Bạn biết bao nhiêu về những hiện tượng và bí ẩn của 'nhật thực'?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong tất cả các hiện tượng thiên văn, nhật thực là hiện tượng thu hút nhiều sự chú ý nhất vì sự xuất hiện rõ ràng của nó. Trong lịch sử, sự xuất hiện của nhật thực cũng có mối liên hệ rất lớn với những thăng trầm của các sự kiện lớn của nhân loại. [1] Hãy cùng khám phá ngắn gọn bí ẩn này.

Nhật thực xảy ra như thế nào?

Trả lời: Nhật thực xảy ra khi mặt trăng đi qua giữa mặt trời và trái đất và chặn toàn bộ hoặc một phần ánh sáng của mặt trời trong khoảng thời gian cả ba thẳng hàng. Nhật thực chỉ xảy ra khi trăng non, khi mặt trăng nằm giữa mặt trời và trái đất. So với mặt trời và trái đất, bóng của mặt trăng quá nhỏ để che phủ toàn bộ trái đất, do đó nhật thực, bao gồm nhật thực một phần, nhật thực hình khuyên và nhật thực toàn phần, chỉ có thể được nhìn thấy ở khu vực được bao phủ bởi bóng của mặt trăng. [2]

Tại sao không có nhật thực hàng tháng?

Trả lời: Không phải mọi kỳ trăng non đều gây ra nhật thực vì quỹ đạo của mặt trăng hơi nghiêng so với quỹ đạo của trái đất quay quanh mặt trời. Vì vậy, mặt trăng không phải lúc nào cũng nằm trên một đường thẳng giữa trái đất và mặt trời.

Nhật thực kéo dài bao lâu?

Trả lời: Thời gian xảy ra nhật thực dao động từ vài giây đến tối đa khoảng 7,5 phút. Thời gian chính xác phụ thuộc vào các yếu tố như vị trí của người quan sát trên trái đất và đường đi của bóng mặt trăng trên bề mặt trái đất.

Nhật thực xảy ra thường xuyên như thế nào?

Trả lời: Trên phạm vi rộng khắp thế giới, nói chung có 2, 3 hoặc 4 lần nhật thực trong một năm, thậm chí là 5. Lần cuối cùng thế giới có 5 lần nhật thực trong cùng một năm là vào năm 1935. Lần tiếp theo hiện tượng này sẽ xảy ra vào năm 2206.

Cơ hội xảy ra nhật thực hình khuyên hoặc toàn phần là gì?

Trả lời: Trung bình cứ 2 năm lại có nhật thực hình khuyên và nhật thực toàn phần một lần trên toàn cầu. Ở Trung Quốc, người xưa luôn coi trọng hiện tượng nhật thực và chúng đã được ghi chép rõ ràng trong sử sách. “Lịch sử nhà Minh” ghi rằng “có 293 lần nhật thực từ thời nhà Hán đến thời nhà Tùy” và “110 lần từ thời nhà Đường đến thời Ngũ đại”. Chúng bao gồm các hồ sơ về nhật thực một phần. Từ thời nhà Hán đến thời nhà Tùy, tổng cộng là 820 năm (202 trước Công nguyên đến 618 trước Công nguyên), một lần nhật thực xảy ra trung bình khoảng 2 năm, 9 tháng và 18 ngày. Từ đầu nhà Đường đến cuối thời Ngũ Đại kéo dài 342 năm (618-960 sau Công nguyên), trung bình cứ 3 năm, 1 tháng và 10 ngày lại xảy ra một lần nhật thực.

Tại sao nhật thực toàn phần hoặc hình khuyên lại được coi là điều gây tò mò như vậy?

Trả lời: Trung bình, nhật thực hình khuyên và nhật thực toàn phần xảy ra hai năm một lần trên khắp thế giới. Tuy nhiên, đối với một vị trí cụ thể, chẳng hạn như một quận, thành phố hoặc thậm chí là thủ đô, trung bình chỉ có thể nhìn thấy nhật thực toàn phần hoặc hình khuyên mỗi vài trăm năm một lần. Vì vậy, nếu không rời khỏi nơi ở của mình để đuổi theo nhật thực, có người cả đời cũng không thể nhìn thấy được.

Lấy Bắc Kinh làm ví dụ, lần nhật thực toàn phần gần nhất xảy ra vào ngày 28 tháng 10 năm 1277 và lần gần nhất tiếp theo sẽ rơi vào ngày 2 tháng 9 năm 2035, cách nhau hơn 700 năm. Nhật thực hình khuyên gần đây nhất xảy ra vào ngày 28 tháng 8 năm 1802 và nhật thực hình khuyên tiếp theo sẽ xảy ra vào ngày 22 tháng 3 năm 2118, cách nhau hơn 300 năm.

