Vạn vật đều có linh: Người đại thiện có thể hàng long phục hổ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hổ dữ không những có thể cảm ứng được với đạo đức cao thượng của vị quan mà còn có thể cảm ứng được với linh hồn của những trung thần nghĩa sĩ. Bài viết này sẽ kể lại câu chuyện về một vị đại thiện nhân vào đầu thời nhà Thanh. Ông thường được mọi người tán dương là có thể "hàng long phục hổ". Khi vị đại thiện nhân qua đời, con hỗ cũng đâm đầu vào bia đá để chết theo.

Trong những năm đầu thời nhà Thanh, Trung Quốc, ở Cán Ấp có một người chân thành chất phác, khiêm tốn phúc hậu tên là Quách Sĩ Tuấn. Người trong thôn đều biết đến sự lương thiện của ông. Không chỉ có vậy, sự hiếu thuận của ông đối với với cha mẹ cũng rất nổi tiếng, không ai không biết.

Lúc này, trong vùng, có một con hổ thường xuyên giết người bừa bãi khiến người đi đường luôn phải canh chừng cẩn thận. Một ngày nọ, Quách Sĩ Tuấn đang trên đường đến một ngôi làng để thu tiền thuê đất, có hai người hầu đi phía trước ông. Đột nhiên từ bụi cây rậm rạp bên đường, đột nhiên có một con hổ nhảy ra, chắn ngang đường đi. Hai người hầu vội vàng bỏ hành lý chạy thục mạng. Quách Sĩ Tuấn cũng muốn chạy, những chân của ông lại không thể di chuyển được. Thế rồi, Quách Sĩ Tuấn liền ngồi xuống đất nhìn con hổ để chờ đợi thời cơ, con hổ cũng ngồi đối diện ông.

Quách Sĩ Tuấn biết rằng mình khó có thể thoát được nên nói với con hổ rằng: "Ta không may gặp phải ngươi, đó là số mệnh của ta. Ngươi hãy mau ăn thịt ta đi, đừng để ta cứ phải lo lắng sợ hãi".

Con hổ nghe xong, đột nhiên đứng dậy tiến lại gần rồi dựa vào Quách Sĩ Tuấn, giống như đã được thuần phục từ trước.

Quách Sĩ Tuấn nói tiếp với con hổ rằng: "Nếu như ngươi không muốn làm hại ta, vậy ngươi muốn gì?".

Con hổ lại ngậm lấy hành lý của Quách Sĩ Tuấn rồi mang đến trước mặt ông. Đến đây nó cúi đầu, khom lưng, tỏ ý muốn mang những đồ này giúp cho Quách Sĩ Tuấn. Quách Sĩ Tuấn dường như cũng hiểu được ý của con hổ, nên để bao hành lý lên lưng nọ. Thế rồi, Quách Sĩ Tuấn đứng dậy đi về phía trước, con hổ cũng đi theo.

Hai người hầu chạy được đến ngôi làng, kể lại cho tá điền những việc đã xảy ra. Mọi người nghe xong đều cảm thấy rất kinh ngạc, cho rằng việc Quách Sĩ Tuấn bị con hổ cắn chết quả thật là thế đạo vô thường.

Đột nhiên, mọi người nhìn thấy Quách Sĩ Tuấn và con hổ đi tới. Ai cũng hoảng hốt chạy vào nhà, khóa cửa và tạo ra những tiếng động lớn để xua đuổi con hổ. Quách Sĩ Tuấn nói: "Mọi người không cần sợ, con hổ này không tấn công người đâu".

Ông nói mọi người hãy mở cửa và ra ngoài. Quả nhiên, con hổ ngoan ngoãn nghe theo, cúi đầu cụp đuôi, làm theo lời của Quách Sĩ Tuấn. Thế rồi, mọi người chuyển từ hoảng sợ sang vui mừng, tranh nhau mang thịt cho con hổ ăn, nó cũng ăn hết từng miếng một. Đến ban đêm, con hổ cũng ngủ canh ngoài cửa.

Khi Quách Sĩ Tuấn lên đường về nhà, con hổ vẫn mang bao quần áo cho ông. Về đến nhà, người trong thôn cũng rất hoảng sợ. Quách Sĩ Tuấn bèn kể rõ đầu đuôi sự việc đã xảy ra. Mọi người đều cho rằng đạo đức cao thượng của Quách Sĩ Tuấn đã cảm hóa được con hổ nên càng kính trọng và yêu quý ông hơn. Từ đó về sau, tin tức về có hổ tàn sát bừa bãi trong vùng cũng không còn nữa.

