáo dục hiện đại lại hạ thấp vai trò của cha mẹ và người thầy: Giáo dục tiến bộ; và đại diện cho nó là một người rất có ảnh hưởng trong ngành giáo dục: John Dewey. Nhưng một mình John Dewey cũng không tạo nên được giáo dục tiến bộ với diện mạo như ngày nay. Chúng ta phải bắt đầu từ những hạt mầm tư tưởng của triết gia Pháp thời kỳ “Khai sáng” vào thế kỷ 18: Jean Jacques Rousseau.

Jean Jacques Rousseau. (Ảnh: Miền công cộng)

Rousseau cho rằng bản tính người là lương thiện, chính xã hội đã mang đến cho con người sự bất lương, và bản tính con người mất đi vì xã hội có sự bất bình đẳng, chính là từ khi xuất hiện nền văn minh. Vì vậy, ông chủ trương tiến hành cái gọi là “Giáo dục tự nhiên” đối với trẻ em, vì bản tính của trẻ em là lương thiện rồi, không nên tiến hành giáo dục và dẫn dắt về mặt tôn giáo, đạo đức và văn hóa. Tóm lại, cái gọi là “Giáo dục tự nhiên” tức là không giáo dục gì cả.

Hơn một thế kỷ sau, John Dewey - nhà triết học chủ nghĩa hiện thực người Mỹ chịu ảnh hưởng sâu đậm của Rousseau, tiếp tục đẩy mạnh lý luận này của ông ta, từ “Giáo dục tự nhiên” thành “Giáo dục tiến bộ”. Lại chịu thêm ảnh hưởng từ thuyết tiến hóa của Darwin, Dewey cho rằng trẻ em cũng nên thoát khỏi sự ảnh hưởng của cha mẹ, tôn giáo và văn hóa truyền thống để tự do phát triển và thích ứng với hoàn cảnh. Chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa thực dụng mà Dewey theo đuổi cũng khiến ông quan niệm rằng không có đạo đức tối cao và bất biến, mỗi cá nhân đều có thể dựa vào cảm giác của bản thân mình để quyết định nên hành động như thế nào. Tóm lại, Thần cũng là tương đối, thầy cũng là tương đối, cha mẹ cũng thế, đạo đức cũng vậy, học sinh cảm thấy và trải nghiệm ra sao mới là quan trọng.

Đã thế thì họ phải thiết kế lại chương trình học, nội dung sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy của giáo viên và quan hệ thầy trò. Giáo dục theo chủ nghĩa tiến bộ cổ súy việc lấy học sinh (hoặc nhi đồng) chứ không phải lấy giáo viên làm trung tâm; lấy kinh nghiệm cá nhân mà không phải kiến thức trong sách vở làm trung tâm; lấy hoạt động của học sinh mà không phải lấy việc giảng dạy trên bục giảng làm trung tâm.

Càng về sau, những nhà giáo dục chịu ảnh hưởng của trường phái này càng đẩy xa hơn mức độ tự do, trải nghiệm, cảm xúc, cảm giác tự nhiên v.v. của học sinh cũng như hạ thấp vai trò của thầy giáo và cha mẹ, làm mờ nhạt đạo đức và sự truyền thừa văn hóa, hay nói cách khác là thủ tiêu tinh thần giáo hóa. Một biến thể của Giáo dục tiến bộ là Giáo dục tự do.

Một nhân vật tiêu biểu của Giáo dục tự do lý luận thế này: trẻ em chỉ cần người lớn cung cấp môi trường đảm bảo an toàn sức khỏe, thực phẩm sạch, và cơ hội để chúng tương tác với nhau, còn giáo dục là trách nhiệm của chúng, nói cách khác là trẻ tự giáo dục mình. Ông lý luận rằng: “Trẻ em đã tự học hỏi một lượng kiến thức cực kỳ lớn trước khi chúng bắt đầu đi học”“Trẻ em trong các nền văn hóa săn bắn hái lượm trở thành những người trưởng thành có ích mà không cần trường lớp”.

“Giáo dục tiến bộ” có tiến bộ thật không?

