Cao tăng Ấn Độ cổ đến Indonesia truyền Pháp, khiến cả vương quốc quy y Phật Pháp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cao tăng Ấn Độ cổ Cầu na Bạt-ma đến các nước Srilanka, Indonesia, Trung Quốc truyền Pháp, và đã triển hiện những Thần tích, khiến cả một vương quốc từ vua đến dân đều quy y Phật Pháp.

Cầu na Bạt-ma (367~431) có nghĩa là "Công đức khải", là một tăng nhân, dịch giả người Ấn Độ. Ngài xuất thân từ dòng dõi Sát đế lợi (Bà la môn), gia tộc nhiều đời làm vua, cai quản nước Kế Tân. Ông nội của ngài là Ha-lợi Bạt-đà, có nghĩa "Sư tử hiền", bởi vì tính tình cương trực thẳng thắn nên bị người khác xa lánh. Cha ngài là Gia-a-nam, có nghĩa là Chúng Hỉ, thường sống ẩn cư ở vùng sông núi. Năm 14 tuổi, ngài Câu-na Bạt-ma đã thể hiện tài năng xuất chúng với trí huệ to lớn, tính tình hoà ái uyên bác, tôn sùng đạo đức, thích làm việc thiện.

Từ nhỏ đã có lòng từ bi

Có lần mẹ của ngài muốn ăn thịt rừng, muốn ngài chuẩn bị món ăn, ngài nói với mẹ rằng: "Phàm những vật có sinh mệnh, không con nào là không ham sống, giết hại sinh mệnh không phải là việc mà người nhân đức nên làm".

Mẹ ngài tức giận nói: "Nếu như mang tội với Thần linh, cứ để ta chịu tội thay con".

Khi nấu dầu, dầu nóng làm phỏng tay, Bạt-ma nói với mẹ rằng: "Mẹ hãy chịu khổ thay cho con".

Mẹ ngài đáp: "Nỗi đau ở trên cơ thể con, làm sao ta chịu thay được?".

Bạt-ma nói: "Ngay cả nỗi khổ trước mắt, mẹ đã không thể chịu thay con, làm sao có thể chịu thay nỗi khổ của ba đường ác (khái niệm trong Phật giáo, chỉ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh)?"

Nhờ vậy mẹ ngài tỉnh ngộ, từ đó về sau không dám sát sinh nữa.

Năm Bạt-ma 18 tuổi, một thầy xem tướng rằng: "Năm cậu 30 tuổi, có thể làm vua một nước, xưng hùng ở phía nam, còn nếu từ bỏ vinh hoa phú quý của thế gian thì có thể tu thành chính quả".

Tinh thông Tam tạng - đến Indonesia truyền Pháp

Năm 20 tuổi, Cầu-na Bạt-ma xuất gia, thọ giới, tinh thông chín bộ kinh, hiểu rõ bốn bộ "A hàm kinh", tụng kinh hơn trăm vạn lời, hiểu sâu luật tạng, thấu đạt yếu chỉ của tu thiền. Người đương thời gọi ngài là "pháp sư Tam tạng"

Năm ngài Bạt-ma 30 tuổi, quốc vương của nước Kế Tân băng hà nhưng không có người kế vị, quần thần bàn bạc: "Bạt-ma là hậu duệ của hoàng thất, hơn nữa tài đức vẹn toàn, vì thế nên xin Bạt-ma hoàn tục, kế thừa ngôi vua".

Đại thần trong triều nhiều lần đến cầu xin nhưng ngài không đồng ý. Sau đó ngài từ biệt sư phụ và mọi người, một thân một mình đi khắp nơi thâm sơn cùng cốc, sống ẩn cư, tách biệt với thế tục.

Ngài Bạt-ma đến nước Sư Tử (Srilanka), tìm hiểu phong tục ở đây, ra sức giáo hóa dân chúng. Khi đó, ngài đã đạt đến sơ quả (quả vị đầu tiên trong Tiểu thừa Phật giáo). Rồi ngài đến nước Xà-bà (tên nước cổ ở Indonesia).

