Ai sẽ là người hối hận sau khi ly hôn?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thập Điểm Quân đã nói trong bài viết trước của mình: “Hôn nhân là để hạnh phúc, ly hôn cũng vậy”. Ngoài ra, Thập Điểm Quân phát hiện ra bộ dữ liệu cho thấy: "Tỷ lệ ly hôn bốc đồng hối hận là gần 50%. Trong đời thực, tỷ lệ ly hôn bốc đồng ngày càng tăng".

Chúng ta đều hiểu rằng: Thường vào khoảnh khắc quyết định ly hôn, trong lòng chúng ta luôn vô cùng chắc chắn và khẳng định. Tuy nhiên, sau khi ly hôn chúng ta thường nhận ra rằng: Nhiều vấn đề cũ không những không được giải quyết mà còn xuất hiện thêm những vấn đề mới. Nhưng vì "đã lỡ sa chân thì không thể quay đầu".

Hôn nhân càng cần được trân trọng, bởi vì nó rất dễ tan vỡ nhưng lại khó hàn gắn.

Vì vậy, trước khi đưa ra quyết định "ly hôn", chúng ta cần tự hỏi bản thân nhiều lần:

"Liệu cuộc hôn nhân này thực sự không thể cứu vãn được nữa hay sao?"

"Tôi đã sẵn sàng cho việc ly hôn và những gì xảy ra sau ly hôn hay chưa?"

Chỉ khi bạn có thể trả lời chắc chắn cho cả hai câu hỏi này, bạn mới nên quyết định ly hôn. Nhưng nếu bạn còn chút do dự, hãy tạm dừng và cho bản thân thời gian để suy nghĩ thêm.

Hôn nhân cần thận trọng, ly hôn cần có lý trí. Đừng bao giờ vội vàng đưa ra quyết định ly hôn chỉ vì một phút bốc đồng. Điều đáng sợ nhất là khi bạn hối hận thì mọi thứ đã muộn màng.

1. Hành trình sau ly hôn

Jimmy 29 tuổi người dẫn chương trình phát thanh chia sẻ, trong một khoảng thời gian dài sau khi ly hôn, tôi luôn cho rằng đó là quyết định đúng đắn.

Vì không thể chịu nổi thói quen sinh hoạt không tốt của chồng cũ, nên tôi đã đệ đơn ly hôn sau một năm chung sống. Khi biết tin này, bạn bè xung quanh đều rất ngạc nhiên, nhưng họ không phản bác.

Ảnh Pixabay

Chồng cũ có quá nhiều thói quen xấu. Anh ấy vứt bừa bãi vớ, quần áo, đi vệ sinh không nhấc nắp bồn cầu... Tôi đã nhắc nhở rất nhiều lần nhưng anh ấy không sửa đổi.

Dù chỉ là chuyện nhỏ nhưng mỗi lần anh làm ra, tôi lại phải dọn dẹp ở đằng sau. Vì anh ấy không thay đổi, tôi đành quyết định ly hôn.

Chồng tôi không thể hiểu nổi: "Có cần phải quá khắt khe như vậy không?".

Theo quan điểm của anh ấy, anh ấy vẫn là một người đàn ông tốt. Anh ấy đi làm đúng giờ, kiếm tiền nuôi gia đình. Đối với vợ, anh ấy quan tâm chu đáo. Ngay cả khi có một vài tật xấu nhỏ, anh ấy cho rằng nên được thông cảm. Nhưng đối với tôi lúc bấy giờ, tôi không muốn "nuông chiều" anh ấy chút nào.

Tuy nhiên, sau khi bước vào cuộc hôn nhân thứ hai, tôi mới nhận ra rằng người chồng hiện tại của tôi có nhiều vấn đề hơn:

Anh ấy thích uống rượu, khi say thường nói năng bừa bãi và nôn ói khắp nơi.

Anh ấy không giữ lời hứa, khiến tôi luôn thất vọng sau mỗi lần hy vọng.

Anh ấy có chỉ số EQ thấp, thường nói năng thẳng thắn và khiến người khác tức giận.

Quan trọng hơn, thu nhập của anh ấy không cao và không ổn định, mỗi tháng đều cần tôi phụ cấp tiền hàng tháng.

Tuy nhiên, khi tôi lại muốn kết thúc cuộc hôn nhân hiện tại, tôi đột nhiên có chút hối hận về việc ly hôn lần trước.

Khi có đối tượng để so sánh, con người ta thường có nhận thức mới.

