Phật Thích Ca giảng Pháp 49 năm chỉ vì một việc này

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Từ năm 2020, dịch bệnh khiến số bệnh nhân các quốc gia tăng gấp đôi, đồng thời mọi người chợt nhận ra rằng, tình cảnh hiện nay của chúng ta giống đến kinh ngạc với tiên tri trong kinh Phật, về việc vào một thời kỳ cụ thể, sẽ xảy ra liên tiếp các tai hoạ, trong đó có sự lây lan đại dịch. Và thời kỳ đặc biệt này chính là ‘mạt Pháp’ được nhắc tới trong Phật giáo.

Những từ ‘mạt Pháp’, ‘mạt thế’ có nguồn gốc từ Phật giáo, là những lời Phật Thích Ca Mâu Ni lưu lại khi Ngài truyền Pháp. Ý nghĩa là vào một thời kỳ đặc biệt sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn, Pháp mà Ngài truyền sẽ tiến vào mạt Pháp, tới khi đó, Pháp do Phật truyền sẽ không còn tác dụng độ hoá nữa.

Theo ghi chép trong kinh Phật, sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn, 500 năm tiếp theo đó thuộc về thời chính Pháp, 1.000 năm sau thuộc về thời đại tượng Pháp, sau khi thời tượng Pháp kết thúc sẽ tới thời mạt Pháp. Chúng ta thường cho rằng Đức Phật ra đi vào năm 544 trước Công nguyên, cách nay hơn 2.500 năm; vì vậy rất nhiều người đều nói rằng hiện tại là thời mạt Pháp. Hơn nữa, lời tiên tri của Phật Thích Ca Mâu Ni về thời kỳ mạt Pháp hiện đang ứng nghiệm. Hiện tại, trạng thái thực tế của xã hội nhân loại của chúng ta, cũng xác thực đúng với lời Đức Phật đã dự báo trước. Vậy Phật Thích Ca Mâu Ni từ một vị vương tử quyền quý, vô ưu vô lo, đã trở thành một người tu hành như thế nào? Thậm chí Ngài đã trở thành Phật như thế nào? Trong tu hành, Ngài đã ngộ ra điều gì? Hơn 2.500 năm trước, Ngài đã có những tiên tri gì về thời kỳ mạt Pháp?

Phật Thích Ca Mâu Ni

Những tên chúng ta thường biết tới như Phật Tổ, Phật Đà, Thích Tôn, Thế Tôn, Bổn Sư đều là để chỉ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Hơn 2.500 năm trước, trước khi trở thành Phật, Ngài là Thái tử của vương quốc Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu), tên là Tất Đạt Đa. ‘Thích Ca Mâu Ni’ là cách gọi tôn trọng của hậu thế đối với Ngài, tên này có ý nghĩa là “Thánh giả của gia tộc họ Thích”.

Ảnh: Đại Kỷ Nguyên minh họa.

Tương truyền rằng, khi mẹ của Thích Ca Mâu Ni sắp hạ sinh Ngài, theo phong tục địa phương, bà đã quay trở nhà mẹ đẻ. Trên đường về nhà, khi đi ngang qua vườn Lâm Tỳ Ny, hoàng hậu thấy một cành hoa vô ưu tuyệt đẹp, mọc trên cây cổ thụ, khi bà đặt tay trái lên cành cây này, Thái tử Tất Đạt Đa được hạ sinh. Điều kỳ diệu là Thái tử vừa đản sinh đã biết nói, không cần người giúp đã biết đi, trên thân Ngài còn phát ra ánh sáng. Vừa lọt lòng, Ngài đã tự bước đi bảy bước, mỗi bước có một hoa sen nở để đỡ lấy chân của Ngài, nên cha Ngài là Tịnh Phạn Vương đã đặt cho Ngài cái tên Tất Đạt Đa, ý nghĩa là khi Ngài sinh ra xuất hiện nhiều điềm lành kỳ lạ.

Nhưng bảy ngày sau khi Tất Đạt Đa chào đời, Hoàng hậu qua đời, Tịnh Phạn Vương lớn tuổi mới có con trai, nên lại càng yêu quý đứa con trai này. Ông đặc biệt hy vọng Tất Đạt Đa có thể kế thừa vương vị của mình. Ông đã mời những học giả nổi tiếng tới dạy Thái tử văn học, triết học, toán học, binh pháp, và cả võ thuật. Tất Đạt Đa từ thiếu niên đã được trời phú cho trí tuệ thông minh, chỉ vài năm đã học thông thạo hết những môn này, võ công cao cường, sức mạnh hơn người, khả năng bắn cung siêu việt.

