Những bậc trị dân có công trong thời kỳ Bắc thuộc (P.3): Giả Tông công minh, liêm khiết, báo quốc an dân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có một bậc trị dân công minh từng để lại trong lòng dân địa phương nhiều cảm phục...

Tựa: Thời Bắc thuộc thường được coi là thời kỳ đau khổ của dân Nam do chính sách cai trị hà khắc của các quan lại người Hán. Những kẻ cai trị tham tàn như Tô Định, Tôn Tư, Tiêu Tư… là những nhân vật rất quen thuộc trong quan niệm lịch sử của người Việt. Tuy nhiên, không phải luôn luôn như vậy, vẫn có những giai đoạn nước Nam xuất hiện cảnh thái bình, ổn định và tương đối độc lập nhờ công lao của những bậc trị dân có tài, có đức. Trong thời đại rộng mở về thông tin ngày nay, chúng ta có thêm nguồn sử liệu của cả hai bên, ngõ hầu ngày càng tiến tới một góc nhìn sát thực hơn về lịch sử và nhân vật của thời đại này, do vậy trong loạt bài này tác giả mạnh dạn chia sẻ những thông tin ấy cùng với một vài thiển bàn để mong cùng độc giả rộng đường bàn luận.

Xem lại:
Phần 1: Tích Quang, Nhâm Diên - lập công đầu an dân trị quốc
Phần 2: Sĩ Nhiếp - giữ vẹn bờ cõi, xây nền văn hiến

Giả Tông - công minh, liêm khiết, báo quốc an dân

Sách sử “An Nam Chí Lược” của Lê Tắc và “Tư Trị Thông Giám” của Tư Mã Quang đều chép về chuyện Giả Tông an dân đất Giao Chỉ vào những năm Trung Bình nguyên niên (184 - Giáp Tý). Cụ thể, “Tư Trị Thông Giám” chép như sau:

“Đất Giao Chỉ rất nhiều đồ trân bảo, các Thứ sử trước sau đa phần hành vi không trong sạch, khi vơ vét đủ tài vật thường xin thuyên chuyển, cho nên quan dân oán phản, bắt giữ Thứ sử và Thái thú Hợp Phố là Lai Đạt, thủ lĩnh của họ tự xưng là Trụ thiên tướng quân. Tam phủ tuyển Kinh lệnh là Giả Tông người Đông Quận làm Thứ sử Giao Chỉ. Tông đến sở quan, tra hỏi thực trạng làm phản của họ, mọi người đều nói ‘Thuế khóa quá nặng, trăm họ chẳng đâu không thiếu đói. Kinh sư ở xa tít, cáo oan không có chỗ, dân không sống nổi, nên tụ lại làm đạo tặc.’ Tông lập tức gửi thư báo rõ, sai mọi người đều yên nghiệp của mình, chiêu phủ dân lưu vong, trừ bỏ hết dao dịch, chém giết cừ soái đứng đầu gây hại lớn, tuyển chọn hương lại cho thử giữ chức ở các huyện, trong vòng một năm, trăm họ đều yên. Người trên đường lớn ngõ nhỏ vì Tông ca rằng:

‘Giả phụ lai vãn,
Sử ngã tiên phản;
Kim biến thanh bình
Lại bất cảm phạn’

[Tạm dịch: Giả phụ đến muộn, khiến trước đây ta làm phản; nay thấy cảnh thanh bình, quan lại chẳng đến ăn cơm ở nhà dân.]”

Lời bàn:

Đất Giao Chỉ ở cách rất xa triều đình Trung Nguyên, lại nhiều đồ trân bảo: ngọc trai, sừng tê, ngà voi, hương liệu v.v. bởi vậy nhiều quan Thứ sử, Thái thú được cử đến đây phần vì tâm lý “khuất mắt trông coi”, phần vì lòng tham tài vật nổi lên, nên hành vi bất chính, tham lam nhũng nhiễu, gieo thù chuốc oán với nhân dân Giao Chỉ.

Bấy giờ là những năm cuối thời Đông Hán, nhà Hán suy tàn sắp mất đến nơi, trên triều đình ngoại thích cấu kết với hoạn quan lộng hành, dưới dân gian giặc Hoàng Cân làm loạn, chính nhân dân Trung Nguyên cũng đang trong cảnh lầm than… Hán triều nào có đủ tâm lực để dõi về mảnh đất Giao Chỉ xa xôi kia nữa. Thành thử, cuộc trị loạn ở Giao Chỉ lúc này hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống cai trị sở tại mà nhân vật trọng yếu nhất là các viên quan Thứ sử của châu, Thái thú của quận. Có câu “nước loạn mới biết trung thần”, Giả Tông chính là vị trung thần ấy vậy, mà nhân dân Giao Chỉ nhờ thế cũng có được khoảng thời gian dễ thở, vài năm sau (năm 187) thì đến thời kỳ cai trị của Sĩ Nhiếp, một bậc trị dân có nhân nghĩa khác.

(Bài viết chỉ là quan điểm của cá nhân tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Phong

Tài liệu tham khảo:

Loạt bài viết có tham khảo nguồn sử Việt như: “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục”; các tác phẩm dã sử, huyền sử như: “Việt điện u linh”, “Lĩnh Nam chích quái”... và nguồn sử Trung Hoa bao gồm: “Tam Quốc Chí”, “Tư Trị Thông Giám”, “Hậu Hán Thư”, “An Nam chí lược”... và các tác phẩm lịch sử được xuất bản gần đây của các nhà nghiên cứu người Việt tra cứu được từ “nhị thập tứ sử” của Trung Hoa như là: “An Nam truyện” của Châu Hải Đường, “Lịch sử Việt Nam qua chính sử Trung Hoa” của Cao Tự Thanh v.v.

Chú thích:

(1), (2), (3): Theo “Tam Quốc Chí - Ngô Chí” của Trần Thọ, bản dịch của nhóm Cổ Thư Lâu



BÀI CHỌN LỌC

Những bậc trị dân có công trong thời kỳ Bắc thuộc (P.3): Giả Tông công minh, liêm khiết, báo quốc an dân