Chồng cũ của tôi tuy không hoàn hảo, nhưng so với người chồng hiện tại, anh ấy lại không đến nỗi như vậy.

Cũng chính vì điều này mà tôi hoàn toàn thấu hiểu: "Yêu đương là hòa hợp với ưu điểm của một người. Kết hôn là chung sống với những khuyết điểm của một người". Những cuộc hôn nhân được xem là "khuôn mẫu hạnh phúc" không phải là không có vấn đề gì. Mà là bởi họ có một người bạn đời không soi mói khuyết điểm của nhau.

Trên đời này không có người yêu hoàn hảo. Trong hôn nhân mắt nhắm mắt mở một chút, cuộc sống mới trở nên dễ dàng hơn. Cần một chút bao dung, thì cuộc đời sẽ không gập ghềnh.

2. Hôn nhân và thực tế

Lý Tử Đồ 32 tuổi chia sẻ trên mạng Internet:

Môi trường dư luận hiện nay, thường tô vẽ ly hôn như một chìa khóa vạn năng để mở ra cuộc sống mới mẻ và đầy tự do. Nhưng đến khi thực sự ly hôn rồi, bạn mới nhận ra rằng, thực tế không hề giống như những câu chuyện ngôn tình.

Mỗi người đều có những khó khăn riêng, và mọi chuyện không đơn giản như chúng ta tưởng.

Ảnh Pixabay

Trước đây, tôi nghĩ rằng sau khi ly hôn, tôi sẽ tìm một công việc mới, cộng thêm tiền cấp dưỡng của chồng cũ, đủ để nuôi sống tôi và con. Nhưng thực tế là, do đã rời xa công việc quá lâu, tôi rất khó tìm được một công việc với mức lương như ý, đành phải lựa chọn giải pháp tạm thời.

Thu nhập của chồng cũ vốn không cao, tiền cấp dưỡng cũng chỉ được cho thỉnh thoảng. Cộng thêm tiền nhà, tiền điện nước, chi phí sinh hoạt hàng ngày, học phí, tiền học thêm, tiền viện phí khi con ốm đau... Mỗi tháng khi nhận lương, chưa kịp ấm túi đã tiêu sạch.

Trước đây, tôi chỉ cần chăm sóc con, không cần lo lắng chuyện kiếm tiền. Nhưng giờ đây, tôi vừa phải chăm sóc con, vừa phải làm tốt công việc. Áp lực thực sự rất lớn.

Khi thực sự quá bận, tôi chỉ có thể nhờ mẹ sang nhà giúp. Suy cho cùng, với khả năng hiện tại của tôi, tôi căn bản không đủ tiền thuê bảo mẫu. Nói thật, tôi có chút hối hận vì đã ly hôn.

Nói về lý do ly hôn.

Trước đây, tôi có một người bạn thân, chê chồng vô dụng, kết hôn 2 năm đã ly hôn. Sau đó, cô ấy tự khởi nghiệp, làm video ngắn bán hàng, chẳng mấy chốc đã mua được nhà to, đổi xe.

Mỗi khi tôi than thở với cô ấy về việc chồng kiếm tiền ít, cô ấy luôn nói câu: "Khó sống thì ly hôn đi, tôi dẫn bạn khởi nghiệp, tự kiếm tiền không sướng à”.

Bây giờ nghĩ lại, có thể người ta chỉ nói bâng quơ. Nhưng lúc đó nghe cô ấy nói nhiều lần, tôi đã coi cô ấy như một chiếc phao cứu sinh.

Một khi một ý tưởng nào đó nảy sinh trong tâm trí con người, nó giống như gieo một hạt giống đã bén rễ và nảy mầm như cỏ dại trong lòng. Tôi bắt đầu tỏ ra rất thiếu kiên nhẫn với chồng, thậm chí chủ động gây gổ.

Cãi nhau nhiều lần, tự nhiên bắt đầu đề cập đến chuyện ly hôn.

Chồng tôi nhìn tôi không tin nổi, nói: "Em đừng kích anh, anh hiện tại không muốn ly hôn với em, và em nhất định sẽ hối hận."

Tôi cười lạnh nói: "Ai sẽ hối hận, còn chưa biết đâu".

Chuyện ly hôn, một khi đã đề cập đến lần đầu tiên thì sẽ có lần thứ hai.

Cuối cùng, chồng tôi không chịu nổi, liền đồng ý.

