Cuộc đời huyền thoại của "Bố già thời Phục hưng" Lorenzo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc đời của “Bố già thời Phục hưng” Lorenzo, ngoài nghệ thuật, chính trị và quyền biến, còn có ám sát và âm mưu, phản bội và trung thành. Cuộc đời của nhân vật huyền thoại này thể hiện đầy đủ bộ mặt của thời kỳ Phục hưng!

Lorenzo đã đưa nghệ thuật phục hưng Ý lên đỉnh cao

Lorenzo Medici, được biết đến với cái tên "Lorenzo Hào hoa", là người cai trị nổi tiếng và kiệt xuất nhất của gia tộc Medici. Một tay ông đã đưa nghệ thuật phục hưng Ý lên đến đỉnh cao. Những bậc thầy mà ông đỡ đầu đều sáng chói như những vì sao, trong đó Da Vinci tôn ông là cha đỡ đầu, còn Michelangelo đã học tập và bồi dưỡng được những điều cực kỳ quan trọng từ Viện Nhân văn do ông thành lập.

Hơn nữa, chính nhờ khả năng ngoại giao trác tuyệt và phong thái vương giả của ông mà nước Ý đã được hưởng gần 20 năm hòa bình và thịnh vượng, đồng thời cũng tạo cơ hội cho nghệ thuật Phục hưng phô bày rực rỡ! Khi hay tin về cái chết của ông, quân chủ các thành bang Ý và các vương quốc ở châu Âu đều bi thương: nền hòa bình của nước Ý đã kết thúc!

Tuy vậy, trước khi kể về cuộc đời thú vị của "người đàn ông hào hoa" này, cần nói đến "Âm mưu của Pazzi".

Nhân quả từ “Âm mưu của Pazzi”, Lorenzo thoát kiếp nạn sinh tử

Gia tộc Pazzi là một gia tộc chủ ngân hàng lâu đời ở Florence, phát tích sớm hơn gia tộc Medici thời gian rất lâu, họ luôn có mâu thuẫn với gia tộc Medici. Tuy nhiên, bởi vì Medici có mối quan hệ rộng hơn và nhiều nguồn lực tài chính hơn, bắt đầu từ thế hệ ông nội của Lorenzo, người cai trị thực sự của Florence trong phần lớn thời gian luôn là Medici.

Ở đây có một thuật ngữ, được gọi là: Tyrant (Tiếm quyền). Có nghĩa là ông ta không nắm giữ chức vụ công quyền nào, nhưng là người thực thi quyền lực đằng sau hậu trường, được gọi là tiếm quyền, cũng được gọi là chuyên chế. Chế độ Medici là một chế độ tiếm quyền như vậy. Florence là một nước cộng hòa có đoàn chấp chính riêng, tương đương với quốc hội, các quan chấp chính được bầu bởi đoàn chấp chính.

Medici đặt những người bạn thân của mình vào đoàn chấp chính, và các chấp chính quan cũng được bầu chọn theo ý muốn của gia đình Medici. Bằng cách này, Medici có thể kiểm soát hoạt động của toàn bộ nền cộng hòa từ phía sau hậu trường.

Gia đình Medici luôn duy trì mối quan hệ rất thân thiết với Giáo hoàng. Nhưng đến thời điểm này, tình huống đã phát sinh thay đổi. Người ngồi trên ngai Giáo hoàng tại Vatican lúc này là Giáo hoàng Sixtus IV. Nhà nguyện Sistine nổi tiếng thế giới là nhà nguyện cá nhân được xây dựng cho ông. Sixtus IV trước đó đã đụng chạm đến Medici về quyền cai trị ở Florence. Sau đó, ông hỏi vay tiền của Medici và bị từ chối, điều này khiến ông rất mất mặt.

Như vậy, kết nối song phương đã khép lại. Thế là, Sixtus IV bắt đầu ủng hộ mạnh mẽ gia tộc Pazzi, và muốn lật đổ sự cai trị của Medici. Do đó, gia tộc Pazzi đã lên kế hoạch cho một vụ ám sát kinh tâm động phách. Nhưng vụ ám sát được lên kế hoạch cẩn thận đã thất bại.

Sau khi ám sát thất bại, song phương hoàn toàn đoạn tuyệt! Hơn nữa lúc đó Florence cùng Milan và Venice có quan hệ rất tốt, họ là đồng minh vô cùng thân thiết, một khi ba bên cùng xuất binh tấn công Giáo hoàng thì Sixtus IV khó mà yên ổn thoát thân! Sixtus IV nhận thấy không ổn và quyết định tấn công trước.

Ông trước tiên lợi dụng đặc quyền Giáo hoàng, rút phép thông công gia tộc Medici cùng toàn bộ thành viên đoàn chấp chính Florentine, đồng thời tước bỏ toàn bộ quyền đại diện tôn giáo khu vực Florence. Rút phép thông công là một hình phạt rất nghiêm trọng ở Châu Âu thời trung cổ, và nó cũng là con át chủ bài của Giáo hoàng đối với các chế độ thế tục!

