Viết đơn ly hôn giúp bạn, suýt mất hết phúc phận

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào những năm Càn Long, ở Thượng Hải có một Nho sinh tên là Kiều Quang Liệt, tự Kính Đình, hiệu Nhuận Trai. Kiều Quang Liệt đỗ tiến sĩ năm Định Tỵ, làm quan đến chức Tuần phủ tỉnh Hồ Nam, sau khi bãi quan ông lại được triều đình trọng dụng và bổ nhiệm làm Bố chánh sứ tỉnh Cam Túc.

Kiều Quang Liệt xuất thân bần hàn, sau khi ra làm quan ông vẫn sống vô cùng thanh bạch, liêm khiết, lăn lộn hơn 30 năm trên quan trường mà trong nhà vẫn chẳng có của ăn của để. Khi nhậm chức tri huyện, ông từng xắn tay vén gấu dạy nông dân cách trồng dâu nuôi tằm, được mọi người yêu mến gọi là Kiều Công Tang.

Thuở hàn vi, Kiều Công cùng vợ sống rất tằn tiện, trong nhà thường thiếu cơm ăn. Kiều Công không có kế sinh nhai, nhưng bản thân lại thích uống rượu dạo chơi đây đó. Vợ ông Kiều phu nhân vốn là người phụ nữ hiền đức, ngày ngày quay tơ dệt vải để có tiền chăm lo cho gia đình. Vì gia cảnh túng thiếu, mỗi bữa bà đều nhường chồng phần hơn, mặc cho bản thân phải ăn đói mặc rét. Những khi trong nhà hết gạo nấu cơm, Kiều phu nhân lại đặt một cốc rượu trên bàn, Kiều Công vừa nhìn liền hiểu ý, ông vui vẻ uống rượu rồi lại sải bước ngao du, coi cái bụng rỗng như là chuyện thường ngày.

Mỗi khi đêm đã khuya mà chồng chưa về nhà, Kiều phu nhân lại lên lầu dõi mắt nhìn ra xa, thấy trong bóng tối có hai ngọn đèn đỏ soi cho một người đang chầm chậm di chuyển, khi về gần đến nhà thì đèn cũng tắt, chỉ lát sau đã nghe thấy tiếng chồng gọi cửa. Linh tính mách bảo phu nhân rằng sau này nhất định Kiều Công sẽ được công thành danh toại, phú quý hiển đạt, vậy nên dẫu phải ăn đói mặc rét bà vẫn kiên nhẫn cùng chồng vượt qua những ngày tháng cơ hàn.

Một buổi tối nọ, Kiều phu nhân lại lên lầu ngóng chồng, nhưng lần này chưa nhìn thấy đèn đã nghe thấy tiếng gõ cửa. Kiều phu nhân cảm thấy có gì đó bất ổn, liền hỏi rằng chàng đã làm gì? Kiều Công đáp: “Ta chỉ đánh bạc và uống rượu mà thôi”.

Phu nhân hỏi lại: “Đây không phải toàn bộ sự việc, hẳn có điều chàng chưa cho thiếp biết! Liệu hôm nay chàng có làm việc gì tổn hại đến âm đức hay không?”.

Kiều Công đáp: “Không có gì đặc biệt, chỉ là ta viết hộ tờ đơn ly hôn cho một anh bạn chỗ quen biết mà thôi. Việc ly hôn này không phải do ta gây ra, mà là điều đã được quyết định rồi, cho dù ta không viết thì họ cũng sẽ ly hôn, ta viết hộ anh ta tờ đơn ly hôn xét ra cũng chẳng có hại gì”.

Phu nhân nói: “Ôi chao, đã nói là không viết thì cũng sẽ ly hôn, vậy còn cần tờ đơn ly hôn làm gì? Việc này quan hệ đến danh dự và tiết tháo của chúng ta, ngàn vạn lần cũng không thể làm. Chàng mau mau tiêu hủy nó đi, nếu không thì muộn mất không kịp nữa”.

