Vì sao các anh hùng Thủy Hử lại giết nhiều hổ như vậy?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Võ Tòng đánh hổ trên đồi Cảnh Dương; Lý Quỳ giết bốn hổ trả thù cho mẹ; Giải Trân, Giải Bảo bắn chết hổ trên núi Đăng Châu; Lương Sơn giết Ngũ Hổ Tướng của Tăng Đầu Thị v.v… Có phải ngẫu nhiên mà Thi Nại Am để cho hổ bị căm ghét và giết nhiều như vậy trong “Thủy Hử” hay không?

1. Anh hùng hào kiệt điêu đứng bởi Hổ

Trước hồi truyện nổi tiếng “Võ Tòng đả hổ”, thì “Thủy Hử” đã sớm cho chữ Hổ kèm theo tai họa giáng xuống đầu bậc anh hùng. Đó là ở Hồi 6, khi Cao Cầu lừa Lâm Xung đem đao vào Bạch Hổ Tiết Đường, từ đó hãm hại chàng nhà tan cửa nát, thân bại danh liệt.

Lâm Xung. Nguồn: Triệu Thành Vĩ - Epochtimes Hong Kong.

Người đọc cũng không còn lạ gì phong khí xã hội trong Thủy Hử nữa, đó là thời kỳ hết sức thối nát. Đức Khổng Tử từng nói: “Nền chính sự hà khắc còn đáng sợ hơn là hổ”. Do đó có thể hiểu ở đây Thi Nại Am dùng “hổ” để ẩn dụ cho nền chính sự hà khắc, bộ máy quan lại hủ bại cuối thời Bắc Tống. Chẳng phải trong hý kịch Bao Công vẫn sử dụng Hổ đầu trảm để xử tử quan lại, tướng quân phạm trọng tội đó sao.

Chưa hết, ở Hồi 11, Dương Chí đem bảo đao gia truyền đi bán, thì gặp trúng tên lưu manh Hổ Không Lông Ngưu Nhị, bị hắn sinh sự đến nỗi không nhịn được mà chém chết hắn. Dù chàng làm việc tốt, trừ hại cho dân, nhưng rốt cuộc vẫn phải chịu tù đày trừng phạt.

Ngay cả bậc Giác Giả cao quý như Chúa Jesus đến ban phép lành, cứu vớt con người, mà vẫn nhất định bị đóng đinh lên thập giá mới được tính là trả nợ giúp thế nhân, huống hồ một người phàm như Dương Chí. Vậy là, cũng từ đây, cuộc đời người hào kiệt luôn nuôi chí đền ơn vua lộc nước đã bị đẩy đi rất xa, ngược lại hoàn toàn với sở nguyện.

Dương Chí bán đao, giết Hổ Không Lông Ngưu Nhị. Nguồn: Wikipedia, phạm vi công cộng.

2. Thiên tượng Thanh Long - Bạch Hổ

Thi Nại Am đã khéo léo lồng ghép một truyền thuyết nổi tiếng vào trong “Thủy Hử”. Đó là thiên tượng Thanh Long - Bạch Hổ.

Tranh dân gian Kim Hoàng vẽ Thanh Long, Bạch Hổ. Nguồn: Ảnh chụp tác phẩm.

Từ xưa vẫn lưu truyền rằng Thanh Long, Bạch Hổ hạ phàm không phải điềm lành, đó là thiên tượng báo trước giặc cướp nổi lên, chiến tranh loạn lạc. Trời sai Thanh Long đầu thai xuống làm thủ lĩnh phản loạn, thì ắt cũng sẽ cử Bạch Hổ xuống làm tướng quân bình định. Đó là lý tương sinh tương khắc, có chính có phản, vở kịch lịch sử sẽ theo thế mà diễn ra.

Ngay từ đầu, chúng ta đã thấy Lâm Xung gặp nạn ở Bạch Hổ Tiết Đường. Còn Dương Chí thì sao? Dương Chí có biệt hiệu Thanh Diện Thú, về sau lại cùng Lỗ Trí Thâm làm chủ trên núi Nhị Long, chính là ẩn dụ của Thanh Long, kẻ gây sự với chàng lại có biệt hiệu là Hổ Không Lông, chẳng đúng ẩn dụ của Bạch Hổ là gì? (Ngoài ra, trong tiếng Hán, chữ “bạch” cũng còn mang nghĩa là “không”, như “bạch tu”, “bạch luyện” nghĩa là “tu cũng như không”, “luyện cũng như không”).