Tuy nhiên, chiêu thức của Giáo hoàng đã không hiệu quả. Bởi vì Medici cai trị rất được lòng dân, cơ sở quần chúng rất tốt. Một điều nữa, vụ ám sát này cũng khiến người Florentine tức giận, và toàn bộ nước Cộng hòa sẵn sàng gánh chung mối thù với Medici! Nếu rút phép thông công không hiệu quả, thì chỉ còn cách ra tay! Do đó, Sixtus IV ngay lập tức hợp sức với vua Ferrante của Napoli để đưa quân tới Florence.

Lúc này, Công tước Milan vừa qua đời, con trai ông mới 9 tuổi, thực sự nắm quyền là người chú Ludovico. Vì địa vị chưa ổn định nên ông không dám liều lĩnh xuất quân. Về phần Venice thì gặp rắc rối với Ottoman, không có cách nào giúp đỡ Florence. Đối mặt với áp lực của binh lính Napoli và các thế lực thù địch sẵn sàng hành động, Lorenzo đã thể hiện lòng dũng cảm phi thường. Ông quyết định một mình đến doanh trại của kẻ thù và thuyết phục Napoli rút lui.

Lorenzo đơn độc mạo hiểm, thuyết phục Napoli rút lui

Vào một đêm đầy sao, một chàng trai trẻ mặc áo choàng đen cưỡi ngựa đến cổng thành Florence. Khi anh ta ngước nhìn lên tòa tháp, người ta thấy một khuôn mặt góc cạnh và một đôi mắt sắc sảo. Khóe miệng anh ta khẽ nhếch lên, quay đầu liếc nhìn tòa tháp cao trên Quảng trường Lãnh chúa, rồi biến mất trong gió bụi!

Trước khi đi, anh ta để lại một lá thư cho đoàn chấp chính. Đại ý của bức thư là: “Florence đang gặp nguy hiểm! Với tư cách là tộc trưởng của gia tộc Medici và là công dân của Florence, Lorenzo Medici sẽ không bao giờ đặt sự an toàn của bản thân lên trên Nước Cộng hòa! Tôi quyết định đàm phán với người Napoli với cái giá phải trả là bản thân và gia đình. Xin Chúa phù hộ cho tôi và Nước Cộng hòa vĩ đại!”

Là một nhà lãnh đạo, can đảm là một phẩm chất cực kỳ quan trọng, đó là phẩm chất sẽ khiến đối thủ phải kính nể.

Sự đơn độc mạo hiểm của Lorenzo khiến Vua Ferrante của Napoli bội phục, vì vậy ông đã ăn mặc chỉnh tề để chào đón Lorenzo, và ngay lập tức sự thù địch đã giảm đi phần lớn. Vào lúc Lorenzo hành động, các thành viên trong gia đình ông cũng đôn đáo khắp nơi, đả thông quan hệ và mua chuộc những người quan trọng. Trong suốt quá trình này, mạng lưới quan hệ rộng lớn của gia tộc Medici cùng tài lực dồi dào cũng là yếu tố quan trọng để Lorenzo có thể dựa vào.

Trong đó, có một người đóng vai trò quan trọng, đó là Ippolita Maria Sforza, con dâu của Vua Ferrante xứ Napoli, đồng thời là em gái của Công tước Milan, một đồng minh thân cận của Medici. Cô đã cố gắng hết sức để thuyết phục Ferrante không chống lại Florence, và vị Giáo hoàng quỷ quyệt kia mới là kẻ thù của nước Ý!

Cuối cùng, sau vài lần điều đình, Ferrante cảm nhận được lòng dũng cảm phi thường và sức hấp dẫn cá nhân của Lorenzo, nên quyết định từ bỏ Giáo hoàng và thành lập liên minh với Florence. Dựa vào trí tuệ và lòng dũng cảm phi thường của mình, Lorenzo đã một mình mạo hiểm, đánh bại kẻ thù hùng mạnh, phá tan âm mưu của Giáo hoàng và cứu người dân khỏi thảm họa gươm đao. Khi trở lại Florence, ông đã được nhấc bổng và tung lên cao. Trong đám đông cuồn cuộn, những tràng reo hò hoan hô vang đội, mọi người cung kính gọi tên ông: Lorenzo vĩ đại!

Giáo hoàng và Medici hòa giải

Hãy nói về Giáo hoàng. Napoli trở giáo! Sixtus vô cùng tức giận, đang chuẩn bị vỡ òa, khi nghe tin chiến trận báo về, Giáo hoàng ngay lập tức ngồi phịch xuống ghế như một quả bóng xì hơi. Chuyện gì đang xảy ra? Mà người Thổ Nhĩ Kỳ hung hãn lại đang đến!

Hãy nói qua về Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ. Đại ý là vào giữa thế kỷ 15, trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay đã sinh ra một người vô cùng quyền lực: Mehmed II, biệt hiệu là "Kẻ chinh phục". Đây là một người thiện chiến và đầy tham vọng. Trong 30 năm cầm quyền, năm này qua năm khác ông đều phát động chiến tranh với bên ngoài, lãnh thổ đế quốc trong tay rộng lớn chưa từng thấy. Đế quốc Đông La Mã đã bị ông tiêu diệt! Cái tên Mehmed II gần như là cơn ác mộng đối với toàn bộ các quốc vương châu Âu lúc bấy giờ!