Lúc đó, quận của Quách Sĩ Tuấn gặp phải hạn hán lâu ngày. Quan phủ phải lập đàn cầu mưa, hơn nữa còn nhiều lần phái người đến miếu Thành Hoàng để cầu xin nhưng vẫn chưa có kết quả. Đột nhiên một ngày nọ, Thần Thành Hoàng nói với quận trưởng trong mộng rằng: "Ngày mai ở vùng ngoại ô phía Bắc, sẽ có một ông già mang theo con hổ đi về phía Đông. Người này có thể mang mưa đến, ngươi hãy tìm ông ta".

Hôm sau, quận trưởng sai nha lại đợi ở vùng ngoại ô phía Bắc, quả nhiên gặp được Quách Sĩ Tuấn. Nha lại biết rằng con hổ đi theo Quách Sĩ Tuấn không bao giờ hại người, nên cũng không ngần ngại đưa Quách Sĩ Tuấn đến gặp quận trưởng. Quận trưởng vô cùng kinh ngạc, tiếp đón Quách Sĩ Tuấn long trọng và nhờ Quách Sĩ Tuấn thay mình cầu mưa. Quách Sĩ Tuấn kiên quyết từ chối, nói rằng ông không thể làm được. Thế nhưng quận trưởng vẫn kiên trì thuyết phục.

Không thể từ chối được, Quách Sĩ Tuấn liền lên đài cầu mưa để bái lạy, còn con hổ thì nằm phủ phục dưới chân đài cầu mưa. Đúng vào giờ ngọ, đột nhiên có đám mây đen dài ngoằn ngoèo như một con rồng xuất hiện, không lâu sau, trời mưa như trút nước. Quận trưởng vô cùng vui mừng, mời Quách Sĩ Tuấn đến phủ quan để tổ chức tiệc cảm ơn, thế nhưng Quách Sĩ Tuấn kiên quyết từ chối, rồi mang theo con hổ rời đi.

Ở vùng đất khô hạn lâu ngày, không một giọt mưa, vì sao đến giờ ngọ, mây đen đột ngột kéo đến, trút xuống cơn mưa rào? (Pixabay)

Sau khi trở về, quận trưởng đích thân viết bốn chữ lớn "Hàng long phục hổ", rồi lệnh cho nha lại chuẩn bị thêm rượu, trên đường đi đánh trống thổi kèn, mang bốn chữ này đến nhà tặng cho Quách Sĩ Tuấn. Việc này khiến danh tiếng của Quách Sĩ Tuấn ngày càng vang xa.

Khi Quách Sĩ Tuấn qua đời, con hổ đi quanh giường ông, không ngừng gầm. Đến khi người nhà cảm thấy sợ, con hổ mới ngừng lại. Ngày Quách Sĩ Tuấn được đưa vào quan tài, con hổ liên tục chảy nước mắt, ngày đêm túc trực bên linh cửu. Đến khi linh cửu của Quách Sĩ Tuấn được đưa xuống mộ, con hổ nằm trên đất, gầm lên một tiếng lớn rồi đập đầu vào bia mộ chết theo.

Mọi người đều cho rằng đây là một con hổ trung nghĩa bèn mang việc này báo cho quận trưởng. Quận trưởng đích thân đến phần mộ của Quách Sĩ Tuấn, nhìn thấy con hổ đã đập đầu chết theo. Quận trưởng cảm thấy vô cùng thương tiếc nên bèn chọn một nơi ở bên cạnh mộ của Quách Sĩ Tuấn, dùng màng bọc lấy thi thể con hổ rồi cho mai táng ở đây. Sau đó quận trưởng còn lập bia mộ cho con hổ, đề rằng "Phần mộ con hổ trung nghĩa của Quách thiện nhân". Cho đến đầu thời Dân Quốc, ngôi mộ này vẫn còn tồn tại.

(Nguồn tư liệu: Sách “Vật do như thử” của quan Thái sử Từ Kiêm - đời Thanh)

Hoài Nhẫn Nhẫn - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vạn vật đều có linh: Người đại thiện có thể hàng long phục hổ