7 bí ẩn về những ‘Pho tượng ngàn năm ẩn mình’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, những tượng Phật cổ cực kỳ linh thiêng được tìm thấy ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Đứng trước những bức tượng Phật huyền diệu - có bức khổng lồ như quả núi, có bức ẩn mình trong cổ thụ ngàn năm, có bức chứa cả xác ướp của vị Thiền sư, có bức sau khi vỡ ra người ta mới phát hiện bên trong có tượng Phật bằng vàng ròng nguyên khối...

Trải qua năm tháng lịch sử, chứng kiến biết bao sự đổi thay, những bức tượng “ngàn năm ẩn mình” này giờ đây lại một lần nữa "tái xuất" - mang lại nhiều khám phá bất ngờ đối với giới khoa học, cũng như những bài học về văn hóa và tâm linh sâu sắc đối với tất cả chúng ta.

Dưới đây là 7 tượng Phật cổ với những đặc điểm “có một không ai”, có nhiều bức tượng trên ngàn năm tuổi, được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới.

1.Tượng cổ trong thân cây

Tượng Phật trong thân cây (Ảnh chụp từ video Ngẫm Radio)
Tượng Phật trong thân cây (Ảnh chụp từ video Ngẫm Radio)

Trên thế giới, cổ thụ ngàn năm là không hiếm. Nhưng có một cây cổ thụ huyền bí có 1 không 2 không lẫn vào đâu được, vì bên trong thân cây có một pho tượng cổ. Tương truyền rằng, pho tượng sẽ đem lại may mắn cho bất kỳ ai đến cầu nguyện.

Tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc nổi tiếng với những dãy núi chập trùng, cảnh quan thu hút nhưng cũng không kém phần bí ẩn. Nhất là gần đây, người ta đua nhau đến xem một bức tượng được ôm trọn trong một hốc cây long não, với tuổi đời trên 1000 năm. Cây long não này thuộc ngôi làng Kaoting phía bắc tỉnh Phúc Kiến. Bức tượng có chiều cao khoảng 60cm được làm bằng đất sét. Đứng từ ngoài cách gốc cây tầm khoảng 1m, thì có thể thấy được qua một lỗ nhỏ.

Tương truyền rằng, pho tượng được tạo nên để tưởng nhớ Chu Hi, một vị triết gia nổi tiếng người Trung Quốc. Khi đó, người dân nơi đây đã đặt tượng vào thân cây qua một vết nứt, trải qua sương gió ngàn năm, vết nứt dần lành lại và tạo nên tuyệt tác như chúng ta thấy ngày nay.

Nhiều người truyền tai nhau rằng, nơi này rất linh nghiệm, chỉ cần đến đây thành tâm cầu nguyện thì nhất định sẽ được như mong muốn. Có một điều khiến ta khó hiểu, đó là qua ngàn năm rồi, vết nứt lúc xưa hoàn toàn có thể lành kín cả lại, nhưng không biết vì sao vết nứt ấy vẫn chừa ra một lỗ trống ngay mặt pho tượng, điều này đến nay chưa ai có thể giải đáp.

2. Tượng mặt Phật 700 tuổi ẩn mình trong rễ cây

Tượng Mặt Phật trong thân cây (Ảnh chụp từ video Ngẫm Radio)
Tượng Mặt Phật trong thân cây (Ảnh chụp từ video Ngẫm Radio)

Pho tượng trên làm người ta nhớ đến một đầu tượng Phật nổi tiếng ở Ayutthaya, Thái Lan. Ayutthaya được thành lập vào năm 1350 và trở thành thủ đô thứ 2 của Thái Lan. Nơi đây từng là một trong những thành phố lớn nhất thế giới trong khoảng thời gian từ thế kỷ 14 đến 18.

Tuy nhiên, thành phố hùng mạnh này đã bị quân đội Myanmar tới xâm lược và phá hủy, khiến Ayutthaya trở nên hoang tàn với nhiều ngôi đền đài, tượng Phật bị hủy hoại, gây ra những tổn thất lớn. Tới thế kỷ 20, Chính phủ Thái Lan đã "hồi sinh" Ayutthaya. Điều đặc biệt là tại ngôi chùa cổ Mahathat nơi đây, có một khuôn mặt tượng Phật có niên đại khoảng 700 năm tuổi, được rễ cây chằng chịt xung quanh "ôm trọn", toát lên vẻ siêu thoát, mang tới sự bình an cho du khách khi ghé thăm.