Kiều Công vừa nghe liền sực tỉnh, lập tức nhận ra tính nghiêm trọng của vấn đề. Ông vội vàng chạy đến nhà anh bạn kia, vừa xé vụn tờ đơn ly hôn vừa nói: “Tôi sẽ không làm những việc thất đức như thế này nữa”.

Sau khi về đến nhà, ông thấy vợ đã đứng tựa cửa mỉm cười chào đón mình.

Khi triều đình sắp mở hội thi Hương, Kiều phu nhân nói với chồng: “Tháng ngày thấm thoắt trôi qua, mới đó mà hai chúng ta cũng sắp già rồi, những ngày nghèo khó không biết đến bao giờ mới kết thúc. Mùa thu năm nay triều đình mở hội thi Hương, sao chàng không lấy đó mà tự cố gắng?”.

Kiều Công nói: “Ta cũng từng nghĩ thế, nhưng chúng ta nghèo quá, cho dù muốn vay mượn trăm đồng để duy trì sinh kế cũng rất khó khăn, huống hồ một khoản tiền lớn như thế, lấy đâu ra nhiều tiền mà đi thi?”.

Kiều phu nhân đáp: “Có lẽ trong hội bạn bè của chàng có người có thể hỗ trợ kinh phí cho chàng, hoặc nghĩ cách giúp chàng chăng? Thiếp dù không có nhiều, nhưng thiếp có thể lấy tất cả những gì mình có thể giúp chàng”.

Kiều Công nghe lời vợ, liền đi khắp nơi tìm bạn bè.

Kiều Công tìm đến vị đồng học là Cố Mỗ. Được biết Cố Mỗ cùng vài vị học trò khác cũng ghi danh ứng thí, nhưng vì chưa tìm được người tùy tùng nên vẫn chưa khởi hành. Kiều Công liền nói: “Cố huynh ạ, đệ cũng muốn đi thi, nhưng khổ nỗi không có lộ phí nên chẳng biết làm cách nào. Nếu các huynh cần người gánh đồ và phụ giúp các việc dọc đường thì đệ nguyện ý làm người tùy tùng cho huynh sai khiến, miễn là huynh có thể đưa đệ cùng đi, vậy có được không?”.

Cố Mỗ nói: “Kiều đệ nói gì lạ thế, đệ vốn tài hoa xuất chúng, khí lượng cao xa, nhận được sự tôn trọng của mọi người, sao có thể đi phục vụ người khác được?”.

Kiều Công nói: “Đệ cam tâm tình nguyện mà, nếu các huynh đồng ý thì đệ vô cùng cảm kích. Huynh không vì thấy đệ nghèo khó mà coi khinh, đệ cũng đâu dám thất lễ với huynh”.

Cố Mỗ nói: “Nếu cậu đã nói như thế, tôi nghĩ những người khác cũng sẽ đồng ý thôi. Vậy thế này đi, vào ngày ấy giờ ấy, đệ hãy đến bến tàu Đông Môn, tìm người lái thuyền tên họ như thế như thế là có thể cùng chúng tôi khởi hành rồi”.

Sau đó Cố Mỗ kể lại với nhóm bạn đồng hành về sự việc này, nhóm bạn ông đều kinh ngạc nói: “Kiều Công thường ngày vẫn hay uống rượu lại thích đánh bạc, người nhà cũng không đếm xỉa, cậu ta sao có thể cam tâm tình nguyện đi phục vụ người khác đây? Hơn nữa cho dù cậu ta nghèo khó đi nữa, nhưng dẫu sao cũng là người có học, nay lại làm chân sai bảo cho chúng ta, để chúng ta tùy ý sai khiến, vậy chẳng phải chúng ta sẽ bị người đời khiển trách hay sao? Việc này tuyệt đối không thể được! Còn nếu cứ nhất định phải cho cậu ta đi cùng, thì chúng ta hãy tìm cách khác”.

