Bí ẩn những căn cứ quân sự bị bỏ hoang trên khắp thế giới (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều quốc gia sẵn sàng chi hàng triệu đô la để xây dựng các căn cứ quân sự, boongke hay pháo đài. Nhưng một khi chúng bị bỏ hoang, tất cả số tiền đã tiêu tốn đều trở nên lãng phí.

Từ Mỹ đến Nga, những căn cứ quân sự này đã dần bị mục nát. Một số được xây dựng để chống lại kẻ địch trong chiến trận, trong khi số khác lại được sử dụng để huấn luyện binh lính hoặc thử nghiệm vũ khí. Hãy cùng xem các bức ảnh về những căn cứ quân sự bị lãng quên và câu chuyện của chúng.

Căn cứ Devil’s Peak (Hoa Kỳ)

Căn cứ Devil’s Peak (Hoa Kỳ)
Căn cứ Devil’s Peak (Hoa Kỳ). (Wikimedia Commons)

Ở hạt San Mateo thuộc bang California, có một căn cứ quân sự bỏ hoang nằm trên đỉnh một vách đá cheo leo, nguy hiểm. Boongke có tên gọi là Devil’s Peak, cái tên này được đặt dựa theo độ nghiêng khoảng 30-50 độ của vách đá bao quanh nó. Trong Thế chiến II, Devil’s Peak được thiết kế nhằm mục tiêu bắn hạ máy bay địch.

Những người lính được giao nhiệm vụ canh giữ ở Devil’s Peak đã sử dụng tháp vô tuyến để theo dõi các con tàu của Nhật Bản. Trong Chiến tranh Lạnh, một chủ sở hữu tư nhân đã mua lại Devil’s Peak, ông lên kế hoạch cho một dự án mà đến nay nó vẫn còn dở dang. Cho đến ngày nay vẫn không có ai sống trong boongke, bởi vì rất khó để một người có thể leo lên đó.

Hầm trú ẩn hạt nhân Greenbrier (Hoa Kỳ)

Hầm trú ẩn hạt nhân Greenbrier (Hoa Kỳ)
Hầm trú ẩn hạt nhân Greenbrier (Hoa Kỳ). (Getty)

Năm 2010, một số nhà báo ở Mỹ tiết lộ rằng, trong nhiều thập kỷ trôi qua, có khoảng 33 tòa nhà chính phủ không được bất kỳ ai khám phá hay đặt chân đến; và một trong số đó là Hầm Greenbrier ở White Sulfur Springs, phía Tây Virginia. Trong những năm 1950, hầm Greenbrier từng là nơi trú ẩn hạt nhân cho các thành viên của Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ.

Greenbrier đã được chuyển đổi thành một khu nghỉ dưỡng sang trọng. Tòa nhà phụ được làm từ bê tông có bộ lọc không khí phức tạp, với hơn 1000 giường ngủ và rất nhiều phòng vệ sinh (chủ yếu dành cho nam). Ngày nay, Greenbrier cung cấp các chuyến tham quan vào một số khu hầm vốn chưa từng được sử dụng trong quá khứ.

Phòng tuyến Maginot (Pháp)

Phòng tuyến Maginot (Pháp)
Phòng tuyến Maginot (Pháp). (Getty)

Trong những năm 1930, quân đội Pháp đã xây dựng một loạt boongke dọc theo chiến tuyến Pháp - Đức. Trên lý thuyết, nếu quân Đức tấn công, phòng tuyến Maginot của Pháp sẽ có tác dụng phòng thủ trước binh lính, bom và xe tăng. Nhưng vào năm 1940, quân Đức bất ngờ thay đổi chiến thuật, thay vì tấn công biên giới, họ xâm lược qua Bỉ, hoàn toàn bỏ qua phòng tuyến Maginot.

Sau Thế chiến 2, phòng tuyến Maginot bị bỏ hoang vì chi phí duy trì quá tốn kém. Các đường hầm, nơi trú ẩn và pháo đài đến nay vẫn còn tồn tại. Phòng tuyến này trải dài 720km, nhưng hoàn toàn hoang vu.