Có lẽ cần quay lại với Rousseau để phân tích từ nơi tạm gọi là đầu nguồn tư tưởng của Giáo dục tiến bộ. Sự lý tưởng hóa của Rousseau về bản tính duy nhất Thiện của con người dẫn đến quan niệm cực đoan về “Giáo dục tự nhiên”. Thực ra bên cạnh bản tính Thiện, con người còn có bản tính ác tồn tại song hành, hay nói như nhà Phật là trong con người có cả “Phật tính” và “ma tính”. Vì vậy con người cần khống chế ma tính và phát huy Phật tính, nếu để ma tính phát triển, đạo đức suy tàn sẽ là một sự uy hiếp cực lớn đối với xã hội, nền văn minh và chính bản thân sinh mệnh ấy. Chính vì vậy mới cần có giáo dục.

Còn quan niệm theo chủ nghĩa tương đối và thực dụng của John Dewey mới nghe có vẻ rất hấp dẫn, nhưng thực ra đã thực hiện một xảo thuật để bắt đầu tước đoạt ảnh hưởng của cha mẹ với con cái, thầy giáo với học sinh, hạ thấp vai trò của những người thầy đầu tiên này; hạ thấp cả vai trò của đạo đức, của văn hóa truyền thống, của sự truyền thừa giữa các thế hệ… và thậm chí hạ bệ cả Thần. Thật là một cuộc “Đại ly gián” nguy hiểm.

Cho đến những hậu bối của John Dewey, khẳng định trẻ em có thể tự giáo dục tốt hơn cả, thậm chí họ còn khẳng định rằng: “Không được áp đặt quan niệm của phụ huynh hoặc giáo viên lên học sinh, hãy để chúng tự đánh giá và lựa chọn sau khi lớn lên”… thì còn quá đáng hơn nữa.

Cho đến những hậu bối của John Dewey, khẳng định trẻ em có thể tự giáo dục tốt hơn cả. (Ảnh: Pexels)

Con người là Thiện - ác đồng tồn, trẻ em ngây thơ và nói chung lương thiện hơn người lớn nhưng vẫn có những tính cách xấu cần uốn nắn như ham chơi, lười biếng, ích kỷ, tham lam, tranh giành v.v. chúng làm sao có thể tự giáo dục được?

Giống như trồng cây, mà không có biện pháp hạn chế cỏ dại, sâu bệnh, (không dùng hóa chất nhân tạo), ít nhất là trong giai đoạn cây còn non yếu, lại mặc nó tự sinh tự diệt... thì cây sống được không? Lớn được không? Một vườn được bao nhiêu cây sống sót và trưởng thành?

Tương tự, trẻ em được cho ăn uống và chăm sóc sức khỏe, nhưng để chúng tự giáo dục mình, chúng tự quyết định lấy đâu là Tốt - xấu, Thiện - ác, Chính - tà... căn cứ vào trải nghiệm, “cảm xúc” của chúng, không có vai trò minh định, dẫn dắt định hướng của thầy giáo, cha mẹ... thì chúng có tự làm được không, đặc biệt trong một môi trường mà người lớn cũng dễ sa ngã như ngày nay?

Nếu “bàn tay đưa nôi” ấy không còn là của cha mẹ, rồi thầy giáo đón tay, thì ma quỷ sẽ tiếp quản ngay thôi. Như vậy khác nào “giao trứng cho ác”?

Nhưng đây không chỉ là một sự vô hiệu hóa cha mẹ hay thầy giáo, mà là sự cắt đứt liên hệ với lịch sử và nền văn minh.

Nếu phụ mẫu dưỡng dục hài nhi, hài nhi lớn lên lại dưỡng dục thế hệ kế tiếp của họ với tinh thần đạo đức ấy, văn hóa ấy, thì từ phụ mẫu lần ngược trở lên sẽ là tổ tiên. Đằng sau sự giáo dục của cha mẹ là văn hóa truyền thống nói chung là tốt đẹp.

Tương tự, từ người thầy, lần ngược lên là các hiền nhân và cuối cùng đến các Thánh giả đã đặt định văn hóa. Đó là những đức Jesus, Socrates… của phương Tây; đức Khổng, Lão, Thích Ca... của phương Đông và những hiền nhân khác như muôn triệu ánh sao vằng vặc đã chiếu sáng suốt hành trình 5000 năm của văn minh nhân loại kỳ này.