Thời niên thiếu vô ưu vô lo đó, Ngài đã có những điểm khác biệt với các bạn đồng lứa. Ngài thích trầm tư, đối với những sự việc nhỏ thường ngày, Ngài hay có những suy tư, cảm ngộ. Một lần, trong chuyến du hành, Ngài nhìn thấy một ông lão, liền hỏi tuỳ tùng rằng đây là ai. Người hầu trả lời rằng đó là dáng vẻ của con người khi già đi, mặc dù ngài là Thái tử quyền quý nhưng sau này cũng sẽ già đi. Rồi không lâu sau, Thái tử lại gặp một người bệnh nằm ở ven đường liên tục quằn quại rên rỉ, trông vô cùng thống khổ. Thái tử lại hỏi: “Đây là ai?”.

Kẻ tuỳ tùng lại đáp: “Đây là người bệnh”.

Thái tử chứng kiến những cảnh tượng đau khổ đó cảm thấy rất đáng sợ. Sau đó, Ngài lại thấy rất nhiều người mang một thi thể, họ khóc lóc đau khổ, trông rất thương tâm. Thái tử lại hỏi: “Đó là ai?”

Tuỳ tùng đáp: “Đó là người chết”.

Tất Đạt Đa nghĩ: “người sống trên đời tất sẽ tới lúc phải ra đi, không ai có thể may mắn thoát khỏi, ý nghĩa cuộc đời ta hiện rốt cuộc là gì?”.

Cuối cùng, trước khi quay trở về cung, Thái tử nhìn thấy một người ngồi dưới gốc cây tu thiền, liền chạy tới hỏi anh là ai thế? Người đó trả lời: “Tôi là người tu hành”.

Tất Đạt Đa lại càng tò mò, hỏi: “Tại sao phải tu hành?”

Người tu hành đáp: “Bởi vì đời người có rất nhiều thống khổ, đặc biệt là lão bệnh tử, ngay cả khi sinh thì yêu cũng không tách khỏi khổ, oán hận sẽ khổ, ngũ âm thịnh khổ, cầu không được cũng khổ, còn cả xả bỏ không đi cũng là khổ”.

Tất cả những cảnh khổ đau này nặng trĩu như ngàn cân trong tâm vị Thái tử trẻ. Ngài liên tục tự hỏi đời người tại sao phải khổ như thế, nguồn gốc của khổ đau là gì, cần phải làm gì giải thoát khỏi những nỗi khổ này? Nhưng Thái tử mãi vẫn không tìm ra câu trả lời, vì thế Ngài không ngừng nỗ lực đọc sách, suy nghĩ tìm tòi. Tuy nhiên, sách cũng không giải đáp được những thắc mắc của Ngài. Sau khi suy nghĩ nhiều lần, Thái tử nhận ra rằng ‘tri thức’ và ‘ngai vua’ không thể giải quyết thực sự được tất cả những khổ đau sinh lão bệnh tử của đời người. Vậy là Thái tử Tất Đạt Đa quyết tâm xuất gia và đi tìm lời giải.

Phụ vương Tịnh Phạn Vương khi biết được tâm nguyện của con trai, đã dùng mọi loại mỹ sắc, hưởng lạc để làm phai mờ những suy nghĩ viển vông của con. Vào năm Thái tử 16 tuổi, Vua cha hạ lệnh cho Thái tử Tất Đạt Đa kết hôn với Công chúa Da Du Đà La của nước láng giềng. Sáu năm sau, vợ chồng Thái tử sinh một cậu con trai, đặt tên là La Hầu La. Nhưng ngay cả như vậy Thái tử Tất Đạt Đa vẫn không thay đổi ý nghĩ xuất gia, tìm kiếm con đường giải thoát, hơn nữa quyết tâm đó ngày càng mãnh liệt. Khi biết được điều này, Tịnh Phạn Vương lại cho xây cung điện bốn mùa xuân, hạ, thu, đông cho Thái tử, còn ban tặng nhiều mỹ nữ, ngày đêm mở tiệc, ca hát, với mong muốn dùng cuộc sống hạnh phúc giàu sang, làm thay đổi ý định xuất gia của Thái tử. Nhưng trong mắt của Tất Đạt Đa, tất cả những điều đó chỉ như mây khói trôi qua, và chỉ làm Thái tử càng thêm quyết tâm xuất gia.