Căn cứ Johnston (Thái Bình Dương)

Căn cứ Johnston (Thái Bình Dương)
Căn cứ Johnston (Thái Bình Dương). (Wikimedia Commons)

Đảo Johnston nằm ở phía tây nam của Hawaii và cách hòn đảo này 1.328km, nơi đây lưu trữ một lượng hóa chất cực độc có thể gây chết người trong hơn 30 năm qua. Đảo hoang được Hải quân Hoa Kỳ tiếp quản vào năm 1934. Năm 1941, họ đã xây dựng trạm Johnston Atoll. Nó trở thành trạm nhiên liệu cho máy bay, kho chứa vũ khí hóa học và là địa danh dùng cho mục đích thử bom nguyên tử.

Trong thời gian quân đội Mỹ đang chiếm đóng trên đảo san hô Johnston, họ cũng đã xây thêm hai hòn đảo nhân tạo khác, tạo thành một chuỗi gồm 4 hòn đảo nhỏ. Vào năm 2001, những người lính Mỹ cuối cùng rời đi và chỉ còn lại một số thường dân làm việc trên đảo theo dạng hợp đồng. Đảo Johnston còn là khu bảo tồn của hàng trăm loài cá bản địa, san hô và chim di cư.

Căn cứ Maunsell Forts (Biển Bắc)

Căn cứ Maunsell Forts (Biển Bắc)
Căn cứ Maunsell Forts (Biển Bắc). (Wikipedia)

Căn cứ Maunsell Forts nằm ngoài khơi vùng biển của Vương quốc Anh, được xây dựng vào năm 1942. Nơi đây có các tòa tháp trang bị đài phát thanh cảnh báo công dân thành phố London về các cuộc không kích của kẻ địch.

Sau khi Maunsell Forts ngừng hoạt động vào những năm 50, những tên cướp biển đã lợi dụng bộ đàm này để liên lạc với nhau. Ngày nay, những tòa nhà này bị bỏ hoang và mục nát. Du khách có thể nhìn thấy chúng nếu họ đi thuyền đến căn cứ với quãng đường khoảng 12km.

Căn cứ Duga Radar (Nga)

Căn cứ Duga Radar (Nga)
Căn cứ Duga Radar (Nga). (Getty)

Du khách sẽ phải đi vào những khu rừng rậm xung quanh Chernobyl (Nga) để tìm căn cứ quân sự Duga Radar. Tại đây có một pháo đài cao 150m vốn là tàn tích của Liên Xô cũ từ những năm 1970. Duga Radar hoạt động như một hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa, và đây là khu căn cứ tối mật vào thời điểm đó. Chính phủ Liên Xô đã ngụy trang nó thành một khu vui chơi dành cho trẻ em.

Tín hiệu vô tuyến của Duga suy yếu trong những năm 1980, và vào năm 1989, chúng biến mất hoàn toàn. Cho đến ngày nay, lý do đằng sau việc đóng cửa của Duga Rada vẫn chưa được tiết lộ cho công chúng. Nó vẫn bị bỏ hoang và lặng lẽ nằm im gần Chernobyl.

Trạm do thám Teufelsberg (Đức)

Trạm do thám Teufelsberg (Đức)
Trạm do thám Teufelsberg (Đức). (Getty)

Trong khu rừng ở ngoại ô thành phố Berlin (Đức), một trạm gián điệp cũ của NSA (Hoa Kỳ) vẫn còn sót lại cho đến ngày nay. Trạm do thám Teufelsberg nằm trên đỉnh đồi cao 80m (còn được gọi là "Núi Quỷ"). Địa điểm này ban đầu là một trường cao đẳng kỹ thuật quân sự của Đức Quốc xã, nhưng trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã tái sử dụng nó để tiến hành do thám Liên Xô.

Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, Trạm do thám Teufelsberg bị bỏ hoang. Tất cả những gì còn lại là lợn rừng và những bức tường đầy graffiti.

Hầm quân sự bí mật của Thụy Sĩ

Hầm quân sự bí mật của Thụy Sĩ. (Chụp video)
Hầm quân sự bí mật của Thụy Sĩ. (Chụp video)

Thụy Sĩ không tham gia bất kỳ cuộc chiến nào trong gần 200 năm, nhưng đất nước này vẫn chứa đầy các boongke quân sự. Nếu du khách biết nơi để tìm dọc theo dãy núi Alps, họ có thể tìm thấy một số boongke được ngụy trang rất cẩn thận. Nhiều nơi trông giống như những tảng đá khổng lồ, nhưng nếu nhìn vào bên trong, người ta sẽ phát hiện ra chúng là các hầm trú ẩn hạt nhân, bên trong chứa những khẩu đại bác, hệ thống đường hầm và đường sắt.

