Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (17): Sự thật đốt sách

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng ta đã nhắc đến rất nhiều công lao vĩ đại của Tần Thủy Hoàng. Nhưng câu chuyện hôm nay lại có rất nhiều ý kiến trái chiều, đó là sự kiện Tần Thủy Hoàng “đốt sách, chôn Nho”. Vậy rốt cuộc sự việc ấy đã diễn ra như thế nào?

Xưa nay, hễ nhắc đến Tần Thủy Hoàng người ta liền liên tưởng đến “phần thư khanh nho” (ra lệnh đốt sách, chôn sống Nho sinh). Từ đó, “đốt sách chôn Nho” gần như đã trở thành biệt danh của Thủy Hoàng, hậu thế cũng vì điều ấy mà cho rằng ông là kẻ bạo chúa. Nhưng thực tế có như vậy hay không? Rất nhiều nhà sử học hiện đại cũng bắt đầu xem xét lại bản án thiên cổ này.

Nhiều người lầm tưởng rằng “đốt sách” và “chôn Nho” phát sinh đồng thời, kỳ thực không phải vậy. Đây là hai sự việc xảy ra vào hai thời điểm khác nhau, trong bối cảnh khác nhau. Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu xem “đốt sách” là chuyện như thế nào.

Hẳn quý độc giả vẫn còn nhớ, trong khi Tần Thủy Hoàng bình định thiên hạ, phế bỏ chế độ phân đất phong hầu, thiết lập quận huyện… ông đều gặp rất nhiều trở lực. Trong triều, một số đại thần mà dẫn đầu là Thừa tướng Vương Oản và Bác sĩ Thuần Vu Việt đều chủ trương khôi phục chế độ phân phong, kiến lập các nước chư hầu. Nhưng dưới sự phản đối của Đình úy Lý Tư, Tần Thủy Hoàng đã quyết định thiết lập quận huyện.

Tám năm sau, tức năm 212 TCN, nhân dịp sinh nhật Tần Thủy Hoàng đã mở đại tiệc thết đãi quần thần tại cung Hàm Dương. Trong yến tiệc linh đình, 72 quan Bác sĩ đương triều bước lên dâng rượu chúc thọ hoàng đế. “Bác sĩ” là một chức quan lớn trong triều, là bậc sĩ phu bác học, bổng lộc mỗi năm có thể lên đến 600 thạch. Họ không chỉ phụ trách việc dạy dỗ con em hoàng thất, mà mỗi khi quốc gia có đại sự hay gặp vấn đề nguy nan, họ đều cần đưa ra kiến nghị và đề xuất kế sách, đồng thời giải đáp thắc mắc và đưa ra biện pháp ứng phó. Bác sĩ có quyền tham gia thương thảo và hội nghị các vấn đề chính sự, có địa vị rất cao trong triều.

Trong bữa tiệc rượu này, Bác sĩ Chu Thanh Thần nâng ly ca tụng hoàng đế hết lời, rằng nhờ thiết lập quận huyện mà người người được an lạc, dân chúng không còn chịu nạn binh đao, ân đức ấy các bậc Thánh vương trong lịch sử cũng không sánh bằng. Chu Thanh Thần nói: “Thời xưa đất Tần không quá một ngàn dặm, nay cậy vào sự sáng suốt thần linh của bệ hạ đã dẹp yên trong nước, xua đổi người man di, khắp nơi Mặt Trời, Mặt Trăng chiếu đến không ai không theo phục. Lấy đất chư hầu làm quận huyện, người người tự yên vui, không còn cái hại của tranh giành, truyền đến muôn đời. Từ thời xưa đến nay chẳng ai uy đức bằng bệ hạ”.

Đương nhiên, lời ca ngợi ấy khiến Tần Thủy Hoàng vô cùng vui vẻ.

