6 loại cây trong nhà giúp thanh lọc không khí và giảm căng thẳng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bạn có cảm thấy áp lực cuộc sống và cần giải tỏa căng thẳng? Trồng cây trong nhà là một lựa chọn tuyệt vời. Những chậu cây xanh mướt không chỉ tô điểm cho không gian mà còn giúp giải tỏa muộn phiền và cải thiện tâm trạng.

Các chuyên gia đã phát hiện ra rằng việc ngắm nhìn và trồng cây xanh có tác dụng rất tốt trong việc giải tỏa áp lực. Một nghiên cứu ở Hà Lan cho thấy, việc trồng cây xanh trong phòng bệnh giúp giảm bớt căng thẳng cho bệnh nhân. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy, ngắm nhìn cây xanh phát triển khỏe mạnh có thể giúp con người thư giãn và thoải mái.

Cây trồng trong nhà cũng có thể cải thiện chất lượng không khí. Theo nghiên cứu của Giáo sư Diệp Đức Minh thuộc Khoa Trồng trọt và Nghiên cứu Cảnh quan tại Đại học Quốc gia Đài Loan, các thiết bị điện, vật liệu tổng hợp và hóa chất có thể tạo ra hơn 300 hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Ở những nơi có mật độ người tập trung cao, nồng độ CO2 cũng dễ vượt quá tiêu chuẩn, gây khó chịu cho cơ thể con người. Việc đặt cây xanh trong nhà không chỉ giúp loại bỏ CO2 mà lá, rễ và thậm chí cả vi sinh vật trong đất trồng của chúng cũng có thể hấp thụ các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi trong không khí. Ngoài ra, cây trồng trong nhà còn có chi phí thấp, là cách đơn giản và tự nhiên nhất để làm sạch không khí trong nhà.

Dưới đây là 6 loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và thích hợp trồng trong nhà:

1. Cây Nha đam

Cây Nha đam có nguồn gốc sinh sống ở vùng nhiệt đới khô, các lỗ khí trên lá cây sẽ mở vào ban đêm để thải khí oxy và hấp thu khí Carbon dioxide. Cựu khoa học gia của NASA là ông Bill Wolverton khuyên rằng, trong mỗi phòng ngủ đều nên đặt một chậu cây Nha đam. (Ảnh: Pixabay)

Từ xa xưa, cây Nha đam đã xuất hiện trong nhiều nền văn minh cổ đại, đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người. Cho đến ngày nay, Nha đam không chỉ được sử dụng để bôi ngoài da mà còn là một cây đặc biệt trong các loại cây trồng trong nhà.

Các nghiên cứu cho thấy, rễ cây Nha đam có khả năng loại bỏ các chất hóa học như Xylen, Benzen, Formaldehyde trong không khí. Ở những nơi có nồng độ hợp chất hữu cơ dễ bay hơi cao, lá cây Nha đam sẽ xuất hiện đốm nâu. Do đó, cây Nha đam có thể được sử dụng như một cây báo hiệu chất lượng không khí.

Vì cây nha đam có nguồn gốc sinh sống từ các vùng nhiệt đới khô, là thực vật CAM (Crassulacean acid metabolism – cơ chế chuyển hóa carbon vô cơ thành hợp chất hữu cơ trong quá trình quang hợp, viết tắt là CAM). Các lỗ thoát khí của chúng sẽ đóng lại vào ban ngày nhằm tránh mất quá nhiều nước. Đến ban đêm, các lỗ thoát khí trên lá của chúng mới mở ra, thải oxy ra ngoài đồng thời hấp thu khí Carbon dioxide. Cựu khoa học gia của NASA, ông Bill Wolverton khuyên rằng, trong mỗi phòng ngủ đều nên đặt một chậu cây nha đam.

Trong quá trình chăm sóc cây nha đam, phải chọn nơi có ánh nắng chiếu đầy đủ, tốt nhất mỗi ngày đều được ánh nắng chiếu 6 giờ đồng hồ, đồng thời chọn loại đất trồng tơi xốp, dễ thoát nước. Chỉ cần tưới nước ít, giữ môi trường khô ấm, đủ ánh sáng, thì cây nha đam có thể phát triển tươi tốt.

