3 thói quen uống nước 'phá hủy' thận - Nhiều người đang mắc phải!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thận là cơ quan quan trọng trong cơ thể, nếu uống nước sai cách cũng có thể gây tổn hại lớn đến chức năng của thận.

Nước đóng vai trò không thể thiếu trong cuộc sống của con người, nước là nguồn gốc của sự sống, mức độ quan trọng đối với sức khỏe con người chỉ xếp thứ 2 sau oxy.

Đối với cơ thể người lớn, nước chiếm 60-70% trọng lượng, trong khi tỷ lệ này ở trẻ em lên đến 80%. Nếu cơ thể không được cung cấp đủ nước sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan, khiến cơ thể mệt mỏi và xuất hiện trình trạng như buồn ngủ, đau đầu, chóng mặt, táo bón, thay đổi tâm trạng, da nhăn nheo,... Uống nước đúng cách sẽ thúc đẩy quá trình đào thải độc tố, tăng cường sức khỏe, giảm cân, phòng ngừa bệnh gút và giảm táo bón.

Tình trạng mất nước hoặc uống nước sai cách có liên quan trực tiếp đến hoạt động của thận, trong số các yếu tố gây bệnh thận, thói quen uống nước sai lầm là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất. Nếu vẫn duy trì 3 thói quen uống nước này hàng ngày thì tác động của chúng lên thận sẽ nguy hiểm không kém gì thói quen uống rượu bia, thậm chí còn hủy hoại chức năng thận của bạn.

3 sai lầm khi bổ sung nước cho cơ thể

1. Chỉ uống nước khi khát

Khát nước là một phản ứng sinh lý thường gặp. Khi chúng ta cảm thấy khát tức là lượng nước trong cơ thể đã mất cân bằng, một số tế bào rơi vào trạng thái mất nước.

Lúc này, việc uống quá nhiều nước được coi là hình thức bổ sung nước “thụ động”, không có lợi cho sức khỏe. Nếu cơ thể liên tục ở tình trạng thiếu nước trong thời gian dài sẽ dẫn đến các bệnh nguy hiểm như sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu, ung thư hệ tiết niệu và nhiều vấn đề khác.

Đừng đợi đến khi khát mới uống nước, nếu tình trạng này diễn ra lâu dài, nó không tốt cho thận. Mọi người nên nhớ uống nước vào những thời điểm khác nhau mỗi ngày.

2. Dùng các loại đồ uống khác để thay thế nước lọc

Ngày nay có rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, họ thường uống các loại đồ uống nhiều đường để thay thế cho nước lọc.

Các loại nước ngọt chứa nhiều đường có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu, gây bệnh gút, tiểu đường và huyết áp cao, từ đó gián tiếp ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thận. Trà và đồ uống chứa caffein có tác dụng kích thích hưng phấn ở hệ thần kinh trung ương, làm suy giảm chức năng của nhiều cơ quan, trong đó có thận.

Một quan niệm sai lầm là cơ thể chỉ cần cung cấp đủ “nước” mỗi ngày, không cần quan tâm đến thành phần hay giá trị dinh dưỡng mà đồ uống đó mang lại.

Trên thực tế, các loại nước ngọt có ga, cà phê… có mùi vị thơm ngon nhưng uống nhiều không tốt cho sức khỏe. Chúng thúc đẩy việc bài tiết canxi ra ngoài, dẫn đến hình thành sỏi thận. Nếu hình thành thói quen này trong thời gian dài sẽ gây nên tình trạng xấu đối với sức khỏe.

3. Uống trà đặc trong thời gian dài

Ai cũng biết rằng, uống trà rất tốt cho sức khỏe, nhưng nếu uống trà quá đặc sẽ không tốt cho cơ thể, không chỉ gây đau dạ dày mà còn có hại cho thận.

Trà đặc chứa nhiều theophylline, nếu uống trà sau khi uống rượu, sẽ khiến sản phẩm rượu chưa phân hủy vào thận sớm, gây tổn thương cho thận. Mặc dù loại tổn thương này không dễ phát hiện, nhưng tích lũy theo thời gian, hậu quả cũng sẽ rất nghiêm trọng.

