Waltz - điệu nhạc mất nước của châu Âu, điềm báo khiến các đế quốc lớn châu Âu sụp đổ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) là cuộc chiến quy mô và ghê rợn nhất mà trước đó nhân loại chưa bao giờ được chứng kiến cũng như tưởng tượng ra. Đương thời, nó còn được gọi với cái tên "Cuộc chiến chấm dứt mọi cuộc chiến" (The war to end all wars). Cuộc chiến này khiến các đế quốc lớn của châu Âu là Đế quốc Nga, Đế chế Đức, Đế quốc Áo-Hung và Đế quốc Ottoman sụp đổ.

Đây là cuộc chiến tranh có chiến trường chính bao trùm khắp châu Âu và ảnh hưởng ra toàn thế giới với trên 19 triệu người chết, đồng thời có sức tàn phá và ảnh hưởng về vật chất lẫn tinh thần đối với nhân loại rất sâu sắc và lâu dài. Cuộc chiến này cũng là tác nhân trực tiếp gây ra cái chết cho 4 đế quốc quân chủ rộng lớn và hùng mạnh: Nga, Đức, Áo-Hung, Ottoman. Sau cuộc chiến, thế giới không bao giờ trở về như cũ được nữa, khi mà phương Tây liên tục xung đột với Nga Xô, còn Balkan và Trung Đông - thiếu sự dàn xếp, quản trị vốn có của Áo-Hung và Ottoman - bước vào thời kỳ bất ổn, hận thù và đánh giết triền miên.

Nhưng giống như người phương Đông vẫn thường nói về “điềm báo”, hay “vong quốc chi âm” (“âm nhạc mất nước”), liệu rằng có dấu hiệu nào trong đời sống tinh thần của xã hội châu Âu báo trước về cuộc chiến này hay không? Hóa ra là có, và nó rõ ràng hơn người ta tưởng.

1. Nguồn gốc và diễn biến của điệu Waltz ở châu Âu

Nhà triết học người Pháp Michel de Montaigne từng mô tả về một điệu nhảy mà ông đã thấy vào năm 1580 ở Augsburg, nơi các vũ công ôm nhau chặt đến mức mặt họ chạm vào nhau. Cùng thời kỳ đó, Kunz Haas viết: "Hiện giờ họ đang nhảy mấy cái điệu Weller hoặc Spinner vô Thần."

Đến khoảng năm 1750, các tầng lớp bình dân ở các vùng Bavaria, Tyrol và Styria bắt đầu thực hành một điệu nhảy đôi gọi là Walzer. Cùng với đó, một biến thể là Ländler - còn được gọi là Schleifer - là một điệu nhảy dân gian với nhịp 3/4, phổ biến ở Bohemia, Áo và Bavaria, đã lan rộng từ vùng nông thôn ra đến vùng ngoại ô thành phố. Trong khi tầng lớp thượng lưu thế kỷ 18 vẫn giữ truyền thống nhảy những điệu minuet (chẳng hạn như những điệu nhảy của Mozart, Haydn và Handel), thì một số nhà quý tộc buồn chán bắt đầu lần mò đến vũ hội của những người hầu.

Biếm họa về điệu waltz được vẽ vào thế kỷ 18. Nguồn: Picryl, phạm vi công cộng.

Trong cuốn tiểu thuyết Đức “Geschichte des Fräuleins von Sternheim” năm 1771 của Sophie von La Roche, một nhân vật đạo mạo đã phàn nàn về điệu Waltz mới được giới quý tộc giới thiệu như sau: "Nhưng khi chứng kiến anh ta choàng tay qua người cô ta, ép cô ta vào ngực, khiêu vũ với cô ta trong điệu nhảy quay cuồng trơ ​​tráo, khiếm nhã của người Đức và dấn thân vào một mối quan hệ suồng sã phá vỡ mọi giới hạn của một nền giáo dục tốt - thì nỗi đau khổ thầm lặng của tôi biến thành cơn thịnh nộ bừng bừng.”

Mô tả cuộc sống ở Vienna (vào khoảng 1776 - 1786), Don Curzio đã viết, "Mọi người nhảy múa điên cuồng... Các quý cô ở Vienna đặc biệt được tôn vinh vì sự duyên dáng và những chuyển động Waltz mà họ không bao giờ thấy chán."