Vào một đêm trăng tròn, Tất Đạt Đa không lời từ biệt rời bỏ vương quốc và đi vào rừng sâu. Tại đây, Ngài vứt bỏ y phục Thái tử, xuống tóc, trở thành một người tu Đạo. Năm đó, Thái tử Tất Đạt Đa 29 tuổi. Thời đó, tín ngưỡng và học thuyết lưu truyền ở Ấn Độ chủ yếu là Bà La Môn giáo của người Aryan, tư tưởng Upanishads của bản địa Ấn Độ và văn hoá Sa môn.

Tranh vẽ cảnh Tất-đạt-đa cưỡi ngựa Kiền Trắc rời hoàng cung, bám theo sau là người hầu Sa-nặc. (Ảnh: Wikipedia/CC BY 2.0)

Bà La Môn Giáo là tín ngưỡng vào một vị Thần, cho rằng tất cả là hoá sinh của Thần Brahma, chỉ có Thần mới có thể cứu vớt con người. Nhưng đối tượng được cứu vớt chỉ giới hạn ở huyết thống Aryan, không bao gồm người thổ dân Ấn Độ. Đây là một tôn giáo chủng tộc nhỏ hẹp.

Còn khổ hạnh sa môn của trào lưu tư tưởng Upanishads lại cho rằng những gì từng làm trong quá khứ sẽ quyết định những việc tốt, xấu ở đời này. Họ nhận định rằng con người sau khi chết đi, còn có linh hồn bất diệt. Con người nếu muốn linh hồn an lạc cần thông qua tu hành nghiêm khắc mới đạt tới cảnh giới giải thoát. Ban đầu, Tất Đạt Đa thực hành phương pháp khổ hạnh này. Trong 6 năm tu hành gian khổ, thân tâm của Ngài bất động, tương truyền một ngày Ngài thậm chí chỉ ăn một hạt gai dầu. Trong khi cố gắng tìm cầu ‘cảnh giới giải thoát vĩnh hằng’ dần dần cơ thể Ngài trở nên vô cùng gầy yếu.

Một ngày, Ngài nghe được cuộc trò chuyện của một thầy dạy nhạc nói với học sinh của ông ấy rằng: “dây đàn quá chùng, âm thanh sẽ không hoà hợp được, dây đàn quá căng thì âm không thể đẹp được; không chùng không căng thì âm thanh mới ưu mỹ”. Qua đó Tất Đạt Đa có được sự lĩnh ngộ, Ngài phát hiện ra rằng khổ hạnh không cách nào có thể đạt được sự giải thoát thực sự nên đã quyết định từ bỏ việc khổ hành vô ích, và lấy con đường “không phóng túng theo an lạc, không chuốc khổ vô ích” làm chuẩn tắc cho tu luyện.

Và thế là Ngài không chút do dự rời bỏ rừng sâu, tại sông Ni Liên tẩy gột đi 6 năm tích bẩn, nhận sữa dê của cô gái chăn dê cúng dường, dần dần khôi phục lại thể lực. Những điều này khiến 6 người bạn đồng đạo cùng Ngài vô cùng bối rối, họ cho rằng, Thái tử Tất Đạt Đa vứt bỏ khổ hạnh đồng nghĩa với việc Ngài đã mất đi tâm tu Đạo. Họ cùng nhau phớt lờ Thái tử. Sau đó, Tất Đạt Đa tới một gốc cây bồ đề và tĩnh tọa. Ngài phát ra một thệ nguyện kiên cường rằng: “không đạt được giác ngộ tối cao, thà nguyện thân tâm nát tan, thề không khởi tọa”.

Tất Đạt Đa trải qua 49 ngày đả tọa nhập định, Ngài phải chịu vô số ma chướng phiền não, nhưng Ngài kiên định ý chí không để bị dao động; cuối cùng đã hàng phục được Ma vương, ngộ triệt ngọn nguồn, phá trừ mọi vọng tưởng chấp trước, cắt đứt sợi dây phiền não cuối cùng. Ngài đột nhiên giác ngộ tất cả chân lý, hoàn toàn giác ngộ. Ngài ngộ ra được tam học là Giới, Định, Huệ, còn gọi là tam vô lậu học - nguyên tắc tu hành tối trọng yếu của Phật giáo. Tam học Giới, Định, Huệ là mối quan hệ tuần tự từng bước, nhờ giới sinh định, nhờ định sinh huệ, trong đó giới là nhập môn, định là then chốt và huệ là thành tựu.

