Chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc mái vòm hình củ hành ở các nhà thờ Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ các thành phố đến nông thôn ở Nga,  bất kể bạn đi đâu, khi ngước mắt nhìn lên, bạn sẽ luôn bị lóa mắt bởi “những củ hành” đầy màu sắc trong không trung, một, hai, ba, năm, chín… và màu sắc cũng rất đa dạng: Xanh lam, vàng, lục, bạc, sặc sỡ, dần dần hiện ra những bông hoa vô cùng quyến rũ. Có khi trên nóc nhà thờ chỉ có một củ hành, có khi trên nóc nhà thờ có rất nhiều củ hành, hình thù khác nhau, có củ nhẵn tròn, có củ vàng óng, có củ màu sắc sặc sỡ. 

Những củ hành với nhiều phong cách khác nhau này chính là mái vòm của Nhà thờ Chính thống giáo Nga, vì trông giống củ hành nên chúng được gọi là "mái vòm củ hành".

Mái vòm củ hành đến từ đâu?

Người Nga chủ yếu tin vào Chính thống giáo Đông phương, là một nhánh của Cơ Đốc giáo châu Âu, nhà thờ Nga có mái vòm củ hành, trong khi đỉnh nhà thờ châu Âu có hình ngọn tháp. Hagia Sophia ở Istabul, Thổ Nhĩ Kỳ, ban đầu là một nhà thờ Chính thống giáo, nhưng nó có mái vòm mũ giáp hình tròn dẹp đỉnh. Vậy tại sao các nhà thờ Chính thống giáo Nga lại có mái vòm củ hành?

Năm 988 sau Công nguyên, dưới ảnh hưởng của Đế chế Byzantine, Đại công tước Vladimir I của Kiev đã đưa Nhà thờ Chính thống từ Byzantine đến Rus và biến nó thành quốc giáo. Sau khi Giáo hội Chính thống được du nhập, Vladimir I bắt đầu quảng bá Giáo hội Chính thống trên toàn quốc, buộc mọi người phải rửa tội ở sông Dnieper, đồng thời bắt đầu xây dựng các nhà thờ Chính thống giáo, nổi tiếng nhất lúc bấy giờ là Tithe Nhà thờ đá ở Kievan Rus.

Sau khi Kievan Rus du nhập Chính thống giáo, ông cũng tiếp thu phong cách kiến ​​trúc của nhà thờ Byzantine và mô phỏng một bản thiết kế kiến trúc của Nhà thờ lớn Hagia Sophia. Do đó, khi Rus xây dựng các nhà thờ Chính thống giáo, hầu hết đều có mái vòm hình mũ giáp như Nhà thờ Hagia Sophia thời kỳ đầu, Nhà thờ Tithe trong thời kỳ Vladimir I cũng có mái vòm hình mũ giáp như vậy.

Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn có thể nhìn thấy mái vòm hình mũ giáp này trong các nhà thờ Chính thống lâu đời ở Nga.

Nhà thờ thánh Basil, nằm trên Quảng trường Đỏ ở Moscow, có 9 ngọn củ hành và được xây dựng vào giữa thế kỷ 16. Ảnh: Shutterstock
Nhà thờ Hagia Sophia ở Isbul, Thổ Nhĩ Kỳ, với mái vòm hình mũ giáp dẹt: Shutterstock
Nhà thờ Tithe ở Kievan Rus, được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 10, có mái vòm hình mũ giáp và đã bị phá hủy vào thế kỷ 13: wikipedia
Nhà thờ Thánh Mẫu Thăng Thiên, nằm ở Vladimir, được xây dựng vào thế kỷ 12 và có mái vòm hình mũ bảo hiểm bản đồ: wikipedia
Nhà thờ St. John, nằm ở Pskov, được xây dựng vào thế kỷ 13 và có mái vòm hình mũ giáp: wikiwand

Sau thế kỷ 12, Nhà thờ Chính thống Nga đã dần dần phát triển kiểu mái vòm củ hành kiểu Nga. Vì mùa đông ở Nga kéo dài và lạnh giá, thường xuyên có tuyết rơi nên rất khó dọn tuyết trên đỉnh nhà thờ. Để ngăn tuyết đọng trên đỉnh, kiến ​​trúc sư đã đặc biệt kéo dài mũ mũ giáp và thu hẹp phần dưới khi thiết kế nhà thờ, kết quả là tạo thành hình củ hành độc đáo, thuận lợi cho tuyết và mưa trượt tự nhiên, không đọng tuyết hoặc nước trên đỉnh nhà thờ.

Hơn nữa, xét về mặt hình thức, sau khi mái vòm hình mũ giáp được kéo dài ra, toàn bộ nhà thờ trông càng uy nghiêm hơn, bất kể nhìn từ hướng nào, đỉnh củ hành cao chót vót đều rất bắt mắt. Đồng thời, một mái vòm củ hành như vậy giống hình ngọn nến đang cháy, tượng trưng cho sự khao khát của linh hồn con người đối với Chúa.

