Từ lịch sử quan Thành Trụ Hoại Diệt xem mối quan hệ giữa văn minh và nghệ thuật (P-1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nghệ thuật là tấm gương phản chiếu thời đại, phản ánh chân thực giá trị quan và quan niệm thẩm mỹ của con người đương thời. Đồng thời, nghệ thuật cũng tác động đến con người và ảnh hưởng đến phong thái xã hội. Trong vũ trụ có quy luật “thành, trụ, hoại, diệt”: vạn vật đều có quá trình từ hình thành đến phát triển chín muồi, duy trì, đi sang suy tàn và cuối cùng là hủy diệt.

Lớn như toàn bộ thiên thể, Ngân Hà, nhỏ như một tế bào trong cơ thể, từ sinh mệnh đến vật chất, bao gồm sự thành lập và tiêu vong của các đế quốc, sự thay đổi triều đại, sự hưng suy của các nền văn minh trong lịch sử nhân loại - đều xoay vòng tuần hoàn trong quy luật đó.

Trong sự thăng trầm của những nền văn minh này, nghệ thuật nhân loại đã trải qua vô số lần phát triển và suy tàn. Nó tiến lên cùng với bước tiến của văn minh nhân loại, từ sự non nớt đến trưởng thành của kỹ thuật, từ sự thô sơ vụng về đến tinh xảo hoàn mỹ; nhưng nó cũng suy tàn cùng với sự suy tàn của nền văn minh.

Tượng thần Apollo nằm trong Sân Bát Giác (Cortile Ottagono) của Bảo tàng Vatican. (Phạm vi công cộng)

Văn minh cổ đại

Không ai biết nghệ thuật của con người bắt đầu từ khi nào. Tuy nhiên, vào thời cổ đại mà chúng ta vẫn cho rằng dân trí chưa phát triển, đã phát hiện ra rất nhiều di tích văn vật mang theo kỹ thuật và sự tinh xảo. Chúng có đủ dạng đủ loại, từ thứ thô sơ làm bằng công cụ nguyên thủy, đến có thứ là di sản văn minh trình độ cao theo đuổi thẩm mỹ tinh tế; cũng có những văn vật với hình tượng kỳ dị, thậm chí gần với phong cách trừu tượng hiện đại. Tuy nhiên, các văn vật này không có mối quan hệ logic một cách tự nhiên về mặt niên đại.

Trên thực tế, rất nhiều di tích cổ đại có thể cung cấp manh mối cho chúng ta, đặc biệt là với một số nền văn minh từng cực thịnh một thời, rồi đột nhiên biến mất chỉ sau một đêm.

Tại Hy Lạp cổ đại, người Minoan trên đảo Crete đã kiến lập một cường quốc hàng hải thịnh vượng, đặc biệt vương triều Minoan cuối cùng đã đạt đến đỉnh điểm, và tất cả các quốc gia ở Biển Aegea đều phải cống nạp cho nó. Tuy nhiên, quyền bá chủ này đã bị tiêu diệt hoàn toàn bởi vụ phun trào của núi lửa Santorini vào năm 1500 TCN. Trong phế tích của cung điện tráng lệ một thời, vẫn còn lưu lại những bức tranh tường và đồ dùng tinh xảo, tuy nhiên cũng lưu lại bằng chứng về việc lạm sát người vô tội và hiến tế người sống.

Tiếp sau, người Mycenae có rất nhiều vàng bạc châu báu, cùng quân đội và vũ khí hùng hậu; rất nhiều hiện vật được trang trí với chủ đề chiến tranh. Tuy nhiên, cường quốc hiếu chiến này đột ngột kết thúc vào cuối thế kỷ 12 TCN, khi tất cả các cung điện và thị trấn bị phá hủy. Kể từ đó, Hy Lạp cổ đại bước vào "thời kỳ đen tối" kéo dài hàng trăm năm. Dân số giảm mạnh, văn vật nghèo nàn, các loại kỹ nghệ cũng thất truyền.