Một khi quan lại, ác bá Bắc Tống đã sắm vai Bạch Hổ tàn bạo, thì ắt phải có anh hùng hào kiệt nổi lên làm Thanh Long đối chọi. Tuy nhiên, “long” hay “rồng” chẳng phải tượng trưng cho vua đó sao? Rồng mà lại không ở trong triều nữa, là tượng đế vương mất nước. Điều này phải chăng ứng với việc Tống Huy Tông - vị hoàng đế hết mực sủng ái Cao Cầu - bị quân Kim bắt đi trong Loạn Tĩnh Khang, đồng thời đánh dấu sự diệt vong của nhà Bắc Tống.

3. Ẩn ý đằng sau cặp đôi Lâm Xung - Dương Chí

Người đọc có thể dễ dàng thấy rằng, tác giả đặt cặp đôi Lâm Xung, Dương Chí song hành, dụng ý để hai người này vừa là đối chọi vừa là phản chiếu của nhau. Từ hoàn cảnh xuất thân đều là con nhà dòng dõi trung thần võ tướng; một người vì mua đao, một người vì bán đao mà khiến cho cuộc đời điêu đứng; cho đến lần đầu gặp nhau cũng là màn tỉ thí ngang tài ngang sức, bất phân cao thấp.

Lâm Xung và Dương Chí vốn ban đầu không hề quá khác biệt, đều là anh hùng hào kiệt nặng lòng công danh nam nhi. Nhưng chữ Xung có nghĩa là xông xáo kia, lên đến tột đỉnh sẽ trở thành Xung Hư, nghĩa là vô vi. Lâm Xung sau khi chịu đựng đọa đày đến tới hạn, đã tỉnh ngộ, chàng vứt bỏ hết mọi vương vấn, chỉ vui thú tự do chốn thủy bạc mà thôi. Còn Dương Chí, lúc ban đầu được mời nhập bọn, chàng đã từ chối. Chàng vẫn giữ lòng kiêu hãnh của mình, vẫn giữ chữ Chí kia mà khinh thường đám người lạc thảo ngoài vòng pháp luật ở Lương Sơn. Lâm Xung dù rất tương đồng với Dương Chí, có thể gọi là cùng đẳng cấp, thế nhưng vẫn chưa đủ uy tín, đủ sức nặng để thuyết phục chàng ta.

Hai chiếc đao của Lâm Xung và Dương Chí tưởng giống mà lại khác nhau, đồng thời chúng còn ẩn chứa đạo lý tu luyện sâu sắc.

Chiếc đao của Lâm Xung là chiếc đao trong câu “Tửu thị xuyên trường độc dược, sắc thị quát cốt cương đao” (“Rượu là thuốc đứt ruột, sắc là đao cạo xương”) - đây có thể coi là câu nhập môn trong việc dưỡng sinh, tu luyện. Chiếc đao cạo xương đay đi nghiến lại này có thể hành hạ người ta cả đời, nếu mà mua vào thì ắt đại họa lâm đầu.

Thực vậy, Lâm Xung khi đi cùng hòa thượng Lỗ Trí Thâm (gợi cho chúng ta liên tưởng đến “trí huệ thâm sâu”) đã rất cố gắng tránh người bán đao (chính là bộ hạ của Cao Cầu đến gài bẫy chàng), thế nhưng khi người này năm lần bảy lượt khích tướng dụ dỗ, chàng đã ngoái đầu lại. Đến lúc y rút thanh đao sáng loáng ra, chàng lóa hết cả mắt, không kìm lòng được nữa mà gọi lại gần. Sau đó, khi chàng quyết định về nhà lấy tiền trả, thì Trí Thâm cáo biệt chàng.

Đây chẳng phải chính là ẩn dụ con người chấp trước vào sắc, vào đam mê đến đánh rơi lý trí hay sao? Và nghĩ lại thì, chẳng phải Lâm Xung bị hại bởi chữ Cầu sao? (Chữ Cầu trong tên Cao Cầu hài âm với chữ Cầu trong từ “truy cầu”). Kết cục đưa đẩy đến đâu là điều có thể hiểu được.