Một ngày trước khi ngài đến, thái hậu nước Xà-bà mơ thấy một vị hòa thượng, ngồi trên thuyền lớn vào nước mình. Sáng hôm sau, quả nhiên ngài Bạt-ma đến. Thái hậu dâng thánh lễ, rồi theo ngài thọ năm giới. Thái hậu còn khuyên quốc vương rằng: "Đời trước có phúc duyên rất lớn nên mới trở thành mẹ con, nay mẹ đã thụ giới rồi mà con không kính tin Tam bảo, e rằng đời sau chúng ta không còn được phúc duyên này".

Quốc vương vâng theo lời mẹ, cũng chịu thọ giới. Sau một thời gian tiếp xúc với Phật Pháp, quốc vương cũng bắt đầu tín phụng Phật Pháp. Không lâu sau, nước láng giềng đem quân xâm lấn, quốc vương nói với ngài Bạt-ma rằng: "Giặc dựa vào sức mạnh muốn xâm chiếm bờ cõi. Nếu cùng chúng nghinh chiến thì tổn hại sinh mạng rất nhiều. Nếu không chiến đấu thì hoạ mất nước sẽ đến. Nay chỉ quy mạng nơi tôn sư không biết ngài có diệu kế gì?"

Ngài Bạt-ma trả lời: "Thế giặc hung bạo thì phải chống trả, nhưng nên có lòng từ bi, chớ có tâm sát hại".

Quốc vương đích thân dẫn quân ra trận, vừa giao chiến, quân địch đã bại trận rút lui. Quốc vương trúng tên ở chân, ngài Bạt-ma chú nguyện vào nước để rửa vết thương, hai ngày sau vết thương liền bình phục. Nhớ đó, quốc vương càng thêm tín phụng Phật Pháp, cũng muốn xuất gia tu hành, bèn nói với quần thần rằng: "Ta muốn xuất gia tu hành, các khanh hãy chọn một quân vương thánh minh khác".

Quần thần quỳ trên mặt đất, khuyên ngăn quốc vương: "Nếu bệ hạ từ bỏ ngôi vua sẽ khiến dân chúng không còn chỗ dựa. Quân địch hùng mạnh, như hổ rình mồi với nước ta, nếu không có ơn bảo hộ của bệ hạ, dân chúng nước ta sẽ thành nô lệ. Bệ hạ nhân từ, sao có thể không thương con dân của ngài? Chúng thần liều chết can ngăn để biểu đạt tấm lòng chân thành".

Quốc vương cũng không nỡ làm ngược với ý kiến của quần thần, liền nói ra ba tâm nguyện với, nếu như có thể đáp ứng được, thì quốc vương sẽ tiếp tục ở lại trị vì quốc gia. Ba tâm nguyện của quốc vương chính là, thứ nhất nguyện cả nước đều tín phụng Phật Pháp; thứ hai là nguyện dân chúng cả nước không được sát sinh, và thứ ba là nguyện mang tất cả tài vật để bố thí cho người nghèo và những người bệnh tật. Các đại thần vô cùng vui mừng, tất cả đều cung kính vâng theo. Thế là dân chúng cả nước Xà-bà đều theo ngài Bạt-ma thọ giới.

Quốc vương Xà-bà xây chùa cho ngài, hơn nữa còn tự mình đến tham gia xây dựng rồi bị thương ở chân. Ngài Bạt-na dùng chú nguyện chữa trị cho quốc vương, rất nhanh sau đó đã khỏi hẳn. Danh tiếng truyền bá Phật Pháp, giáo hóa dân chúng của ngài được truyền đi rất xa. Những quốc gia lân cận nghe tin đều phái sứ giả đến mời.