Ít nhất 20.000 boongke quân sự đã được phát hiện trên khắp Thụy Sĩ, mặc dù không ai có thể nắm được số liệu chính xác. Quân đội Thụy Sĩ bắt đầu xây dựng các boongke này vào những năm 1880, và việc xây dựng tiếp tục trong suốt thế kỷ XX. Một số trông giống như cabin, trong khi một số khác lại ẩn mình trong sườn núi.

Căn cứ tên lửa Plokštinė (Lithuania)

Căn cứ tên lửa Plokštinė (Lithuania)
Căn cứ tên lửa Plokštinė (Lithuania). (Wikipedia)

Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô phát hiện Mỹ đang xây dựng các căn cứ ngầm. Để bắt kịp, họ bắt đầu nhanh chóng xây dựng căn cứ ẩn dưới lòng đất ở Plokščiai.

Căn cứ Plokštinė là địa điểm đặt tên lửa hạt nhân đầu tiên ở Liên Xô. Tuy nhiên, Mỹ chưa bao giờ biết về nó cho đến năm 1978. Không có tên lửa nào được phóng ở đó, kể cả để thử nghiệm. Sau Chiến tranh Lạnh, căn cứ Plokštinė trở nên lỗi thời và bị bỏ hoang. Vào năm 2012, một bảo tàng lịch sử mới được mở ở đó để chào đón du khách.

Căn cứ Wolf's Lair (Ba Lan)

Căn cứ Wolf's Lair (Ba Lan)
Căn cứ Wolf's Lair (Ba Lan). (Wikimedia Commons)

Wolf's Lair là một căn cứ bí mật nằm khuất sau những tán cây, nơi đây là một trong những địa điểm trú ẩn ưa thích của Hitler trong Thế chiến II.

Boongke bị bỏ hoang ở Ketrzyn (Ba Lan) lưu giữ nhiều ký ức liên quan đến chế độ Đức Quốc xã. Wolf's Lair, như tên gọi của nó, là một trong những tổng hành dinh của Adolf Hitler trong Thế chiến II. Hitler đã dành khoảng 800 giờ ở đó và thậm chí còn sống sót sau một số vụ ám sát.

Năm 1944, một trong những đại tá của Hitler đã mang chiếc vali chứa bom đến cuộc họp. Thật kỳ diệu, Hitler đã sống sót sau vụ nổ với rất ít thương tích. Khi chiến tranh kết thúc, Wolf's Lair trở thành quá khứ và dần bị che phủ bởi thảm thực vật xung quanh nó.

Pháo đài Kaunas (Lithuania)

Pháo đài Kaunas (Lithuania)
Pháo đài Kaunas (Lithuania). (Wikimedia Commons)

Năm 1882, Đế quốc Nga đã đề ra kế hoạch xây dựng chín pháo đài trên khắp lãnh thổ Lithuania. Căn cứ cuối cùng là pháo đài Kaunas, được hoàn thành ngay trước Thế chiến thứ nhất. Vào năm 1915, Kaunas lần đầu tiên tham chiến khi quân Đức tấn công. Thế chiến thứ nhất kết thúc cũng là thời điểm Pháo đài Kaunas bị bỏ hoang.

Tuy nhiên, pháo đài nhận được sự chú ý khi Đức Quốc xã đánh chiếm Lithuania trong Thế chiến thứ hai. Họ sử dụng Kaunas để giam giữ, thẩm vấn và hành quyết hàng chục nghìn nạn nhân trong Holocaust. Giờ đây ngoài những chiến công nó từng có được trong cuộc chiến chống lại Đức Quốc Xã trong Thế chiến I, nơi đây cũng trở thành địa danh đầy ám ảnh khi chứng kiến vô số sinh mạng bị giết chết dưới thời Đức Quốc Xã.