Gây sốc cho nhiều người khi lần đầu tiên được giới thiệu, điệu Waltz đã trở thành mốt ở Vienna vào khoảng những năm 1780, lại được tiếp sức bằng cuộc Cách mạng Pháp 1789 thổi ra làn gió "khai phóng", từ đó lan sang nhiều quốc gia khác trong những năm tiếp theo. Theo danh ca nam cao đương thời là Michael Kelly cho biết, Waltz đã lan đến Anh vào năm 1791. Trong Chiến tranh Napoléon, những người lính của Quân đoàn lê dương Đức đã giới thiệu điệu nhảy này với người dân Bexhill, Sussex, vào khoảng năm 1804.

Waltz đã trở thành mốt ở Anh trong Thời kỳ Nhiếp chính, được tôn vinh với sự bảo trợ của Dorothea Lieven - vợ của đại sứ Nga. Nhà viết hồi ký Thomas Raikes sau này kể lại rằng "Chưa có sự kiện nào tạo ra một chấn động lớn trong xã hội Anh như sự ra đời của điệu Waltz vào năm 1813." Cùng năm đó, một bài văn ca ngợi điệu nhảy của Lord Byron đã được xuất bản ẩn danh (được viết vào mùa thu trước đó). Bậc thầy khiêu vũ có ảnh hưởng và là tác giả của các sách hướng dẫn, Thomas Wilson đã xuất bản “Mô tả về phương pháp đúng của điệu Waltzing” vào năm 1816. Almack's, hệ thống câu lạc bộ sang trọng nhất ở London, cho phép nhảy điệu Waltz, mặc dù mục định nghĩa từ trong Từ điển tiếng Anh Oxford vào cuối năm 1825 vẫn cho thấy điệu Waltz bị coi là "nổi loạn và khiếm nhã".

Năm 1816, một bài xã luận trên tờ "Thời Đại" (“The Times”) đã nghiêm khắc phê bình: "Chúng tôi vô cùng xót xa khi biết rằng một điệu nhảy không đứng đắn của nước ngoài được gọi là Waltz đã được đưa ra giới thiệu (chúng tôi tin chắc đây là lần đầu) tại triều đình Anh vào thứ 6 vừa qua… thật là quá đủ khi phải chứng kiến một tư thế khêu gợi, hai tay của đôi bạn nhảy đan vào nhau và khoảng cách cơ thể lại quá gần khi họ nhảy, cũng quá đủ khi nhận ra rằng sự kín đáo trang nhã, vốn được coi như một nét đặc trưng của phụ nữ Anh kể từ trước đến nay, đã bị loại bỏ bởi điệu nhảy này. Chừng nào mà điệu nhảy tục tĩu này còn gắn liền với gái mại dâm và những người đàn bà lẳng lơ thì, chúng tôi nghĩ rằng, nó không đáng được để ý tới. Nhưng giờ đây khi nó đã len lỏi vào giới quý tộc, chúng tôi nhận thấy phải có nghĩa vụ cảnh báo các bậc phụ huynh đừng để con gái của các vị đến gần sự lây lan chết người này.”

Năm 1818, Madame de Genlis, một nữ tu xuất thân từ hoàng gia Pháp cho rằng điệu waltz sẽ khiến những cô gái trẻ trung trở nên hư hỏng. Bà viết: “Một cô gái trẻ, mặc một chiếc đầm mỏng, thảy mình vào vòng tay của một thanh niên trẻ. Anh ta dùng tay ép cô gái vào ngực mình và chinh phục cô ta bằng điệu nhảy dồn dập khiến trái tim cô gái tưởng như mình đang bơi. Ðó là cái mà người ta gọi là điệu Waltz”.

Trong tiểu thuyết “The Tenant of Wildfell Hall” của Anne Brontë, tại một bối cảnh vào năm 1827, cha xứ địa phương Reverend Milward chấp nhận điệu nhảy mặt đối mặt tao nhã quadrilles và cả các điệu nhảy đồng quê, nhưng ông can thiệp một cách dứt khoát khi có người yêu cầu một điệu Waltz với tuyên bố "Không, không, ta không cho phép điều đó! Đã đến lúc tất cả phải về nhà rồi."