Không ai rõ lý do vì sao pho tượng lại được đặt ở đó, ngoại trừ một truyền thuyết rằng khi cố đô Ayutthaya bị quân xâm lược phá hoại, một binh lính đã cố gắng bảo tồn đầu tượng Phật và đặt tượng này vào gốc cây để cầu bình an cho người dân. Theo lẽ thường mà nói, rễ cây trong quá trình lớn lên sẽ nghiền nát hoặc là phủ trùm kín tượng Phật. Nhưng không, nó hoàn toàn chỉ mọc xung quanh đầu pho tượng như muốn bảo vệ, để lộ ra gương mặt của Đức Phật, tạo nên bức tranh sống động và trang nghiêm đến kỳ lạ.

3. Bức tượng “Phật ngồi trên lưng vua” ở Việt Nam

Tượng Phật ngồi lưng Vua (Ảnh chụp từ video Ngẫm Radio)
Tượng Phật ngồi lưng Vua (Ảnh chụp từ video Ngẫm Radio)

Bức tượng "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam có tên là "Phật ngồi trên lưng vua" đang được lưu giữ tại chùa Hòe Nhai, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

Theo các nhà nghiên cứu, nguồn gốc của bức tượng bắt nguồn từ thời vua Lê Hy Tông (1663-1716), vị vua thứ 10 của nhà Lê Trung Hưng. Năm 1678, vua ra sắc lệnh đuổi hết tăng ni lên rừng, ai ngoan cố không rời khỏi kinh thành sẽ bị khép vào trọng tội và đem xử trảm khiến Phật giáo thời kỳ này rơi vào thảm cảnh.

Thiền sư Chân Dung Tông Diễn chứng kiến cảnh này đã mạo hiểm bản thân, dâng lên vua một chiếc hộp nói là ngọc quý, nhưng thực chất bên trong là một tờ sớ ghi lại những điều tốt đẹp về mặt thăng hoa đạo đức, tâm linh và xã hội mà Phật gia mang lại, nhắc nhở nhà vua về quả báo của tội ác diệt Phật.

Tương truyền sau khi đọc xong, nhà vua chợt bừng tỉnh, lập tức cho mời nhà sư vào triều để cúi mình tạ lỗi, thu hồi lại sắc lệnh cấm Phật giáo. Vua Lê Hy Tông hứa với thiền sư Tông Diễn rằng, ông sẽ sửa mình và sau đó cho người tạc bức tượng “Phật ngồi lưng vua” đặt trong chùa Hòe Nhai.

Đây là pho tượng độc nhất vô nhị trong các tác phẩm điêu khắc của Phật giáo.

4. Tượng Phật 1.000 năm tuổi lớn nhất thế giới

Tượng Phật lớn nhất thế giới (Ảnh chụp từ video)
Tượng Phật lớn nhất thế giới (Ảnh chụp từ video)

Thời gian gần đây, người dân tại Quý Châu, Trung Quốc phát hiện ra các khối đá của một ngọn núi hóa ra là một tượng Phật cổ xưa hàng ngàn năm. Vì ẩn rất kỹ trong núi sâu nên trước nay không ai nhìn thấy. Chỉ đến đầu thế kỷ này, khi người ta chặt cây cối ở xung quanh, thì tượng Phật mới lộ diện.

Theo như đo đạc, bức tượng này cao đến 50m và là tượng Phật lớn nhất thế giới. Phần đầu tượng Phật được khắc chỉ từ một tảng đá, còn thân của tượng, được tạc theo dáng núi và những nếp gấp tự nhiên của núi.

Truyền thuyết cổ xưa kể rằng, vào thời nhà Đường, Hòa thượng Hải Năng và đệ tử Hải Thông khi qua Quế Dương, thì nước sông đột ngột dâng cao, nhấn chìm nhà cửa và các nông trại xung quanh, dân làng rơi vào thảm cảnh. Vì vậy, hai vị hòa thượng quyết định tạc hai bức tượng Phật lớn ở đây cầu bình an cho chúng dân, ngăn chặn thảm họa.