Ảnh: novate.ru

Từ thế kỷ 13, nhiều nhà thờ ở Nga đã xuất hiện đỉnh củ hành, đỉnh hình mũ giáp ngày càng ít đi, do ưu điểm rõ ràng, đỉnh củ hành đã dần thay thế đỉnh hình mũ giáp và trở thành đặc điểm lớn nhất của các nhà thờ Nga.

Màu sắc của các mái vòm củ hành

Mái vòm củ hành của các nhà thờ ở Nga thường được sơn màu sáng, nhìn từ xa dưới bầu trời xanh rất bắt mắt. Trên thực tế, những màu sắc này không phải được sơn ngẫu nhiên, các màu sắc khác nhau mang ý nghĩa tôn giáo khác nhau, đồng thời cũng tượng trưng cho mục đích sử dụng khác nhau của nhà thờ.

Màu vàng - loại mái vòm có màu sắc phổ biến nhất ở Nga là màu vàng. Màu vàng tượng trưng cho vinh diệu và tôn nghiêm của thiên quốc và tượng trưng cho tình yêu của Chúa. Nếu một nhà thờ có đỉnh củ hành bằng vàng, thì nó thường được dành riêng cho Chúa Kitô, hoặc để kỷ niệm 12 lễ hội lớn của Chính thống giáo, chẳng hạn như Giáng sinh, Lễ hiển linh, Lễ Truyền tin, Lễ Chúa Ba Ngôi, Lễ Thăng Thiên, v.v.

Nhà thờ Thánh Mẫu Thăng Thiên ở Yaroslavl Tu: Shutterstock

Màu xanh da trời - Màu xanh da trời tượng trưng cho sự thuần khiết của Đức Trinh Nữ. Trên đỉnh của nhà thờ Chính thống giáo, nếu là đỉnh củ hành màu xanh lam với những ngôi sao màu trắng, thì nó thường được dành riêng cho Đức Mẹ Đồng Trinh Maria hoặc nhà thờ Chúa giáng sinh. Ngôi sao màu trắng phía trên tượng trưng cho ngôi sao Bethlehem nơi Chúa Giê su sinh ra.

Trong kinh điển, hơn hai nghìn năm trước, Chúa Giê-su được sinh ra trong chuồng bò ở Bethlehem, ba nhà hiền triết từ phương Đông, dưới sự dẫn dắt của một ngôi sao sáng, đã tìm thấy Chúa Giê-su, người được sinh ra trong chuồng bò. Ngôi sao sáng đó về sau được gọi là "Ngôi sao Giáng sinh" "Ngôi sao Bethlehem".

Hình ảnh Nhà thờ Chúa giáng sinh Suzdal: Shutterstock
Nhà thờ Thánh Mẫu Thăng Thiên ở Omsk: Shutterstock

Màu xanh lá cây - Trong Nhà thờ Chính thống Nga, màu xanh lá cây thường được liên kết với Chúa Thánh Thần. Giáo lý Kitô tin rằng Chúa Thánh Thần là ngôi thứ ba của Thiên Chúa, chia sẻ vinh quang với Thánh Cha và Thánh Con.

Ngọn hành lá trên đỉnh nhà thờ được coi là biểu tượng của Chúa Thánh Thần, vì vậy nhà thờ có ngọn hành lá thường được dành cho Chúa Ba Ngôi, hoặc dùng để tưởng nhớ các vị Thánh của Chính thống giáo.

Nhà thờ Giáng sinh của Thánh John, nằm ở Uglich, được xây dựng từ thế kỷ 17. Ảnh: Shutterstock
Nhà thờ Đấng tiên tri Elijah ở Yaroslavl, được xây dựng từ thế kỷ 17. Ảnh: Shutterstock

Màu đen - màu đen trong Nhà thờ Chính thống giáo Nga thường gắn liền với các tu viện, các tu sĩ trong tu viện thường mặc áo choàng màu đen, và đỉnh của nhà thờ của tu viện thường có mái vòm củ hành màu đen.

Nhà thờ Epiphany nằm trong Tu viện Solovetsky, được xây dựng vào thế kỷ 16: wikipedia
Nhà thờ Trinity, Tu viện Trinity ở Murom Bản đồ: Wikipedia

Màu bạc - Ở Nga, có rất nhiều nhà thờ có đỉnh củ hành màu bạc, và hầu hết các nhà thờ có đỉnh củ hành màu bạc được dùng để tưởng nhớ các vị Thánh, hoặc tiên tri của Cơ đốc giáo, hoặc các nam nữ tiên tri. Tâm linh của họ thường cao hơn người thường, họ từ bỏ cuộc sống bình thường và dâng mình trọn vẹn cho Chúa.