Kim tự tháp Nekoma, Bắc Dakota (Hoa Kỳ)

Kim tự tháp Nekoma, Bắc Dakota (Hoa Kỳ)
Kim tự tháp Nekoma, Bắc Dakota (Hoa Kỳ). (Wikimedia Commons)

Nếu du khách đến Nekoma (Bắc Dakota), nơi có dân số chỉ vỏn vẹn 24 người, họ sẽ dễ dàng bắt gặp một kim tự tháp bí ẩn ở đằng xa. Đây là Kim tự tháp Nekoma được xây dựng trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh. Hình dạng kim tự tháp có chức năng như một hệ thống radar và hầm chứa tên lửa.

Chính phủ Hoa Kỳ đã quyết định bỏ hoang Kim Tự Tháp Nekoma vào những năm 60 của thế kỷ trước. Ngày nay, căn cứ này vẫn nằm giữa hư không và là chủ đề của một số thuyết âm mưu.

Nhà máy đóng tàu Imari Kawanami (Nhật Bản)

Nhà máy đóng tàu Imari Kawanami (Nhật Bản)
Nhà máy đóng tàu Imari Kawanami (Nhật Bản). (Chụp video)

Nhà máy đóng tàu Imari Kawanami là một trong những địa điểm bỏ hoang nổi tiếng nhất ở Nhật Bản. Nằm trên đảo Kyushu hoang vắng, xưởng đóng tàu được xây dựng vào năm 1851 là kho lưu trữ các loại ngư lôi và cũng là nơi neo đậu của nhiều tàu thuyền. Trong Thế chiến II, Imari Kawanami thậm chí là một căn cứ kaiten (còn được gọi là “ngư lôi có người lái hoặc tàu tự sát”) khét tiếng.

“Ngư lôi có người lái” là vũ khí mật của hải quân Nhật Bản sử dụng vào cuối Thế chiến II, những người lái phương tiện này sẽ tự mình điều khiển đường đi của ngư lôi và đâm vào tàu địch. Trong chiến tranh, Imari Kawanami là nơi ở của khoảng 2.500 binh sĩ, nhưng nó đã bị đóng cửa vào năm 1952. Nhà máy đóng tàu đã bị phá dỡ vào năm 2011, cho đến nay các bức ảnh về cấu trúc cũ của Imari Kawanami vẫn còn trên Internet.

Hầm chứa hạt nhân Barnton Quarry (Scotland)

Hầm chứa hạt nhân Barnton Quarry (Scotland)
Hầm chứa hạt nhân Barnton Quarry (Scotland). (Wikimedia Commons)

Barnton Quarry từng là nơi sản xuất đá xây dựng ở gần Edinburgh (Scotland). Năm 1952, chính phủ Scotland đã chuyển mỏ đá thành một boongke quân sự tối mật.

Barnton Quarry được xây dựng làm địa điểm trú ẩn cho Nữ hoàng nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra. Tuy nhiên, trận chiến đã không xảy ra và do đó, boongke bị bỏ hoang. Năm 2005, một chủ sở hữu tư nhân đã mua lại Barnton Quarry và chuyển nó thành bảo tàng. Ngày nay, hầm Barnton Quarry vẫn giữ được hầu như nguyên vẹn nhiều di tích cũ như phòng phát sóng, đường hầm, tường đá của boongke.

RAF Stenigot (Anh)

RAF Stenigot (Anh)
RAF Stenigot (Anh). (Wikimedia Commons)

Từ năm 1938 đến năm 1955, Quân đội Anh đã xây dựng Trạm Radar cho Không quân Hoàng gia (hay RAF Stenigot). Lúc đầu, pháo đài được tạo ra để phát hiện và đánh chặn các cuộc không kích của Đức trong Thế chiến II. Sau khi chiến tranh kết thúc, NATO tiếp quản căn cứ và thiết kế lại nó để cảnh báo trước các cuộc tấn công của Liên Xô.

Trong thời gian này, NATO đã chế tạo các chảo rộng 18m để dò tần số sóng của Liên Xô. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, họ đã loại bỏ ba trong số bốn chiếc chảo thu sóng. Đến nay, du khách vẫn có thể ghé thăm Stenigot (gần Lancashire) và chiêm ngưỡng những gì còn sót lại ở đó.

---> Bí ẩn những căn cứ quân sự bị bỏ hoang trên khắp thế giới (Phần 2)

Hoàng Tuấn
Theo Past Factory



BÀI CHỌN LỌC

Bí ẩn những căn cứ quân sự bị bỏ hoang trên khắp thế giới (Phần 1)