Trong một sự truyền thừa như thế, nếu một bậc cha mẹ, thầy giáo vì lý do nào đó không thể đảm nhiệm vai trò giáo dục của mình, thì còn có xã hội, với văn hóa truyền thống, đạo đức và sự khôn ngoan tích lũy từ hàng thiên niên kỷ.

Những tinh hoa văn hóa, truyền thống đạo đức, kiến thức thông tuệ này đều đáng vứt bỏ hết đi? Thay vào đó mỗi đứa trẻ non nớt không hiểu chuyện tự tìm ra chân lý cho mình hay sao?

Giáo dục tiến bộ phủ nhận sự truyền thừa thì hậu nhân kế thừa tư tưởng của John Dewey có phải là tự mâu thuẫn hay không?

Nói vậy không phải là triệt để phủ nhận giá trị của sự trải nghiệm và những nhận thức cá nhân trong học tập. Việc trải nghiệm, tiếp xúc với thực tế cũng giúp ích cho học tập, nhưng quá nhấn mạnh nó đến mức phế bỏ vai trò dẫn đạo và minh định của người thầy dựa trên những giá trị được truyền thừa, thì xem ra quá cực đoan. Cực đoan dẫn đến sai lầm.

Ví dụ, hiện nay nhiều người Mỹ từng đi học đều còn nhớ một tiết học vào cuối những năm 1970 như sau. Giáo viên yêu cầu học sinh tưởng tượng về một tình huống đắm tàu, người ta cần thoát lên thuyền cứu sinh. Nhưng do thuyền cứu sinh bị quá tải, có người phải rời thuyền. Vậy cần cứu ai trong số nhiều trẻ em, một phụ nữ có thai, một người đồng tính nam và thuyền trưởng? Giáo viên cho học sinh thảo luận để ai xuống khỏi thuyền, nhưng lại không có bất cứ lời phán xét nào về cuộc thảo luận của học sinh.

Tương tự như vậy là những tiết học thảo luận về thủ dâm, trò chơi đổi vợ cho nhau, tập tục ăn thịt người v.v. cũng không có một vai trò kết luận hay đặt định giá trị quan gì của giáo viên, hoàn toàn là học sinh tự quyết. Những chi tiết này được kể lại trong cuốn sách “Vì sao Johnny không thể phân biệt đúng hay sai?” của tác giả William Kilpatrick, vẫn còn nguyên tính chất thời sự.

...

“Đường” đã được vẽ ra cho “hươu” muốn chạy đến đâu thì chạy.

“Giáo dục tiến bộ” dường như không “tiến bộ” như cái tên của nó.

“Giáo dục tiến bộ” dường như không “tiến bộ” như cái tên của nó. (Ảnh: Pexels)

Hậu quả của Giáo dục tiến bộ

Giáo dục tiến bộ được coi là cuộc “cách mạng” giáo dục ở Mỹ và phương Tây từ hơn một thế kỷ trước. Từ khi lớp khiên bảo vệ nhận thức và đạo đức của thế hệ trẻ bị gỡ xuống, đã có rất nhiều các cuộc tấn công khác nhau vào nền giáo dục Mỹ. Và vì Hoa Kỳ có ảnh hưởng toàn thế giới, nên tác động đến Hoa Kỳ cũng là tác động đến toàn thế giới.

Học giả người Mỹ Thomas Sowell trong những năm 1990 đã chỉ ra rằng, do ảnh hưởng tiêu cực của giáo dục, học sinh không những không biết đọc, không biết tư duy, thậm chí không hiểu tư duy là gì, vì vậy họ “thường lẫn lộn tư duy với cảm giác” (2). Năng lực đọc viết của học sinh bị giảm sút, năng lực tư duy bị giảm sút do thiếu nền tảng kiến thức. Chúng ta đã thấy dấu vết của “Giáo dục tiến bộ” và các biến thể của chúng.

