Tứ đại mỹ nam Trung Hoa cổ đại: Vận mệnh phía sau vẻ đẹp tuyệt đỉnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ai cũng yêu thích cái đẹp, con người hiện đại rất chú trọng đến ngoại hình đẹp. Không chỉ phụ nữ mới yêu cái đẹp mà đàn ông cũng vậy, đó cũng là điều dễ hiểu. Nhưng luôn ám ảnh về sắc đẹp lại là điều rất không nên. Tại sao? Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về quy luật đằng sau nhan sắc đẹp hoàng kim, và xem liệu dung mạo đẹp rốt cuộc có mang lại may mắn hay không.

Tài tử ám ảnh vì ngoại hình xấu

Trong cuốn sách “Hài Đạc” do Thẩm Khởi Phong viết vào thời nhà Thanh, có kể một câu chuyện như sau:

Ở Kinh Giang, có một nho sĩ họ Triệu, danh là Tăng Dực, tài hoa hơn người, lời văn tao nhã, được kính trọng trong giới văn học. Nhưng anh thường cảm thấy mình trông rất khó coi, nên tự ti mặc cảm, anh soi mình trong gương, càng nhìn lại càng tức giận. Anh không kìm được đã viết một bài thơ lên ​​tường, than thở rằng:

"Tôi muốn hỏi Diêm Quân, diện mạo Lư Sơn e là không thật. Nếu nói rằng Tả Tư có bộ dạng xấu, vậy người ném quả bên đường là ai?"

Có nghĩa là, ta viết thư đến hỏi Diêm Vương gia, ta sợ rằng dung mạo của mình kiếp này có sự nhầm lẫn, nếu nói tướng mạo của Tả Tư rất xấu xí, vậy thì ai là người được ném trái cây bên đường kia?

Tả Tư được nhắc đến ở đây là một nhà văn nổi tiếng thời Tây Tấn, từ nhỏ vốn không đẹp trai nhưng tài năng xuất chúng. Tác phẩm “Tam đô phú” của ông được người đương thời rất tôn sùng và nổi tiếng một thời.

Trái cây ném bên đường là ám chỉ Phan An, một mỹ nam nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, đồng thời cũng là văn nhân lỗi lạc của triều đại Ngụy và Tấn, được xem là bậc tài hoa, dung mạo thanh tú, phong độ thung dung.

Trong “Thế thuyết tân ngữ”, có kể chuyện về hai người này. Đó là khi còn trẻ Phan An đang đi xe trên đường, tất cả phụ nữ đều say mê anh ta và họ ném trái cây vào trong xe của Phan An. Về tới nhà, trên xe anh ta đã đầy ắp hoa quả. Còn Tả Tư thì xấu trai lắm, anh cũng học Phan An đi dạo chơi khắp nơi, nhưng thấy anh thì phụ nữ lại nhổ nước bọt vào mặt, khiến anh chán nản cúi đầu đi về.

Trong “Thế thuyết tân ngữ”, có kể chuyện về hai người này. Đó là khi còn trẻ Phan An đang đi xe trên đường, tất cả phụ nữ đều say mê anh ta và họ ném trái cây vào trong xe của Phan An. (Ảnh: baike.baidu.hk)

Nho sĩ họ Triệu cảm thấy rằng, vì Diêm Vương chủ quản việc sống chết nên nhất định phải hỏi rõ, nếu một người tài giỏi mà lại xấu trai như Tả Tư thì anh ta không có gì để nói, nhưng Phan An cũng rất tài hoa, tại sao anh ta có thể khôi ngô tuấn tú đến như vậy! Tại sao mình sinh ra lại không được thế, không đẹp trai tuấn tú, không được như cây ngọc phóng khoáng trước gió! Nếu không hỏi rõ ràng, anh thật sự không thể cam lòng!

Người tướng sang trọng, kẻ tướng ti tiện

Sau khi viết xong bài thơ, nho sinh Triệu mang theo sự tức giận, phẫn nộ mà lên giường nằm nghỉ, chỉ trong nháy mắt đã thấy mình đã đến một nơi hình như là cung điện của bậc vương giả, bên cạnh còn có ba gian phòng, bên trên có treo một tấm biển đề bốn chữ vàng: “Diện mạo luân hồi”.

Đúng lúc đang sững sờ, chợt có một người dáng thư sinh, đội mũ cao, mặc Đạo phục, cầm theo hai cuốn sách, và từ từ bước ra khỏi căn phòng. Nho sinh Triệu chăm chú nhìn kỹ hơn, và phát hiện ra rằng đó là người bạn cũ Khang Tích Hầu của mình.