Uống nước như thế nào là tốt nhất?

1.Uống từ 1500 đến 1700 ml nước mỗi ngày:

Nói chung, cơ thể một người trưởng thành khỏe mạnh sẽ bài tiết 2500 ml nước mỗi ngày thông qua quá trình hô hấp, tiểu tiện, đại tiện, bài tiết da v.v

Về lượng nước chúng ta tiêu thụ, ngoài khoảng 1.000 ml nước từ thực phẩm, một người trưởng thành nên uống 1.500 đến 1.700 ml nước mỗi ngày, tương đương với 7 đến 8 ly nước tính theo cốc trung bình khoảng 200 đến 250ml.

Số lượng nước uống ở trên chỉ mang tính chất tham khảo, trong nhiều trường hợp uống 8 cốc có thể là không đủ. Ví dụ, bạn có thể muốn uống thêm một vài ly trước, hoặc sau khi tập thể dục, nếu bạn đổ mồ hôi nhiều vào mùa hè hoặc trong môi trường có nhiệt độ cao, hoặc nếu thời tiết khô vào mùa thu hoặc mùa đông,...

Tuy nhiên, đối với một số bệnh nhân mắc bệnh thận, họ phải tuân theo lời khuyên của bác sĩ để kiểm soát lượng nước uống. Bởi nếu nước bạn uống không được thải ra ngoài sẽ gây phù nề và dễ làm tình trạng huyết áp cao nặng thêm. Đối với những bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu như viêm bể thận cấp tính, viêm bàng quang,… việc uống nhiều nước và đi tiểu nhiều sẽ rất có lợi cho quá trình hồi phục của bệnh.

2. Uống từng ngụm nhỏ:

Uống nước trước tiên phải uống từng ngụm nhỏ, sau khi nước thấm vào toàn bộ khoang miệng mới từ từ nuốt xuống, mỗi lần uống khoảng 200ml. Điều này có thể lợi dụng cơ chế phản hồi sinh học để truyền đạt đến khu trung tâm khát, khiến các tế bào trong cơ thể biết rằng có nước đang đi vào cơ thể, để hấp thụ hoàn toàn.

3. Uống nước ấm:

Uống nước ấm tốt hơn so với nước lạnh, nước ấm không gây kích ứng, giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ. Mỗi sáng uống một cốc nước ấm giúp giảm sưng đau ở cổ họng, hỗ trợ nhu động ruột, tốt cho tiêu hóa, cải thiện lưu thông tuần hoàn máu và giúp đào thải các độc tố ra ngoài cơ thể.

Thời điểm nào uống nước tốt nhất?

6h30 sáng: Sau một đêm ngủ, cơ thể bắt đầu thiếu nước, sau khi ngủ dậy có thể uống một cốc nước nhỏ để thúc đẩy quá trình đại tiện.

8h30 sáng: Vào buổi sáng, công việc nhìn chung khá nhiều, tâm trạng tương đối căng thẳng, bạn có thể uống một cốc nước để giải tỏa tâm trạng và tránh mất nước.

11h00 trưa: Sau một buổi sáng làm việc, hãy đứng dậy và vận động đi lại, sau đó uống một cốc nước để bổ sung lượng nước đã tiêu thụ.

12h50 trưa: Nửa tiếng sau bữa trưa, bạn có thể uống một cốc nước để tăng cường chức năng tiêu hóa của cơ thể.

3h00 chiều: Sau một ngày học tập hoặc làm việc vất vả, 3 giờ chiều là khoảng thời gian chúng ta dễ buồn ngủ, lúc này cũng nên uống một ly nước để tinh thần sảng khoái hơn.

5h30 chiều: Uống một ly nước trước khi tan học hoặc tan làm để bổ sung nước, giảm bớt cơn đói trong khi chờ bữa tối.

Trước khi đi ngủ từ một đến nửa tiếng: Bạn có thể uống một ít nước nhưng không quá nhiều, để không phải thức dậy nhiều lần vào ban đêm, như vậy sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Gia Hân biên dịch và tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

3 thói quen uống nước 'phá hủy' thận - Nhiều người đang mắc phải!