Chiếc đao của Dương Chí là chữ Cát (割) trong từ “cát xả” (割捨) nghĩa là “buông bỏ chấp trước”. Chữ Cát có chữ Hại đứng cạnh bộ Đao, hàm ý là cắt bỏ những gì độc hại, ngoài ra nó còn hài âm với chữ Cát nghĩa là “cát tường”. Chiếc đao này hễ cắt là đứt hẳn, khổ một lần rồi thôi, không dằn vặt đọa đày người ta như chiếc đao của Lâm Xung đã nói trên kia. Có thể nói, đây mới chính là đao quý, mới xứng là đồ gia bảo tổ tiên ông cha truyền lại. Đao này mà đem đi bán thì hiển nhiên tai vạ sẽ đến. Dương Chí vì tiền mà đem đao đi bán, sau đó lại được Ngưu Nhị yêu cầu dùng đao chém xâu tiền, ấy vậy mà chàng vẫn không ngộ ra.

Chữ Đao cùng với chữ Đạo một vần, rốt cuộc, Lâm Xung và Dương Chí đều vì không hiểu cái lý của đao, không hiểu đạo, mà rơi vào thảm cảnh. Vậy họ làm cách nào để thoát nạn, được cứu rỗi? Đều là nhờ vị anh hùng không chấp trước vào sắc đẹp, công danh: Lỗ Trí Thâm. Lâm Xung có biệt hiệu Báo Tử Đầu, được định số chết ở rừng Dã Trư (rừng Lợn Lòi). Báo và lợn lòi vốn dĩ là thiên địch, báo vẫn thường hay săn giết lợn lòi, giờ này bỏ mạng tại chốn của lợn lòi, âu cũng là nghiệp báo tuần hoàn, chỉ có Phật Pháp mới có thể hóa giải. Và may sao, Hoa Hòa Thượng đã xuất hiện đúng lúc.

Báo và lợn lòi phải chăng là ẩn dụ cho oan oan tương báo? Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Dương Chí sau này cùng Lỗ Trí Thâm trấn giữ chùa Bảo Châu trên núi Nhị Long, chính là ẩn ý “Châu về Hợp Phố”, những gì tinh hoa quý báu đã mất nay quay trở lại.

  1. Vạn Pháp quy tông

Như chúng ta đã biết một đạo lý đậm chất Nho gia xuyên suốt trong Thủy Hử đó là: “Bách thiện hiếu vi tiên, vạn ác dâm vi thủ”.

Thực vậy. Về vế đầu, ngay từ hồi thứ nhất chúng ta đã thấy giáo đầu Vương Tiến chẳng màng chuyện hôn nhân bản thân, nhưng mẹ già thì nhất quyết không bỏ bễ, đi trốn cũng phải chở mẹ theo cùng. Ngoài ra, Lý Quỳ khi được hưởng cuộc sống đầy đủ hơn, thì nghĩ ngay đến về nhà cõng mẹ lên Lương Sơn chung hưởng. Tống Giang cũng vì lo cho cha già mà chưa chịu làm phản v.v…

Còn vế sau, chúng ta thấy trong truyện, tham quan có thể được tha, trộm cắp có thể được tha, thậm chí giết người cũng vẫn có thể được tha, nhưng tà dâm, cưỡng ép con gái nhà lành, tư thông vợ người khác, đặc biệt những kẻ đội lốt nhà sư, đạo sĩ để làm việc xằng bậy đó… thì 100% đều bị các vị anh hùng hảo hán tống tiễn suối vàng.

Thêm lên đó, chuyện về 36 thiên cang, 72 địa sát, những phép thuật của Nhập Vân Long Công Tôn Thắng, Thần Hành Thái Bảo Đới Tung cũng là thể hiện một phần nhỏ của Đạo gia.

Sau cùng, những câu chuyện của Hoa Hòa Thượng Lỗ Trí Thâm, Hành Giả Võ Tòng, Lâm Xung, Dương Chí… toát lên lòng coi trọng sự cứu rỗi của Phật gia. Ngẫm nghĩ kỹ càng, thì không phải ngẫu nhiên “Thủy Hử” được vinh dự ở trong “Tứ Đại Danh Tác”, “Tứ Đại Kỳ Thư”, quả thực tác phẩm này, cũng như “Tây Du Ký”, toát lên một tầm nhìn vĩ đại, đó là “Tam giáo đồng nguyên”, “Phật Đạo đề huề”, “Vạn Pháp quy tông”. Phật gia, Đạo gia, Nho gia ắt hẳn đến tối cao đều có chung một nguyên lý vũ trụ chỉ đạo. Đó cũng chính là suy tư, cảm nghĩ mà nhân loại chúng ta vẫn hằng ôm ấp bao đời nay trên con đường tìm tòi, khám phá.

Hữu Đức



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao các anh hùng Thủy Hử lại giết nhiều hổ như vậy?