Chúng tôi ly hôn rất dứt khoát, con trai tôi nuôi, nhà là anh ấy mua trước hôn nhân, nên thuộc về anh ấy.

Khi tôi vui vẻ đi tìm bạn thân để cùng khởi nghiệp, cô ấy lại hững hờ nói một câu: "Bạn thực sự đã ly hôn". Sau đó, tôi liên lạc với cô ấy vài lần nữa, nhưng lần nào cô ấy cũng lấy cớ thoái thác.

Tôi biết những gì bạn thân nói không còn quan trọng nữa, nhưng con đường đã chọn, dù quỳ cũng phải đi tiếp.

Giờ đây, tôi chỉ có thể đi theo con đường làm mẹ đơn thân, làm việc chăm chỉ.

Sau khi xem xét lại cuộc hôn nhân của mình, tôi đã hiểu tại sao chồng cũ lại nói rằng tôi sẽ hối hận. Lúc đó, tôi hoàn toàn không đủ điều kiện để ly hôn. Tôi là một người nội trợ toàn thời gian, đã xa nơi làm việc đã lâu, muốn tìm được một công việc có mức lương thỏa đáng thì phải mất thời gian tích lũy.

"Sau khi ly hôn, tôi mới biết mình đã mất đi điều gì”.

Ngoài ra còn một điều: "Mù quáng chạy theo bước chân của người khác chỉ khiến bản thân ngã đau hơn. Bạn thân ly hôn sau đó có thể giàu có, nhưng tôi không chắc mình có phù hợp hay có thể giàu có hay không. Hơn nữa, đặt hy vọng vào bất kỳ ai cũng là điều không nên".

Nếu cho tôi chọn lại, tôi chắc chắn sẽ không ly hôn, ít nhất là không ly hôn vào thời điểm đó.

3. Hối hận sau ly hôn

Ông Lý, 36 tuổi nhân viên bán hàng

"Một tháng sau ly hôn, tôi hối hận”.

Ảnh Pixabay

Trước đây, khi tan sở về nhà, vợ tôi đã nấu sẵn cơm, có con cái quây quần bên cạnh, cả nhà vui vẻ cười nói, đầm ấm hạnh phúc. Còn giờ đây thì...

Tôi ly hôn vì, mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu.

Khi mẹ tôi ra ngoài mua đồ ăn, mẹ luôn mua những món tôi thích, không bao giờ quan tâm đến việc người khác ăn gì. Có một lần, nhà mua thịt bò, mẹ tôi liền yêu cầu đợi tôi về nhà rồi mới ăn, sau đó bà dẫn vợ tôi đi ăn tạm.

Vợ tôi sau đó đã có ý kiến: “Nhà chúng ta chắc chỉ có anh là người, chúng ta đều không phải, không xứng ăn thịt bò”.

Múc canh cho tôi cũng vậy, mẹ múc cho toàn thịt ở đáy bát. Múc canh cho con dâu thì chỉ toàn là canh rau.

Nếu chỉ là sự khác biệt trong thói quen sinh hoạt thì cũng chỉ là chuyện nhỏ.

Sau đó, vợ tôi lại ở trước mặt tôi kể mẹ chồng luôn sai cô ấy làm các việc.

Có một lần, vợ tôi đang xem TV và mẹ tôi nhờ cô ấy giặt quần áo. Vợ tôi tỏ vẻ không muốn, bảo đợi một lát.

Đến chiều mẹ thấy quần áo chưa giặt nên lại nhắc lần nữa. Vợ tôi không muốn giặt nên nói với mẹ tôi: “Mẹ ơi, mẹ có thể giặt bất cứ khi nào mẹ muốn”.

Mẹ tôi có vẻ sốc và nhìn chằm chằm vào con dâu với ánh mắt thể hiện "sao con có thể nói chuyện với mẹ như vậy". Đây là điều mà sau này vợ tôi đã nói với tôi.

Tôi thực sự không dám cãi lại mẹ vì vợ.

Tôi lớn lên trong một gia đình đơn thân, khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi đã phải chịu biết bao vất vả, mệt mỏi để nuôi tôi, mẹ đã giúp tôi tìm một người vợ và mua cho tôi một căn nhà.

Tôi chỉ có thể khuyên vợ mình hãy kiên nhẫn và đừng chấp nhặt với mẹ.

Cuối cùng giọt nước tràn ly trong thời gian vợ tôi ở cữ.

Khi đó, tôi bận rộn công việc, không có thời gian chăm sóc vợ nên đã nhờ mẹ mình đến bệnh viện chăm sóc thay trong một tuần.