Năm 1833, trong cuốn cẩm nang hướng dẫn cách xử sự dành cho những người đã lập gia đình ở Anh vẫn đề nghị chỉ những phụ nữ đã lập gia đình mới được nhảy điệu Waltz vì họ cho rằng điệu nhảy này quá xấu xa, phóng đãng với những ai chưa lập gia đình.

Đến cuối năm 1866, trong một bài xã luận trên tạp chí Belgravia của Anh đã viết: "Sau nhiều ngày đi công tác xa về và rồi ta bắt gặp chị em mình, vợ mình, bằng một thái độ thiếu cảnh giác nhất, để cho một kẻ lạ mặt nắm tay, ôm chặt ngang người, bước lòng vòng trong căn hộ nhỏ, và lý do duy nhất cho tất cả chuyện này gắn tên "âm nhạc", thì ta có thể ít nhiều nhận ra sự nguy hiểm của điệu nhảy ma quái này."

Thế nhưng dần dần sự phản đối cũng không chiến thắng được làn sóng thị hiếu, đặc biệt khi mà giới quý tộc chủ lưu - những người cầm đầu thượng tầng xã hội - cũng hòa mình vào đó. Đến cuối thế kỷ 19, Waltz thống trị toàn bộ châu Âu.

Thậm chí ngay cả hoàng gia Ottoman - hoàng gia đại diện cho truyền thống Hồi giáo và có thể nói là bảo thủ nhất trong các hoàng gia - cũng bắt đầu ưa thích Waltz. Các sultan đời 32 và 33 là Abdülaziz và Murad V - vốn đam mê văn nghệ Pháp - đã soạn nhiều bài waltz. Vương gia Mehmed Burhaneddin Efendi và công chúa Fehime Sultan cũng sáng tác những bản Waltz của riêng mình. Điều này chẳng khác gì giọt nước tràn ly, là dấu chấm hết cho một thời kỳ, khi mà sự thẩm thấu của Waltz đã đến mức độ như vậy, điều gì phải tới sẽ tới.

Điệu nhảy nồng cháy có vẻ đã dẫn nhiệt và mồi lửa cho một thứ nóng bỏng hơn nhiều: “Chiến tranh”.

2. Âm nhạc phản ánh tinh thần kẻ thắng người thua

Trước, trong và ngay sau cuộc đại chiến đầu tiên của thế kỷ 20 là Chiến tranh Nga - Nhật, tinh thần hào hứng của người Nhật được thể hiện thông qua việc thịnh hành các thể loại nhạc như Shōka (loại nhạc chủ yếu dành cho học sinh, tuân thủ theo hình mẫu của Gagaku - tức Nhã nhạc cao quý) hay Gunka (nhạc quân đội) với âm giai ngũ cung truyền thống, trong khi giai đoạn này của người Nga đã được những nhạc sỹ quân nhân tổng kết lại trong 2 điệu Waltz buồn thương: "Trên ngọn đồi Mãn Châu" (“На сопках Маньчжурии”), và "Ngóng đợi" (“Ожидание”) (được sáng tác trên nền nhạc của bài “Ershter Vals” - một bài Waltz tiếng Yiddish). Người Nhật đã chiến thắng tưng bừng buộc các cường quốc thế giới phải nhìn họ với con mắt khác, còn người Nga thảm bại, đánh dấu sự suy vong không thể vực dậy.

Thế chiến I cũng làm sụp đổ 4 đế chế hùng mạnh của châu Âu và thế giới lúc đó là Đế quốc Nga, Đế chế Đức, Đế quốc Áo-Hung và Đế quốc Ottoman, làm thay đổi sâu sắc bộ mặt của châu Âu và thế giới.

