Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (9): Tần Vương diệt Sở

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi diệt hai nước Triệu và Hàn, kế hoạch thống nhất Trung Nguyên gần như đã nắm chắc trong lòng bàn tay. Các nước chư hầu còn lại là Yên, Tề, Ngụy, Sở. Trong đó, Sở có diện tích rộng lớn nhất, binh lực cũng hùng hậu nhất, xứng đáng là đối thủ của quân Tần. 

Xem lại phần 8: Xảo kế diệt Triệu
Xem lại bài giới thiệu (có link các phần): Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng

Vào năm Tần Vương Chính thứ 21, vua Tần lệnh cho đại tướng Vương Tiễn dẫn quân tấn công vào kinh đô Kế Thành của nước Yên. Trong trận chiến này, một tướng lĩnh trẻ tuổi dưới trướng Vương Tiễn tên là Lý Tín đã anh dũng chiến đấu, trở thành gương mặt nổi trội trong quân đội nhà Tần. Chính Lý Tín đã dẫn quân truy đuổi và bắt được Thái tử Cơ Đan của nước Yên, dâng thủ cấp Cơ Đan lên Tần Vương. Cơ Đan là kẻ chủ mưu vụ Kinh Kha hành thích vua Tần. Do đó, công trạng của Lý Tín được Tần Vương đánh giá rất cao.

Quân Tần đắc thắng trở về, và mục tiêu tiếp theo mà họ sắp đối mặt chính là nước Sở.

Trong khoảng thời gian nghỉ ngơi trước khi bước vào trận chiến quyết định, Tần Vương phái con trai của Vương Tiễn là Vương Bí tấn công vào Sở để thăm dò, nhanh chóng đạt được chiến thắng vang dội. Lúc ấy Tần Vương mới 34 tuổi, trẻ trung, hoài bão, khí phách tràn trề, cảm thấy nước Sở không chịu nổi một đòn, việc diệt Sở đã nắm chắc như lòng bàn tay. Một ngày, Tần Vương mở hội nghị và triệu tập văn võ đại thần để bàn bạc đại kế diệt Sở.

Tần Vương tin rằng, chỉ cần diệt Sở là có thể thống nhất thiên hạ, ông muốn các đại thần cùng bàn bạc đưa ra chiến lược. Trước hết ông hỏi Lý Tín: “Theo Lý tướng quân ước tính, cần khoảng bao nhiêu binh lực để diệt Sở?”.

Lý Tín vừa lập một loạt chiến công, vẫn còn trẻ và tràn đầy sức lực, liền đáp: “Thần cho rằng 20 vạn quân là đủ để diệt Sở”.

Tần Vương nghe xong rất cao hứng, quay lại hỏi Vương Tiễn: “Ý của Vương tướng quân thế nào?”.

Vương Tiễn suy xét thận trọng rồi đáp: “Theo lão thần thấy, vẫn cần 60 vạn quân lực mới có thể được”.

Tần Vương nghe xong bất giác lắc đầu và cười: “Vương tướng quân quả thực đã già rồi, làm sao phải dè dặt như thế?”, rồi quay đầu khen Lý Tín: “Vẫn là Lý tướng quân tăng cường chí khí cho quân ta!”.

Đối với nước Tần lúc ấy, 60 vạn quân tương đương với tổng số binh lực toàn quốc. Cũng chính là nói, Vương Tiễn cho rằng không nên xem thường nước Sở, muốn diệt Sở thì cần huy động lực lượng toàn quốc mới có cơ hội thành công. Nhưng Tần Vương không nghe lời kiến nghị của Vương Tiễn, vẫn quyết định phái Lý Tín làm đại tướng, thống lĩnh 20 vạn nhân mã đi tấn công nước Sở.

Vẫn trong cuộc hội nghị hôm ấy, các vị đại thần mỗi người đều phát biểu ý kiến của riêng mình. Có vị đề xuất cung ứng lương thảo ra sao, có vị kiến nghị nên chọn con đường nào, chỉ riêng Hữu thừa tướng Xương Bình Quân là lặng im không nói lời nào, khác hẳn với ngày thường. Tần Vương hỏi: “Hữu thừa tướng có ý kiến gì không? Hôm nay sao khanh không nói gì vậy?”.

Xương Bình Quân vội tiến lên hai bước, vái lạy Tần Vương và nói: “Thần đáng tội chết, nhưng không dám khi quân. Cha của thần là Sở Vương, thần vốn là người nước Sở. Nay quân vương bàn cách diệt Sở, thần thân mang hai nước, không dám nói xằng”.

Các quan đại thần ai nấy đều kinh ngạc, trong triều lặng đi một hồi lâu, không còn ai nói lời nào nữa.