Vị trí thích hợp đặt chậu cây nha đam: nơi có sáng cao trong phòng ngủ, bệ cửa sổ, v.v…

2. Cây Lan ý

Cây Lan ý hoa trắng muốt vươn lên nổi bật trên nền lá xanh, cho người ta cảm nhận được sự thanh khiết, tao nhã. (Ảnh: Vương Gia Ích / The Epoch Times)

Cây Lan ý còn được gọi là cây bạch môn, vỹ hoa trắng, huệ hòa bình… là loại cây cảnh phổ biến, đều có thể trồng trong nhà hay ngoài trời. Dáng vẻ của cây Lan ý rất đẹp, những đài hoa trắng muốt của nó vươn lên nổi bật trên nền lá xanh, cho người ta cảm nhận được sự thanh khiết, tao nhã. Cây Lan ý có khả năng loại bỏ Formaldehyde, Trichloroethylene và Benzen rất tốt, nếu như cây Lan ý được đặt ở góc nhà có ánh sáng chiếu rọi thì hiệu quả của khả năng này sẽ càng cao hơn.

Cây Lan ý thích nơi râm mát, khi trồng nên tránh nơi ánh nắng chiếu trực tiếp, khoảng một tuần tưới nước một lần để tránh thối rễ. Cần lưu ý nhựa cây và nhụy hoa của cây Lan ý có độc tính, khi chăm sóc nên tránh tiếp xúc trực tiếp.

Vị trí thích hợp đặt chậu cây Lan ý: Đặt ở góc của phòng khách, phòng làm việc, góc phòng ăn, v.v…

3. Cây Đa búp đỏ

Cây đa búp đỏ có nguồn gốc từ Ấn Độ, vào mùa xuân trên cành sẽ xuất hiện những chồi mới như “nến đỏ”. (shutterstock)

Cây Đa búp đỏ có nguồn gốc từ Ấn Độ, có khả năng lọc sạch không khí, lại là loại cây dễ trồng, rất dễ chăm sóc. Cây Đa búp đỏ vốn là cây thân cao và xanh quanh năm, khi trồng trong chậu thì rất phù hợp đặt ở phòng khách, phòng làm việc hoặc hai bên cửa chính nhằm làm đẹp cho không gian. Cây Đa búp đỏ chịu được khô hạn, có thể sống ở bóng râm và thích khí hậu ấm áp. Nó dễ thích nghi, có thể phát triển xanh tươi dưới ánh sáng mờ của đèn.

Cây Đa búp đỏ cũng có thể hấp thu các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi trong không khí, đồng thời loại bỏ khí Carbon dioxide. Lá cây Đa cao su có thể hút bụi trong không khí, lâu ngày nên dùng khăn ẩm lau mặt lá để tăng khả năng quang hợp. Ngoài ra, nhựa cây Đa búp đỏ có độc, cần đặc biệt chú ý cẩn thận khi trong nhà có trẻ nhỏ và vật nuôi.

Vị trí thích hợp đặt chậu cây Đa búp đỏ: Phòng khách, phòng làm việc, hai bên cửa chính v.v…

4. Cây Dương xỉ Boston

Cây Dương xỉ Boston có khả năng tạo oxy rất tốt, tốc độ lọc khí Carbon dioxide nhanh, hấp thụ các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, sức sống mãnh liệt của loại cây này có thể giúp ổn định tâm trạng bệnh nhân. (shutterstock)

Trong môi trường thiếu ánh sáng và nhiều carbon dioxide, các lỗ thoát khí trên lá của cây Dương xỉ Boston vẫn có thể mở ra duy trì tác dụng quang hợp, là lựa chọn thích hợp nhất cho cây trồng trong nhà.