Cố Mỗ đáp: “Tôi đã đồng ý với cậu ta rồi, vậy bây giờ phải làm thế nào?”.

Trong nhóm có người lên tiếng: “Dù sao cũng đã giao hẹn với cậu ta rồi, hay là thế này đi: Chúng ta hãy khởi hành sớm hơn ngày giờ đã hẹn. Cậu ta không có tiền cũng không tham gia vào được, sao có thể trách cứ chúng ta đây”.

Mọi người đều đồng ý với kiến nghị này.

Đến ngày hẹn, Kiều Công xách hành lý đến bến đò Đông Môn đi khắp nơi tìm thuyền của Cố Mỗ, nhưng tìm mãi mà không thấy tăm hơi. Trong lúc đi tha thẩn bên bờ sông, ông tình cờ gặp một Nho sinh cũng đang trên đường tham gia ứng thí. Nghe người ấy kể, Kiều Công mới biết nhóm bạn của Cố Mỗ đã khởi hành từ sớm rồi. Kiều Công vô cùng thất vọng, khẽ thở dài tự hỏi số mệnh sao lắm trái ngang, cảm thấy bản thân cùng khốn lao đao, không biết mình đã làm gì khiến người ta chán ghét đến mức độ này, chẳng thà nhảy xuống sông tự vẫn cho xong. Nhưng vừa định nhảy xuống ông chợt nhớ đến hai xâu tiền đồng trong tay nải, số tiền ấy đều là tài vật mà vợ ông đã chắt chiu dành dụm, nàng đã phải bỏ ra không biết bao nhiêu tâm huyết mới kiếm được. Ông định bụng tìm một người quen, nhờ anh ta mang tiền về gửi vợ, như thế mới không cô phụ tấm lòng của nàng.

Kiều Công đi khắp nơi tìm thuyền của Cố Mỗ, nhưng tìm mãi mà không thấy tăm hơi. (Ảnh: Pixabay)

Kiều Công rời khỏi bờ sông, vừa đi được vài bước bỗng nghe thấy phía sau có người gọi tên mình. Thì ra là một người quen cũ, hiện đang là chủ quán ăn ở bến sông. Cậu ta nói: “Tiên sinh muốn đi thi phải không? Hiện nay vẫn còn sớm, nếu không ngại thì mời tiên sinh vào bản quán uống tách trà cho ấm bụng”.

Dứt lời, cậu ta bưng trà ra và nói: “Khoa thi năm nay tiên sinh nhất định sẽ đỗ cao trung, tại hạ đã chuẩn bị sẵn lễ mừng, muốn mời tiên sinh uống ly rượu hỷ. Uống xong ly rượu này, tại hạ sẽ đưa tiên sinh xuống thuyền, chẳng hay thuyền của tiên sinh đang đậu chỗ nào?”.

Kiều Công nghe xong không kìm được hai hàng nước mắt, nghẹn ngào không nói nên lời. Cậu ta kinh ngạc hỏi nguyên nhân vì sao, Kiều Công liền kể rõ đầu đuôi câu chuyện.

Cậu ta nói: “Tiên sinh đã có chí đi thi, sao lại vì chuyện nhỏ này mà buông xuôi vậy? Tuy rằng tại hạ năng lực có hạn, nhưng nhất định sẽ có cách giúp tiên sinh. Mời tiên sinh ở đây ăn một bữa cơm, tại hạ sẽ cùng thương lượng với các anh em một chút, nếu có thể gom góp được chút ít vốn liếng ủng hộ ngài lên đường thì cũng không uổng phí những ngày tháng giao du chốn giang hồ”.

Sau bữa cơm, cậu ta liền ra ngoài tìm gặp nhóm bạn bè, chỉ còn lại một mình Kiều Công ở trong quán chờ đợi. Không lâu sau, cậu ta trở về cùng với năm, sáu người khác, họ đều mặc áo ngắn, chân đi đôi giày cỏ. Cậu ta chỉ vào Kiều Công và nói với các anh em của mình: “Vị này chính là Kiều tiên sinh”.