Khang Tích Hầu này vốn là một bậc danh sĩ ở tỉnh Chiết Giang, giỏi hội họa, và thường được mời vẽ chân dung cho các chư hầu. Nho sinh Triệu và Khang Tích Hầu là bạn cũ.

Khi hai người gặp nhau, Khang Tích Hầu đã hỏi thăm tình hình của Triệu, và Triệu cũng cũng hỏi thăm Khang đã đi đâu bởi một thời gian dài không gặp nhau? Khang nói: “Triệu huynh, anh không biết sao? Tôi đã chết từ lâu rồi! Vì lúc còn sống tôi giỏi vẽ tranh nên tôi được Chuyển Luân Vương triệu làm trợ lý. Vì tất cả chúng sinh, cần được vẽ thật kỹ diện mạo hình tướng trước khi họ lại giáng sinh”.

Vừa nói, Khang vừa đưa cho Triệu xem hai cuốn sách đang cầm trên tay và cho biết: “Triệu huynh, anh hãy xem tiểu đệ đã phải hao tổn tâm huyết ra sao”.

Triệu đọc cuốn sách đầu tiên trước, và bên trên có đề “Tướng người cao quý”, nhưng anh chỉ thấy các nhân vật trong bức vẽ này đều xấu xí và vụng về, và xấu hơn hẳn so với tướng mạo của quý tộc, khuôn mặt không gồ ghề thì cũng đen hoặc béo.

Anh lại xem tiếp cuốn thứ hai, bên trên có ghi dòng chữ “Tướng kẻ ti tiện”, các nhân vật trong đó hầu hết đều có dung mạo ưa nhìn, xinh đẹp như phụ nữ, và giữa lông mày của họ có một dáng vẻ như “nghĩ mình lại xót cho mình”.

Sau khi nhìn thấy những điều này, Nho sinh Triệu rất tức giận nói: “Khang huynh, anh nắm trong tay nhiều quyền lực như vậy, tại sao lại vẽ những người cao quý lại xấu xí như thế, còn những người thấp kém lại đẹp như vậy?"

Kết cục các mỹ nam

Khang Tích Hầu cười một tiếng rồi nói:

“Triệu huynh, hiểu biết của anh thật là hạn hẹp, trong triều đình, các lão tướng chắc chắn đều phải có tài, không có năng lực thì không thể lên được tới vị trí đó, đâu cần phải mượn vẻ bề ngoài để mưu đồ tôn sự quý hiển hách. Còn những kẻ ti tiện, không thể tự nuôi sống bản thân, nếu có được khuôn mặt ưa nhìn, hài hoà, cũng có thể được ưu ái trước các quý nhân, kém chút ít thì có thể được vạn người say đắm mà kiếm được cái ăn. Đây cũng là chỗ dụng tâm của tôi để cứu thế tế nhân.

Mà tôi thấy tướng mạo của Triệu huynh, cao quý vô cùng, nếu như sửa đổi dung mạo, chỉ vì để thoả mãn trước mắt, sợ rằng sẽ bần tiện và rơi vào khốn cảnh lâu dài, làm sao có thể phát huy được sở trường, đứng đầu giới văn học, có được công danh trên bảng vàng?”

Nghe vậy Triệu nói: “Anh nói thật không nghe được, từ xưa tới nay, những người như An Nhân Hoa Huyện, Thúc Bảo Dương Xa, Lưu Hậu Trương Lương, dung mạo của họ thanh tú như mỹ nữ, lẽ nào họ suốt đời đều là người nghèo khó?”

An Nhân Hoa Huyện ở đây là có ý chỉ mỹ nam Phan An, ông có tự là An Nhân. Khi làm huyện lệnh ở Hà Dương, kết hợp với môi trường địa lý địa phương, ông đã lệnh trồng hoa đào khắp huyện, rất được bách tính hoan nghênh hưởng ứng. Sau này người ta dùng Hoa Huyện để đại biểu cho Phan An. Đây cũng là nguồn gốc ban đầu của câu nói “mỹ nam như hoa”.

Khi làm huyện lệnh ở Hà Dương, kết hợp với môi trường địa lý địa phương, Phan An đã lệnh trồng hoa đào khắp huyện. (Ảnh: Pixabay)

Thúc Bảo Dương Xa là chỉ mỹ nam Vệ Giới thời nhà Tấn, có tự là Thúc Bảo. Ông có dung nhan tuấn tú, phong thái trác tuyệt, được người đời ngưỡng mộ. Thời niên thiếu, khi ông cưỡi xe dê vào chợ, người dân túm lại đến xem, khen ông là “bích nhân” (người ngọc).