Nhật Bản chiến thắng trong Chiến tranh Nga - Nhật. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Đáng chú ý, có một nhân vật nổi bật lên vào thời điểm ngay trước Thế chiến I. Nhà soạn nhạc nhẹ Archibald Joyce - thường được xưng tụng là vua Waltz của nước Anh - ghi dấu ấn đầu tiên với bản Waltz "Giấc mơ mùa thu" (Dream of Autumn / Songe d'Automne) vào năm 1908, tiếp sau đó là một loạt các bản "Vision of Salome" (1909), "Dreaming waltz" (1911), "Charming", "The Passing of Salome" (1912), "1000 Kisses" (1913), "Always Gay" (1913) và "Remembrance" (1914). Đương thời, âm nhạc của ông vô cùng phổ biến, đến tận sau này vẫn còn được sử dụng nhiều trong phim ảnh và truyền hình - ví dụ bản nhạc "1000 Kisses" được sử dụng trong phim "Cơn sốt vàng" của vua hề Charlie Chaplin.

Thế nhưng đỉnh cao của Archibald Joyce cũng lại chỉ vỏn vẹn trong vài năm trước Thế chiến I như vậy. Quãng đời sau này ông sống rất lặng lẽ mờ nhạt, dù cũng có sáng tác và tham gia một vài hoạt động âm nhạc nhưng không còn thành công như trước nữa. Có thể nói âm nhạc của ông chính là ngôi sao chổi lướt qua bầu trời nghệ thuật, tuy có vẻ rực sáng đấy, nhưng lại là thứ mang theo điềm chẳng lành.

Harold Bride, thủy thủ, sĩ quan vô tuyến trên tàu Titanic, người đã may mắn sống sót sau vụ chìm tàu, đã tuyên bố dàn nhạc trên tàu Titanic đã chơi bài 'Mùa thu' khi nó chìm, người ta cho rằng ông đề cập đến “Giấc mơ mùa thu”.

3. “Vong quốc chi âm” và “đức âm nhã nhạc”

Người xưa từ lâu đã nhận ra rằng âm nhạc có thể giúp giáo dục và cảm hóa mọi người, và nó cũng có thể được dùng để phá hủy một quốc gia. Có một điển cố nổi tiếng ám chỉ về mức độ suy đồi dẫn tới sự sụp đổ triều đại, đó là: “Trong ruộng dâu, trên bãi sông Bộc là tiếng nhạc mất nước” (Hán thư: Ðất nước Trịnh, Vệ có bãi dâu trên sông Bộc, trai gái tụ tập đàn hát gợi chuyện dâm ô). Người ta nói rằng vào thời Xuân Thu (722-481 tr.CN.), Vệ Linh Công tới thăm nước Tấn. Trên đường tới đó, ông nghỉ qua đêm tại sông Bộc, và ở đó ông nghe thấy âm thanh của một loại nhạc cụ đàn dây. Vì thế ông yêu cầu nhạc công Sư Quyên ghi lại đoạn nhạc. Khi ông tới nước Tấn gặp Tấn Bình Công, ông đã yêu cầu nhạc công Sư Quyên chơi lại đoạn nhạc mà ông đã chép lại. Khi nhạc công nước Tấn là Sư Khoáng nghe được, ông đặt tay của mình lên dây đàn để dừng nhạc rồi nói: “Tiếng này là tiếng vong quốc. Nó là thứ nhạc suy đồi do nhạc sư của Trụ Vương, Sư Diên sáng tác. Khi Vũ Vương chinh phạt Trụ Vương, Sư Diên chạy về hướng đông. Khi tới sông Bộc, ông ta đã nhảy xuống sông tự tử; cho nên ai nghe nhạc này thì thân bị hủy mà nước thì suy.”

Tấn Bình Công không những kiên quyết muốn nghe tiếp, mà còn lệnh cho Sư Khoáng chơi khúc nhạc bi thương hơn khúc nhạc này. Sư Khoáng khuyên Tấn Bình Công chớ nghe những khúc nhạc bi thương. Tấn Bình Công khăng khăng muốn nghe. Sư Khoáng tấu khúc nhạc bi thương lượt thứ nhất, có 16 con thiên nga đen tụ tập trước cửa sảnh, tấu lượt thứ hai, thiên nga đen vươn cổ hót và xòe cánh múa. Tấn Bình Công cảm thấy rất thú vị, nên còn muốn nghe khúc nhạc bi thương hơn nữa, lệnh cho Sư Khoáng lại tấu nhạc nữa. Sư Khoáng lại khuyên Tấn Bình Công chớ nghe loại nhạc đó, nhưng Tấn Bình Công cho rằng ông tuổi tác đã cao rồi, nghe những khúc nhạc ông yêu thích cũng không sao. Sư Khoáng đành diễn tấu bản nhạc bi thương hơn nữa. Lúc này mây đen từ chân trời phía Tây Bắc nổi lên, gió lớn kèm mưa to đổ xuống. Gió lớn thổi bay hết ngói trên mái nhà, tân khách xung quanh đều chạy trốn lánh nạn. Tấn Bình Công cảm thấy vô cùng kinh sợ, bò lê trong phòng. Sau đó, nước Tấn xảy ra hạn hán nặng, ba năm cỏ cũng không mọc được.