Ngoài ra, trải qua hàng trăm năm được con người lai tạo, cây Dương xỉ Boston đã có rất nhiều chủng loại khác nhau. Trong đó có một số chủng loại không sinh ra bào tử, mà chỉ dựa vào sinh sản vô tính. Với đặc điểm này, những người quá mẫn cảm với bào tử cũng có thể an tâm sống chung trong phòng với cây Dương xỉ Boston. Do đó, khi trong nhà có người lớn tuổi và người bệnh, thì cây Dương xỉ Boston là lựa chọn hàng đầu. Nó có khả năng tạo oxy tốt, tốc độ lọc khí Carbon dioxide nhanh, có thể hấp thu các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, lại còn là loại cây không có bào tử gây ra các tác dụng phụ, sức sống mãnh liệt của nó có thể giúp ổn định tâm trạng bệnh nhân.

Trong quá trình chăm sóc cần chú ý, cây Dương xỉ Boston cần lượng nước nhiều, không nên để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp lên cây, cây có thể phát triển tốt ở nơi có bóng râm.

Vị trí thích hợp đặt cây Dương xỉ Boston: Phòng khách, bàn ăn, bàn làm việc … Những nơi có nhiều ánh sáng tán xạ.

5. Cây Tử linh lan

Hoa của cây Tử linh lan có nhiều màu sắc, nhỏ nhắn, xinh xắn và có thể hút bụi trong không khí với một lượng lớn. (Ảnh: Pixabay)

Cây Tử linh lan còn được gọi là hoa violet Phi Châu (African Violet), có nguồn gốc từ những khu rừng cao trên 1,500 mét ở cao nguyên Tanzania, Đông Phi, thích hợp với nhiệt độ thấp và khí hậu mát mẻ. Nếu như không muốn trong nhà chỉ có một màu xanh cây lá, mà còn muốn tô điểm thêm màu sắc rực rỡ, thì Tử linh lan là một lựa chọn tuyệt vời.

Hoa của cây Tử linh lan có nhiều màu sắc, nhỏ nhắn và xinh xắn, hơn nữa chỉ cần dùng cách “cắm lá xuống đất” thì sẽ trồng được cây và có thể sinh sôi nảy nở rất tốt. Đối với khu vườn của một gia đình bình thường, thì trồng và chăm sóc nó mang lại cảm giác thành tựu.

Mặt lá của cây Tử linh lan có thể hấp thu lượng lớn bụi trong không khí, vì vậy lâu ngày cần dùng chổi lông chuyên dùng trong làm vườn để quét sạch bụi trên lá. Trên lá của nó có lớp lông tơ, cho nên không được tưới nước trực tiếp lên lá, tránh làm rụng lớp lông tơ này, chỉ cần tưới nước trực tiếp vào đất trồng là được. Không cần tưới quá thường xuyên để tránh thối rễ, ngoài ra lưu ý không để nơi có ánh nắng trực tiếp chiếu vào kẻo quá nóng cây sẽ chết.

Vị trí thích hợp đặt chậu cây Tử linh lan: Trong phòng khách, bàn làm việc, phòng làm việc… nơi thoáng mát và có đầy đủ ánh sáng.

6. Cây lưỡi hổ

Cây lưỡi hổ cũng có khả năng liên tục cung cấp oxy vào ban đêm giống như cây Nha đam, hỗ trợ giấc ngủ. (pixabay)

Cây lưỡi hổ là một loại cây thực vật thân thảo lâu năm và xanh tươi bốn mùa. Ở hai mặt của lá cây có nhiều đốm ngang màu xanh lục, nhìn như đuôi của con hổ nên mới có tên cây như vậy.

Cây lưỡi hổ không cần quá nhiều ánh sáng hoặc nước để sinh tồn, đặt chúng ở bất kỳ góc nào trong nhà cũng đều là lựa chọn thích hợp. Lan đuôi hổ cũng là một loại thực vật CAM giống như cây Nha đam, thích hợp trồng trong phòng ngủ để tăng thêm sự trong lành cho không khí vào ban đêm.

Cây lưỡi hổ cần rất ít nước, có sức sống mãnh liệt, lâu lâu mới tưới nước một lần cũng sẽ không có gì đáng ngại.

Vị trí thích hợp đặt chậu cây lưỡi hổ: Phòng ngủ, phòng tắm có cửa sổ, v.v…

Theo Trần Đình - Epoch Times tiếng Trung
Khả Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

6 loại cây trong nhà giúp thanh lọc không khí và giảm căng thẳng