Vương triều cầm thú điên cuồng nhất lịch sử Trung Hoa, gia tộc chỉ có 1 người bình thường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vương triều Bắc Tề kỳ lạ này chỉ tồn tại 27 năm. Nguyên nhân vong quốc là gia đình hoàng gia điên cuồng - những vị hoàng đế đều điên, mà lại đều là điên cuồng cực kỳ biến thái. Một gia tộc như thế này thì dẫu xuất hiện một số nhân tài như Cao Trường Cung thì cũng vô ích.

Chiến Thần của vương triều điên

Núi Mang ở phía bắc thành phố Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc là một ngọn núi nhỏ chỉ cao 300 m. Tháng 11 năm 564, 2 đội quân lớn đối đầu ở thung lũng núi Mang. Trên cờ soái của một đội quân có thêu chữ Chu lớn, cờ soát của đội quân kia có thêu chữ Tề lớn. Khi đó là vào cuối thời kỳ Nam Bắc triều, thế cuộc chính trị Hoa Hạ tương tự thời Tam Quốc, chỉ là thay đổi vị trí nam bắc mà thôi.

Thời Tam Quốc, phương bắc là Tào Ngụy lớn mạnh nhất, còn tây nam là Thục Hán, đông nam là Đông Ngô. Còn thời kỳ cuối thời Nam Bắc triều, đại bộ phận vùng trung và hạ lưu sông Trường Giang về phía nam là nước Trần, còn từ Trường Giang về phía bắc chia thành 2 vùng đông - tây. Phía đông là Bắc Tề, chiếm giữ hạ lưu sông Hoàng Hà và lưu vực sông Hoài cho đến phía bắc ông Trường Giang. Phía tây là Bắc Chu, phát tích từ vùng Lũng Tây và Quan Trung, phát triển về phía đông đến vùng trung du Hoàng Hà, đối địch với Bắc Tề, và phát triển về phía nam, thôn tính đại bộ phận vùng Tứ Xuyên và một bộ phận trung du Trường Giang, đối địch với nước Trần.

3 quốc gia này lúc thì kết thành liên minh, lúc lại đơn phương khiêu chiến lẫn nhau, có lúc còn đánh nhau hỗn tạp. Các dân tộc du mục xung quanh Hoa Hạ chốc chốc lại vào tham gia chiến cuộc, khiến tình hình chiến sự càng phức tạp.

Năm 564 thuộc về thời kỳ đánh nhau hỗn tạp, Bắc Chu liên minh với Đột Quyết ở phương bắc cùng tấn công Bắc Tề, nghĩ rằng với ưu thế quân số áp đảo, đánh chiếm thành trì quan trọng của Bắc Tề là Lạc Dương.

Ở phía bắc núi Mang, quân đội Bắc Chu và Bắc Tề đối đầu, nhưng thực lực 2 bên chênh lệch, quân đội Bắc Chu có 10 vạn quân, còn quân đội Bắc Tề tham chiến, cộng với cả quân giữ thành mới chỉ có 5 vạn quân, chỉ bằng một nửa đối phương. Thế nhưng, quân đội Bắc Tề đội ngũ chỉnh tề, trận thế vững chắc, chia làm 3 bộ phận: Tả, hữu, và trung quân.

Tướng quân trung quân Bắc Tề là Cao Trường Cung, đeo một chiếc mặt nạ bằng đồng thanh có răng nanh, che dung mạo thật của mình. Ông dẫn đầu 500 kỵ binh xông thẳng vào doanh trại quân Bắc Chu, thần dũng vô cùng, quân Bắc Chu nghênh chiến đều bị đánh tan.

Đại tướng hữu quân Bắc Tề là Hộc Luật Quang, đại tướng tả quân Bắc Tề là Đoàn Thiều. Đoàn Thiều vừa đánh vừa chạy, dẫn quân Bắc Chu đến một nơi rộng rãi, sau đó tổ chức kỵ binh xông vào đánh.

Trung quân Cao Trường Cung sau khi xuất kích lần đầu đắc lợi, lập tức tổ chức cuộc tấn công đợt 2, lần này lại càng mãnh liệt hơn, truy sát đến tận ngoài thành Kim Dung.

Thành Kim Dung là một pháo đài phía tây bắc Lạc Dương, xây dựng từ thời Tào Ngụy. Khi quân đội Bắc Ngụy tiến quân đến gần thành Lạc Dương, liền bao vây chặt thành Kim Dung đến mức con ruồi cũng không qua lọt, họ vốn cho rằng, việc phá thành chỉ là vấn đề thời gian, nào ngờ bị Cao Trường Cung đột kích từ phía sau, lập tức đánh ra được một khoảng trống.