Đến Trung Nguyên truyền Pháp

Lúc đó những vị tăng nhân đức cao vọng trọng vùng Trung Nguyên như Huệ Quán,Huệ Thông v.v.. đều ngưỡng mộ phẩm cách và đạo hạnh của ngài Bạt-ma nên muốn có cơ hội gặp gỡ và học hỏi với ngài. Vào tháng 9 năm Nguyên Gia thứ nhất của Nam Triều (năm 424), những tăng nhân này dâng tấu tâu với Tống Văn Đế mời ngài Bạt-ma đến.

Văn Đế lập tức hạ lệnh sai Thứ sử Giao Châu đưa thuyền lớn đến đón ngài Bạt-ma cùng những sa môn như Pháp Trường, Đạo Xung, Đạo Tuấn... đến nước Xà-bà, còn viết thư cho ngài Bạt-ma và quốc vương nước Xà-bà, thỉnh mời ngài đến nước Tống để truyền bá Phật Pháp.

Ngài Bạt-ma cũng biết rằng nên đến các nơi để mở rộng việc giáo hóa Phật Pháp. Khi đó, ngài lên thuyền của thương nhân Trúc Nan-đề, đến một nước nhỏ, gặp được gió thuận nên đến được Quảng Châu, cho nên trong bài kệ ngài để lại trước khi qua đời có câu: "Nghiệp hành phong sở xuy, toại chí vu Tống kinh" (Tạm dịch: Nghiệp hành theo gió thổi, đến kinh đô nước Tống) chính là chỉ câu chuyện này.

Tống Văn Đế biết ngài Bạt-ma đã đến Quảng Châu, liền lệnh cho quan viên các nơi nghênh đón ngài Bạt-ma vào kinh. Ngài đến vùng Thủy Hưng thì ở lại hơn một năm. Thủy Hưng có núi Hổ Thị, với thế núi dựng thẳng, đỉnh cao chót vót. Ngài Bạt-ma thấy dáng núi giống núi Kỳ Xà Quật, liền đổi tên thành núi Linh Thứu.

Bạt-ma lập một thiền thất cách chùa khoảng vài dặm. Tiếng chuông chùa không vang tới đây, nhưng mỗi lần đánh kiền chùy thì ngài đã có mặt, gặp trời mưa cũng không ướt, đi lên bùn chân cũng không dơ. Điều này khiến mọi người đều kinh ngạc.

Trong chùa có điện Bảo Nguyệt. Trên bờ tường phía bắc của điện, ngài Bạt-ma dùng tay vẽ một bức tranh La Hán và một bức tranh Định Quang Nho Đồng bố phát. Mỗi buổi tối, hai bức tranh này đều phát ra ánh sáng, rất lâu mới hết.

Thái thú của Thủy Hưng là Thái Mậu Chi vô cùng kính ngưỡng Bạt-ma. Khi Thái Mậu Chi sắp qua đời, Bạt-ma đến thăm, giảng Phật Pháp và an ủi Thái Mậu Chi. Sau này người nhà họ Thái mơ thấy Thái Mậu Chi cùng với chúng tăng trong chùa giảng kinh thuyết Pháp. Điều này chính do khả năng giáo hóa của Bạt-ma tạo nên.

Trên núi Hổ Thị vốn có rất nhiều hổ. Thế nhưng sau khi Bạt-ma lên núi, dù ngày hay đêm, đi lại trên núi đều rất an toàn. Cũng có những lúc gặp hổ, ngài Bạt-ma dùng tích trượng gõ nhẹ lên đầu, con hổ liền bỏ đi. Từ đó về sau mọi người đi lại an toàn trên núi, không còn có việc hổ hại người. Người dân trên núi, có đến bảy, tám phần vì cảm tạ ân đức của Bạt-ma liền quy y Phật Pháp.

