Vợ chồng, cha con lưu lạc biệt tích nhiều năm, dựa vào đâu để nhận ra nhau

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quan thái thú nhận vợ

Vào thời hậu Hán, Hoàng Xương người Dư Diêu, Cối Kê, tự Thánh Chân, xuất thân nghèo hèn bần khốn. Do nhà Hoàng Xương ở gần trường học, cậu nhiều lần trông thấy lễ nghi học tập của các nho sinh, lên cũng muốn đến trường học tập kinh điển. Lớn lên thông làu công văn pháp lệnh, cho nên được đảm nhiệm chức quyết tào (giống chuyên viên tư pháp ngày nay) trong quận phủ. Khi quan Thứ sử đi tuần qua các quận huyện, thấy Hoàng Xương có tài, liền cho theo phụng sự.

Sau đó Hoàng Xương được bổ nhiệm làm huyện lệnh huyện Uyên. Khi cai quản chính sự, ông thường dùng biện pháp nghiêm khắc uy mãnh, thích truy xét những sự vụ ẩn giấu. Khi triều đình tuyển bạt quan lại có tài, Hoàng Xương được thăng làm thái thú quận Thục. Nguyên thái thú quận này là Lý Căn, tuổi cao sức yếu, chính sự hỗn loạn, rất nhiều người dân bị oan uổng. Hoàng Xương nhậm chức, quan lại, bách tính tới tố tụng lên đến hơn 700 người, Hoàng Xương đều xử lý phán quyết lại, tất cả đều hợp tình hợp lý. Ông còn bí mật bắt một thủ lĩnh đạo tặc, bắt hắn khai ra tên cùng địa chỉ của cường hào tàn bạo ở các vùng, sau đó phái binh mã bất ngờ truy bắt, không thoát tên nào. Còn những kẻ gian ngoan giảo hoạt, đều phải chạy sang các địa phương khác.

Khi trước, lúc Hoàng Xương làm thư lại văn thư ở châu phủ, vợ ông trên đường về quê thăm cha mẹ, không may bị kẻ xấu cướp bắt, phiêu bạt tới quận Thục, rồi làm vợ người khác, và đã sinh con.

Hơn 20 năm sau, khi Hoàng Xương làm Thái thú quận Thục, thì một ngày nọ, có một phụ nữ có con phạm tội, bà đích thân tìm đến Hoàng Xương kêu oan. Hoàng Xương cảm thấy bà không phải là người đất Thục, nên hỏi xem bà từ đâu tới. Bà đáp: “Tôi nguyên là người Dư Diêu, Cối Kê, là con gái Đới Thứ Công, là vợ của Hoàng Xương, thư lại chủ quản văn của châu phủ. Một lần về quê thăm nhà bị cướp bắt mà lưu lạc tới đây.”

Hoàng Xương kinh ngạc, gọi bà tới gần hỏi kỹ: “Bà dựa vào đặc điểm gì để nhận dạng Hoàng Xương?”

Bà trả lời: “Bắp chân trái Hoàng Xương có cái nốt ruồi màu đen, ông ấy thường nói đó là quý tướng, có thể làm quan hưởng lương hai nghìn thạch.”

Hoàng Xương liền duỗi chân ra cho bà nhìn, hai người ôm nhau khóc. Hoàng Xương cho đón vợ về nhà, nối lại duyên chồng vợ.

Vận mệnh cách trở, không ngăn được người có tâm. (Pixabay)

Thái phu nhân nhận chồng

Còn ví dụ nữa: Thời nhà Minh, địa khu Phúc Kiến, Nam An có một người họ Tiêu, cha mẹ mất sớm, không nơi nương tựa. Sau lớn lấy vợ là Trần Thị, là người cùng thôn. Hai vợ chồng họ Tiêu ở nhờ nhà chú của Trần Thị. Ông chú tính tình hung bạo, ích kỷ, thường nhục mạ vợ chồng họ Tiêu, còn muốn bán họ đi để đỡ tốn cơm nhà. Một lần, anh Tiêu và ông chú phát sinh tranh chấp, bị ông ta dùng rìu chém bị thương vai trái, máu chảy ướt tay áo.

Anh Tiêu biết là không thể ở đây được nữa, đành từ biệt vợ rồi ra đi. Lúc chia tay, anh Tiêu cắt ống tay áo nhuốm máu làm hai phần, đưa một nửa cho vợ giữ, cũng là vật làm bằng để nhận ra nhau sau này.

Anh Tiêu tới Tương Dương, phiêu bạt lang thang, dựa vào nghề làm bồn, chậu để mưu sinh. Có lúc cũng muốn quay về, nhưng bất mãn với ông chú bạo ngược, lâu dần, không còn muốn về nhà nữa.

Sau khi chồng bỏ đi, Trần Thị liền tự hủy dung nhan của mình để thủ tiết, dựa vào nghề may vá mưu sinh. Khi anh Tiêu ra đi, cô đã có mang bẩy tháng, sau đó sinh hạ cậu con trai, cậu bé lớn dần. Do ông chú ngăn trở, không cho cậu đi học, Trần Thị bèn tự dạy cậu học chữ đọc sách, hoặc cho cậu sang hàng xóm nghe lỏm gia sư giảng bài.

Cậu bé rất lanh lợi, học hành nỗ lực chăm chỉ, lấy khổ làm vui, cuối cùng được châu huyện tiến cử và thi đỗ tiến sĩ năm 21 tuổi, ban đầu nhậm chức huyện lệnh. Năm Nhâm Ngọ Gia Tĩnh, thăng tiến làm tham nghị, kiến lập nha môn ở Kinh Châu. Nhưng do không cha từ nhỏ, nên ông thường mang sầu muộn trong lòng, có lúc muốn từ bỏ quan chức, vân du các nơi để tìm kiếm phụ thân.

Ngày hè năm ấy, mẹ của ông trông thấy ngoài mành cửa một người làm công đang làm việc, trên cánh tay trần lộ rõ vết sẹo dài. Trần Thị trong tâm nghi hoặc, cho người hầu ra hỏi xem là người nơi đâu? Người thợ trả lời là người vùng Nam An, còn kể rằng do tránh chú vợ hắt hủi mà phải bỏ vợ mà đi. Trần Thị nghe xong, vội bước ra hỏi: “Cái ống tay áo nhuốm máu của ông đâu?”

Người thợ cả kinh, nói: “Thái phu nhân sao biết chuyện này?”

Nói rồi, người thợ lấy nửa ống tay áo năm xưa đưa ra, so với nửa kia của thái phu nhân rồi ghép lại thành một. Phu thê gặp mặt, ôm nhau khóc òa.

Trần Thị cho người gọi con về, nói với con: “Người này là cha con.”

Người con vội vàng lùi lại, quỳ xuống chân cha. Sau đó tắm cho cha, thay y phục mới cho ông, cho bày tiệc rượu, khánh chúc toàn gia trùng phùng. Đây cũng là ý Trời tác hợp, Trời cao không phụ lòng người khổ tâm thủ tiết. Bách tính toàn thành đều biết chuyện này, mọi người đều vui vẻ chúc mừng.

(Nguồn tư liệu: “Hậu Hán thư - Hoàng Xương truyện”; “Nhĩ đàm”)

Thái Bình
Theo Thái Nguyên - Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Vợ chồng, cha con lưu lạc biệt tích nhiều năm, dựa vào đâu để nhận ra nhau