Xương Bình Quân sinh ra ở Tần, mẫu thân của ông là công chúa trong vương thất nhà Tần, còn phụ thân là Sở Vương Hùng Nguyên. Khi Hùng Nguyên còn là Thái tử nước Sở, ông ta từng làm con tin ở Tần, kết hôn với công chúa nhà Tần và sinh ra Hùng Khải (tức Xương Bình Quân). Theo pháp luật của nước Tần, miễn là con cái do phụ nữ Tần sinh ra thì là công dân nước Tần, đều được đối đãi như người Tần. Xương Bình Quân lớn lên tại Tần quốc, ở Tần làm quan, xét ra còn là hàng cha chú của Tần Vương Doanh Chính. Tần Vương rất trọng dụng ông, cũng không hề coi ông là người ngoài. Nhưng những lời của Xương Bình Quân hôm nay không khỏi khiến Tần Vương trầm ngâm một hồi lâu.

Thấy vậy, đình úy Lý Tư liền tâu rằng: “Xương Bình Quân làm trọng thần của triều Tần, khi lâm trận lại phân tâm, dao động, e là trong lòng có ý bất trung. Vì quốc gia, thỉnh đại vương hãy cách chức Xương Bình Quân và đưa ra khỏi kinh thành”.

Tần Vương gật đầu và hạ chiếu bãi miễn Hữu thừa tướng Xương Bình Quân, tước bỏ chức vị, giáng xuống làm thứ dân, lại lệnh cho võ sĩ hộ tống Xương Bình Quân đến ở đất Dĩnh Trần, chịu quản thúc tại gia. Còn Vương Tiễn thì được lệnh phải giao lại ấn tín cho Lý Tín. Vương Tiễn thấy tình cảnh này, liền thỉnh cầu Tần Vương cho mình được cáo lão hồi hương.

Còn Vương Tiễn thì được lệnh phải giao lại ấn tín cho Lý Tín. (Tranh: Winnie Wang - Secretchina)

Lý Tín làm chủ tướng, Mông Vũ làm phó tướng, chia quân làm hai ngả đi tấn công nước Sở. Lý Tín tiến công từ con đường phía nam của Dĩnh Trần, Mông Vũ từ đông nam, một mạch phá tan quân Sở. Đang trên đà thắng trận thì đột nhiên quân trinh thám phi ngựa đến báo: Xương Bình Quân ở Dĩnh Trần dấy binh làm phản!

Tình thế đột ngột biến đổi, trước mặt sau lưng đều có địch, Lý Tín quyết định hồi binh đánh vào Dĩnh Trần, Mông Vũ cũng buộc phải quay đầu hợp lực với Lý Tín, cùng tấn công một mục tiêu. Điều này đã cho Sở một cơ hội hiếm có, quân Sở tận dụng thời cơ bám theo quân Tần suốt ba ngày ba đêm, sau đó bất ngờ tấn công, xung phá vào doanh lũy của Lý Tín, giết chết bảy tướng lĩnh có tiếng. Quân của Lý Tín rất nhanh chóng đại bại.

Tin chiến bại truyền như bay về Hàm Dương. Tần Vương Chính vừa nghe nói, lập tức đích thân xa giá đến quê nhà của Vương Tiễn và thành khẩn mời lão cựu tướng ra dẫn quân.

Tần Vương nói: “Trẫm đã sai khi không nghe lời tướng quân, hôm nay quả nhiên Lý Tín đại bại, lần này trẫm không thể không mời tướng quân ra trận”.

Vương Tiễn nói: “Đại vương muốn thần dẫn binh, nhưng ý thần vẫn như cũ: không có 60 vạn người thì không thể được. Nước Sở đất rộng, người đông, họ muốn huy động 100 vạn nhân mã không hề khó. Chúng ta muốn thắng thì nhất định cần 60 vạn quân binh, nếu ít hơn e là không thể được”.

Tần Vương nói: “Được, cứ theo lời tướng quân đi”.

Sau đó, Tần Vương huy động quân đội toàn quốc, tập trung 60 vạn binh lực giao cho Vương Tiễn. Ngày ra quân, Tần Vương đích thân đến sông Bá bày tiệc tiễn đưa. Vương Tiễn nhận rượu vua ban, uống cạn một hơi, sau đó bái tạ và nói: “Thần chinh chiến đã nhiều năm, nhưng đến nay lại không được phong hầu. Phong hầu là ý nguyện của thần. Nếu lần này Thượng Thiên bảo hộ, nhờ hồng phúc của đại vương, đánh Sở thành công, thần hy vọng đại vương có thể phong hầu cho thần, ban cho thần nhiều lương điền mỹ trạch (ruộng tốt nhà đẹp) để làm rạng rỡ tổ tông, vinh hiển dòng họ, làm thành cơ nghiệp đời đời cho con cháu sau này”.