Viên võ quan trấn thủ thành Kim Dung ưu sầu vì không có kế sách gì, bỗng nhiên thấy quân Bắc Chu đang bao vây bên ngoài thành hoảng loạn, tản ra một khoảng trống, và có một đội kỵ binh xông đến chân thành, cũng không biết là quân ta hay quân địch. Đang chưa biết phản ứng thế nào, thì viên tướng dẫn đầu đội kỵ binh đó, chính là Cao Trường Cung, tháo mặt nạ xuống, lộ ra khuôn mặt đẹp trai tuấn tú vô cùng.

Thì ra do quá đẹp trai, nên Cao Trường Cung lo lắng rằng, trên chiến trường sẽ mất đi sự uy hiếp, nên mới đeo chiếc mặt nạ bằng đồng thanh nhe hai chiếc răng nanh gớm ghiếc ra. Lúc này quan quân trấn thủ trong thành mới hiểu ra rằng, thì ra là Lan Lăng Vương của chúng ta. Tướng lĩnh giữ thành lập tức dẫn quân cung tên ra ngoài thành, cùng với đội kỵ binh của Cao Trường Cung tấn công đội quân Bắc Chu đang vây thành.

Quân đội Bắc Chu bị 2 mũi giáp công, lập tức đội hình hỗn loạn, cởi giáp bỏ mũ trốn chạy. Thế là Bắc Tề đã giành được đại thắng trận núi Mang, thành Lạc Dương cũng được giải vây.

Các võ sĩ Bắc Tề ăn mừng chiến thắng, cùng nhau ca tụng Cao Trường Cung, họ còn sáng tác ra một vũ khúc tên là “Lan Lăng Vương nhập trận khúc”. Từ đó, Lan Lăng Vương Cao Trường Cung nổi danh khắp quân đội Bắc Tề, trở thành Chiến Thần Bắc Tề. Khi đó Cao Trường Cung mới 23 tuổi. Ông được phong là Lan Lăng Vương lại không phải do chiến công, vì lúc được phong vương, ông vẫn chưa lập được chiến công nào, mà bởi vì ông là con em của hoàng thất.

Lan Lăng Vương trong bộ phim cùng tên do nam diễn viên Phùng Thiệu Phong thủ vai.
Lan Lăng Vương trong bộ phim cùng tên do nam diễn viên Phùng Thiệu Phong thủ vai. (Ảnh chụp màn hình video)

Cao Trường Cung là con trai thứ 4 của Văn Tương Đế Cao Trừng của Bắc Tề. Ông vừa đẹp trai, lại là Chiến Thần Bắc Tề, là cột trụ của quốc gia, đồng thời cũng là tấm gương trung quân ái quốc. Nhưng một đấng nam nhi hoàn mỹ như thế này lại có kết cục rất bi thảm, bởi vì tất cả người thân thích trực hệ của ông, từ phụ thân cho đến thúc thúc, rồi đến anh em họ trong nội tộc, ai nấy đều điên, ai nấy đều rất đáng sợ.

Cao Trường Cung, vị vương đẹp trai này là nam đinh duy nhất của gia tộc này không bị điên. 3 đời họ Cao Bắc Tề đã xây dựng Bắc Tề thành một vương triều cầm thú duy nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Vương triều điên phát tích như thế nào

Câu chuyện vương triều điên này bắt đầu từ Cao Hoan - ông nội của Cao Trường Cung.

Năm 496, Cao Hoan sinh ra ở trấn Hoài Sóc của Bắc Ngụy, gần thành phố Bao Đầu - Nội Mông ngày nay. Bởi vì nhà rất nghèo, Cao Hoan không có cơ hội làm quan, nên sau khi trưởng thành đành phải làm lính gác cổng thành. Nhưng Cao Hoan có một ưu thế lớn nhất, đó là cực kỳ đẹp trai. Gene di truyền mỹ nam nhà họ Cao là từ ông truyền lại,

Một ngày khi Cao Hoan đang đứng gác, thì lọt vào mắt xanh của Lâu Chiêu Quân - một mỹ nữ giàu có. Cô là con gái của một thổ hào người Tiên Ti ở địa phương. Từ khi nhìn thấy Cao Hoan, tiểu thư Lâu ngày đêm nhung nhớ:

Vô tình sao biết đa tình khổ?
Tơ duyên một khắc vạn ngày mơ.
Trời cao biển rộng còn đo được,
Chỉ có tương tư chẳng bến bờ.

(Ngọc Lâu xuân - Xuân hận - của Án Thù, Liam Tran dịch)

Tiểu thư Lâu sống chết cũng phải lấy mỹ nam ở tầng lớp thấp này. Gia đình cô không đồng ý, thế là cô lúc thì tuyệt thực, lúc thì đòi xuất gia, khiến phụ thân không còn cách nào.

Thời kỳ đó, dân tộc Tiên Ti đã được Hán hóa cao độ rồi, nhưng quan niệm môn đăng hộ đối vẫn chưa nặng nề. Thế là cuối cùng cha cô cùng theo tâm nguyện của con gái, để tiểu thư Lâu đem theo món nữ trang lớn cưới Cao Hoan.