Từ những năm 1990 đến nay, cụm từ “sa sút trí tuệ” xuất hiện thường xuyên trong nhiều cuốn sách có liên quan đến vấn đề giáo dục ở Mỹ. John Taylor Gatto, một giáo sư có thâm niên, nhà nghiên cứu giáo dục ở New York viết: “Cầm một cuốn sách giáo khoa toán học hoặc văn học của học sinh lớp 5 vào năm 1850, bạn sẽ phát hiện nội dung thời đó tương đương với tiêu chuẩn đại học ngày nay” (3). Để không làm cho bảng điểm của giáo dục Mỹ có vẻ quá xấu, Cơ quan khảo thí tiêu chuẩn hóa-ETS (Educational Testing Service) đành phải cân đối lại điểm của cuộc thi khảo sát đầu vào đại học - SAT năm 1994. Năm 1941, khi SAT bắt đầu sử dụng hình thức hiện đại, điểm trung bình của bài kiểm tra môn ngữ văn là 500 điểm (thang điểm cao nhất là 800 điểm), đến những năm 90 điểm trung bình đã hạ xuống 424 điểm, thế là ETS định nghĩa 424 thành 500 điểm, để tránh khiến cho công chúng cảm thấy xấu hổ. (4)

Một bài báo cáo mang tên “Đất nước đang trong nguy hiểm” viết rằng: “Nền tảng giáo dục xã hội của chúng ta bị ăn mòn bởi làn sóng tầm thường, nó đã uy hiếp đến tương lai của người dân và quốc gia”. Báo cáo dẫn lời của một học giả rằng: “Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta đã xuất hiện tình huống như thế này: kỹ năng giáo dục của một thế hệ không thể vượt qua và không thể đạt được, thậm chí là không thể tiếp cận đến tiêu chuẩn của cha mẹ họ”. (5)

Số liệu trong báo cáo có thể gây sốc: ngoại trừ trong các kỳ thi quốc tế thường xuyên đứng cuối, có đến 23 triệu người Mỹ thành niên mù chữ chức năng, tức là chỉ có khả năng đọc viết ở mức căn bản nhất, không thể đáp ứng được yêu cầu sống và làm việc ở mức độ hơi phức tạp một chút; Tỷ lệ mù chữ chức năng trong thanh thiếu niên 17 tuổi là 13%, tỷ lệ này ở nhóm người dân tộc thiểu số có thể đạt đến 40%.

Từ năm 1963 đến năm 1980, thành tích trong cuộc thi khảo sát đầu vào đại học - SAT (Scholastic Aptitude Test) liên tục hạ xuống, điểm trung bình môn ngữ văn giảm hơn 50 điểm, điểm trung bình môn toán học giảm gần 40 điểm; thanh thiếu niên 17 tuổi không có năng lực tư duy cao, gần 40% không thể đọc tài liệu để suy luận, chỉ có 1/5 có thể viết được luận văn, chỉ có 1/3 có thể giải những đề toán đòi hỏi vài bước giải.

Trong kỳ thi lịch sử đánh giá tiến bộ giáo dục toàn quốc năm 2001, 57% học sinh “không đạt” (below basic), chỉ có 1% đạt “ưu tú” (advanced). Điều khiến người ta kinh ngạc là với câu hỏi vấn đáp quốc gia nào là đồng minh của Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ 2, có 52% số người chọn Đức, Nhật Bản, Italia mà không phải là Liên Xô. Kết quả ở một số phương diện khác cũng khiến mọi người thất vọng tương tự. (6)

Trong kỳ thi lịch sử đánh giá tiến bộ giáo dục toàn quốc năm 2001, 57% học sinh “không đạt” (below basic), chỉ có 1% đạt “ưu tú” (advanced). (Ảnh: Pixabay)

Hậu quả của triết lý giáo dục sai lầm đã quá rõ ràng. Chắc chắn giáo dục Mỹ cần cải tổ. Nhưng biết cải tổ từ đâu khi cả pháp luật cũng chế định những điều luật lằng nhằng phức tạp ngăn cản cha mẹ giáo dục con cái và thầy cô giáo dục học trò? Căn bệnh giáo dục quá nặng, quan niệm của bao nhiêu thế hệ bị ảnh hưởng quá sâu, giờ đây ai còn nhớ, còn hiểu và đủ lòng tin cậy về giáo dục theo truyền thống? Khi con cháu đã lưu lạc quá xa khỏi ngôi nhà của cha ông.