Từ đó, thế nhân tôn vinh Ngài là Phật Đà, Thánh hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni, còn cây đại thụ nơi Ngài ngồi toạ được tôn là cây bồ đề. Dù trải qua hơn 2.000 năm, từng vài lần bị chặt, cây Bồ Đề này vẫn đâm chồi nảy cành kỳ diệu, tới nay vẫn đứng sừng sững tại quận Gaya, Bihar, Ấn Độ. Nó đã trở thành biểu tượng của sự giác ngộ.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Phần cuối): Lấy vàng phủ đất mua Kỳ Viên, thành Thánh địa Phật giáo [Radio]
Thế nhân tôn vinh Ngài là Phật Đà, Thánh hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni, còn cây đại thụ nơi Ngài ngồi toạ được tôn là cây bồ đề. (Phạm vi công cộng)

Đối thoại giữa Phật Đà và Ma vương

Phật Đà giảng Pháp nơi thế gian tổng cộng 45 năm, Ngài đi bên bờ sông Hằng và thuyết giảng những giáo lý về giác ngộ và giải thoát. Ngài đã độ hoá rất nhiều đệ tử, trong đó vượt trội có Xá Lợi Phất trí huệ bậc nhất, Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất, Phú Lâu Na thuyết Pháp đệ nhất, Ma Ha Ca Diếp đầu đà (tu khổ hạnh) đệ nhất, A Nan Đà đa văn (nghe và nhớ) đệ nhất.

Một lần Đức Phật gặp Ma vương. Ma vương nói với Đức Phật rằng: “Tôi muốn tiêu huỷ giáo pháp của Ngài”.

Phật Đà hỏi: “Ngươi tiêu huỷ như thế nào? Đền miếu của ta có ở khắp mọi nơi, đệ tử khoác áo cà sa giống như cây cối mọc san sát trong rừng rậm”.

Ma Vương đáp lại: “Tôi sẽ dùng khoảng thời gian 2.500 năm để tiêu huỷ giáo và Pháp của Ngài, tôi sẽ để cho con cháu là ma tử, ma tôn khoác lên mình áo cà sa của ông, bước vào trong đền miếu của ông, tuyên truyền ma Pháp của ta, làm hủ bại tăng đồ của ông, ông ở đâu ta sẽ xuất hiện ở đó cho tới khi tử tôn của ta có mặt khắp mọi nơi”.

Nghe Ma Vương nói xong, Phật Đà nói: “Ngươi cũng không làm gì được ta, khi đó những đệ tử chân chính của ta sẽ trút bỏ cà sa, mặc quần áo thường, bước vào thế gian, khi đó hồng trần sẽ biến thành đền miếu, gia đình sẽ trở thành đạo trường, còn đền miếu sẽ là nhà tù của ma tử, ma tôn của ngươi”.

Loạn tượng thời mạt thế mạt Pháp

Trong kinh Phật, khi trả lời câu hỏi của các đệ tử, Phật Thích Ca Mâu Ni cũng đã giảng rằng, trong tương lai, Phật Pháp sẽ là Pháp môn được hồng truyền trong thế tục. Phật Tổ từng nói với đệ tử là tôn giả A Nan Đà, ý tứ rằng vào thời kỳ mạt Pháp, Ngũ hành đảo ngược, thế đạo hỗn loạn, ma quỷ sẽ hoá thành tăng ni trà trộn vào tự viện để phá hoại Phật Pháp, chúng sẽ không mặc cà sa trơn mà theo đuổi những bộ trang phục sặc sỡ và lộng lẫy, toàn làm những chuyện uống rượu, ăn thịt, sát sinh…vứt bỏ hoàn toàn giới luật Phật Đà đã giảng. Tư tưởng từ bi chúng sinh được Phật Đà đề cao bị biến thành ghen tị và hận thù nhau.

Trên mạng từng có bài báo đưa tin về một hòa thượng ở Quý Dương, Trung Quốc tự xây chùa, uống rượu, ăn thịt, vẽ tranh khoả thân. Sự việc đã gây ra phản ứng dư luận mạnh mẽ. Chuyện là ở thôn Tiểu Nham Bố Y, quận Ô Đương, thành phố Quý Dương, có ba hoà thượng xây chùa tại đây, sống tiêu diêu tự tại, họ hút thuốc, uống rượu, vẽ vời, đọc sách, tự xưng là nhà cải cách. Bài báo cho biết những hòa thượng này còn quyết tâm tạo ra cái gọi là quan niệm Phật học mới, phá vỡ hình tượng hiện tại của các nhà sư và hòa nhập với thời đại. Trong số họ còn có một hòa thượng muốn sáng tạo ra một bức tranh khoả thân của tượng Phật. Sau khi đọc bài viết này, nhiều người đã phải thở dài trước những loạn tượng kiểu này trong giới tôn giáo. Nó một lần nữa cho thấy những dự ngôn của Phật Thích Ca hơn 2.500 năm trước về thời kỳ Phật giáo bước vào mạt Pháp đang ứng nghiệm.

