Bắc Kinh chỉ trích Nhật Bản, Anh về hội nghị thượng đỉnh G7 'chống Trung Quốc'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 22/5, tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã gọi G7 là một “hội thảo chống Trung Quốc”. Động thái diễn ra một ngày sau khi Bắc Kinh triệu tập Đại sứ Nhật Bản và chỉ trích Anh trong một phản ứng dữ dội đối với các tuyên bố được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh của G7 tại Hiroshima.

Tuyên bố của G7 đưa ra hôm thứ Bảy (20/5) đã cảnh báo Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, vũ khí hạt nhân, cưỡng ép kinh tế và vi phạm nhân quyền, tiếp tục đào sâu thêm những căng thẳng giữa Bắc Kinh và G7 bao gồm cả Mỹ.

"Mỹ đang nỗ lực dệt một tấm lưới chống Trung Quốc ở thế giới phương Tây", Nhân Dân nhật báo cho biết trong một bài xã luận hôm thứ Hai (22/5) có tiêu đề "G7 đã trở thành một hội thảo chống Trung Quốc".

“Đây không chỉ là vấn đề can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc và bôi nhọ Trung Quốc, mà còn là sự thôi thúc đối đầu rõ ràng giữa các phe”, tờ báo này viết.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ kiên quyết phản đối tuyên bố của G7 - bao gồm cả Nhật Bản, Anh, Canada, Pháp, Đức và Ý - và vào hôm Chủ nhật (21/5) và cho biết họ đã triệu tập đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc để phản đối.

Nga, một đồng minh thân cận của Trung Quốc, cũng bị nêu tên trong tuyên bố của G7 về cuộc chiến ở Ukraine. Phía Nga cho biết hội nghị thượng đỉnh này là "lò ấp trứng" cho tâm lý bài Nga và bài Trung Quốc.

Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh kêu gọi London ngừng vu khống Trung Quốc sau khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói Bắc Kinh là thách thức lớn nhất đối với an ninh và thịnh vượng của thế giới.

Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G7 đã đề cập đến Trung Quốc 20 lần, nhiều nhất trong những năm gần đây và tăng từ 14 lần vào năm 2022.

"Phản ứng của Trung Quốc lần này khá dữ dội", Wang Jiangyu, giáo sư tại Đại học Thành phố Hong Kong cho biết.

Ông nói: "G7 đã đề cập đến nhiều mối quan ngại (đối với Trung Quốc) theo một cách chưa từng có. Trung Quốc coi những vấn đề này là lợi ích cốt lõi của họ và hoàn toàn là công việc nội bộ của họ, không phải để G7 to tiếng".

Bắc Kinh cũng cáo buộc Mỹ và các đồng minh của họ có tiêu chuẩn kép về các bình luận về xây dựng hạt nhân và sử dụng đòn bẩy kinh tế.

Moritz Rudolf, học giả nghiên cứu và thành viên tại Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai của Đại học Yale, cho biết: “Phản ứng của Bắc Kinh (đặc biệt là thời điểm ban đầu được công bố) nhấn mạnh rằng căng thẳng trong khu vực đã khá cao và có khả năng gia tăng hơn nữa”.

Trung Quốc triệu Đại sứ Nhật Bản vì tuyên bố của G7

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 21/5 cho biết trong buổi triệu Đại sứ Nhật Bản, Thứ trưởng Ngoại giao Tôn Vệ Đông nói rằng Tokyo đã hợp tác với các nước G7 "trong các hoạt động và tuyên bố chung nhằm bôi nhọ, tấn công Trung Quốc, can thiệp thô bạo các vấn đề nội bộ Trung Quốc, vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế cũng như tinh thần 4 văn kiện chính trị giữa hai bên", đề cập Tuyên bố chung Trung - Nhật năm 1972.

Theo ông Tôn, hành động của Nhật Bản gây bất lợi cho chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc.

"Trung Quốc rất không hài lòng và kiên quyết phản đối hành động này", ông Tôn nói. "Nhật Bản nên điều chỉnh cách hiểu về Trung Quốc, nắm bắt quyền tự chủ chiến lược, tuân thủ nguyên tắc của 4 văn kiện chính trị giữa Trung Quốc - Nhật Bản và thực sự thúc đẩy sự phát triển ổn định của quan hệ song phương với thái độ xây dựng".

Trung Quốc yêu cầu Mỹ nhượng bộ

Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ hiểu đúng về nước này và có nhượng bộ để đưa quan hệ song phương đi đúng hướng.

"Phía Mỹ một mặt đề nghị nối lại liên lạc, nhưng mặt khác lại kiềm tỏa Trung Quốc bằng mọi biện pháp có thể", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 23/5.

Bà Mao hoài nghi về tính chân thành và ý nghĩa của các liên lạc như vậy khi Mỹ áp lệnh trừng phạt các quan chức, tổ chức, doanh nghiệp Trung Quốc. "Mỹ nên thu hồi các lệnh trừng phạt ngay lập tức, dỡ bỏ các trở ngại và tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại", bà Mao cho biết thêm.

Bình luận được đưa ra sau khi Tổng thống Joe Biden ngày 21/5 cho biết ông tin rằng quan hệ Mỹ - Trung có thể "sớm tan băng", sau khi căng thẳng leo thang vì sự cố khí cầu hồi đầu năm. Ông chủ Nhà Trắng còn cho hay G7 đã nhất trí trong cách tiếp cận Trung Quốc và sẽ nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng để không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào.

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington tăng nhiệt sau vụ khí cầu Trung Quốc hoạt động trên không phận Mỹ suốt 7 ngày hồi đầu năm. Mỹ cáo buộc khí cầu này bay trên các căn cứ quân sự nhạy cảm để thu thập thông tin tình báo và điều tiêm kích bắn hạ.

Quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức thấp nhất nhiều năm do khác biệt trong nhiều vấn đề như Đài Loan, cạnh tranh thương mại, nguồn gốc Covid-19.

Viên Minh (Tổng hợp)

 



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh chỉ trích Nhật Bản, Anh về hội nghị thượng đỉnh G7 'chống Trung Quốc'