Thưởng và phạt đều không thể khiến trẻ tốt lên, các nhà tâm lý học đưa ra cách giáo dục nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong cuộc sống, “thưởng phạt phân minh” là phương pháp giáo dục được nhiều bậc cha mẹ coi trọng. Nhưng kết quả của nó thường không hiệu quả như chúng ta mong đợi. Vậy có phương pháp giáo dục nào có hiệu quả hơn không?

Bạn có rơi vào tình trạng bối rối như dưới đây không:

Con trai tôi ngày nào cũng chơi game, tôi đã dùng đủ mọi biện pháp từ đánh, mắng, thậm chí vứt điện thoại của con đi nhưng không thay đổi được. Tôi đã hứa sẽ cho con tiền tiêu vặt nếu cháu hoàn thành bài tập về nhà đúng lịch, ban đầu còn có chút hiệu quả, tại sao về sau lại không được?

Phần thưởng và hình phạt có thực sự hiệu quả trong việc hình thành hành vi của trẻ? Chính xác thì điều gì làm cho phần thưởng và hình phạt của bạn mất đi hiệu quả?

Nếu bạn cũng ở trong tình huống không biết xử trí thế nào như trên, một vài thí nghiệm tâm lý thú vị trong cuốn sách "Tâm lý học đại cương về Zimbardo" có thể khiến bạn bất ngờ sáng tỏ.

Một mẩu tin tức trên mạng như sau:

Tại Giang Môn, Quảng Đông, Trung Quốc, một người cha đã treo con trai lên và dùng gậy tre đánh vào mông vì con trai ông lấy trộm tiền. Phương pháp giáo dục cực đoan như vậy đã bị cảnh sát nhanh chóng ngăn chặn.

Nhưng tại mục bình luận của bản tin vẫn có đông đảo cư dân mạng đồng tình với phương pháp giáo dục của ông bố.

Việc đứa trẻ ăn trộm tiền chắc chắn là sai và cần phải sửa lại hành vi này. Nhưng hình phạt khắc nghiệt và thậm chí bạo lực như vậy liệu có thực sự hiệu quả?

Chúng ta hãy cùng xem thử nghiệm tâm lý thú vị sau đây.

Trong một nghiên cứu về trò chơi của trẻ em, các nhà tâm lý học Aronson và Carlsmith đã nói với những đứa trẻ tham gia thí nghiệm rằng, không được chơi với một trong những món đồ chơi, và nếu chúng chơi thì sẽ bị phạt nhẹ hoặc nặng.

Nhiều ý kiến ​​cho rằng phải phạt càng nặng mới có thể ngăn cản trẻ chơi với loại đồ chơi này.

Kết quả thực nghiệm là:

Đứa trẻ nhận hình phạt nặng hơn vẫn không thay đổi mức độ yêu thích của mình với món đồ chơi, và nó vẫn tiếp tục chơi với món đồ chơi đó hễ khi có cơ hội.

Trong khi những đứa trẻ bị phạt nhẹ hơn không hứng thú với món đồ chơi nữa.

Tại sao những hình phạt khắc nghiệt ngược lại lại không thành công?

Lý luận bất hòa nhận thức trong tâm lý xã hội đã đưa ra câu trả lời.

Sự bất hòa về nhận thức, nói một cách dễ hiểu, là cảm giác khó chịu do thái độ và hành vi không nhất quán gây ra.

Ví dụ, trong thí nghiệm này, trẻ thích đồ chơi nhưng được bảo là không được chơi, những trẻ không biết rõ lý do sẽ phát triển sự bất đồng về nhận thức trong hành vi và thái độ.

Lúc đó sự trừng phạt nghiêm khắc sẽ khiến cho đứa trẻ tìm cớ biện minh cho hành vi của mình - tôi đã trả giá và có thể yên tâm chơi.

Đứa trẻ nhận hình phạt nặng hơn vẫn không thay đổi mức độ yêu thích của mình với món đồ chơi. (Ảnh pexels)

Có một câu chuyện sau từng xảy ra ở một trường mẫu giáo ở Israel.