Còn Lưu Hậu Trương Lương cũng sở hữu tướng mạo rất tuấn tú, đẹp như thiếu nữ.

Nghe Triệu nhắc tới ba nam tử anh tuấn cực phẩm này, Khang Tích Hầu đáp lời: “An Nhân đã làm việc xấu, mang tiếng xấu ngàn đời, Vệ Thúc Bảo bị kẻ bên đường giết chết, còn Lưu Hậu nếu không phải sau này theo Xích Tùng Tử học Đạo thì e rằng đã bị Lưu Bang giết chết vì ghen”.

Mỹ nam bạc mệnh

Sau đó Khang Tích Hầu nói tới vận mệnh của ba bậc mỹ nam trên. Mặc dù Phan An rất tài hoa và tuấn tú, nhưng đường đời không phải là trải đầy hoa, và còn có kết cục vô cùng bi thảm.

Trong “Tấn thư” hình dung Phan An là “tính bộp chộp, truy cầu lợi ích thế tục”, dù rất có tài nhưng sớm không được trọng dụng. Sau này, nương nhờ vào nhóm Giả thị của hoàng hậu Giả Nam Phong, gây ra Loạn bát vương thời Tây Tấn do cháu trai của bà là Giả Mật cầm đầu. Giả Nam Phong muốn phế bỏ Thái tử, đưa con trai của mình lên kế ngôi vua, nên đã lên kế hoạch chuốc say Thái tử. Lúc này Phan An xuất hiện, cầm một bài viết tế Thần để cho Thái tử vốn đã bị say tới thần trí không tanh tỉnh, để soạn bản tế Thần, sau đó Phan An sửa đổi rồi biến nó thành bản mưu đồ tạo phản, khiến Thái tử bị phế truất, mẹ ruột của Thái tử bị giết. Sau này, vì việc này mà Phan An bị phán tội chết, liên lụy tới cả gia tộc, bị chu di tam tộc, còn mang tiếng xấu là kẻ xu nịnh, trợ giúp kẻ tàn bạo hành ác.

Còn cái chết của Vệ Giới rất nổi tiếng, bởi vì ông có tướng mạo vô cùng đẹp, mỗi lần ra khỏi nhà là gây ra ách tắc đường phố, nên không dám tuỳ tiện đi ra ngoài. Theo “Tấn thư - Vệ Giới truyện” ghi lại rằng, có một lần ông có việc phải đến kinh đô, người dân nơi đó vốn đã nghe danh ông từ lâu, tranh nhau như nêm, người lớp trong lớp ngoài tới xem. Vệ Giới vốn sức khỏe không tốt, về nhà liền lâm bệnh không dậy nổi, không lâu sau qua đời. Cái chết của Vệ Giới là nguồn gốc của điển cố “nhìn chết Vệ Giới”.

Về Lưu Hậu Trương Lương là đại quân sư quan trọng nhất của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Sau khi xưng đế, Lưu Bang nuông chiều Lã Hậu đã chặt đầu đại công thần Hàn Tín. Trương Lương hiểu rất rõ đạo lý “điểu tận cung tàng” (nghĩa là: khi chim đã chết thì người ta vất cung đi một nơi mà không dùng đến nữa), và “qua cầu rút ván”, nên đã tự xin cáo lui và đi theo Xích Tùng Tử để chuyên tâm tu Đạo. Nếu không, rất có khả năng ông sẽ có kết cục giống như Hàn Tín.

Trương Lương hiểu rất rõ đạo lý “điểu tận cung tàng” (nghĩa là: khi chim đã chết thì người ta vất cung đi một nơi mà không dùng đến nữa), và “qua cầu rút ván”, nên đã tự xin cáo lui và đi theo Xích Tùng Tử để chuyên tâm tu Đạo. (Tạo hình Trương Lương trong phim "Hán Sở tranh hùng" 2012.)

Có thể nói, những đại mỹ nam trên, trừ cao nhân tu đạo Trương Lương, còn lại đều có số phận vô cùng bi thương. Vì vậy, Khang Tích Hầu nói tiếp: “Tóm lại, trên đời không có chuyện thập toàn thập mỹ, ngoại hình kém thì có phúc khí bù đắp, huynh tốt nhất là nên giữ lấy dung mạo này để cả đời hưởng phúc, vậy có phải tốt hơn không” .

