Cá voi xám mất tích hơn 200 năm quay trở lại Đại Tây Dương, các nhà khoa học bất ngờ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Do bị con người săn bắt quá mức, cá voi xám từng được cho là đã tuyệt chủng ở vùng biển Đại Tây Dương. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chúng bắt đầu xuất hiện lẻ tẻ ở Đại Tây Dương. Mới đây, một nhóm nghiên cứu khoa học về đại dương ở Massachusetts, Hoa Kỳ đã vô tình phát hiện ra một con cá voi xám ngoài khơi bờ biển New England, khiến các nhà nghiên cứu vô cùng ngạc nhiên.

Theo thông cáo báo chí của Thủy cung New England (New England Aquarium) có trụ sở tại Boston, thủ đô của Massachusetts, vào ngày 1 tháng 3, một nhóm khảo sát trên không của tổ chức này đã vô tình phát hiện ra một con cá voi đang kiếm ăn trên vùng biển cách đảo Nantucket, Massachusetts khoảng 48 km về phía nam.

Lập tức, phi công của nhóm khảo sát đã bay lượn quanh vị trí sinh vật này xuất hiện trong khoảng 45 phút và chụp được một số bức ảnh rất rõ nét. Hình ảnh cho thấy nó có lúc thì nổi lên khỏi mặt nước, lúc thì chìm xuống. Sau khi xem xét kỹ lưỡng các bức ảnh, các nhà nghiên cứu vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra đó là một con cá voi xám cực kỳ hiếm gặp (còn gọi là cá voi xám Đông Thái Bình Dương hoặc cá voi xám California), loài đã tuyệt chủng ở Đại Tây Dương hơn 200 năm.

Thủy cung New England chỉ ra rằng cá voi xám rất dễ phân biệt với các loài cá voi khác. Đặc điểm nổi bật của chúng là không có vây lưng, có đốm, bướu lưng và gờ sống lưng rõ ràng, toàn thân có màu xám, xám đậm hoặc xanh xám, do đó có tên là cá voi xám.

Mời bấm vào để xem ảnh liên quan

Cá voi xám có tên khoa học là "Eschrichtius robustus", dài tới 15 mét, nặng tới 36 tấn, tuổi thọ trung bình từ 50 đến 60 năm. Đây là loài duy nhất còn tồn tại trong chi Cá voi xám. Họ cá voi xám đã xuất hiện trên Trái đất khoảng 15 triệu năm trước, hiện chủ yếu phân bố ở Thái Bình Dương. Mặc dù trước đây có rất nhiều cá voi xám sinh sống ở Đại Tây Dương, nhưng do con người săn bắt quá mức, sau thế kỷ 18, loài này không còn xuất hiện ở Đại Tây Dương, vì vậy giới hải dương học đã cho rằng nó đã tuyệt chủng hoàn toàn ở Đại Tây Dương.

Bà Orla O'Brien, nhà khoa học tại Trung tâm Sinh vật biển Anderson Cabot (Anderson Cabot Center for Ocean Life) thuộc Thủy cung New England, người tham gia hoạt động khảo sát khoa học lần này, cho biết trong một thông cáo báo chí: "Tôi quá xúc động đến mức không nói nên lời, vì điều đó thật khó tin."

Bà Kate Laemmle, kỹ thuật viên nghiên cứu cũng có mặt trên máy bay, cho biết: "Não bộ của tôi như phải mất một khoảng thời gian để xử lý những gì tôi nhìn thấy lúc ấy, vì loài này không nên tồn tại ở vùng biển gần chúng tôi. Nhưng cuối cùng chúng tôi đều bật cười, vì quá phấn khích khi nhìn thấy loài động vật đã biến mất khỏi Đại Tây Dương từ hàng trăm năm trước xuất hiện trở lại!"

Các nhà nghiên cứu cho biết, trong 15 năm qua, đã có 5 lần ghi nhận cá voi xám xuất hiện ở Đại Tây Dương và Địa Trung Hải.

Về lý do tại sao chúng xuất hiện trở lại ở Đại Tây Dương sau hơn 200 năm, các nhà khoa học của Thủy cung suy đoán rằng điều này có thể liên quan đến việc Hành lang Tây Bắc ở Bắc Băng Dương thuộc Canada, nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương thường không đóng băng vào mùa hè trong những năm gần đây. Do cá voi xám không thể di chuyển qua lớp băng ở Bắc Băng Dương, nhưng giờ đây chúng có cơ hội di chuyển qua Hành lang Tây Bắc vào mùa hè, điều này gần như không thể xảy ra ở thế kỷ trước.

Theo Lý Lâm - Epoch Times tiếng Trung

Khả Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cá voi xám mất tích hơn 200 năm quay trở lại Đại Tây Dương, các nhà khoa học bất ngờ