5. Bức tượng Phật 1000 năm ẩn chứa xác ướp vị thiền sư

Bức tượng Phật 1000 năm ẩn chứa xác ướp vị thiền sư (Ảnh chụp từ video)
Bức tượng Phật 1000 năm ẩn chứa xác ướp vị thiền sư (Ảnh chụp từ video)

Vào tháng 2/2015, bức tượng Phật đang ngồi thiền trưng bày tại Bảo tàng Drents (Hà Lan) đã được các nhà khoa học tiến hành việc chụp cắt lớp CT, và họ đã kinh ngạc khi phát hiện một bộ xương người trên màn hình máy chụp. Điều đáng chú ý là trong lồng ngực của bộ xương hoàn toàn không hề có nội tạng, và có nhiều mảnh giấy được viết các ký tự chữ Hán lẫn trong bộ phận cơ thể bên trong xác ướp.

Theo các nhà khoa học xác định rằng xác ướp bên trong bức tượng 1.000 năm tuổi trên là vị thiền sư Liuquan, một nhân vật nổi tiếng của Phật giáo Trung Quốc trước công nguyên. Họ đánh giá bức tượng này là “độc nhất vô nhị” tại châu Âu và thế giới. Phát hiện này đã thu hút sự chú ý của không chỉ giới khảo cổ học mà cả truyền thông và công chúng khắp thế giới.

“Sử dụng công nghệ chụp cắt lớp vi tính CT, chúng tôi đã nhìn thấy một cơ thể được bảo quản nguyên vẹn với da và các múi cơ bên trong bức tượng. Đây là một xác ướp còn nguyên vẹn, chứ không chỉ là một bộ xương”, nhà nghiên cứu Wilfrid Rosendahl cho hay.

Hồi đầu năm 2015, khoảng 300 người dân ở một ngôi làng thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc đã cùng ký vào một bản kiến nghị mong muốn được nhận lại pho tượng cổ, họ nói: “Trong trái tim chúng tôi, bức tượng có hài cốt của vị thiền sư không phải một hiện vật văn hóa để đem trưng bày trong viện bảo tàng, mà là hiện thân của một vị Phật sống cần phải được tôn thờ, sùng kính. Đây là một truyền thống tôn giáo tín ngưỡng rất quan trọng trong đời sống của chúng tôi. Thiền sư đã phù hộ cho chúng tôi suốt hơn 1.000 năm qua, và bức tượng này là bằng chứng cho những giá trị văn hóa - lịch sử của chúng tôi”.

6. Tượng Phật trăm tuổi nặng 5,5 tấn

(Ảnh chụp từ Ngẫm Radio)
(Ảnh chụp từ Ngẫm Radio)

Thời gian gần đây, có một bức tượng Phật tại Thái Lan đột ngột lộ diện ra điều bí ẩn khiến con người kinh ngạc. Đó là bức tượng ước tính có niên đại từ thế kỷ 13 ở khu đền Wat Chotanaram. Vào năm 1955, người ta tiến hành di chuyển bức tượng sang địa điểm mới.

Việc di chuyển pho tượng khổng lồ nặng đến 5,5 tấn không hề dễ dàng, do đó cần phải dùng xe cẩu để nâng đỡ pho tượng. Tuy nhiên, trong lúc pho tượng được nhấc lên thì bất ngờ sợi dây thừng bị đứt, khiến bức tượng rơi xuống đất.

Vậy là sau hàng trăm năm tồn tại, bức tượng Phật 5,5 tấn này bất ngờ rơi xuống vỡ toang. Bao nhiêu năm trời, ai cũng nghĩ rằng bức tượng được làm từ thạch cao, nhưng tai nạn ngoài ý muốn này đã khiến lớp thạch cao nứt vỡ, hé lộ khối vàng ròng sáng loáng bên trong - có hình tượng Phật cao 3 mét.