Giảng pháp cho vua và dịch kinh

Bạt-ma thường thiền định ở thiền thất, có lúc mấy ngày không ra khỏi cửa. Tăng nhân trong chùa sai một sa di đến thăm hỏi. Tiểu sa di nhìn thấy có một con sư tử trắng đứng dựa cột, trong không trung xuất hiện rất nhiều hoa sen xanh, nên hoảng sợ hét lớn. Mọi người nghe thấy tiếng hét chạy đến xua đuổi sư tử, nhưng lại không nhìn thấy gì.

Tống Văn Đế lại hạ lệnh cho Huệ Quán đến thỉnh mời Bạt-ma. Thế nên ngài Bạt-ma lên thuyền đến kinh thành. Tháng giêng năm Nguyên Gia thứ tám của triều Nam Tống (năm 431), ngài đến kinh thành Kiến Bưu.

Tống Văn Đế triệu kiến Bạt-ma, ân cầu vấn an. (Tranh Zhiqing/ Secretchina)

Tống Văn Đế triệu kiến Bạt-ma, ân cầu vấn an, hỏi rằng: "Đệ tử thường muốn trì trai, không giết hại nhưng thường không làm được theo ý mình. Pháp sư từ xa đến vậy Ngài dạy pháp gì?”

Ngài Bạt-ma đáp:

"Phàm đạo ở nơi tâm chứ không ở nơi vật, pháp do mình chứ không do người. Vả lại sự tu trì của đại vương có sự khác biệt với dân chúng. Thứ dân thân phận kém danh tiếng kém, lời nói không oai. Nếu họ không khắc kỷ khổ tu thì làm sao trở thành người hiền lương.

Còn đối với hoàng thượng, vạn dân làm con. Một lời lành của Ngài nói ra thì dân chúng vui vẻ hân hoan. Nếu ngài ban bố chính sách thiện lương thì chư dân đều hoan hỷ. Còn như không hình phạt lương dân vô tội, không bắt dân lao dịch, thì sẽ khiến cho mưa thuận gió hoà, thời tiết ôn hoà làm cho trăm thứ lúa gạo và cây cỏ được tốt đẹp tươi xanh.

Trì trai như thế mới thật rộng lớn. Ðức không sát bao trùm như thế. Sao lại cho rằng trong nửa ngày không giết hại con vật nào thì gọi là trì trai".

Tống Văn Đế than rằng: "Phàm tục mê mờ xa cách đạo lý cho nên thường bảo rằng giáo lý của Ðạo là lời hư vọng. Còn hàng Sa-môn thì chấp vào chương cú câu kệ. Những lời của Pháp sư thật là khai ngộ sáng tâm, và hợp với lẽ Trời lẽ người".

Thế rồi Tống Văn Đế sắp xếp để ngài ở chùa Kỳ Hoàn, cung dưỡng rất đầy đủ. Vương công đại thần, những người nổi tiếng trong nước lúc bấy giờ, ai cũng kính ngưỡng ngài Bạt-ma. Ngay sau đó, ngài bắt đầu giảng "Kinh Pháp Hoa" và "Kinh Thập Địa" ở chùa Kỳ Hoàn.

Ngày bắt đầu giảng Pháp, người đến nghe giảng xếp thành từng đoàn, ngồi chen chúc nhau, xe ngựa đầy đường. Ngài Bạt-ma với dáng vẻ tự nhiên, giảng kinh thuyết Pháp, khai mở ngộ tính của mọi người. Tăng nhân Huệ Nghĩa của chùa Kỳ Hoàn mời ngài phiên dịch "Bồ Tát thiện giới". Ngài Bạt-ma đã phiên dịch 28 phẩm đầu tiên, 2 phẩm cuối cùng là do đệ tử tiếp tục dịch. Tổng cộng 30 phẩm, phần chưa dịch bị mất phẩm tựa và phẩm giới, nên hiện nay có hai bản, được gọi "Bồ Tát giới địa".