Lúc ấy, có vị quan bác sĩ người nước Tề tên là Thuần Vu Việt, vốn là thầy giáo của Phù Tô - con trai cả của Tần Thủy Hoàng - đã đứng lên chỉ trích Chu Thanh Thần là kẻ a dua nịnh hót. Ông kiến nghị hoàng đế nên phong cho các hoàng tử và công thần làm chư hầu, rằng nên chiểu theo cách làm của cổ nhân thì thiên hạ mới có thể lâu dài. Thuần Vu Việt vừa dứt lời thì Đình úy Lý Tư cũng đưa ra lời phản bác, hai bên cùng biện luận với nhau ngay trong buổi tiệc.

Hãy thử nghĩ xem, vào ngày lễ trọng đại của Thủy Hoàng đế, Thuần Vu Việt lại công khai trọng cổ khinh kim, khen xưa chê nay, phủ định chế độ quận huyện vốn đã được thiết lập, từ đó trực tiếp phải đối quyết sách của hoàng thượng. Chẳng phải Thuần Vu Việt rất to gan lớn mật hay sao? Nhưng sự việc này cũng cho chúng ta thấy được phong thái chính trị rất cởi mở của nhà Tần: Các đại thần đều được quyền tự do phát biểu ý kiến, thảo luận đúng sai mà không sợ tư thù hay gặp phải bất kỳ hậu họa nào.

Trước cuộc tranh cãi của hai đại thần, Tần Thủy Hoàng nên xử trí ra sao? “Sử Ký” viết: “Thủy Hoàng hạ kỳ nghị”, nghĩa là để tất cả bá quan cùng nhau thảo luận rồi sẽ đi đến quyết sách cuối cùng. Hãy thử tưởng tượng xem, nếu trong yến tiệc sinh nhật mình, bỗng nhiên có người chỉ trích bạn ngay trước mặt, bạn sẽ cảm thấy ra sao? Hơn nữa, ở vị trí của một bậc quân vương, bạn có thể bình tĩnh mà đối đãi hay không? Vậy mà Tần Thủy Hoàng vẫn vui vẻ để quần thần cùng nhau thảo luận, có lẽ thế gian không có kẻ “bạo chúa” nào vô tư đến thế! Chẳng cần nói xa xôi, Trung Quốc ngày nay liệu có quan chức đương quyền nào có thể làm được đến như vậy hay không?

nhân dịp sinh nhật Tần Thủy Hoàng đã mở đại tiệc thết đãi quần thần tại cung Hàm Dương. (Tranh Winnie Wang)

Khi ấy, Đình úy Lý Tư cho rằng năm xưa thiên tử nhà Chu phân đất phong hầu là vì muốn người trong dòng tộc có thể chung sống hòa bình, giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng không lâu sau các nước chư hầu lại xảy ra xung đột, đối với nhau như cừu địch. Thiên tử nhà Chu không thể khống chế được, mang danh thiên tử nhưng lại chỉ giống như bù nhìn. Còn các nước chư hầu thì tranh đất đoạt ruộng, không ngừng chinh chiến, thiên hạ bất an, trăm họ khổ không thể tả xiết.

Từ khi có chế độ quận huyện, quốc gia đã tránh được những vấn nạn ấy: Hoàng đế không ở nơi “cao quá không với tới được”, chư hầu không mạnh ai nấy làm, thiên hạ cũng không còn xảy ra cảnh chiến loạn liên miên. Hoàng đế vừa mới bình định sáu nước, thống nhất thiên hạ, há lại quay trở về cục diện phong kiến cát cứ như xưa, để chiến loạn cứ mãi không ngừng? Chẳng phải là làm trái với ý định ban đầu hay sao? Vậy thì còn thống nhất thiên hạ để làm gì?

“Sử Ký” ghi chép lời của Lý Tư rằng:

“Ngũ đế không giống nhau, Tam đại không theo nhau mà đều yên. Không phải là họ cố làm trái nhau, mà là mỗi thời lại đổi khác. Nay bệ hạ làm nghiệp lớn, dựng công của vạn đời, vốn chẳng phải là việc mà bọn nhà Nho dốt nát biết được. Vả lại lời Việt là việc của thời Tam đại, há đáng bắt chước?