Để ngăn chặn tình trạng phụ huynh đến đón con muộn, các trường mầm non đã xây dựng cơ chế phạt tiền, thời gian đón càng muộn thì tiền phạt càng nhiều.

Kết quả là số lượng cha mẹ đến muộn không những giảm mà ngược lại còn tăng lên.

Vì các phụ huynh cảm thấy việc nộp phạt tương đương với việc đền bù cho việc đón con muộn. Vốn các phụ huynh phải cảm thấy có lỗi khi để cho giáo viên phải làm quá giờ thì vì phạt tiền nên khiến việc họ tới đón con muộn trở thành chuyện đương nhiên.

Việc trừng phạt con cái cũng có đạo lý tương tự vậy.

Khi trẻ mắc lỗi, sự trừng phạt quá mức của cha mẹ sẽ làm suy yếu đi tâm lý tự trách của trẻ.

Ví dụ, trong trường hợp cậu bé ăn trộm tiền được đề cập ở đầu bài viết, nếu trong nơi sâu thẳm nội tâm của trẻ không có cảm giác chán ghét đối với hành vi “trộm tiền”, thì trẻ vẫn sẽ tiếp tục phạm lỗi khi nó tìm thấy cơ hội.

Làm thế nào để hình phạt thực sự có thể thay đổi hành vi của trẻ?

Cuốn sách "Tâm lý chung của Zimbardo" đưa ra hai gợi ý trong chương "Bí ẩn của sự trừng phạt":

  1. Để trẻ cảm nhận được hậu quả tự nhiên của việc làm sai trái, và không bắt trẻ phải trả giá quá đắt hạn như trừng phạt trẻ bằng những công kích cá nhân như chửi mắng, mỉa mai hoặc chịu đựng đau đớn về thể xác.
  2. Cần phải xác định rõ ràng hành vi tương ứng, mà không để lẫn lộn cảm xúc của cha mẹ khiến trẻ cảm thấy rằng chúng đang bị trừng phạt vì cha mẹ tức giận.

Việc một mực chỉ trích và đánh chửi một cách mù quáng là vô ích. Đứa trẻ chỉ có thể thực sự dừng hành vi khi từ trong tâm nhận ra lỗi của chính hành vi đó.

Tương tự, nếu bạn muốn trẻ duy trì một hành vi trong thời gian dài, cách tốt nhất là hãy để trẻ chấp nhận và thích nó từ trong tâm.

Tuy nhiên, không phải là tất cả sự khen thưởng nào cũng hiệu quả.

Nhà tâm lý học Edward Desi đã từng thực hiện một thí nghiệm nổi tiếng.

Ông chọn ngẫu nhiên một số sinh viên đại học và chia họ thành hai nhóm để thực hiện những câu đố thú vị.

Giai đoạn đầu: tất cả học sinh giải quyết vấn đề một cách bình thường mà không có bất kỳ phần thưởng nào;

Giai đoạn 2: Học sinh trong nhóm thí nghiệm sẽ được thưởng 1 đô-la cho mỗi câu đố hoàn thành, trong khi học sinh trong nhóm đối chiếu sẽ không nhận được phần thưởng;

Giai đoạn thứ ba: Để tất cả học sinh tự do hoạt động và quan sát xem các em có chủ động giải quyết vấn đề hay không, từ đó đánh giá mức độ quan tâm của học sinh khi giải quyết vấn đề.

Kết quả cho thấy rằng trong thời gian tự do, những học sinh không được khen thưởng có động lực giải quyết vấn đề hơn những học sinh được khen thưởng.

Khi một người tham gia vào một hoạt động thú vị, việc cung cấp cho họ một phần thưởng bên ngoài sẽ làm giảm sức hấp dẫn nội tại của hoạt động đó đối với họ.

Đây gọi là "hiệu ứng Desi" nổi tiếng.

những học sinh không được khen thưởng có động lực giải quyết vấn đề hơn những học sinh được khen thưởng. (Ảnh pexels)

Tại sao một số phần thưởng có hiệu ứng Desi?