Năm Nguyên Gia thứ ba triều Nam Tống (năm 426), thứ sử Từ Châu Vương Đức Trọng ở Bành Thành mời Y-diệp Ba-la dịch "Tạp tâm kinh". Khi dịch đến trạch phẩm, ngài Y-diệp Ba-la gặp phải một vấn đề không thể giải quyết được, nên đành phải dừng lại giữa chừng. Thế nên Vương Đức Trọng liền mời ngài Bạt-ma dịch nửa phần sau, tổng cộng có 13 quyển. Ngoài ra ngài Bạt-ma còn dịch "Tứ phân yết ma", "Ưu Bà Tắc ngũ giới luận lược", "Ưu bà tắc nhị thập nhị giới", v.v.. tổng cộng 26 quyển. Từ ngữ văn phong rõ ràng, không có sai lệch.

Lúc đó ni cô Huệ Quả, Tịnh Âm của chùa Ảnh Phúc, đến nói với ngài Bạt-ma rằng:

"Tháng 6 năm ngoái, có tám sư cô từ nước Sư Tử đến kinh thành, bảo rằng đất Tống chưa có ni giới. Sao có thể ni tăng cùng thọ giới, sợ rằng giới phẩm chưa trọn vẹn".

Những ni cô ngày sợ giới phẩm chưa đầy đủ nên cầu thỉnh ngài Bạt-ma ban giới pháp. Bạt-ma nói: "Thiện tai, nếu muốn giới phẩm thêm sáng tỏ thì ta rất tùy hỷ giúp đỡ. Nhưng ni chúng đất Tây vực chưa đủ niên lạp, lại chưa đủ mười người, nên để học Tống ngữ và nhờ cư sĩ Tây vực thỉnh thêm chư ni nước ngoài về cho đủ mười người”.

Mùa an cư kiết hạ năm đó, ngài Bạt-ma sống tại chùa Định Lâm Hạ. Có một tín đồ đặt hoa gần chỗ ngồi của ngài, những cánh hoa này càng thêm tươi. Mọi người nhìn thấy điều thần kỳ này, càng thêm tôn kính hành lễ với ngài. Sau khi kết thúc mùa an cư kiết hạ, ngài Bạt-ma quay về chùa Kỳ Hoàn. Ngày 18 tháng 9 năm đó, khi chưa ăn xong bữa cơm, ngài Bạt-ma liền quay về. Các đệ tử sau đó phát hiện ngài đã viên tịch, thọ 65 tuổi.

Khi còn sống, Ngài đã viết sẵn 36 câu kệ, kể lại nhân duyên, nói rằng bản thân đã chứng đắc nhị quả. Sau khi viết xong di văn, ngài tự tay dán lại, giao cho đệ tử A-sa-la và nói rằng: "Sau khi ta qua đời, hãy mang di văn này cho những tăng nhân ở Thiên Trúc và những tăng nhân ở đây xem".

Khi qua đời, thân thể ngài Bạt-ma vẫn đả tọa ngay ngắn trên giường, sắc mặt không đổi, giống như đang nhập định. Tang lễ của ngài có hơn ngàn người đến viếng. Mọi người đều ngửi thấy một mùi thơm đặc biệt, còn thấy một con vật giống rồng dài 4 trượng, từ di thể của ngài bay thẳng lên trời. Mọi người đều không biết đó là con gì.

Ở giới đàn Nam Lâm, di thể của ngài Bạt-ma được hỏa táng. Hôm đó có đến hơn vạn người từ khắp các nơi đến thăm viếng, dâng hương. Ngọn lửa ngũ sắc dâng lên trời cao. Khi đó bầu trời trong sáng, cũng có tiếng khóc than. Ở chỗ hỏa táng di thể ngài sau này được dựng lên một tòa tháp trắng để kỷ niệm.

Đức Nhân biên dịch và tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Cao tăng Ấn Độ cổ đến Indonesia truyền Pháp, khiến cả vương quốc quy y Phật Pháp