Tuy nhiên, trong suốt một tuần đó, thay vì nấu những món ăn bổ dưỡng cho con dâu, bà mẹ chồng lại liên tục cho con dâu ăn những món cay nóng, khó tiêu như ớt, mì gói, hoặc cháo rau.

“Thù ở cữ, không đội trời chung” là câu nói dân gian, thể hiện sự quan trọng của việc chăm sóc sản phụ trong thời gian ở cữ. Việc mẹ tôi không quan tâm đến sức khỏe con dâu, thậm chí còn cho con dâu ăn những thức ăn không phù hợp đã khiến con dâu vô cùng tức giận và tổn thương.

Sau khi trở về nhà, vợ đã thẳng thắn nói chuyện với tôi và yêu cầu mẹ tôi về quê sinh sống.

Tôi lúng túng nói: “Mẹ không muốn ở một mình, mẹ muốn sống với chúng ta”.

Cứ như vậy, chúng tôi bắt đầu cãi vã không ngớt, cãi đến cuối cùng cũng không còn sức lực, cô ấy đưa đơn ly hôn. Lúc đó tôi không biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng tôi đã ký đơn ngay lập tức.

Khi cảm xúc của tôi dịu xuống, tôi càng ngày càng hối hận về điều đó.

Tôi nhận ra rằng mẹ mình đã can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của chúng tôi, nhưng tôi lại ép buộc vợ mình phải bao dung cho mẹ.

Sau đó, tôi đã nói chuyện với mẹ tôi về toàn bộ sự việc một cách rất nghiêm túc. Tuy nhiên, mẹ tôi vẫn tức giận và nói với tôi rằng: "Có vợ quên mẹ". Sau một trận cãi vã lớn, mẹ tôi đã trở về quê. Bây giờ, tôi chỉ mong vợ mình quay trở về nhà và chúng tôi có thể hàn gắn lại.

Đã từng có một thời gian, những người đàn ông và phụ nữ trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc đều tin rằng: “Ly hôn là viên thuốc tiên giải quyết mọi vấn đề”. "Nếu không thể tiếp tục, hãy ly hôn. Ai rời xa ai cũng có thể sống tốt”.

Nhưng thực tế, mọi người nhận ra rằng:

Ly hôn không có sức mạnh thần kỳ như vậy. Nó giống như một trận chiến mà cả hai bên đều bị tổn thương.

Sau khi ly hôn, không có người chiến thắng.

Mọi người đều bắt đầu xây dựng lại cuộc sống vốn đã tan vỡ như xây từng viên gạch một, bắt đầu lại một cách đầy đau đớn.

Tất nhiên, Thập Điểm Quân không phản đối ly hôn.

Đối với những người có xu hướng bạo lực gia đình, dính líu đến cờ bạc ma túy, phản bội bạn đời, đã khuyên bảo nhiều lần mà vẫn không sửa đổi thì ly hôn là lựa chọn tốt nhất.

Khi nó vỡ thì vỡ. Tuy nhiên, đối với những trường hợp khác, Thập Điểm Quân hy vọng mọi người đều có thể suy nghĩ thấu đáo, không nên đưa ra quyết định trong lúc nóng giận.

Ảnh Pixabay

Giống như 3 câu chuyện trước, có rất nhiều bài học mà chúng ta chỉ có thể hiểu được sau khi ly hôn:

Hóa ra, chấm dứt một mối quan hệ không thể giải quyết được mọi vấn đề.

Hóa ra, mỗi mâu thuẫn đều là một bài học quý giá giúp bạn trưởng thành và hoàn thiện bản thân.

Người luôn né tránh bài học sẽ lại vấp ngã ở cùng một vạch đích, và ông trời sẽ không ngừng thử thách bạn cho đến khi bạn vượt qua.

Cần phải tỉnh táo khi kết hôn và càng phải lý trí khi ly hôn, không nên lười biếng trong suy nghĩ.

Suốt cuộc đời, con người luôn phải dựa vào năng lực của bản thân để làm việc, điều đáng sợ nhất là tay trắng, chỉ có một chữ "dũng cảm" trong lòng.

Mong bạn đừng vội vàng kết hôn, cũng đừng vội vàng ly hôn.

Theo Triệu Lệ - Aboluowang - Nguồn: Ten O'clock Reading
Tố Như



BÀI CHỌN LỌC

Ai sẽ là người hối hận sau khi ly hôn?