Lấy Đài Loan làm ví dụ, nhật thực hình khuyên gần đây nhất xảy ra vào năm 2020 và nhật thực hình khuyên tiếp theo sẽ xảy ra vào ngày 11 tháng 4 năm 2215. Nhật thực toàn phần gần đây nhất xảy ra vào ngày 21 tháng 9 năm 1941 và lần tiếp theo sẽ xảy ra vào ngày 11 tháng 4 năm 2070.

Hiệu ứng nhẫn kim cương và chuỗi hạt Baily khi nhật thực xảy ra như thế nào?

Trả lời: Các hiệu ứng thiên văn đặc biệt - hiệu ứng chuỗi hạt Baily và nhẫn kim cương - có thể được quan sát thấy khi nhật thực. Điều này là do mặt trăng có các miệng hố và các cạnh của bề mặt mặt trăng không bằng phẳng. Khi mặt trăng che phía trước mặt trời, ánh sáng mặt trời cuối cùng chiếu qua mặt trăng tạo thành một hàng đốm giống như một chuỗi hạt, do đó có tên là chuỗi hạt Baily, để vinh danh nhà thiên văn học người Anh Francis Baily, người đã giải thích hiện tượng này. Hiệu ứng nhẫn kim cương là khi chỉ còn lại một “hạt” trông giống như một chiếc nhẫn kim cương tỏa sáng.

Hiệu ứng nhẫn kim cương nhật thực toàn phần. Ảnh chụp: NASA. (Shutterstock)

Nhật thực có phải là hiện tượng thiên văn phổ biến không?

Trả lời: Tóm lại, dù là nhật thực toàn phần hay nhật thực hình khuyên, đều có hàng trăm năm giữa hai hiện tượng này ở một nơi. Vì vậy, có thể nói, sự giao nhau của nhật thực hình khuyên và nhật thực toàn phần với những khu vực cụ thể là sự kiện trọng đại giữa trời và người.

Trước thời nhà Hán, trong “Sử ký” cũng có ghi chép về nhật thực, chẳng hạn như “Sử ký: Tần Bản Kỷ” ghi “Năm thứ ba mươi tư xảy ra nhật thực. Lệ Cộng Công chết”; cuốn “Sử ký: Hiếu Cảnh Bản Kỷ” của nhà Hán ghi rằng “tháng 7 Tân Hải xảy ra nhật thực, tháng 8 người Hung Nô tiến vào Thượng Quân”. Có thể thấy, Trung Quốc cổ đại rất coi trọng sự xuất hiện của nhật thực và coi chúng như một hiện tượng "thiên nhân hợp nhất".

Văn hóa Trung Quốc nhìn nhận mối quan hệ giữa nhật thực và sự tương tác giữa trời và người như thế nào?

Trả lời: Nhật thực không chỉ là giai thoại về việc “Thiên cẩu nuốt mặt trời”. Các nhà sử học, các vị vua và lịch sử Trung Quốc nhìn nhận nhật thực như thế nào? Sử sách chính thức của tất cả các triều đại ở Trung Quốc đều ghi chép kỹ lưỡng hiện tượng nhật thực, nhằm mục đích làm bằng chứng lịch sử về sự tương tác giữa trời và người, đồng thời làm cơ sở để vua chúa cai trị.

Văn hóa truyền thống Trung Quốc coi nhật thực là một hiện tượng thiên thể phản ánh sự quản lý tồi tệ. Lý Thuần Phong, một nhà thiên văn học và chuyên gia bói toán thời nhà Đường, đã nói trong "Ất tỵ chiêm" rằng "mặt trời" tượng trưng cho người lãnh đạo một đất nước và sự cai trị đạo đức của đất nước. Khi nhà vua vô đạo đức, một sự thay đổi của mặt trời, tức là, nhật thực sẽ xảy ra. ("Ất tỵ chiêm": "Mặt trời là biểu tượng của vương chủ, vì vậy nếu vua không có đạo đức, mặt trời sẽ thay đổi.") Một cuốn sách khác là "Thôi bối đồ" do Lý Thuần Phong và Viên Thiên Cang đồng tác giả là một dự đoán tuyệt vời về sự hưng thịnh và suy tàn của các triều đại trong lịch sử Trung Quốc kéo dài hàng nghìn năm. Nội dung của lời tiên đoán đã được các thế hệ tương lai kiểm chứng. Có lẽ những quan sát và suy luận của Lý Thuần Phong về nhật thực không phải những lời nói suông.