Cao Hoan cưới được mỹ nhân giàu có, từ đó đổi đời, ông mua chiến mã, thăng quan, còn thường đến kinh đô Lạc Dương xử lý công vụ, tầm nhìn cũng mở mang, cũng đã kết giao với nhiều người tài năng.

Cao Hoan cưới được mỹ nhân giàu có, từ đó đổi đời. (Tranh: Angie - Epoch Times)

Sau loạn Lục trấn năm cuối thời Bắc Ngụy, Cao Hoan đầu quân Nhĩ Chu Vinh - nhất đại kiêu hùng, quyền thần Bắc Ngụy. Cao Hoan túc trí đa mưu, phán đoán tình thế rất chính xác, ông hiến kế sách cho Nhĩ Chu Vinh: “Minh Công, ngài hãy giương ngọn cờ “trừ gian”, lấy danh nghĩa thảo phạt tiểu nhân nịnh thần bên Hoàng đế để khởi nghĩa, nhất định sẽ được ủng hộ, bá nghiệp ắt thành”.

Nhĩ Chu Vinh hành sự theo kế đó, quả nhiên thành công, đã kiểm soát được triều đình Bắc Ngụy, trở thành quyền thần giống như Đổng Trác thời cuối nhà Hán, và được phong làm Thái Nguyên Vương.

Con đường phát tích của Nhĩ Chu Vinh cũng giống như Đổng Trác, và kết cục cũng giống như thế, ông ta bị Hiếu Trang Đế của Bắc Ngụy đâm chết.

Cao Hoan thấy “đại ca” đã chết, không biết sau này theo ai đây. Ông nhìn quanh, thấy mọi người đều đang nhìn ông, trong tâm chợt nghĩ: “Đúng rồi, vậy ta tự lập môn hộ, cầu người không bằng cầu chính mình”.

Thế là Cao Hoan kéo theo mấy vạn người, trở thành quyền thần mới của Bắc Ngụy, và ông còn khiến Hoàng đế Bắc Ngụy trở thành bù nhìn.

Lúc này, một nhân vật thuộc hạ khác của Nhĩ Chu Vinh cũng đang nổi lên ở Quan Trung. Ông ta chính là Vũ Văn Thái, người Tiên Ti. Vị hoàng đế mới của Bắc Ngụy - Hiếu Vũ Đế không muốn làm bù nhìn của Cao Hoan, bèn chạy trốn đến Quan Trung dựa vào Vũ Văn Thái. Hành động này trực tiếp khiến cho Bắc Ngụy chia cắt thành Đông Ngụy và Tây Ngụy. Cao Hoan kiểm soát Đông Ngụy, Vũ Văn Thái trấn giữ Tây Ngụy.

Cao Hoan có 15 con trai, sinh 6 người con trai với nguyên phi Lâu Chiêu Quân, gồm Cao Trừng - tức phụ thân của Lan Lăng Vương sau này, Cao Dương, Cao Diễn, Cao Dục, Cao Trạm, và Cao Tế, trong đó Cao Dục và Cao Tế chết sớm. Cao Hoan vốn không được giáo dục chính quy, quan niệm duy nhất của ông là phép tắc lục lâm “Được làm vua thua làm giặc”, đồng thời được nếm quả ngọt của cuộc đua tranh giành quyền lực, thế là ông ta đem bộ triết lý nhân sinh này truyền cho con trai.

Cao Hoan nắm quyền Đông Ngụy 15 năm, tuy không đoạt quyền rõ ràng, ông làm Đại thừa tướng Đông Ngụy, nhưng ông bồi dưỡng con trai làm người kế thừa vương vị. Ông đi theo con đường Tào Ngụy thay thế nhà Hán, và họ Tư Mã đoạt ngôi. Người kế thừa mà ông hài lòng nhất chính là người con trưởng Cao Trừng.

Cao Trừng là người rất có triển vọng, từ nhỏ đã là một đứa trẻ thiên tài, thông minh hơn người, có kiến giải độc đáo về chính trị. Năm 11 tuổi, cậu đã có thể độc lập xử lý các sự vụ ngoại giao. Năm 15 tuổi, cậu được phụ thân đề bạt làm Thượng thư lệnh, phụ trách xử lý công văn của thiên hạ. Năm 19 tuổi, cậu làm Thượng thư Bộ Lại kiêm Đại tướng quân.

Mọi người có lẽ cho rằng, cậu thanh niên trẻ người non dạ này làm những chức vụ trọng yếu như thế chỉ là dựa vào quyền lực của phụ thân. Thực sự không phải như vậy. Triều thần đương thời đều tâm phục khẩu phục trước tài năng của cậu.

Có được người thừa kế ưu tú như thế, Cao Hoan rất mãn nguyện. Thế nhưng “nhân vô thập toàn”, là người thì sẽ có khiếm khuyết, mà khiếm khuyết của Cao Trừng không chỉ rất rõ rệt mà lại là khiếm khuyết trí mạng.