Mọi người cùng cúi đầu hành lễ với Kiều Công, sau đó mỗi người đều lấy tiền trong ngực áo ra và đặt lên bàn rồi nói: “Xin tiên sinh hãy nhận lấy số tiền hụi này”.

(Tiền hụi - tức tiền hội, là phương thức huy động tiền thời cổ đại, trong đó mỗi người đóng góp một khoản tiền nhất định, toàn bộ số tiền này được huy động cho một thành viên trong nhóm. Sau này, các thành viên trong nhóm lại đóng góp khoản tương tự và trao cho thành viên tiếp theo trong nhóm, cứ như vậy lần lượt cho đến khi tất cả mọi thành viên đều được nhận tiền. Khoản tiền huy động theo cách này được gọi là tiền hụi, tức tiền Hội - 會錢)

Kiều Công ngạc nhiên bèn hỏi nguyên do, cậu ta nói: “Chúng tôi đều là chỗ anh em thân thiết, vừa hay nhân lúc thấy tiên sinh đi thi cần có lộ phí nên lập hụi giúp tiên sinh”.

Kiều Công bèn cúi đầu cảm tạ. Cậu ta nói tiếp: “Chẳng mấy khi có cơ duyên thế này, vậy tôi mời các anh em uống ly rượu mừng, chúc cho Kiều tiên sinh thượng lộ bình an. Xin mời, xin mời các anh em”.

Đêm ấy, mọi người vui vẻ uống rượu, uống mãi cho đến khi ai nấy đều say khướt.

Đến canh hai, mọi người sực tỉnh tự bảo nhau: “Quá muộn rồi, chúng ta nên tiễn Kiều tiên sinh lên đường”.

Sau đó cả nhóm cùng đi đến Nam Quan, khi băng qua cầu Thương Tiền Thủy Quan, cả nhóm đang hăm hở bước đi bỗng đột nhiên dừng lại. Kiều Công đi phía sau không biết chuyện gì xảy ra, bèn hỏi nguyên nhân. Có người nói: “Trước mặt có người khổng lồ đang đứng chắn trên cầu nên chúng tôi không qua được”.

Kiều Công trong cơn tửu hứng liền bước lên phía trước xem xét, thấy một người cao lớn đang đứng chặn giữa cầu. Trong bóng tối lờ mờ không thể nhìn rõ vị ấy là ai, chỉ biết vị này chẳng nói chẳng rằng, toàn thân bất động.

Kiều Công bước đến vỗ vỗ vào cái đùi to lớn của vị ấy và nói: “Cái anh này thật là ích kỷ, không để người khác qua cầu sao? Phiền anh hãy nhường đường để chúng tôi đi”.

Người đó liền co chân trái lại và nghiêng người cho Kiều Công đi qua, chờ khi Kiều Công cùng bốn người khác đi qua, người đó lại đứng chắn ở vị trí cũ. Ba người cuối cùng trong nhóm không còn cách nào khác, đành phải chui qua háng người khổng lồ kia, nhưng không lâu sau cả ba người này đều đột ngột chết. Thì ra người khổng lồ mà họ vừa gặp chính là hung thần, chỉ những ai có phúc phận lớn mới được hung thần cho phép đi qua cầu.

Hôm sau, Kiều Công vào thành ứng thí. Kỳ thi Hương năm ấy ông đỗ đầu bảng, đến kỳ thì năm sau ông đỗ tiến sĩ, được nhậm chức Huyện lệnh huyện Bửu Kê, sau này làm quan đến chức Tuần phủ tỉnh Hồ Nam, lại được trao cho chức Bố chánh sứ tỉnh Cam Túc. Ông cũng là một trong số ít những quan chức cấp cao là người Thượng Hải dưới thời Càn Long.

Theo Thái Nguyên - Epoch Times
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Viết đơn ly hôn giúp bạn, suýt mất hết phúc phận