Năm 2015 còn có một sự kiện làm dậy sóng cộng đồng khi truyền thông Trung Quốc phơi bày việc trụ trì chùa Thiếu Lâm - Thích Vĩnh Tín bị bắt điều tra vì lối sống thác loạn. Ông này đã có quan hệ tình cảm với nhiều phụ nữ, ở trong nước thì có người tình, ở nước ngoài thì có con riêng, có hàng tỷ tiền gửi… Có báo còn đưa tin tại thắng cảnh du lịch còn xuất hiện rất nhiều chùa giả, đạo quán giả, hoà thượng giả, đạo trưởng giả. ​​Hướng dẫn viên du lịch, người thuyết minh, hoà thượng, đạo trưởng câu kết với nhau lừa du khách tiền hương hỏa, tiền pháp khí, tiền tiêu tai giải hạn… những ví dụ như thế rất nhiều.

Còn có hiện tượng kỳ dị xuất hiện các chùa và đạo quán làm loạn, kiếm tiền bằng tín ngưỡng. Công việc kinh doanh trong chùa có thể nói là kiếm tiền như nước. Một bài báo còn cho biết, một ông chủ ở Tây An có trong tay 7-8 ngôi chùa, một năm thu nhập hàng chục triệu tệ. Rồi có cả hoà thượng lái siêu xe gây tai nạn ô tô. Những sự tình này đã làm náo động cả trên mạng, khiến người ta phải nhận thức lại về hoà thượng của thời đại mới.

Dự ngôn của Phật Thích Ca Mâu Ni

Trong kinh Phật, có một đoạn nói rằng vào thời kỳ mạt Pháp, khi Phật Pháp sẽ bị đoạn tuyệt và dần biến mất, các thiên giới khóc rơi nước mắt, thiên hạ liên tiếp xảy ra hạn hán, lũ lụt, lương thực thất bát, tới lúc đó bệnh dịch lây lan khắp nơi, nhiều người vì thế mà mất mạng, bách tính vật lộn trong tai hoạ, một mặt vừa phải lao động vất vả, mặt khác triều đình lại tăng thêm các loại thuế đắt đỏ, các quan không nghĩ cách làm thế nào để giảm bớt khổ nạn cho dân, trái lại lại càng dâm loạn, đặt việc hưởng lạc của bản thân lên trên nỗi đau khổ của dân. Kẻ xấu nhiều như cát trong biển, người chân tâm lương thiện ngày càng ít.

Nếu nhìn lại hai năm 2020 và 2021 vừa qua, những gì chúng ta phải trải qua có phải đều ứng với dự ngôn của Đức Phật? Cổ nhân thường nói, Trời không vô cớ mà giáng xuống thiên tai, không có nhân thì không có quả, tất cả đều có nguyên nhân. Tuy nhiên, điều này cũng không phải đồng nghĩa với việc thế giới của chúng ta vậy là kết thúc, bởi vì trong kinh Phật, Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng giảng rằng, vào thời mạt thế mạt kiếp, sẽ có vị Phật tương lai hạ thế, giảng lại cho con người về quy phạm làm người, thậm chí cả đạo lý về tu luyện đắc Đạo.

Phật Đà còn dự đoán khi vị Phật tương lai tới thế gian truyền Pháp độ nhân, Thánh hoa nơi Phật giới cứ 3.000 năm nở một lần - hoa Ưu Đàm Bà La sẽ nở rộ. Theo ghi chép trong kinh Phật, thân hoa Ưu đàm mềm dai, mịn như lụa, sắc hoa như ngọc, trắng như tuyết, hoa hình như chuông, xung quanh phát ra ánh sáng mờ. Một số hoa còn toả hương thơm dịu nhẹ.

Theo bản tin ngày 18 tháng 5 năm 2011 trên mạng Tin tức Giang Tây, Trung Quốc, trên lá một cây nho ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây xuất hiện "Ưu Đàm Bà La hoa".
Ngày 10 tháng 8 năm 2007, Sơn Tây Nhật báo đưa tin về hoa Ưu Đàm Bà La nở trên chùa Ngũ Đài Viên Giác.