Lý do là nó phá hủy động lực bên trong của đứa trẻ:

  1. Tước đi cảm giác hài lòng của lựa chọn tự chủ

Bạn thích làm những gì bạn chọn hay bạn phải làm để đạt được mục tiêu của mình? Không nghi ngờ gì, tất nhiên là nhóm đầu tiên.

Mọi người luôn có được cảm giác hài lòng từ những thứ họ có thể lựa chọn và kiểm soát, và trong thí nghiệm Desi, phần thưởng bằng tiền đã biến sự hài lòng này thành cảm giác kiểm soát bị người khác thao túng.

  1. Chuyển trọng tâm khỏi chính hành vi

Khi một câu đố thú vị và giải thưởng 1 đô la được đặt trước chúng ta, hầu hết mọi người đều tập trung vào giải thưởng.

So với bản thân hành vi, những phần thưởng hấp dẫn đó sẽ phân tán sự chú ý của trẻ, khiến chúng không thể cảm nhận sự hứng thú của việc chỉ đơn thuần giải quyết vấn đề.

  1. Làm cho hành vi kém thú vị hơn

Tôi đã từng nghe một câu chuyện như vậy.

Ba thanh niên buồn chán đá vào thùng rác khu phố cho vui khiến cư dân bức xúc.

Một ngày nọ, một ông già nghĩ ra một cách.

Ông nói với những cậu thanh niên: “Tôi thích tiếng đá vào thùng rác. Mỗi ngày các cậu tới đá và tôi cho các cậu một đô la mỗi ngày”.

Cả ba rất vui và ngày nào cũng đá mạnh vào thùng rác.

Vài ngày sau, ông lão nói rằng ông chỉ có thể cho họ năm mươi xu mỗi ngày.

Những cậu thanh niên này rất không hài lòng và mỗi ngày chỉ miễn cưỡng đá vào thùng rác.

Một tuần sau, ông lão lại hạ giá xuống còn hai xu.

Một số thanh niên đã tức giận đến nỗi họ không bao giờ đá vào thùng rác nữa.

Trên thực tế, bất kỳ điều gì, chỉ cần nó chứa đựng mục đích và điều kiện trao đổi mạnh mẽ, thì sự thú vị sẽ giảm đi rất nhiều.

Vì vậy, phần thưởng không phải là vạn năng đối với trẻ, đặc biệt là phần thưởng vật chất.

Thầy Khâu Thiên, Viện nhận thức trẻ em Thanh Hoa đã từng nói:

“Hình phạt và phần thưởng đều là động lực bên ngoài và đôi khi chúng phá hủy động lực bên trong của trẻ”.

Cách tốt nhất để định hình hành vi của trẻ là kích thích động lực bên trong của trẻ và chúng ta có thể làm điều này bằng cách:

  1. Hãy là một tấm gương tốt

Nhà tâm lý học người Mỹ Albert Bandura đã làm một thí nghiệm về búp bê Bobo nổi tiếng.

Ông chia một nhóm trẻ em thành ba nhóm để xem đoạn video quay cảnh người lớn đập một con búp bê.

Trong nhóm đầu tiên, trẻ em thấy người lớn đánh búp bê được thưởng kẹo hoặc nước ngọt;

Ở nhóm thứ hai, các em thấy người lớn đánh búp bê bị phạt tát;

Ở nhóm thứ ba, trẻ em không thấy hậu quả gì đối với hành vi hung hăng của người lớn.

Sau đó, cho những đứa trẻ này tiếp xúc với búp bê.

Kết quả là trẻ em ở nhóm thứ nhất và thứ hai bắt chước hành vi tát búp bê trong video, trong khi trẻ em ở nhóm thứ ba bắt chước ít hơn.

Nhưng sau một thời gian, khi ba nhóm trẻ nhớ lại đoạn video và tiếp xúc với con búp bê, mức độ gây hấn của chúng gần như giống nhau.

