Chuyên gia: Hàn Quốc và Mỹ nên ký Hiệp định Quốc phòng để răn đe Trung Quốc và Triều Tiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các chuyên gia quân sự Hàn Quốc nhận định rằng, nước này cần ký kết một Hiệp định quốc phòng chính thức với Hoa Kỳ để đảm bảo ngăn chặn và răn đe đối với Triều Tiên và Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh hai quốc gia này đang không ngừng mở rộng kho vũ khí hạt nhân, kéo theo mối đe doạ sát sườn đối với Hàn Quốc.

Hàn Quốc duy trì mối quan hệ bền chặt với Mỹ và đang tăng cường khả năng phòng thủ để đề phòng mối đe dọa hạt nhân đến từ nước láng giềng Triều Tiên. Các chuyên gia quân sự nhận thấy giá trị của các bước đề phòng này nhưng đề xuất cách tiếp cận đáng tin cậy hơn để răn đe cả Triều Tiên và Trung Quốc là Hàn Quốc ký một liên minh chính thức với Hoa Kỳ.

Ngày nay, mối quan tâm của Hàn Quốc về Thỏa thuận Mua sắm Quốc phòng với Hoa Kỳ không lớn như mối quan tâm của họ về Triều Tiên và Trung Quốc. Nói với The Epoch Times, ông Chae Woo-Seok, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Công nghiệp Quốc phòng Hàn Quốc, cho biết nếu một Thỏa thuận Mua sắm Quốc phòng được ký kết, sẽ không có "cú đánh nào lớn" vì hầu hết vũ khí của Hàn Quốc đã được nhập khẩu từ Mỹ. Ông nói khi ký kết với Hoa Kỳ và gia nhập thị trường quân sự lớn nhất thế giới, “Hàn Quốc sẽ còn được lợi nhiều hơn nữa”.

Ông Chae giải thích rằng nếu Hàn Quốc và Hoa Kỳ tham gia vào mạng lưới cung ứng công nghiệp quốc phòng, liên minh giữa hai nước sẽ được củng cố. Thỏa thuận Mua sắm Quốc phòng không chỉ giúp cải thiện quốc phòng và an ninh của Hàn Quốc mà còn tạo cơ hội cho các nhà sản xuất quốc phòng nâng cao doanh thu và tỷ lệ sản xuất của họ.

Ông Chae Woo-seok, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Công nghiệp Quốc phòng Hàn Quốc, nhấn mạnh rằng Hàn Quốc và Hoa Kỳ nên thành lập một liên minh quốc phòng để đảm bảo ngăn chặn Trung Quốc và Triều Tiên trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, hôm 14/6/2022. (Ảnh: Lee Yu-jeong/The Epoch Times)

Trong cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 5, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-yeol và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp nhau để khám phá những con đường hợp tác mới, mở rộng liên minh an ninh và kinh tế giữa hai quốc gia thành một liên minh toàn cầu toàn diện bao gồm công nghệ và chuỗi cung ứng. Các cuộc hội đàm tập trung vào việc tăng cường an ninh toàn cầu, cải thiện chuỗi cung ứng và chia sẻ công nghệ mới nhất, bao gồm chip, pin, công nghệ lượng tử, công nghệ sinh học, năng lượng và vũ trụ.

Các cuộc hội đàm cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc ngăn chặn các mối đe dọa đang diễn ra từ Chủ tịch Triều Tiên, Kim Jong-un. Đại diện của Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết của nước này với Hàn Quốc và cả hai nước đều nhất trí về giá trị của việc tiến hành các cuộc tập trận chung. Nếu được yêu cầu, Hoa Kỳ cũng sẽ cung cấp vũ khí chiến lược của mình cho Hàn Quốc.

Mặc dù cuộc gặp không dẫn đến một liên minh chính thức, nhưng cả hai quốc gia đã nhất trí tìm hiểu sâu hơn về việc ký kết một Thỏa thuận Mua sắm Quốc phòng đối ứng (RDP) Hàn-Mỹ. RDP là một biên bản ghi nhớ được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh sử dụng để tăng cường quan hệ và chuỗi cung ứng, đồng thời xúc tiến việc sản xuất chung các thiết bị quốc phòng. Do đó, RDP giảm thiểu các rào cản thương mại đối với việc mua sắm các sản phẩm để xuất khẩu của các quốc gia ký kết.