Bích họa tinh xảo thuộc văn minh Minoan cổ đại được khai quật trên đảo Crete, Hy Lạp . (Shutterstock)
Di tích kiến ​​trúc Minoan trên đảo Crete, Hy Lạp. (Shutterstock)

Tinh thần mỹ học Hy Lạp là cội nguồn của nghệ thuật cổ điển

Nền văn hóa Hy Lạp mà chúng ta quen thuộc được phát triển từ tàn tích của nền văn minh trước đó. Những đồ hình hình học đơn điệu trên đồ gốm thời ban sơ đã phát triển thành những hình vẽ với đường nét uyển chuyển, đẹp đẽ sinh động. Về phương diện kiến ​​trúc, những ngôi đền tráng lệ và trang nghiêm xuất hiện. Các tác phẩm điêu khắc thô lậu thuở mới đầu dần dần trưởng thành đến sự hoàn mỹ giống như thật.

Trên tường trong đền thờ Thần Apollo ở Delphi có ghi rõ 4 nguyên tắc lớn: "Đẹp nhất là chí công, tuân thủ bổn phận quyền hạn, không kiêu ngạo phóng túng, và không thái quá". Ý thức thẩm mỹ của người Hy Lạp được xây dựng trên cơ sở công chính cân bằng, tiết chế lý tính này.

Trong Thần thoại Hy Lạp, Thần Apollo cai quản ánh sáng, chân lý, âm nhạc và nghệ thuật, ông và các nữ Thần Muse sống trên đỉnh Olympus, đại diện cho thánh điện và hình mẫu cao nhất của nghệ thuật. Những phẩm chất tận thiện tận mỹ của nghệ thuật Hy Lạp chính là ở trong sự cân bằng, hài hòa, ưu nhã, trang trọng, yên bình và hướng vào nội tâm v.v…, đây cũng là "tinh thần cổ điển " được tôn vinh trong nghệ thuật phương Tây sau này. Đối lập là Thần rượu Dionysus, là vị Thần hỗn loạn đại diện cho sự bấn loạn, thèm khát, buông thả, bất thường và phá vỡ mọi quy tắc. Loại tính chất này trong biểu hiện nghệ thuật cũng khởi một tác dụng nhất định.

"Tinh thần cổ điển" của điêu khắc Hy Lạp bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ 5 TCN, là thời kỳ mà nghệ thuật Hy Lạp bước vào giai đoạn trưởng thành hoàn mỹ, đồng thời cũng là đỉnh cao của sự phát triển tri thức và văn hóa Hy Lạp , được gọi là "Thời đại hoàng kim của Hy Lạp". Lúc này, các tác phẩm thể hiện được tỷ lệ lý tưởng, kết cấu chuẩn xác, cảm giác cân đối hoàn hảo của cơ thể con người; bên cạnh vẻ đẹp bên ngoài, những bức tượng này còn bộc lộ tinh thần nội tại bình tĩnh, thoát tục, cao quý, ý vị thâm sâu.

Tuy nhiên, theo các ghi chép lịch sử và phát hiện khảo cổ, trong khi Hy Lạp cổ đại có một nền văn minh phát triển, cuộc sống của người dân dần trở nên xa hoa hủ bại, đạo đức suy đồi. Có thể thấy được điều đó trên một số đồ tạo tác nghệ thuật với chủ đề tục tĩu dâm ô không thèm che đậy.

Trong Chiến tranh Peloponnesus, một trận dịch hạch đã bùng phát ở thành phố Athens, giết chết hơn một nửa cư dân và một phần tư binh lính, ngay cả lãnh đạo chính trị Pericles cũng không thể trốn thoát. Kể từ đó, cấu trúc xã hội của Athens sụp đổ, nạn trộm cắp, giết người và cướp của tràn lan; văn minh Athens khó có thể được phục hồi.

Sau khi Hy Lạp bị Macedonia chinh phục, nước này bước vào thời kỳ Hy Lạp hóa (323 TCN - 146 TCN), lúc này chủ đề của các bức tượng điêu khắc dần hướng đến hiện thực hóa, đời sống hóa, bắt đầu khắc họa thất tình lục dục của nhân vật, tác phẩm mang nhiều tính người hơn. Trong quá trình đánh Đông dẹp Tây, Alexander cũng đã truyền bá nghệ thuật Hy Lạp đến nhiều nơi, sinh ra ảnh hưởng sâu rộng khắp thế giới.