Việc thiếu ánh sáng khi nhật thực là ẩn dụ cho sự thiếu đạo đức của người cai trị, khi nhật thực xảy ra là thời điểm quan trọng để nhắc nhở những người nắm quyền phải tự xem xét nội tâm, sửa chữa lỗi lầm và trau dồi đức hạnh. “Hán thư: Thiên văn chí” nói: “Nếu người cai trị biết kiềm chế bản thân, suy nghĩ về lỗi lầm của mình và biết sám hối thì tai họa sẽ tiêu trừ và phúc lành sẽ đến". Khi nhìn thấy nhật thực, người cầm quyền phải hiểu rõ thiên ý, tự suy ngẫm về tội lỗi của mình, cẩn thận sửa sai và sám hối thì tai họa sẽ được tiêu trừ, phúc lành sẽ đến.

Nhật thực là một hiện tượng thiên văn hoành tráng, tuy nhiên, nhật thực không phải là một hiện tượng thiên thể vật lý đơn giản mà là biểu hiện của hiện tượng tâm linh về sự hợp nhất giữa con người và tự nhiên.

Một số người có thể đặt câu hỏi, vì nhật thực là hiện tượng có thể dự đoán được và thường xuyên, vậy tại sao chúng có thể trở thành biểu tượng của "thiên nhân hợp nhất"? Chúng ta hãy suy nghĩ xem: Vì Đấng Tạo Hóa có thể sắp xếp sự vận động của các thiên thể và hiện tượng thiên thể, vậy chẳng lẽ Ngài không thể sắp xếp trước những sự việc xảy ra tại nhân gian sao? Sự vận động của vật chất là có quy luật, sự sinh diệt của thế giới loài người chẳng phải cũng được sắp đặt như vậy sao? Nếu không thì làm sao có thể có những lời tiên đoán chính xác kéo dài hàng ngàn năm trong lịch sử?! Cảnh báo về nhật thực mang đến cho thế giới một cơ hội và cho thế giới thấy một nguyên tắc tự nhiên: chỉ bằng cách coi trọng và trau dồi đức hạnh thì quỹ đạo đã định của vận mệnh mới có thể thay đổi được.

——————

Ghi chú:

[1] Tham khảo các bài viết liên quan:
Sự trỗi dậy và sụp đổ của chế độ cộng sản được dự đoán bởi “Vùng nhật thực” của Marx (Phần 1)
https://www.epochtimes.com/b5/20/10/15/n12478426.htm
Sự trỗi dậy và sụp đổ của chế độ cộng sản được dự đoán bởi “Vùng nhật thực” của Marx (Phần 2)
https://www.epochtimes.com/b5/20/11/4/n12523962.htm
Nhật thực và các hiện tượng thiên thể chứng thực: Lincoln và bí ẩn về chu kỳ Nội chiến
https://www.epochtimes.com/b5/21/5/31/n12987657.htm

[2] Các loại nhật thực: Nhật thực một phần, nhật thực hình khuyên và nhật thực toàn phần là ba loại nhật thực. Khi vị trí của mặt trời, mặt trăng và trái đất thẳng hàng, sẽ quan sát được ba loại nhật thực khác nhau tùy thuộc vào khoảng cách của mặt trăng với trái đất và vị trí của người quan sát.

Minh họa về ba loại nhật thực - nhật thực một phần, toàn phần và hình khuyên. (The Epoch Times)

Nhật thực toàn phần xảy ra ở vùng rốn của mặt trăng. Nhật thực toàn phần xảy ra khi mặt trăng che khuất hoàn toàn mặt trời khi nhìn từ trái đất. Khi nhật thực toàn phần, bầu trời trở nên tối như ban đêm và có thể nhìn thấy vành nhật hoa (bầu khí quyển bên ngoài của mặt trời). Nhật thực một phần có thể được nhìn thấy ở vùng bóng tối gần đường đi của nhật thực toàn phần.

Nhật thực hình khuyên xảy ra khi Mặt trăng đi qua giữa Mặt trời và Trái đất ở hoặc gần điểm cực đại. Vì khi mặt trăng ở xa trái đất, nó quá nhỏ để có thể che phủ hoàn toàn mặt trời nên chúng ta có thể nhìn thấy “vòng lửa” xung quanh mặt trời. Bởi trong khu vực nhật thực hình khuyên, mặt trăng ở xa trái đất, tạo thành một vùng bóng tối giả, bầu trời sẽ không tối hẳn mà sẽ xuất hiện cảnh chạng vạng. Nhật thực một phần cũng sẽ được nhìn thấy ở những khu vực gần đường đi của nhật thực hình khuyên.

Theo Lý Mai - Epoch Times tiếng Trung

Thanh Hương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bạn biết bao nhiêu về những hiện tượng và bí ẩn của 'nhật thực'?