Thời cổ đại người ta chỉ nghe nhạc mà đã chịu hậu quả ghê gớm như vậy, đến cận đại nhạc Waltz tiến thêm một bước, ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả nghe và nhìn, nên hậu quả còn khủng khiếp hơn. Vậy đến thời hiện đại ngày nay, công nghệ giải trí có lẽ là thấm vào đủ hết cả lục phủ ngũ tạng, đủ mọi giác quan, hậu quả là gì, chúng ta có thể tự suy ra mà biết được. Khổng Tử nói: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (“không hợp lễ chớ nhìn, không hợp lễ chớ nghe, không hợp lễ chớ nói, không hợp lễ chớ làm”), chính là có giá trị cảnh báo vô cùng to lớn đến con người.

Âm nhạc thuần chính trang nhã, nhỏ thì có thể nuôi dưỡng tình cảm tiết tháo con người, nuôi dưỡng chí hướng cao xa, tu thân dưỡng tính, kéo dài tuổi thọ, lớn thì có thể trị sửa quốc gia, giáo hóa dân chúng, quốc thái dân an, ngũ cốc bội thu. Còn âm nhạc loạn thế thấp kém ủy mị, dục vọng mãnh liệt, khiến tình cảm và chí hướng con người tán loạn, sa sút, phóng túng dục vọng, tổn hại thân thể, bại hoại quốc gia. Ví như các loại nhạc rock, điện tử… ngày nay là âm nhạc gấp gáp, ầm ĩ và suy đồi, nghe loại nhạc này, con người sẽ buông thả bản thân, khiến sinh mệnh bị dục vọng làm chủ. Thế nên rất nhiều nhạc công chơi các loại nhạc này nghiện ma túy, loạn tính, và chết trẻ. Không phải ngẫu nhiên người ta có hẳn một danh sách dài gọi là “Câu lạc bộ 27” để ghi tên những nghệ sỹ hiện đại không sống sót nổi qua tuổi 27. Theo nhà viết tiểu sử âm nhạc Charles R. Cross, "Số lượng nhạc sĩ qua đời ở tuổi 27 thực sự đáng chú ý dù là theo bất kỳ tiêu chuẩn nào. Mặc dù con người vẫn chết thường xuyên ở mọi lứa tuổi, nhưng thống kê cho thấy số nhạc sĩ qua đời ở tuổi 27 đang tăng đột biến."

“Đức Âm Nhã nhạc“ (“Âm nhạc tao nhã và đức độ”) là thuật ngữ bắt nguồn từ Văn hóa truyền thống phương Đông dùng để miêu tả âm nhạc. Nó nhấn mạnh về đạo đức và sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên cũng như mang tới năng lượng tích cực giúp cải thiện sức khỏe. Xưa Khổng Tử nghe nhạc Thiều thì 3 tháng không cần đến mùi vị thịt. Âm nhạc trang nhã thuần chính có thể quy chính nhân tâm, khiến con người coi nhẹ dục vọng, tu sửa quy chính đức hạnh của con người.

Như bên trên đã đề cập, người Nhật vào thời Minh Trị, với tinh thần vươn lên hùng cường nhưng không quên giữ gìn truyền thống, trong đó có Nhã nhạc, mà chiến thắng đế quốc Nga, đó phần nào có thể xem là minh chứng cho lời dạy của người xưa.

Hữu Đức

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Waltz - điệu nhạc mất nước của châu Âu, điềm báo khiến các đế quốc lớn châu Âu sụp đổ