Chứng kiến ​​sự trỗi dậy và sụp đổ của Đế quốc La Mã trong nghệ thuật

Năm 146 trước Công nguyên, người La Mã sáp nhập Hy Lạp vào lãnh thổ của mình và kế thừa nghệ thuật Hy Lạp; họ không chỉ mô phỏng các tác phẩm Hy Lạp mà còn tiếp tục trọng dụng các nghệ thuật gia Hy Lạp.

Người La Mã đã đạt được những thành tựu to lớn trong kiến ​​trúc, một mặt họ cải tiến các yếu tố của kiến ​​trúc Hy Lạp (như cột trụ), mặt khác họ phát triển cấu trúc mái vòm mang đặc trưng của La Mã. Trong thời hoàng kim của đế quốc, kiến trúc chủ yếu được sử dụng để thể hiện phong độ quốc gia, biểu dương thành tích v.v…; do đó, khải hoàn môn, cột ghi công tích, quảng trường và đền thờ tráng lệ… lần lượt xuất hiện; các công trình công cộng như nhà hát, đấu trường và nhà tắm dần trở nên hoành tráng và sang trọng.

Tượng chế tác phỏng theo phong cách cổ điển Hy Lạp. (Jastrow/Wikimedia Commons)

Người La Mã thực dụng vốn có truyền thống tả thực về phương diện điêu khắc, sau đó tiếp thu những đặc điểm lý tưởng hóa của nghệ thuật Hy Lạp, tạo ra rất nhiều kiệt tác chân thực và chấn động lòng người. Trong các tác phẩm hội họa dùng để trang trí kiến ​​trúc, phối cảnh và tương phản chiaroscuro được sử dụng một cách tự nhiên, thậm chí một số bích họa còn mang không khí chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa lãng mạn.

Nhưng cũng giống trước kia, sau khi Đế quốc La Mã kiến lập quyền lực lớn mạnh, bầu không khí kiêu ngạo phóng túng ngày càng bành trướng. Ở Pompeii, nơi bị tro núi lửa bao phủ và phá hủy, chúng ta có thể thấy bằng chứng về việc con người đương thời đắm chìm trong tửu sắc, và những bức tranh khiêu dâm khó coi trên tường của các nhà thổ có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi. Các trận đánh nhau chém giết đẫm máu thường được tổ chức tại đấu trường, thậm chí những người theo đạo Cơ-đốc tay không tấc sắt còn bị lùa vào đấu trường để bị thú dữ ăn thịt. Tội ác này được người dân La Mã coi là bình thường, xem như một trong những trò giải trí thú vị.

Từ năm 165 đến năm 266, Đế quốc La Mã hùng mạnh đã phải hứng chịu Đại dịch hạch 5 lần trong 100 năm, dẫn đến vô số người chết và suy thoái kinh tế. Vào thế kỷ thứ 5, những người man tộc đã xâm chiếm La Mã, và đế quốc huy hoàng này đã kết thúc trong bệnh dịch và chiến tranh. Ngay cả ở Đế quốc Đông La Mã, còn tồn tại ở phía Đông, một số bệnh dịch đã xảy ra từ năm 541 đến 591 cho đến khi một phần tư dân số tử vong. Nền văn minh châu Âu một lần nữa bước vào thời kỳ đen tối: văn vật bị phá hủy với số lượng lớn, nghệ thuật gia yếu kém, kỹ nghệ thất truyền. Đây là một lần minh chứng khác cho quy luật “thành, trụ, hoại, diệt” trong lịch sử.

Phù điêu trong đền thờ Thần Zeus ở Olympia, "Trận chiến giữa nhân mã và người Lapith", ngay cả chủ đề chiến tranh cũng phản ánh tinh thần cổ điển trang trọng và hướng nội. ( Carole Raddato/Wikimedia Commons )
Quần thể tượng Laucon thời kỳ Hy Lạp hóa ── biểu hiện nhiều cảm xúc và tính người hơn. (Shutterstock)

(Đăng lại từ "艺谈Artium "https://artium.co/zh-hant/node/63)

Sử Đa Hoa - Artium
Hữu Đức biên dịch từ Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Từ lịch sử quan Thành Trụ Hoại Diệt xem mối quan hệ giữa văn minh và nghệ thuật (P-1)