Khiếm khuyết trí mạng

Cao Trừng tính tình nóng nảy và ngạo mạn, hơn nữa còn có tật háo sắc, cực kỳ háo sắc. Khi phụ thân còn khỏe mạnh, anh ta đã tư thông với sủng thiếp Trịnh Đại Xa của phụ thân.

Trịnh Đại Xa là loạn thế mỹ nhân nổi tiếng thời kỳ cuối thời Nam Bắc triều. Trịnh Đại Xa sinh ra ở gia đình quyền thế ở Bắc Ngụy, cô là chính thất của Nguyên Đễ - tông thất Bắc Ngụy, tức Vương phi Quảng Bình. Nhưng trong cuộc chính biến cung đình do Nhĩ Chu Vinh phát động, chồng cô - Quảng Bình Vương, tử nạn. Cô chịu tang khi mới 26 tuổi. Trong sự hỗn loạn của chính trường, Trịnh Đại Xa đã tái giá với quyền thần Cao Hoan, từ Vương phi trở thành sủng thiếp của Thừa tướng.

Nhưng sự chuyển mình không mấy tươi đẹp này khiến Trịnh Đại Xa không cam tâm, tuy bảo toàn được tính mệnh và vinh hoa phú quý, nhưng danh dự, tước vị đều bị tổn thất. Thế là cô quyến rũ Cao Trừng, người kế thừa của Thừa tướng. Trịnh Đại Xa suy tính: “Sau này nếu Cao Trừng trở thành hoàng đế, chẳng phải mình có cơ hội làm hoàng hậu đó sao? Như thế cuộc đời sẽ chuyển ngược. Những năm tháng làm thiếp này chỉ coi là bước lùi trước khi leo lên đỉnh cao mà thôi”. Lúc đó Cao Trừng mới 15, 16 tuổi.

Loạn thế

Thời Nam Bắc triều là thời loạn thế, càng về thời kỳ cuối càng loạn. Trịnh Đại Xa còn gọi là Trịnh Hỏa Xa là một cô gái yêu kiều yếu ớt, nhưng cái tên cũng mang vẻ 'hổ báo'. Trên thực tế, cô ta rất to gan lớn mật, rất ‘hổ báo’. Trịnh Đại Xa là khởi đầu họa loạn cho gia tộc họ Cao.

Cao Hoan biết mình bị con trai cắm sừng thì rất tức giận. Cao Trừng thấy vị trí người thừa kế không đảm bảo nữa, trong lúc tuyệt vọng, anh ta đã cầu cứu viên đại thần là thuộc hạ thân tín của phụ thân. Thông qua một loạt biện pháp, họ ép 2 nữ tỳ - người tố cáo chuyện tư thông, lật lại lời khai, thừa nhận là vu cáo Cao Trừng, thì cơn sóng gió đó mới qua đi.

Tuy Cao Trừng thuận lợi kế thừa địa vị của phụ thân, nhưng thói háo sắc không thay đổi, hễ nhìn thấy mỹ nữ là bước không nổi nữa. Một lần Cao Trừng để mắt tới Nguyên thị - vợ một vị đại thần. Họ Nguyên này là họ hàng của hoàng tộc Tiên Ti. Sau khi để mắt đến vợ người ta, Cao Trừng nghĩ mọi cách để lừa Nguyên thị đến nhà mình.

Nguyên thị rất tức giận, mắng Cao Trừng không bằng loài cầm thú. Cao Trừng tức giận: “Ta có ý với ngươi mà ngươi lại xem thường ta, ngươi không biết điều chút nào”.

Thế là Cao Trừng tống giam Nguyên thị vào ngục.

Sau đó Cao Trừng còn cướp vợ của Cao Thận - một cao quan triều đình khác. Cao Thận nổi giận, nổi loạn, chạy đến Tây Ngụy.

Sau 2 năm làm Đại thừa tướng, chính là lúc Cao Trừng muốn phế trừ Hoàng đế Đông Ngụy thì một sự cố bất ngờ xảy ra. Cao Trừng bị đầu bếp gia đình đâm chết. Cái chết bất ngờ của Cao Trừng khiến toàn bộ gia đình họ Cao rơi vào hỗn loạn, không biết xoay xở ra sao. Đúng vào lúc then chốt này, người em là Cao Dương bỗng triển hiện khả năng lãnh đạo phi thường. Cao Dương quyết đoán xử tử thích khách, sau đó tuyên bố với bên ngoài rằng Cao Trừng chỉ bị thương nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng, từ đó ổn định được lòng người và có được thời gian xoay xở.

Khi đó Cao Dương ở thủ đô Đông Ngụy là Nghiệp Thành, còn phủ Đại thừa tướng của Cao Hoan ở Tấn Dương, một đô thị khác của Đông Ngụy. Cao Dương không nói năng gì, lập tức vội vàng về Tấn Dương, kiểm soát căn cứ địa mà phụ thân để lại, và gây dựng một đội quân hùng mạnh.

