Việc thiện nhỏ bé, lợi mình lợi người, khiến bản thân thêm hạnh phúc

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Tôi nhớ một siêu sao Hollywood đã từng nói trong một chương trình trò chuyện rằng: “Tôi không muốn sống trong một thế giới mà sự thiện lương bị coi là nhược điểm”. Câu nói này khiến tôi suy nghĩ sâu sắc...

Quả đúng là ngày nay những chiêu trò lừa đảo và cạm bẫy có ở khắp mọi nơi, mọi thủ đoạn không chính đáng đều được người ta lấy ra để lừa gạt nhau. Chúng ta có thể thường thấy trên báo chí, có người tốt ra tay giúp đỡ người gặp nạn thì lại bị vu oan, hãm hại. Rồi chẳng bao lâu sau, mọi người không còn ca ngợi người tốt, việc tốt nữa. Họ quay ra nghi ngờ “động cơ” làm việc thiện. Tới lúc đó chắc chắn rằng xã hội này đã rơi vào một vòng tuần hoàn ác tính.

Trong xã hội không chỉ có lòng người sa sút, mà nhìn vào chốn công sở “người tốt bị bắt nạt”, những người lương thiện thường bị coi là nhóm người “yếu đuối”, và “dễ bị lừa”. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chứng thực rằng, những người lương thiện sẽ mang lại lợi ích to lớn cho chính họ và cho người khác.

Trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” có nói: “Người làm điều thiện, phúc tuy chưa tới, họa đã tránh xa; người làm việc ác, họa tuy chưa tới, phúc cũng đã rời xa”. Người tốt sẽ được phúc báo là chân lý bất biến muôn đời nay. Hành động tốt đẹp nho nhỏ cũng giúp tạo nên nếp sống tốt, hình thành dòng suối ấm áp sưởi ấm lòng người, khiến xã hội trở lại với tình người ấm áp. Tuy nhiên, dù người hiện đại có tin hay không thì đạo lý vẫn luôn công bằng, chính là xét ở lòng người.

Làm việc tử tế mang lại lợi ích cả về thể chất và tinh thần cho chính bản thân

Nguồn gốc của thiện đến từ nội tâm, khi hướng sâu vào trong tâm xem xét, căn nguyên của thiện sẽ không ngừng tuôn chảy, khiến bản thân có được những lợi ích bất ngờ. Đại học Oslo Na Uy và Đại học Dortmund Đức đã thực hiện nghiên cứu tương tự và phát hiện ra rằng, những người tự nguyện giúp đỡ người khác có cảm giác hạnh phúc trong tâm cao hơn những người không giúp đỡ người khác.

Một nghiên cứu của Canada vào năm 2013 được công bố trên Thư viện Y khoa Quốc gia (National Library of Medicine) khẳng định rằng, giúp đỡ người khác có thể làm giảm chỉ số BMI (chỉ số thể trọng cơ thể), và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác.

Năm 2016, một báo cáo nghiên cứu được công bố trên chuyên mục Y học thân tâm của Tạp chí Biobehavioral Medicine cho thấy, hành động “cho đi” có liên quan đến việc giảm căng thẳng và tăng cường sinh lực cho não bộ. Nó cho thấy việc “cho đi” có lợi ích tâm lý lớn hơn “nhận”. Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, làm nhiều việc tốt sẽ làm tăng hai chất dẫn truyền thần kinh - serotonin và dopamine - giúp não bộ luôn cảm thấy vui vẻ.

Cô Donna Cameron là nhân viên xã hội của một tổ chức phi lợi nhuận, cô thường cảm nhận được tầm quan trọng của lòng tốt trong công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, cô lo lắng rằng, việc thực hành lòng tốt của mình bị bỏ dở giữa chừng, nên cô đã lập một blog “Một năm thực hành làm người lương thiện", để ghi lại việc duy trì thực hiện việc tốt mỗi ngày. Cô bất ngờ phát hiện ra rằng, những hành động tốt đẹp thường xuyên có thể thúc đẩy bài tiết serotonin, giúp giảm đau mãn tính, căng thẳng, và mất ngủ. Điều này trùng khớp với kết quả của nhiều nghiên cứu nước ngoài.

Lương thiện cần phải kiên trì bền bỉ

“Thiện lương”, thoạt nghe thì có vẻ không khó, nhưng để duy trì lâu dài thì không dễ. Nếu không bồi dưỡng tính cách thiện lương, khi gặp những tình huống bất ngờ người ta sẽ dễ nổi cáu.

Ví dụ, một người tuân thủ luật lệ giao thông và lái xe chậm, giữ một khoảng cách nhất định với xe phía trước, nhưng xe phía sau lại bấm còi inh ỏi. Một ví dụ khác là đi xem phim sau giờ làm việc để giải tỏa áp lực công việc, nhưng xung quanh có rất nhiều người cứ ăn phát ra tiếng..., đủ thứ chuyện vặt vãnh cũng có thể khiến người ta bực mình!

Tuy nhiên, nếu một người luôn giữ một trái tim nhân hậu, thì sẽ bao dung hơn. Nếu một người biết nghĩ nhiều hơn cho người khác, thì sẽ có thể dễ buông bỏ những oán hận hơn. Bạn thử nghĩ xem, người trên chiếc xe phía sau đang bấm còi, có thể vì anh ta đang có việc rất gấp; người ngồi cạnh bạn trong rạp xem phim và đang ăn phát ra tiếng, có thể vì cô ấy tan sở quá muộn, đói quá không kịp ăn tối, nên phải mang theo đồ ăn vào rạp chiếu phim.