Tần Vương nghe xong cười lớn, nói: “Lão tướng quân đắc thắng trở về, quả nhân và ái khanh sẽ cùng hưởng phúc, hà tất phải lo xa như vậy!”.

Nhưng mãi đến trước lúc chia tay, Vương Tiễn vẫn liên tục thỉnh cầu Tần Vương ban thưởng lương điền mỹ trạch. Tần Vương liền gật đầu đáp ứng.

Bộ hạ của Vương Tiễn ai nấy đều cảm thấy rất kỳ lạ: Vương tướng quân đâu phải là kẻ tham công danh lợi lộc, vì sao hôm nay lại nói ra những lời đáng cười này? Vương Tiễn nói: “60 vạn binh mã là gần như đã dốc toàn bộ quân lực của cả nước. Ta không tham tài, mà chỉ lấy cớ đó để bệ hạ an tâm mà thôi”.

Tần Vương đưa tiễn đại quân ra trận rồi trở lại Hàm Dương, trên đường, những quan viên đi theo đều hỏi ông rằng vì sao Vương tướng quân lại năm lần bảy lượt đòi hỏi tước lộc và tài sản? Lão tướng quân vẫn còn tham tâm lớn như thế, vậy mà bệ hạ lại cười lớn là sao? Tần Vương nói: “Chẳng qua Vương tướng quân lo lắng trẫm nghi ngờ ông ấy mà thôi. Trẫm đã giao phó đại quyền cho ông ấy, như thế chính là tín nhiệm ông, sao có thể nghi ngờ ông ấy được? Ông ấy vẫn là chưa yên tâm đó thôi”.

Tần Vương đưa tiễn đại quân ra trận. (Tranh: Winnie Wang - Secretchina)

Đại quân Vương Tiễn ào ào tiến về nước Sở. Thống soái Hạng Yên của Sở cũng huy động binh lực toàn quốc ra chống cự. Nhưng chẳng ngờ rằng, Vương Tiễn đến tiền phương lại án binh bất động, chỉ yêu cầu binh sĩ xây tường dựng lũy, chứ không cho phép xuất trận lâm chiến. Mặc dù quân Sở rất nhiều lần khiêu chiến, nhưng Vương Tiễn vẫn không để tâm.

Cứ như thế giằng co hơn 1 năm. Quân Tần là người phương Bắc, không hợp thủy thổ, cũng không quen địa hình nước Sở. Nhưng sau 1 năm đồn trú ở Sở, toàn quân đã thích ứng được với môi trường và khí hậu nơi đây. Mỗi ngày binh lính đều được nghỉ ngơi dưỡng sức, sĩ khí ai nấy đều lên cao. Trong khi đó, quân Sở lại buông lơi giải đãi, tưởng rằng lão tướng quân tuổi cao sức yếu, không dám xuất binh chiến đấu, chỉ cầu an thân mà thôi. Thêm vào đó vì lương thảo thiếu thốn, nên quân Sở phải thu xếp rút quân về phía đông.

Đúng vào lúc khi đối phương không phòng bị, Vương Tiễn bất ngờ hạ lệnh toàn quân xuất kích. 60 vạn nhân mã quân Tần ào ào như dời non lấp biển, hăng hái xông lên. Tướng sĩ nước Sở bàng hoàng như tỉnh mộng, mặt mày choáng váng, không kịp trở tay. Xương Bình Quân tử trận, thống soái nước Sở là Hạng Yên thấy tình thế không thể cứu vãn, cũng tuyệt vọng tự vẫn. Quân Tần tiến quân thần tốc, bắt sống Sở Vương Phụ Sô làm tù binh. Đến đây, nước Sở diệt vong. Đó là năm Tần Thủy Hoàng thứ 24 (năm 223 TCN).

Ở đây còn có một cố sự được lưu truyền khắp dân gian: Lúc ấy khi Vương Tiễn dẫn binh đánh quân Sở đến Tích Sơn, quân Tần liền đào đất làm bếp, bắc nồi thổi cơm, tình cờ từ dưới đất đào lên một tấm bia cổ. Trên mặt bia viết:

“Hữu tích binh, thiên hạ tranh, vô tích ninh, thiên hạ thanh”.
(Có thiếc thì đánh nhau, thiên hạ loạn; không có thiếc thì yên, thiên hạ thanh bình).