Thời xưa chư hầu cùng tranh giành, cho nên mời gọi đon đả những kẻ sĩ du thuyết có học. Nay thiên hạ đã định, pháp lệnh ban ra tự một mối, trăm họ ở nhà thì gắng sức cày ruộng làm thợ, kẻ sĩ thì học tập luật lệnh phép cấp. Nay những học trò không lo làm việc ngày nay mà lại học theo lối xưa để chê bai việc thời nay, dối gạt dân đầu đen.

Thời xưa thiên hạ rối loạn, chẳng hợp một được, do đó chư hầu cùng nổi lên, đều nói chuyện xưa để gạt bỏ việc nay, trau chuốt lời nói suông để gây loạn việc thật, người ta giỏi lấy cái điều mà riêng mình học để chê bai cái việc mà nhà vua làm nên.

Nay hoàng đế có cả thiên hạ, chia trắng đen mà sắp đặt từ một vua. Những kẻ học riêng kia cùng nhau chê bai pháp lệnh, người ta khi nghe pháp lệnh ban ra thì đều dựa vào cái học của mình mà bàn luận, vào chầu thì trong lòng cho là sai, ra ngoài thì bàn luận ở ngõ hẻm, khoe khoang với vua để tự kiếm danh, làm lấy việc lạ để tự cho là cao đẹp, hòa theo mọi người để nói lời chê trách. Như thế không cấm thì oai thế của nhà vua sẽ giảm ở trên, kết thành phe đảng ở dưới. Nên cấm là hơn”.

Sau cuộc nghị luận sôi nổi, Thủy Hoàng đế cho rằng ý kiến của Lý Tư rất hợp lý. Bản thân ông mong thiên hạ được thái bình, dân chúng không còn chịu cái khổ của chiến loạn nên mới thống nhất sáu nước, nay sao có thể hủy bỏ mọi công lao trước kia?

Đình úy Lý Tư kiến nghị rằng: Đối với hoàng thân quốc thích thì phong ruộng đất, cho họ hưởng phú thuế của quốc gia, chỉ có phú mà không quý, vậy là được rồi. Điều ấy cũng tương đương với “Thái tử đảng” ngày nay, họ chỉ có tài phú chứ không có quan chức, không được cha truyền con nối, không nắm giữ đại quyền trong quân đội và chính trị mà chỉ làm một “phú nhị đại” mà thôi. Tần Thủy Hoàng suy nghĩ một lúc rồi chấp nhận kiến nghị của Lý Tư, ông nói: Trẫm vì thiên hạ mà chinh chiến, thống nhất thiên hạ không vì các con trẫm, cũng không phải vì gia tộc mình.

Sau đó, Lý Tư lại đề xuất việc đốt sách lên hoàng đế. Lý Tư nói:

“Thần xin quan chép sử: Nếu sách sử không phải ghi chép về nhà Tần thì đều đốt đi. Nếu không phải là sách mà quan Bác sĩ nắm giữ thì thiên hạ ai có sách Thi-Thư cất giấu, sách của các nhà đều đem đến chỗ quan Thú, Úy đốt hết đi. Nếu dám họp nhóm nói về kinh Thi-Thư thì bắt chém vứt thây ở chợ. Lấy việc xưa chê việc nay thì giết cả họ. Quan lại thấy biết mà không báo lên thì coi như cùng tội. Hạ lệnh ba mươi ngày mà không đốt sách ấy thì bị tội khắc chữ lên mặt đày đi đắp thành. Những sách không bỏ là sách chữa bệnh, xem bói, trồng cây. Nếu có muốn học pháp lệnh thì lấy quan lại dạy cho”.