Tới năm 1997, hoa Ưu Đàm chưa từng nở, cho đến tháng 7 năm 1997, trụ trì của ngôi chùa ở quận Gwangju tỉnh Gyeonggi phát hiện trước ngực của tượng Phật Như Lai làm bằng đồng có 24 bông hoa Ưu Đàm có đường kính khoảng 3 mm. Sau đó, khắp nơi liên tiếp lan truyền hình ảnh và video về hoa Ưu Đàm Bà La khai nở.

Nhiều người nói rằng từ hình dáng và trạng thái bên ngoài thì đó chỉ là trứng côn trùng chứ không phải hoa Ưu Đàm.

Không phủ nhận rằng bề ngoài của hoa Ưu Đàm và trứng côn trùng rất giống nhau, tới mức khó có thể dùng mắt thường để phân biệt. Và những tranh luận về hoa Ưu Đàm và trứng côn trùng thường rất gay gắt. Nhưng thực ra hai loại này có thể phân biệt được. Đường kính hoa Ưu Đàm khoảng 1 mm, hoa có hình giống như cái chuông, sắc trắng nhạt, thân cây mỏng như vàng, màu trắng, nở vào đêm, hương thơm rất tuyệt. Nhìn từ xa, những bông hoa có màu trắng tinh khôi và thánh khiết, giống như phảng phất hương thơm an lành. Sau khi bị bóp quăn lại, hoa có thể hồi phục lại. Trong khi đó trứng do côn trùng sinh ra có hình trái xoan, có màu từ xanh nhạt rồi biến thành xám, không có hương thơm. Ở chỗ đỉnh của hình trái xoan, côn trùng sẽ đạp vỏ để bò ra, sau đó hoa sẽ héo đi, sợi tơ khá cứng, nếu bóp nó sẽ nát vụn.

Hoa Ưu Đàm có thể nở ở bất kỳ chỗ nào như pha lê, ống thép, phòng làm việc, trên tượng Phật… hơn nữa nó sinh trưởng không cần sự nuôi dưỡng nào trên trái đất. Thời kỳ ra hoa thay đổi từ vài tuần đến hai tháng.

Trong khi đó côn trùng lại có sự lựa chọn nhất định đối với nơi nở trứng, nó sẽ đẻ trứng ở nơi tương đối nhiều rệp, như vậy để đảm bảo ấu trùng nở ra có thể có đủ thức ăn. Thời kỳ ra hoa thường ở dưới 25 độ C và cần 4-6 ngày.

Nếu dùng kính hiển vi quan sát sẽ càng rõ hơn. Cánh và nhị hoa Ưu Đàm có thể nhìn thấy rõ, còn trứng côn trùng dù chụp từ góc nào cũng không chụp được cánh và nhị hoa, chỉ là vật hạt trắng nhỏ hình trái xoan, với các hạt đồng đều.

Do vậy có thể thấy hoa Ưu Đàm và trứng côn trùng, dù từ bề ngoài hay môi trường sinh trưởng đều có sự khác nhau rất lớn. Tuy nhiên thực sự cũng có người không rõ về sự khác nhau của hai loại này mà lẫn lộn giữa chúng với nhau. Có những nơi rất đặc biệt vừa có cả hoa Ưu Đàm và trứng côn trùng, khiến mọi người khá bối rối và khó lý giải. Đây cũng là điều bình thường. Nhưng chỉ cần quan sát kỹ thêm một chút sẽ rất dễ dàng phân biệt.

Trở lại với dự ngôn của Phật Thích Ca Mâu Ni về hiện tại hay tương lai của chúng ta, khi vị Phật tương lai hạ thế, thế giới sẽ thay đổi như thế nào?

Trong kinh Phật có giảng rằng khi tất cả những điều này qua đi, một tương lai tốt đẹp sẽ chờ đợi những người vượt qua khảo nghiệm. Tới lúc đó, dịch bệnh sẽ biến mất, mưa gió hài hoà, mùa màng tốt tươi, bách tính trường thọ, sung túc hạnh phúc.

Người xưa nói rằng vật cực tất phản, bác cực tất phục, những đại tai nạn khắp nơi có thể là một lần đại canh tân. Những người vượt qua sẽ có một tương lai tốt đẹp đang chờ đón.

Minh An
Theo Diqiukezhan



BÀI CHỌN LỌC

Phật Thích Ca giảng Pháp 49 năm chỉ vì một việc này