Sau khi đứng vững, Cao Dương quyết làm tới cùng, phế bỏ Hoàng đế Đông Ngụy, đổi tên nước là Đại Tề, sử sách gọi là Bắc Tề, trở thành vị Hoàng đế đầu tiên của Bắc Tề, truy tôn phụ thân Cao Hoan là Thần Vũ Đế.

Còn về mỹ nhân Trịnh Đại Xa, cả hai người quan trọng trong cuộc đời cô là Cao Hoan và Cao Trừng đã không còn nữa, giờ đây cô muốn quyến rũ Cao Dương thì cũng không kịp nữa rồi. Thế là kế hoạch đổi đời của Trịnh Đại Xa không thực hiện được. Cô được phong làm Phùng Dực Thái phi, dắt theo con trai của cô và Cao Hoan sinh ra đến đất phong và im hơi lặng tiếng, từ đó cô cũng biến mất trong sử sách.

Sau khi Cao Dương xưng đế, kẻ thù của Cao Hoan là Vũ Văn Thái ở Tây Ngụy cho rằng thời cơ đã đến, ông ta cho rằng cả Cao Hoan và người con thiên tài Cao Trừng đều đã chết rồi, Cao Dương đoạt vị nhất định sẽ không được lòng người, sẽ không đứng vững, Bắc Tề hiện nay không còn người tài nữa, nên lập tức dẫn quân xâm lược Bắc Tề.

Hai bên đối đầu, Vũ Văn Thái phát hiện ra rằng không phải như ông ta nghĩ, quân đội Bắc Tề còn tinh nhuệ hơn cả thời kỳ Cao Hoan. Thế là Vũ Văn Thái lập tức cuốn cờ lui binh.

Một loạt hành động của Cao Dương đều rành mạch dứt khoát, khiến quần thần đều khâm phục. Nhưng họ không ngờ rằng, vị Hoàng đế mà họ kính phục đầy tài năng và mưu lược này lại mở đầu một vương triều không bằng cầm thú trong lịch sử Trung Hoa.

Bắc Tề khai quốc, năm đầu tiên khá thuận lợi, Cao Dương đưa Bắc Tề lên hàng đại ca trong 3 nước, giàu nhất, mạnh nhất. Nhưng 3 năm sau, phong thái của Cao Dương hoàn toàn thay đổi. Cao Dương thích uống rượu, sau khi say rượu thì làm càn. một lần Cao Dương uống say, liền đến nhà một đại thần đã qua đời và hỏi vợ đại thần đó là Lý thị rằng: “Có nhớ người chồng đã qua đời hay không”.

Lý thị trả lời rằng: “Vợ chồng kết tóc, sao có thể không nhớ”.

Cao Dương nói: “Nhớ à, thế tại sao cô không đi cùng với ông ấy?”

Nói xong, Cao Dương liền rút bảo đao, một nhát chém chết Lý phu nhân ngay tại chỗ. Hành động này khiến tất cả mọi người đều vô cùng sợ hãi.

Không lâu sau, Cao Dương lại để mắt đến Tiết thị - một sủng thiếp của một người anh họ. Người anh họ sợ hãi, lập tức chủ động dâng sủng thiếp cho Cao Dương. Cao Dương vui mừng hớn hở phong cho cô làm Tiết tần. Tiết tần đẹp khuynh thành khuynh quốc, khiến Cao Dương mê mẩn, hai người cả ngày dính chặt với nhau.

Nhưng một ngày nọ, Cao Dương đột nhiên nhiên nghĩ đến việc Tiết tần là do ông ta lấy về từ chỗ người anh họ, ông ta bắt đầu tức giận khi tưởng tượng những cảnh ân ái của Tiết tần với người anh họ, càng nghĩ càng dùi sừng bò, càng nghĩ càng thổi bùng lên ngọn lửa ghen tuông. Thế là Cao Dương sai người đến nhà người anh họ để hỏi tội. Người anh họ vô cùng kinh sợ, đến mức mấy ngày sau do sợ hãi quá mà chết.

Lúc này Cao Dương đã có những triệu chứng ảo tưởng và bệnh thần kinh nóng nảy, hơn nữa bệnh tình xấu đi rất nhanh. Càng đáng sợ hơn là, sau đó không lâu xảy ra một sự việc kinh hoàng. Một ngày nọ, Cao Dương mở tiệc trong Hoàng cung, thết đãi quần thần. Mọi người đều đến dự tiệc, thấy trên ngai vàng phía trên chỉ có Hoàng thượng, còn Tiết tần - người vốn ngày ngày luôn dính chặt với Hoàng thượng, thì không thấy đâu. Quần thần cũng không dám hỏi, chỉ cắm đầu cắm cổ ăn. Rượu được 3 tuần, cảm xúc của mọi người dâng lên, bắt đầu chuốc rượu nhau.