Thay cho lời kết

Giáo dục là một lĩnh vực thuộc về tư tưởng, thuận theo tiến trình lịch sử của nhân loại, tư tưởng bị biến hóa, giáo dục cố nhiên cũng biến hóa theo. Mà tư tưởng là đầu mối của mọi việc, nên giáo dục chính là nguồn gốc của sự tồn vong.

Nhưng con người dù sống ở thời nào cũng cần có đạo đức, có văn hóa, có trí tuệ độc lập, và tiêu chuẩn của đạo đức là không nên thay đổi, đạo đức thay đổi là thể hiện sự suy kém, không phải phát triển. Tinh hoa của cổ học bị vùi lấp cũng là sự suy kém, không phải sự phát triển. Chính vì vậy, giáo dục cần có sự thừa kế thành quả của các thế hệ đi trước, đó chính là nền văn minh. Giáo dục mà phủ nhận lịch sử, phủ nhận tiền nhân là phủ nhận chính nó, cổ nhân gọi là vong bản, cũng như con người không nắm được quá khứ, thì không có tương lai.

Bài viết này tạm kết thúc cho loạt bài “Luận đàm về giáo dục: Giáo dục đúng nghĩa bắt đầu từ triết lý giáo dục đúng đắn”, vốn dĩ còn quá nhiều vấn đề cần phải bàn thêm. Nhưng khả năng của người viết có hạn, không dám lạm bàn. Hy vọng rằng đạt được việc gợi mở một hướng suy nghĩ khác cho bạn đọc cũng là thành công rồi, giáo dục là công việc vĩ đại phải cần rất nhiều người góp sức.

Nhưng người viết có lòng tin tưởng rằng điều gì thuận theo Thiên Đạo thì sẽ trường tồn, như giáo dục truyền thống đã trường tồn từ mấy nghìn năm cho đến hơn một thế kỷ trước. Văn hóa truyền thống có câu: “Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”. Thiên ở đây chính là Thiên Đạo - là giáo dục đích thực. Sự biến hóa bất thường của giáo dục chẳng qua chỉ là một kiếp nạn trong một giai đoạn lịch sử, sẽ sớm có ngày mọi thứ trở về đúng quỹ đạo vốn có của nó.

Chỉ mong rằng, sinh mệnh luôn tỉnh táo để nhận ra và giữ gìn được chân niệm, giữa vô vàn những thứ giả tướng hiện tại sẽ sớm bị quét sạch theo bóng đêm của lịch sử.

Hết.

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Phong

Chú thích:

(1): Trích dịch từ “Bàn tay đưa nôi là bàn tay ngự trị thế giới” của William Ross Wallace

“Infancy's the tender fountain,
Power may with beauty flow,
Mother's first to guide the streamlets,
From them souls unresting grow--
Grow on for the good or evil,
Sunshine streamed or evil hurled;
For the hand that rocks the cradle
Is the hand that rules the world.”

(2): Thomas Sowell, Inside American Education (New York: The Free Press, 1993), 4.

(3): John Taylor Gatto, Dumbing Us Down: The Hidden Curriculum of Compulsory Schooling (Gabriola Island, BC, Candda: New Society Publishers, 2005), 12.

(4): Charles J. Sykes, Dumbing Down Our Kids: Why American Children Feel Good about Themselves but Can』t Read, Write, or Add (New York: St. Martin”s Griffin, 1995), 148-9.

(5): A Nation at Risk, https://www2.ed.gov/pubs/NatAtRisk/risk.html.

(6): Mark Bauerlein, The Dumbest Generation: How the Digital Age Stupefies Young Americans and Jeopardizes Our Future (New York: Jeremy P. Tarcher/Penguin, 2008), Chapter One.



BÀI CHỌN LỌC

Luận đàm về giáo dục: Giáo dục đúng nghĩa bắt đầu từ triết lý giáo dục đúng đắn (Kỳ 3)