Sau khi các lớp thạch cao bên ngoài được tách mở ra hết, toàn bộ bức tượng được đúc bằng vàng hiện lên rực rỡ, các lớp chạm khắc đều vô cùng tinh xảo. Bức tượng được lắp ghép từ 9 phần khác nhau. Đồng thời, còn có một chiếc chìa khóa, dùng để tháo rời các phần trên thân tượng, để dễ dàng vận chuyển hơn.

Theo như dự đoán của các nhà nghiên cứu, có thể bức tượng được bọc thạch cao bên ngoài, để che giấu đi giá trị thật sự của nó, tránh những kẻ tham lam trộm cắp. Thời gian phát hiện bức tượng vàng trùng hợp là rất gần với dịp lễ kỷ niệm 2.500 năm “Ngày Đức Phật nhập Niết bàn”, nên nhiều tín đồ đã coi đây là một điều kỳ diệu.

Bức tượng hiện đang được đặt tại chùa Wat Traimit, được xem là bức tượng Phật vàng nguyên khối lớn nhất thế giới, và cũng là một trong những bức tượng Phật đẹp nhất của xứ Chùa Vàng.

7. Tượng Phật không đầu báo điềm dữ

(Ảnh chụp từ Ngẫm Radio)
(Ảnh chụp từ Ngẫm Radio)

Tháng 12/2020, khi đang dỡ bỏ bức tường bên ngoài chung cư, thì một công nhân tại Trùng Khánh, Trung Quốc vô tình phát hiện một bức tượng Phật cổ không đầu, cao đến 13m, nằm bên dưới căn chung cư cao tầng. Theo nghiên cứu của các nhà chuyên môn, bức tượng được chạm khắc rất tinh xảo, sống động, có thể được xây từ thời Nam Tống, là tượng của Phật Di Lặc.

Mặc dù toàn thân tượng Phật phủ đầy rêu xanh nhưng vết tích của hương nến bái tế vẫn còn nhìn thấy rất rõ, việc bức tượng Phật không đầu này đột ngột xuất hiện khiến nhiều người liên tưởng đến điềm chẳng lành. Người Trung Quốc cổ đại rất sùng kính Thần Phật, không dám tùy tiện đề cập đến tục danh của các vị Phật; cũng không tùy tiện viết chữ "Thần, Phật". Còn việc hủy hoại tượng Phật thì đương nhiên không dám làm. Cho nên, cao tăng Thích Tuệ Đạt thời Đông Tấn từng tiên tri một câu như sau: “Đại Phật không đầu, thiên hạ loạn"

Khi xâu chuỗi các sự kiện gần đây, chúng ta không khó để nhận ra rằng tai nạn đang giáng xuống từng đợt như những cơn sóng dữ, từ cuối năm 2019 đến nay, dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát, lây lan và cướp đi mạng sống của hàng triệu người trên thế giới, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Ngày 20/7/2021, mưa lũ lớn kèm với việc chính quyền đã tuỳ tiện xả lũ mà không thông báo làm thành phố Trịnh Châu chìm trong biển nước, tiếng khóc than và oán thán của người dân vô cùng bi thương!

Kết

Chúng ta biết rằng đằng sau tượng Phật có thể ẩn chứa sức mạnh tâm linh sâu xa mà con người không cách nào lý giải được.

Còn nhớ sau trận động đất kinh hoàng đi vào lịch sử năm 2008 tại Tứ Xuyên, Trung Quốc, hay trận sóng thần kinh hoàng tại quốc đảo Indonesia vào năm 2004, trận động đất và sóng thần khủng khiếp nhất trong lịch sử Nhật Bản năm 2011… câu chuyện được người dân nhớ đến nhiều nhất chính là giữa đống đổ nát, những bức tượng Phật vẫn đứng vững chãi không suy chuyển.

Việc phát hiện các bức tượng Phật thiêng liêng và đầy bí ẩn gần đây khiến tâm linh nhiều người chấn động. Các di tích lịch sử, khảo cổ, đặc biệt là các bức tượng Thần Phật, cũng được xem là những tài sản cực kỳ quý giá, minh chứng cho nền văn minh, tín ngưỡng của một dân tộc, một quốc gia và thậm chí cả nhân loại.

Video:

An Nhiên

(Theo Ngẫm Radio)



BÀI CHỌN LỌC

7 bí ẩn về những ‘Pho tượng ngàn năm ẩn mình’