Lúc này, bỗng nhiên Cao Dương khóc rống lên, quần thần ngây người vây quanh. Hoàng thượng thể hiện trạng thái bất bình thường, không khống chế được cảm xúc, thì đã từng xảy ra một lần rồi. Mọi người đang nghĩ là có nên khuyên giải Hoàng thượng một chút, để cơn điên này mau qua đi hay không.

Trong khi mọi người đang suy nghĩ thì Cao Dương đột nhiên vỗ bàn, dùng tay áo lau nước mũi, rồi lôi từ dưới gầm bàn ra một vật đen xì ném rầm lên mặt bàn. Tất cả mọi người tập trung nhìn, và tất cả đều sợ ngây người ra: Rõ ràng là cái đầu của Tiết tần.

Thì ra sau khi Cao Dương sát hại Tiết tần, rồi lại xẻ thành 8 mảnh, rồi đem cái đầu cô đi dự tiệc. Sau khi uống rượu say liền cầm cái đầu ném ra. Hoàng thượng vừa nổi cơn điên vừa nổi cơn say rượu, ai có thể chịu được. Quần thần sợ quá nháo nhác chạy đi hết. Bàn tiệc cũng lật đổ, sơn hào hải vị đều vung vãi khắp nơi dưới đất, khung cảnh hỗn loạn, cung điện rộng lớn ngổn ngang.

Cao Dương lại làm ra chuyện mà tất cả mọi người đều không ngờ tới. Ông ta duỗi tay, lại lôi từ dưới gầm bàn ra một thứ: xương đùi của Tiết tần.

Tâm lý biến thái như thế này còn kinh sợ hơn cả phim kinh dị. Cao Dương toàn làm ra những sự việc kinh hãi như thế. Ông ta cầm khúc xương đùi, làm động tác như đánh đàn, vừa đàn vừa chảy nước mắt vừa hát rằng: “Mỹ nhân khó có được, khó có được! Thật đáng tiếc, thật đáng tiếc thay!”.

Sau đó Cao Dương cử hành tang lễ long trọng cho vị ái phi này. Vị Hoàng đế đã ở trong trạng thái điên điên nhập ma này đầu xù xõa tóc đi bộ theo xe chở linh cữu, còn gào khóc thống thiết, bi thương vô cùng.

Nhìn hành động này, có thể mọi người nghĩ Cao Dương điên nhưng là người chung thủy với tình yêu. Hoàn toàn nhầm, ông ta không chung thủy chút nào. Những cô gái bị Cao Dương xâm phạm nhiều không tính xuể. Hễ ông ta để mắt đến phụ nữ nào, bất kể là ai, bất kể vai vế thứ bậc thế nào, không ai thoát khỏi móng vuốt ma quỷ của ông ta, quả đúng là con yêu tinh râu xanh biến thái.

Những người bị Cao Dương giết cũng nhiều vô kể. Ông ta để một chiếc cưa lớn trong triều đình, mỗi khi uống rượu xong, nhìn thấy ai không vừa mắt liền dùng chiếc cưa lớn này cưa chết để mua vui.

Cao Dương thường xuyên say rượu, ông ta tự nói nhìn thấy những quỷ hồn của những người chết. Đến thời kỳ cuối, bệnh thần kinh của ông ta càng nghiêm trọng, và càng nóng nảy. Sau khi uống rượu, ông ta hoặc là trần truồng chạy, hoặc là giết người. Do ngộ độc rượu nặng, ông ta không thể nào ăn uống bình thường được, chỉ dùng rượu để duy trì ăn uống, hễ ăn chút gì là lại phải có hớp rượu để nuốt xuống, nếu không thì không ăn được gì cả. Cuối cùng, sau 9 năm làm Hoàng đế, Cao Dương chết ở tuổi 33.

Sau khi Cao Dương chết, tất cả mọi người đều thở phào nhẹ nhõm, vì Hoàng đế điên này đã chết rồi, nếu ông ta sống thêm 10 năm nữa, thì không biết còn gây ra những chuyện gì nữa.

Thái tử Cao Ân kế vị, nhưng tâm trạng nhẹ nhõm của mọi người cũng nhanh chóng biến mất, gia tộc họ Cao ngay sau đó xảy ra cuộc tranh giành quyền lực, huynh đệ tương tàn.

Huynh đệ tương tàn

Cao Ân kế vị mới 1 năm thì bị người chú Cao Dần đoạt ngôi, sau đó Cao Ân bị người chú sát hại. 2 năm sau, Cao Dần bị bệnh chết. Trước khi chết, Cao Dần ngẫm nghĩ kỹ, rồi truyền ngôi báu cho em trai là Cao Trạm. Cao Dần xin Cao Trạm bỏ qua cho con trai còn ấu thơ của mình là Cao bách Niên. Trước giường bệnh của anh trai, Cao Trạm vô cùng thành khẩn, nhỏ lệ nhận lời.