Kể từ cuối những năm 1980, Hoa Kỳ đã khuyến khích Hàn Quốc cùng ký kết một Thỏa thuận Mua sắm Quốc phòng. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn kiên định bác bỏ ý kiến ​​này. Mặc dù phía Hàn Quốc thừa nhận việc tiếp cận nhiều hơn với thị trường Mỹ sẽ mang lại không ít giá trị, nhưng họ lo ngại việc mở cửa thị trường sang Mỹ có thể gặp vấn đề. Công nghệ hạn chế của Hàn Quốc, các nhà sản xuất nhỏ hơn và giá thành sản phẩm thấp hơn nhiều so với Mỹ.

Ông Chae nói rằng ngành công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ vì công nghệ tụt hậu và biện pháp khắc phục điều này là một Thỏa thuận Mua sắm Quốc phòng. Việc hợp tác nghiên cứu và phát triển theo thỏa thuận sẽ giúp hồi sinh ngành công nghiệp quốc phòng và an ninh quốc gia của Hàn Quốc. Ông tin rằng thoả thuận sẽ hoạt động như một cầu nối xuất khẩu giữa ngành công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc và các quốc gia phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Theo ông Chae, ĐCSTQ đã vũ khí hóa cấu trúc độc quyền mà nó xây dựng vì lợi ích kinh tế bằng cách sử dụng trợ cấp của chính phủ và chi phí lao động. Nếu Hàn Quốc và Mỹ thành lập một liên minh sẽ là một giải pháp khôn ngoan để đối phó. Ông nói: “Thông qua liên minh quốc phòng Hàn-Mỹ, chúng tôi có thể đảm bảo ngăn chặn không chỉ đối với Triều Tiên mà còn chống lại Trung Quốc".

Ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc phát triển và xuất khẩu tăng vọt

Theo một báo cáo được công bố vào cuối năm 2021 của Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc phòng Hàn Quốc, ngành công nghiệp quốc phòng của nước này đã chứng tỏ sự phát triển đáng kể trong những năm gần đây. Báo cáo cho biết chi tiêu quốc phòng của Hàn Quốc đạt tổng cộng 45,7 tỷ USD vào năm 2020 , tăng 41% kể từ năm 2011.

Trong giai đoạn từ 2016 đến 2020, xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc đã tăng 210% so với cùng kỳ năm ngoái, đứng thứ 9 trên thế giới. Con số này chiếm 2,7% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí toàn cầu, tăng 649% so với năm 2005.

Cơ quan Quốc phòng Hàn Quốc (KDA) cũng khẳng định từ năm 2010 đến năm 2020, xuất khẩu quốc phòng của nước này duy trì ở mức khoảng 3 tỷ USD mỗi năm. Sau đó, vào năm 2021, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc đạt 7 tỷ USD, lần đầu tiên vượt tổng kim ngạch nhập khẩu.

Theo ông Chae Woo-Seok, “khả năng cạnh tranh lớn nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc nằm ở tỷ lệ giá cả/hiệu suất và dịch vụ sau bán hàng”. Ông hy vọng triển vọng xuất khẩu trong tương lai sẽ trở nên “tươi sáng”.

Hàn Quốc và Mỹ cùng xây dựng mạng lưới tên lửa và vũ trụ

Một ngày sau khi Triều Tiên phóng thử 8 tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) hôm 5/6, Hàn Quốc và Mỹ đã phóng tổng cộng 8 tên lửa dẫn đường tầm xa, tên lửa đạn đạo chiến thuật quân đội (ATACMS).

Ông Chae cho rằng sự việc gần đây chính là dấu hiệu chứng minh sự cấp thiết để tiến hành xây dựng liên minh Hàn Quốc-Hoa Kỳ. Ông cho biết việc tích hợp hệ thống phòng thủ tầm thấp của Hàn Quốc với hệ thống phòng thủ tầm cao của Mỹ sẽ “tạo ra một hệ thống phòng thủ tên lửa hoàn chỉnh”.

Do tên lửa của Triều Tiên ngày càng trở nên tiên tiến hơn, ông Chae cho rằng Hàn Quốc nên phát triển hơn nữa các khí tài phòng không, giới thiệu các hệ thống chỉ huy và kiểm soát tiên tiến, đồng thời nâng cấp lên hệ thống phòng thủ tên lửa và vũ trụ.

Hàn Quốc có kế hoạch mở rộng triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và đang tiếp tục phát triển các tên lửa dẫn đường chính xác tầm trung có tầm bắn bao phủ Bắc Kinh. Mặc dù Bắc Kinh có khả năng phản đối, nhưng ông Chae tin rằng Hàn Quốc có quyền thực hiện các bước này vì ĐCSTQ có tên lửa có khả năng vươn tới Seoul. Ông nói, "Áp lực của ĐCSTQ sẽ không cản trở quyền tự vệ của các quốc gia độc lập".

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Hàn Quốc và Mỹ nên ký Hiệp định Quốc phòng để răn đe Trung Quốc và Triều Tiên