Hagia Sophia, trong Điện Kremlin Vologda Ảnh: Shutterstock
Nhà thờ Thánh Mẫu Thăng Thiên, Rostov-on-Don Ảnh: Shutterstock

Màu sắc rực rỡ - Đối với những người theo đạo Cơ Đốc, Jerusalem tượng trưng cho Thiên đường và là thánh địa trong trái tim họ. Tuy nhiên, thành phố linh thiêng xinh đẹp này đã nhiều lần bị phá hủy và xây dựng lại nhiều lần, trong hàng ngàn năm, bạo lực và cái chết đẫm máu chưa bao giờ xa rời nó. Những ngọn củ hành rực rỡ sắc màu của các nhà thờ Chính thống tượng trưng cho vẻ đẹp muôn màu của thánh địa Jerusalem.

Nhà thờ Chúa cứu thế Máu đổ, nằm ở St. Petersburg, vào năm 1883, con trai của Alexander II, Alexander III, đã xây dựng Nhà thờ trên Máu đổ trên địa điểm nơi cha ông bị ám sát để tưởng nhớ cha mình: Shutterstock

Có bao nhiêu nhà thờ ở Nga?

Kể từ khi Giáo hội Chính thống được đưa vào Kievan Rus, nó đã dần trở thành trụ cột tinh thần của người dân Rus, các hoàng tử của các công quốc Rus lần lượt xây dựng nhà thờ trên lãnh thổ của mình để cạnh tranh lẫn nhau. Qua nhiều thế kỷ, nước Nga đã xây dựng vô số nhà thờ Chính thống giáo, dù ở thành phố sầm uất hay làng quê hẻo lánh, chỉ cần ngước mắt lên là có thể thấy những ngọn hành rực rỡ sắc màu giữa không trung.

Nhà thờ Chúa Cứu thế Máu đổ. Ảnh: Shutterstock

Trước Cách mạng Tháng Mười Nga, có hơn 50.000 nhà thờ ở Nga, riêng ở Moscow có khoảng 800 nhà thờ lớn, ngoài ra còn có rất nhiều nhà thờ nhỏ và những nơi thờ tự khác không được biết đến.

Sau khi Liên Xô thành lập, Chính thống giáo bị coi là dị giáo, một số lượng lớn các nhà thờ Chính thống giáo đã bị đóng cửa, và các biểu tượng quý giá và Thánh giá bằng vàng ròng của các nhà thờ đã bị tịch thu. Các Thánh đường nơi mọi người cầu nguyện đã bị biến thành nhà kho, trại trẻ mồ côi, doanh trại, bệnh viện, bảo tàng, v.v., và thậm chí còn bị đánh bom.

Nhà thờ Chúa Cứu thế nổi tiếng của Moscow cũng không được tha, đã bị đánh bom và biến thành một bể bơi. Vào thời điểm đó, nhà thờ bị lên án là "lố bịch và hoàn toàn phi nghệ thuật" và là "nấm độc trên bộ mặt Moscow".

Nhà thờ Chúa Cứu thế, Moscow. Năm 1812, quân đội của Napoleon rút khỏi Nga, và Sa hoàng Alexander I đã ra lệnh xây dựng một nhà thờ tráng lệ dành riêng cho Chúa Cứu thế: wikipedia
Năm 1931, theo quyết định của Stalin, Nhà thờ Chúa Cứu Thế ở Moscow bị đánh bom. Ảnh: wikipedia

Sau khi Liên Xô tan rã, Giáo hội Chính thống dần hồi sinh ở Nga. Chính phủ Nga đã ra lệnh khôi phục hoặc xây dựng lại các nhà thờ bị phá hủy trong thời kỳ Xô Viết, Nhà thờ Chúa cứu thế nổi tiếng ở Moscow cũng được xây dựng lại vào những năm 1990.

Nhà thờ Chúa Cứu thế ở Moscow, khởi công năm 1812, bị đánh bom năm 1931, tái thiết năm 1994 và cuối cùng hoàn thành năm 2000 Ảnh: Shutterstock

Hiện tại, theo thống kê chính thức, có hơn 20.000 nhà thờ Chính thống đang hoạt động ở Nga. Dưới tên của Nhà thờ Chính thống giáo, có khoảng hơn 38.000 nhà thờ trên khắp thế giới (chúng thuộc về Tòa Thượng Phụ Moscow).

Nhà thờ Chính thống giáo Nga tráng lệ, có thể gọi là viên minh châu trong lịch sử kiến ​​trúc nhân loại. Trên đất nước Nga, dù là thành phố, thị trấn hay làng quê hẻo lánh, đâu đâu cũng có thể bắt gặp những nhà thờ Chính thống giáo, hình củ hành độc đáo trên đỉnh nhà thờ khiến thành phố Nga tràn ngập không khí nghệ thuật, đồng thời cũng là một cảnh quan độc đáo trên đất Nga.

Hạ Vũ Hà - Aboluowang
Lý Ngọc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc mái vòm hình củ hành ở các nhà thờ Nga