Mong ước biến thành tuấn tú

Nho sinh Triệu nghe vậy xong thì yên lặng không nói gì. Khang Tích Hầu nhìn ra Triệu có ý không đồng tình, bèn nói: “Nếu huynh nguyện ý bỏ đi những phúc trạch của mình để dung mạo thêm đẹp, tiểu đệ có chút khả năng có thể dùng bút sửa đổi hình tướng cho Triệu huynh”.

Triệu mừng rỡ vô cùng, thúc giục Khang giúp mình sửa dung mạo. Khang với tay lấy chiếc bút ở trên bàn, hướng tới khuôn mặt của Triệu thoáng vẽ vẽ xoá xoá, xong rồi nói: “Được rồi!”

Nhưng Triệu vẫn chưa thoả mãn, đòi Khang chỉnh sửa tiếp thêm cho đẹp. Khang Tích Hầu thở dài: “Tiểu đệ và Triệu huynh quen biết nhau 10 năm, thực sự không nỡ lòng vẽ dung mạo huynh thành tướng của kẻ chết đói được!”

Vừa nói dứt thì nghe thấy bên ngoài có tiếng của đầy tớ quan viên quát đòi dọn đường. Triệu hốt hoảng vội bỏ chạy rời đi, lập tức Nho sinh Triệu tỉnh giấc mộng, và từ đó trở đi dung mạo của Triệu ngày càng trở nên đẹp hơn, nhưng tài năng văn chương lại càng giảm, lãng phí hơn 30 năm mà không thể đỗ đạt, đến già vẫn chỉ là một tú tài.

Quả thực hình tướng của một người vốn đã được định sẵn tương ứng với số phận, chỉ là con người không biết nhận ra như thế nào, thế nào mới là tướng cao quý. Mặc dù câu chuyện trên chỉ là tiểu thuyết thời nhà Thanh nhưng cũng đã nói lên nhiều đạo lý.

Phan An và Vệ Giới là hai đại mỹ nam trong lịch sử Trung Quốc. Ngoài ra còn có Lan Lăng Vương, Tống Ngọc, vận mệnh của họ như thế nào?

Lan Lăng Vương

Cao Trường Cung là tướng lãnh, hoàng thân nhà Bắc Tề, mỹ nam nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, ông thường được gọi với vương hiệu là Lan Lăng vương, hay chiến Thần.

Cao Trường Cung là tướng lãnh, hoàng thân nhà Bắc Tề, mỹ nam nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc (Ảnh: baike.baidu.hk)

Trong “Bắc Tề thư” và “Bắc sử” mô tả ông là người có tướng mạo mềm mại, trái tim mạnh mẽ, cả giọng nói và dáng vẻ đều đẹp. Lan Lăng Vương nổi tiếng khắp thiên hạ với vẻ đẹp tựa thiếu nữ. Khi ra chiến trường hay phải đeo mặt nạ che mặt. Ông là người văn võ song toàn, nhân phẩm đặc biệt rất tốt. Làm một tướng quân, đối với những việc rất nhỏ, ông đều muốn tự mình làm, có được thứ gì tốt, chỉ một quả dưa hay vài trái cây, ông đều nhất định chia sẻ với tướng sĩ.

Một mỹ nam tuyệt thế như vậy, vì quá hoàn mỹ mà bị nghi kỵ. Sau chiến thắng Mang Sơn, Hậu chủ Cao Vỹ hỏi Lan Lăng Vương: “Xông vào trận địa quân địch quá sâu, chẳng may gặp chuyện, hối hận sao kịp?"

Lan Lăng Vương đáp: "Việc nhà quan hệ mật thiết, bất giác mà làm như thế".

Hậu Chủ nghe vậy đâm ra nghi kỵ Lan Lăng Vương nắm binh quyền liệu có phải muốn mang ‘quốc sự’ biến thành ‘việc nhà’ không.

Lan Lăng Vương nhận ra sự thù địch của hoàng thượng đối với mình, liền bắt đầu nhận hối lộ, hy vọng qua đó thể hiện bản thân là kẻ ham tiền tài, không có chí lớn và ý đồ phản loạn. Sau đó, ông nghe lời khuyên, lấy lý do bị bệnh rút lui khỏi triều chính. Nhưng dù đã thận trọng đến vậy, vẫn không thoát khỏi số mệnh bị chết. Vào một ngày tháng 5 năm 573, Hậu chủ Cao Vỹ phái sứ giả tới thăm Lan Lăng Vương và ban tặng một lễ vật là một ly rượu độc. Lan Lăng Vương tuyệt vọng, nâng ly rượu và uống cạn, và chết một cách oan ức.