Tuy nhiên, thực tế Cao Trạm là một vị quân vương tàn nhẫn lạnh lùng hơn cả Cao Dương. Cao Dương chỉ sau khi uống rượu mới giết người, còn Cao Trạm thì không uống rượu cũng đã giết người như ngóe rồi. Nước mắt khóe mắt ông ta còn chưa khô, ông ta diễn còn chưa xong màn, vừa lên ngôi, việc đầu tiên ông ta làm là đích thân dùng phương thức cực kỳ tàn nhẫn sát hại Cao Bách Niên. Về lời hứa hòa nước mắt của Cao Trạm với anh trai Cao Diễn, Cao Trạm vừa quay mặt đi liền ném nó vào thùng rác.

Sau khi làm Hoàng đế, phi tần hậu cung của Cao Trạm rất nhiều, nhưng ông ta không thỏa mãn, ông ta để mắt tới chị dâu - góa phụ của Cao Dương, cựu Hoàng hậu Lý Tổ Nga. Lý Tổ Nga không nghe theo, Cao Trạm liền đe dọa rằng: “Nếu cô không nghe theo ta, ta sẽ giết con trai cô”. Lý Tổ Nga không còn cách nào khác đành phải nghe theo.

Thật trớ trêu là, tuy Cao Trạm phóng túng làm càn, nhưng ông ta lại giám sát đôn đốc hoàn thành một bộ pháp điển khá quan trọng trong lịch sử Trung Hoa: Tề luật. Sau khi làm Hoàng đế được 4 năm, Cao Trạm chán nản. Trước kia cảm thấy rằng, làm hoàng đế rất thú vị, nhưng sau khi làm được vài năm, ông ta cảm thấy quá nhiều sự việc, quá phiền phức, chiếm hết thời gian hưởng lạc của ông ta, thế là ông ta truyền ngôi cho con trai là Cao Vĩ, bản thân ông ta làm Thái thượng hoàng.

Những trò chơi của Cao Trạm rất nhiều, toàn là những thứ không thể miêu tả không thể nói ra được. Nhưng chính vì ông ta chơi quá điên cuồng và hoang dã, nên sau khi làm Thái thượng hoàng được 4 năm thì qua đời.

Con trai ông ta - Cao Vĩ, tuy về những việc giết người không hăng máu như phụ thân, nhưng cũng là một bạo chúa trong lịch sử.

Một ngày nọ, Cao Vĩ mời các đại thần vào cung tham quan quốc bảo, hơn nữa còn nói phải bỏ khoản tiền lớn mua vé mới được tham quan quốc bảo. Hoàng đế muốn cho mọi người thấy quốc bảo, đương nhiên các đại thần phải đi, phải hùa theo.

Họ vừa bước vào đại điện, tất cả đều ngây ra, không phải là sợ ngây ra, mà là kinh ngạc ngây người.

Thì ra sủng phi của Hoàng thượng là Phùng Tiểu Liên bị lột trần như nhộng, nằm trên chiếc bàn lớn ở giữa đại điện, xung quanh bàn còn hữu ý thắp vô số nến, chiếu sáng toàn thân sủng phi.

Mọi người xấu hổ, có mấy vị lớn tuổi dùng tay áo che mặt. Cao Vĩ nhìn thấy thì nổi giận: “Các người có ý gì, trước quốc bảo của trẫm, các ngươi có thái độ gì”.

Thế là các đại thần buộc phải xem. Sủng phi Phùng Tiểu Liên cũng thật đáng thương, bị người chồng biến thái hành hạ như thế này. Lúc này Cao Vĩ mới đắc ý nói: “Ái phi của ta có ngọc thể hoàn mỹ không tì vết, lẽ nào không phải là quốc bảo. Các khanh không biết thì thôi, giờ biết rồi, hãy nói cảm nhận của các khanh. Bắt đầu từ vị này, lần lượt mỗi người hãy nói đi”.

Tất cả các đại thần đều kinh ngạc không nói nên lời.

Những năm cuối triều Ân Thương, Trụ Vương từng đã có điển cố hồ rượu rừng thịt, đổ đầy rượu xuống hồ, buộc thịt nướng lên khắp các cây cối, sau đó sai một đám nam nữ lõa thể đuổi nhau vui chơi trong rừng. Đây là điều đã được ghi lại trong sử sách Trung Hoa.

Ở đây, Cao Vĩ lại khai sáng ra một loại mới. Trò chơi kỳ lạ này của Cao Vĩ được đại thi sĩ đời Đường là Lý Thương Ẩn viết thơ rằng:

Tiểu Liên ngọc thể hoành trần dạ
Dĩ báo Chu sư nhập Tấn Dương

Tạm dịch:

Ngọc thể Tiểu Liên nằm phơi ngang
Đã báo quân Chu chiếm Tấn Dương

Ý nghĩa là, Bắc Tề dâm loạn tác quái như thế này thì sao có thể giữ được giang sơn. Từ đó, tiếng Hán có câu thành ngữ “Ngọc thể hoành trần” (Ngọc thể phơi ngang).