Xét tình huống đương thời, bao nhiêu năm qua người ta đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các loại sách vở, hơn nữa đều dùng tầm nhìn hạn hẹp của bản thân để lý giải, theo lợi ích trước mắt mà đọc giải chứ không xét đến đại nghĩa trong thiên hạ và lợi ích chân chính lâu dài. Họ vì lý giải cá thân, vì nhận thức có hạn, thậm chí vì hư danh mà bất chấp tính mệnh. Như vậy, đốt sách là việc cần làm để giải trừ dị đoan, duy hộ cục diện trong thiên hạ. Do đó ông đã đồng ý với kiến nghị của Lý Tư.

Sau đó, Tần Thủy Hoàng phê vào bản tấu thư của Lý Tư ba chữ: “Chế viết: Khả”. Chiểu theo lễ chế của Tần triều, thông thường hoàng đế phê “Chế viết” để biểu thị rằng thánh chỉ này chỉ áp dụng trong bá quan, chứ không đưa xuống bách tính phổ thông. Còn nếu phê “Chiếu viết: Khả” lại là bố cáo khắp thiên hạ. Do đó, lời phê của Thủy Hoàng đã khẳng định kiến nghị của Lý Tư, nhưng cũng ám chỉ mức độ và phạm vi đốt sách.

Tại giai đoạn lịch sử này, nước Tần vừa mới thống nhất thiên hạ nên vẫn trong thời loạn thế, những phe đảng tàn dư của sáu nước vẫn còn đó. Hơn nữa nhân tâm sa sút, đạo đức không còn, tại thời kỳ phi thường thì cần dùng biện pháp phi thường, cần phải có “khoái đao trảm loạn ma đích thủ đoạn” (dao sắc chặt đay rối), dùng biện pháp mạnh mới có thể dẹp bỏ nhiễu nhương.

Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng - Sự thật đốt sách. (Tranh Winnie Wang)

Mặc dù thi hành việc đốt sách, nhưng trong Quan thự Bác sĩ đều lưu giữ một bộ của tất cả các loại thư tịch. Những sách bị đốt chỉ là Thi, Thư, Chư tử, v.v. Còn các sách như Tần kỷ (kỷ cương phép tắc nhà Tần), y dược, bốc vu (bói toán), nông gia, chủng thụ (trồng trọt) v.v. thì không liệt vào sách bị thiêu hủy. Bản thân Thuần Vu Việt và các đồng liêu dù từng đưa ra ý kiến phản đối thì cũng không phải chịu bất cứ hình phạt nào.

Chu Hy đời Tống cũng nhận xét: "Tần đốt sách cũng chỉ là bảo thiên hạ đốt, triều đình của ông vẫn lưu giữ. Nếu nói "Không phải thư tịch nước Tần và thư tịch mà các quan bác sĩ nắm giữ thì tất cả đều đốt", thế thì thư tịch như Lục Kinh triều đình vẫn nắm giữ, nhưng người trong thiên hạ là không có. Nếu muốn tra khảo nghiên cứu học tập thì triều đình và trong tay các bác sĩ đều lưu những giữ bộ hoàn chỉnh. Đó chính là đầu đuôi toàn bộ câu chuyện đốt sách".

Có người nói: Thống nhất tư tưởng, quan trọng là dùng gì để thống nhất? Dùng tư tưởng kính Trời tín Thần, Thiên-nhân hợp nhất, lấy thiên hạ làm trọng để thống nhất thì không sai. Hơn nữa Tần Thủy Hoàng kiến lập hoàng triều của Đại Tần, mở ra thời kỳ huy hoàng thịnh trị, tất nhiên cũng cần mang đến văn hóa mới, gây dựng cơ sở cho các vương triều của muôn vạn đời sau.

Trên đây là chân tướng của sự kiện “đốt sách”, vậy câu chuyện “chôn Nho” diễn ra như thế nào? Mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Minh Hạnh
Theo Điền Viên - Sound of Hope

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (17): Sự thật đốt sách