Tống Ngọc

Lại nói về Tống Ngọc, tương truyền ông là học trò của Khuất Nguyên. Người đời sau thường ghép tên hai người với nhau là ‘Khuất Tống’. Những điển cố về ‘tiết mục dân gian’, ‘dương xuân bạch tuyết’, ‘nhạc cao ít người họa’ đều xuất phát từ ông.

Trong các tác phẩm văn học khúc kịch tiểu thuyết thời cổ đại thường hay dùng cách so sánh để biểu thị vẻ đẹp của các mỹ nam ‘đẹp như Tống Ngọc, tướng mạo như Phan An’

Trong bài phú “Đăng Đồ Tử háo sắc” của ông, chúng ta có thể cảm nhận một chút vẻ đẹp dung mạo Tống Ngọc. Bài này viết rằng Đăng Đồ Tử bẩm báo với Sở Vương rằng, Tống Ngọc là một mỹ nam nhưng lại vừa rất háo sắc, nhất định không thể để lọt vào hậu cung. Sở Vương bèn chất vấn Tống Ngọc. Tống Ngọc bèn tìm cách phản pháo rằng, vẻ bề ngoài của mình là do Thiên thượng ban cho, không cách nào khác được, nhưng bản thân không phải kẻ háo sắc. Bởi vì cô gái nhà hàng xóm của Tống Ngọc quả là mỹ nữ đệ nhất thiên hạ, là bậc quốc sắc thiên hương, nghiêng nước nghiêng thành, ngày ngày nhìn ngắm Tống Ngọc qua vách nhà, cứ thế 3 năm. Nhưng Tống Ngọc không hề động lòng. Làm sao có thể nói là háo sắc được?

Tống Ngọc vừa đẹp vừa có tài, và chế giễu Đăng Đồ Tử rằng: “Vợ Đăng Đồ Tử vừa xấu xí, lại lôi thôi mà Đăng Đồ Tử lại còn có 5 người con với vợ, vậy nên Đăng Đồ Tử mới là kẻ háo sắc”.

Những lời nói này của Tống Ngọc biến sự chung tình của Đăng Đồ Tử, không chê vợ già xấu trở thành kẻ háo sắc. Những ghi chép về thân thế của Tống Ngọc không có nhiều, nhưng về cơ bản có thể thấy ông là người may mắn duy nhất trong tứ đại mỹ nam, không chịu cái chết bi thương, nhưng thực ra cũng không phải là tốt. Ông từng là thị tòng văn học hầu hạ ở bên cạnh Sở Vương, cũng từng được trọng dụng, nhưng cuối cùng không hợp thời, và bị đối xử lạnh nhạt, bị miễn chức quan, quay về thôn quê và qua đời trong nỗi tiếc nuối vô hạn.

Thực ra, tứ đại mỹ nhân trong lịch sử Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền và Dương Quý phi cũng đều có cuộc đời trắc trở. Những mỹ nam, mỹ nữ tuyệt đỉnh trong lịch sử này đã đẹp tới mức không gì sánh nổi, nhưng họ lại có vận mệnh thật đáng thương, đáng buồn. Nhưng mọi chuyện không thể đều khái quát hoá. Trong lịch sử cũng có nhiều người có tướng mạo khôi ngô, đường đường chính chính mà vận mệnh rất tốt, ví dụ như Đường Huyền Trang, Quách Tử Nghi, Âm Lệ Hoa…

Kỳ thực mỗi người có tướng mạo khác nhau, vận mệnh ra sao, e rằng không phải đơn giản nói là do bề ngoài xấu đẹp, nhưng có thể khẳng định rằng quá ám ảnh về vẻ bề ngoài chẳng bằng việc nên chú trọng vào tu dưỡng nội tâm thì cuộc sống sẽ càng thêm tự tại, mỹ hảo. Sau tất cả thì vẻ đẹp ngoại hình cũng sẽ già đi cùng với năm tháng, còn khí chất và nhân phẩm tốt đẹp sẽ giống như rượu lâu năm, ngày càng thơm ngon hơn theo thời gian.

Minh An
Theo Wenshidaguanyuan



BÀI CHỌN LỌC

Tứ đại mỹ nam Trung Hoa cổ đại: Vận mệnh phía sau vẻ đẹp tuyệt đỉnh