Nếu một người luôn giữ một trái tim nhân hậu, thì sẽ bao dung hơn. (ẢNh pexels)

Để giữ vững được sự thiện lương cần phải kiên trì, bền bỉ thì nó mới có thể dung nhập và trở thành một phần của cuộc sống. Tôi nghĩ rằng có bốn cách hiệu quả để rèn luyện thói quen lương thiện:

  1. Lòng biết ơn: Sống với tấm lòng trân trọng và biết ơn những gì bạn có. Hiểu và trân quý phúc thì sẽ càng có nhiều phúc.
  2. Nhìn nhận sự việc một cách tích cực: Trên đời này có rất nhiều điều sẽ không được như ý, chúng ta cần học cách đối đãi với mọi thứ một cách tích cực và chào đón mỗi ngày với tâm thái vui vẻ.
    Giả sử trên bàn chỉ còn nửa cốc nước, người có thái độ tích cực thì mừng vì còn nửa cốc nước để uống; người có suy nghĩ tiêu cực thì buồn bã, chỉ còn nửa cốc nước, làm sao có thể làm dịu cơn khát của họ.
    Hãy học cách nhìn mọi thứ bằng suy nghĩ tích cực và sống vui vẻ mỗi ngày.
  3. Bớt chỉ trích: Cái gọi là “nói nhiều ắt sẽ nói hớ”, lời nói không chỉ làm tổn thương người khác mà còn làm tổn thương chính bạn. Khi bạn nói những lời và suy nghĩ không tốt, sẽ gây ảnh hưởng đến sự bình yên của cả thân lẫn tâm.
  4. Biến lòng tốt thành hành động: Tấm lòng thuần thiện không phải là nói suông, mà phải có nỗ lực để hành động! Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Aesop đã nói: “Bất kỳ hành động thiện lành nào, dù nhỏ thế nào, đều không phải là vô ích”.

Thực ra, cái gọi là “hành việc thiện” rất đơn giản, như chào buổi sáng bằng một nụ cười, sẵn sàng chia sẻ túi cà phê của bạn với người khác, nhận fax cho đồng nghiệp… Tưởng chừng như đó là những hành động nhỏ không đáng kể, nhưng nó đã giúp bạn hình thành thói quen làm việc tốt từng chút một, để làm việc thiện thành thói quen hàng ngày.

Chút ấm áp thúc đẩy tuần hoàn xã hội tốt đẹp

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lòng tốt có tính lan truyền. Khi chúng ta tử tế với người khác, người khác sẽ đáp lại lòng tốt với chúng ta, và chủ động quan tâm đến người khác.

Trong một nghiên cứu được thực hiện tại văn phòng Coca-Cola ở Madrid, Tây Ban Nha, 19 người được bí mật sắp xếp để trở nên thân thiện với những đồng nghiệp cụ thể trong một tháng. Kết quả đã xuất hiện hành vi ‘xã hội thân thiết’.

Xã hội thân thiết là đề cập đến tất cả các hành vi có lợi cho người khác và xã hội, bao gồm các hành vi vị tha như giúp đỡ người khác, chia sẻ, khiêm tốn, v.v. Những đồng nghiệp được đối xử thiện lương này làm việc tốt hơn gấp 10 lần so với trước khi nghiên cứu này diễn ra. Họ cũng chủ động quan tâm đến người khác và cả văn phòng tràn ngập bầu không khí ấm áp.

Điều thú vị hơn là Đại học Stanford từng mở khóa học “Trở thành người lương thiện hơn”. Sau khi khoá học kết thúc, các sinh viên phát hiện ra rằng, họ thực sự đã trở nên tốt bụng hơn và hiểu người khác hơn. Việc theo học khoá học này dài kỳ thúc đẩy các sinh viên luôn nghĩ cho người khác, giữa sinh viên với nhau cũng có sự hòa hợp, ấm áp.

Trong một xã hội mà chủ nghĩa thực dụng ngự trị, nhiều người bị lạc vào vòng xoáy chạy theo danh lợi, nhưng lương thiện mới là điều quan trọng nhất. Lương thiện là mẹ của phẩm đức, và nó có thể mang lại cho chúng ta cảm giác phong phú và đủ đầy về tinh thần.

Chúng ta sống trong một xã hội quần thể, và không thể tránh khỏi việc tiếp xúc với mọi người hàng ngày. Trên đường đời, chúng ta sẽ luôn gặp những người khác nhau đồng hành cùng mình trên một chặng đường. “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, chỉ cần chúng ta luôn giữ tâm lương thiện ban đầu, dù chỉ là lời hỏi thăm thân thiết, bạn cũng có thể hòa thuận vui vẻ trên suốt hành trình. Ai ai cũng lan truyền thiện lương và mở rộng lòng mình với mọi người, tôi tin chắc rằng xã hội sẽ trở nên hài hòa hơn, an lành hơn.

Theo Vương Tri Hàm - Epoch Times

Minh An biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Việc thiện nhỏ bé, lợi mình lợi người, khiến bản thân thêm hạnh phúc