Cao Vĩ đã chán cuộc sống đế vương phú quý rồi, và cũng học theo phụ thân đóng các vai khác nhau, có lúc đóng vai ăn mày vào trong thành đi khắp nơi khất thực. Tất nhiên là dưới sự bảo vệ của đội quân thị vệ, nên cũng không có ai không dám thí xả cho ông ta. Sau này, ông ta lại phong quan cấp quận cho 500 cung nữ. Sau khi phong quan cho mọi người đã quá mệt rồi, ông ta lại phong quan cho thú cưng của mình.

Cái chết của Chiến Thần Bắc Tề

Tượng Lan Lăng Vương. (Nguồn baidu)

Trở lại câu chuyện ở đầu bài viết, sau khi Bắc Tề đại thắng núi Mang năm 564, Lan lăng Vương Cao Trường Cung ca khúc khải hoàn trở về, hoàng thất bày tiệc chúc mừng ông. Sau đó, Cao Vĩ cũng triệu kiến riêng người anh họ Cao Trường Cung. Ông ta nói với Cao Trường Cung rằng: “Xung phong vào trận địa quân địch sâu quá như thế, nếu bất lợi thì hối hận cũng không kịp”.

Cao Trường Cung trả lời rằng: “Việc quan hệ mật thiết với việc nhà, bất giác làm như thế”.

Cao Vĩ nghe thấy Cao Trường Cung nói những lời này, trong lòng tự hỏi: “Sao, việc quốc sự của ta lại biến thành việc nhà ngươi khi nào vậy? Không được rồi, có vấn đề ở đây rồi. Ngươi có lòng dạ khác rồi”.

Chớ thấy Cao Vĩ làm những trò hoang đường đó mà coi thường, ông ta tính sổ người ta đều không hề ngốc nghếch chút nào. 7 năm sau, Cao Vĩ giết đại tướng Hộc Luật Quang. Một vị tướng lĩnh trong đại thắng núi Mang là Đoàn Thiều có vận khí khá tốt, Đoàn Thiều bị bệnh chết. Lúc này chỉ còn lại Lan Lăng Vương Cao Trường Cung - người vẫn luôn cầm quân bảo vệ quốc gia, mới cảm nhận được sự nguy hiểm, mới bắt đầu căng thẳng, biết rằng mình cũng có thể bị Hoàng thượng tính kế, cũng đã bị nhắm tới rồi.

Đúng lúc Lan Lăng Vương do dự không biết có nên thoái lui ẩn cư hay không thì Cao Vĩ cho người đem một ly rượu độc đến. Cao Trường Cung một tấm lòng trung thành son sắt, lúc này cũng chỉ có thể gượng cười đau khổ và uống chén rượu độc. Thế là, trong những nam đinh gia tộc họ Cao, người duy nhất không bị điên đã bị đầu độc chết như thế này.

Khi gia tộc họ Cao của Bắc Tề đang không ngừng bày ra các trò quái đản trên con đường tác oai tác quái, thì gia tộc Vũ Văn Thái ở Quan Trung lại phát triển vững chắc, từng bước lớn mạnh.

Năm 557, gia tộc Vũ Văn Thái thay thế Tây Ngụy, kiến lập nhà Bắc Chu. 20 năm sau, Bắc Chu lại lần nữa xâm lược Bắc Tề. Lần này, vị chủ tướng sáng tạo ra đại thắng núi Mang đã không còn tại thế nữa, quân đội Bắc Chu thế mạnh như chẻ tre, nhanh chóng chiếm được Tấn Dương và Nghiệp Thành, Bắc Tề diệt vong.

Vương triều Bắc Tề kỳ lạ này chỉ tồn tại 27 năm. Nguyên nhân vong quốc là gia đình hoàng gia điên cuồng - những vị hoàng đế đều điên, mà lại đều là điên cuồng cực kỳ biến thái. Một gia tộc như thế này thì dẫu xuất hiện một số nhân tài như Cao Trường Cung thì cũng vô ích.

Một điều cần nói đến nữa là, sự biến thái và những hành động cuồng loạn của hoàng thất Bắc Tề chủ yếu đều do người thống trị tạo ra trong giới quý tộc cung đình, chứ không có những chính sách tàn ác hại dân. Do đó, sau khi Bắc Chu tiêu diệt Bắc Tề, rồi nhà Tùy tiêu diệt Bắc Chu, thì lập tức tập trung được ưu thế sức mạnh nhân lực vật lực và tiêu diệt nhà Trần, thống nhất Hoa Hạ. Điều này cho thấy, trong 27 năm triều Bắc Tề làm loạn làm bậy, thì xã hội và dân sinh và tầng lớp trung tầng và hạ tầng xã hội đều được bảo toàn hoàn hảo.

Theo Wenzhao
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vương triều cầm thú điên cuồng nhất lịch sử Trung Hoa, gia tộc chỉ có 1 người bình thường