Bandura kết luận rằng hình phạt và phần thưởng có tác động rất hạn chế đến hành vi của trẻ, nhưng chỉ cần nhìn thấy hành vi đó là trẻ có thể bắt chước một cách chủ động và có ý thức.

Vì vậy, với tư cách là cha mẹ, cách tốt nhất để định hình hành vi của con là cha mẹ nên dẫn dắt và làm gương cho con.

Trẻ em vốn dĩ có tính bắt chước, và không có hình phạt khắc nghiệt hay phần thưởng hấp dẫn nào có thể so sánh được với ảnh hưởng lâu dài và tinh tế của cha mẹ chúng.

Cha mẹ nên dẫn dắt và làm gương cho con. (Ảnh pexels)
  1. Phần thưởng tinh thần

Động lực nội tại đến từ sức mạnh bên trong, so với những phần thưởng bên ngoài như tiền bạc, vật chất thì việc cho trẻ những phần thưởng tinh thần có thể động viên được động lực bên trong của trẻ.

Thí nghiệm vẽ tranh của nhà tâm lý học nổi tiếng Repa đã minh họa quan điểm này.

Repa chọn ngẫu nhiên 20 trẻ em thích vẽ tại một trường học và chia chúng thành hai nhóm để được dạy vẽ.

Ông nói với nhóm trẻ thứ nhất: Bạn nào vẽ đẹp thì được quà, và với nhóm trẻ thứ hai: Ta thích tranh của các cháu lắm, vẽ đẹp nhé!

Thời gian đầu, cả hai nhóm trẻ đều rất nghiêm túc trong việc vẽ. Nhóm trẻ thứ nhất được nhận quà như đã hứa, nhóm trẻ thứ hai được thầy giáo khen ngợi, biểu dương.

Nhưng sau một khoảng thời gian, chỉ có 8,6% trẻ ở nhóm thứ nhất tiếp tục vẽ, trong khi ở nhóm thứ hai, có 16,7% trẻ tình nguyện chủ động vẽ.

Vì vậy, thay vì thúc đẩy trẻ bằng phần thưởng vật chất, phần thưởng tinh thần như tinh thần trách nhiệm, vinh dự, thành tích và sự lựa chọn tự chủ có thể giúp trẻ xây dựng động lực bên trong lâu dài.

  1. Tận dụng sự lôi cuốn

Cô giáo Doãn Kiện Lỵ đã từng kể một câu chuyện như sau.

Để bồi dưỡng sở thích đọc sách của con gái, cô đọc tiểu thuyết trước mặt con gái hàng ngày và khen những cuốn tiểu thuyết đó thú vị.

Cô ấy sẽ kể câu chuyện cho con gái mình nghe một cách cố ý hay vô tình, nhưng cô ấy cố tình dừng lại ở phần hấp dẫn, con gái bị cô ấy lôi cuốn và bắt đầu tự đọc.

Cô giáo Doãn Kiện Lỵ cho rằng, trong giáo dục, muốn con chấp nhận thì nên thu hút, muốn con từ chối thì nên ép buộc.

Cha mẹ thông minh rất giỏi trong việc kích thích sự quan tâm của trẻ làm mọi việc theo cách thu hút, lôi cuốn.

Nhà thơ nổi tiếng Diệp Chi cho rằng giáo dục không phải là đổ đầy một thùng nước mà là nhen nhóm một cây đuốc.

Những phần thưởng hấp dẫn và những hình phạt khắc nghiệt có thể nhanh chóng thay đổi hành vi của trẻ trong một khoảng thời gian ngắn.

Nhưng bản chất của nó là sự điều khiển con cái với sự trợ giúp của các lực lượng bên ngoài.

Cách lâu dài và hiệu quả nhất để hình thành hành vi của trẻ là để chúng thích hoặc từ chối điều gì đó từ trong tâm của chúng, vì vậy việc kích phát động lực bên trong của trẻ là điều cơ bản.

Minh An
Theo Aboluowang

Văn hoá Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

Thưởng và phạt đều không thể khiến trẻ tốt lên, các nhà tâm lý học đưa ra cách giáo dục nào?