Vương Tiễn bèn hỏi người dân trong vùng thì được biết rằng: Từ thời Chu Bình Vương đến nay, tòa núi này rất giàu thiếc và chì, khai thác mãi không hết, do đó mới gọi là Tích Sơn (錫山 - núi Thiếc). Nhưng gần đây lượng thiếc trong núi càng ngày càng ít, không rõ vì sao. Còn tấm bia bí ẩn này là do ai tạo ra, cũng không người nào có thể trả lời.

Vương Tiễn không khỏi cảm thán: Tấm bia này hôm nay đã xuất thế, triển hiện cho con người thế gian, vậy là thiên hạ từ nay đã được thái bình rồi! Phải chăng là cổ nhân đã nhìn thấy trước tương lai, hiểu được định số của thiên hạ, nên mới tạo tấm bia này và chôn ở đây, hữu ý cho những kẻ hậu nhân chúng ta phát hiện được?

Kể từ đó, núi Tích đổi tên thành “Vô Tích” (無錫 - không còn thiếc). Tên gọi huyện Vô Tích ngày nay chính là bắt đầu từ thời đó. Câu chuyện này cũng nói với chúng ta rằng: Nước Tần thống nhất thiên hạ là ý chỉ của Thiên Thượng, mọi chuyện từ sớm đã được an bài rồi.

Vương Tiễn dẫn binh đánh quân Sở đến Tích Sơn. (Tranh: Winnie Wang - Secretchina)

Như vậy, kế hoạch thu phục sáu nước chư hầu – Triệu, Ngụy, Hàn, Yên, Sở, Tề – đã hoàn thành trong hơn 10 năm. Các mốc thời gian của quá trình ấy đã được ghi chép trong “Sử Ký - Tần Thủy Hoàng bản kỷ” của Tư Mã Thiên, lược trích:

Năm thứ mười bảy (năm 230 TCN), Nội sử là Thắng đánh nước Hàn, bắt được vua nước Hàn tên là An, thu hết đất ấy, lấy nước ấy đặt thành quận, đặt tên là quận Dĩnh Xuyên. (...)

Năm thứ mười chín (năm 228 TCN), Vương Tiễn, Khương Hội đánh lấy hết đất Đông Dương của nước Triệu, bắt được vua nước Triệu. (Vua Triệu tên là Thiên. Chính nghĩa: Năm thứ tám thời U Mâu Vương nước Triệu, quân Tần đánh nước Triệu, đến huyện Bình Dương, dời vua Triệu đến ở huyện Phòng Lăng) (...)

Năm thứ hai mươi hai (năm 225 TCN), Vương Bôn đánh nước Ngụy, dẫn nước sông Hà chảy vào thành Đại Lương, thành Đại Lương bèn vỡ. Vua nước Ngụy xin hàng, lấy hết đất ấy.

Năm thứ hai mươi ba (năm 224 TCN), vua Tần lại gọi Vương Tiễn, ép bắt đi, sai đem quân đánh nước Kinh. (Chính nghĩa: Người Tần gọi nước Sở là nước Kinh là vì kị tên của Trang Tương Vương là Tử Sở.) lấy đất Trần về phía nam đến đất Bình Dư, bắt được vua nước Kinh. Vua Tần đến chơi ở thành Dĩnh, huyện Trần. Tướng nước Kinh là Hạng Yên lập Xương Bình Quân làm vua nước Kinh, phản nước Tần ở phía nam sông Hoài.

Năm thứ hai mươi tư (năm 223 TCN), Vương Tiễn, Mông Vũ đánh nước Kinh, phá quân Kinh. Xương Bình Quân chết, Hạng Yên bèn tự sát.

Năm thứ hai mươi lăm (năm 222 TCN), phát binh lớn, sai Vương Bôn đem đi, đánh quận Liêu Đông của nước Yên, bắt được vua Yên tên là Hỉ. Về đánh nước Đại, bắt vua nước Đại tên là Gia. (...)

Năm thứ hai mươi sáu (năm 221 TCN), vua nước Tề tên là Kiến cùng Tướng quốc là Hậu Thắng phát binh giữ biên giới phía tây của mình, không qua lại với nước Tần. Vua Tần sai tướng quân là Vương Bôn từ phía nam nước Yên đánh nước Tề, bắt được vua nước Tề tên là Kiến.

(Trích “Sử Ký” - Tư Mã Thiên, bản dịch của Nhữ Thành)

Trong hơn 10 năm ấy, Tần Vương đã kinh qua không ít biến cố kinh tâm động phách. Câu chuyện ấy là gì? Mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Minh Hạnh
Theo Điền Viên - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (9): Tần Vương diệt Sở