Vào năm 1480, khi Lorenzo vừa đập tan âm mưu của Giáo hoàng thì Mehmed II lại gây chuyện! Quân đội Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ xâm chiếm miền nam nước Ý, và mũi tiến công của họ chĩa thẳng vào Lãnh địa Giáo hoàng. Giáo hoàng khiếp sợ, lúc này ngoài việc cùng các bên liên minh chống ngoại xâm thì không còn cách nào khác cả!

Giáo hoàng vội vàng làm hòa với Medici. Tại sao? Chiến tranh cần tiền, và nhà Medici thì có tiền! Đặc phái viên của Giáo hoàng đích thân đến thăm Florence, không chỉ vui vẻ ký kết hiệp định hòa bình mà còn ngay lập tức khôi phục tư cách hiệp thông cho Medici và người dân Florence.

Điều thú vị là khi cả châu Âu đang rúng động thì cường địch Mehmed II đột ngột qua đời ở tuổi 49. Một số học giả đời sau cho rằng ông bị đầu độc chết. Dù sao, người Thổ Nhĩ Kỳ đã rút lui. Tất cả các quốc vương châu Âu đều thở phào nhẹ nhõm.

Trên thực tế, Mehmed II cũng bị mê hoặc bởi nghệ thuật thời Phục hưng của châu Âu. Ông cùng Lorenzo có quan hệ rất tốt, nếu không thì đã không có chuyện hung thủ nhà Pazzi chạy trốn đến Thổ Nhĩ Kỳ, bị ông bắt được và trực tiếp trục xuất. Hơn nữa, ông có một số giao tình với Trường phái hội họa Venice.

Tóm lại, ai nên chết thì đều đã chết, và những cựu thù đã hòa giải. Quên đi thù oán xưa, đón hòa bình đến!

Thời đại hoàng kim của Florence, thời kỳ toàn thịnh của văn nghệ Phục hưng

Với năng lực của mình, Lorenzo đã khéo léo biến thù thành bạn, sự dũng cảm, lôi cuốn và sáng suốt của ông không chỉ chiếm được cảm tình của người dân Florence mà còn đem đến sự ổn định cực kỳ lớn cho sự cai trị của gia tộc Medici, đồng thời ông cũng nhờ đó mà đạt được quyền lực chưa từng có. Ông là một nhà cai trị vô cùng chói lọi không chỉ ở Ý mà còn trên khắp châu Âu. Ông nhận thức rõ tầm quan trọng của hòa bình đối với Florence, và bằng tài xoay xở cùng tiền bạc của mình, ông đã giành được thời kỳ hòa bình hiếm có cho nước Ý.

Ông không chỉ duy trì quan hệ ngoại giao tốt đẹp với các nước châu Âu, mà ngay cả với Ai Cập. Quốc vương Ai Cập đã từng gửi một con hươu cao cổ cho Lorenzo. Người châu Âu vào thời điểm đó chưa bao giờ nhìn thấy một con hươu cao cổ! Người ta nói rằng khi con hươu cao cổ đến Florence, đã tạo ra tiếng vang cực lớn. Thật không may, không lâu sau, con hươu cao cổ vô tình bị kẹt đầu, gãy cổ và chết, thực sự đáng tiếc.

Tóm lại, từ năm 1480 khi ông giải quyết xong cuộc khủng hoảng ở Florence cho đến năm 1492 khi ông qua đời, 12 năm này được các sử gia đời sau gọi là: Thời đại hoàng kim của Florence. Đồng thời, ông cũng đưa văn nghệ Phục hưng vào thời kỳ toàn thịnh!

Những chính trị gia sành sỏi đều quen thuộc với một quy tắc sắt đá, đó là không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn! Cả Lorenzo và kẻ thù một thời của ông là Giáo hoàng Sixtus IV đều nhận thức rõ điều này. Vậy làm thế nào để hàn gắn mối quan hệ giữa hai bên? Nghệ thuật!

Lúc này, Nhà nguyện Sistine vừa được hoàn thành và cần được trang trí tu bổ! Trang trí tu bổ là ý gì? Đúng vậy, chính là những bức bích họa! Để vẽ bích họa lên tường của Giáo hoàng thì không thể tùy tiện ai cũng được, đó phải là họa sĩ giỏi nhất. Đâu là nơi có những họa sĩ giỏi nhất ở Ý vào thời điểm đó? Florence! Do đó, Lorenzo đã đề xuất với Giáo hoàng rằng ông dự định gửi một đội họa sĩ minh tinh phối hợp ăn ý đến Rome để phục vụ Giáo hoàng. Giáo hoàng vui mừng khôn xiết. Nhóm họa sĩ vĩ đại này gần như tập trung những bậc thầy ưu tú nhất ở Ý lúc bấy giờ, và họ cũng là những bậc thầy kiệt xuất nhất trong thời kỳ Phục hưng.

Những bức bích họa trên trần Nhà nguyện Sistine trong Bảo tàng Vatican. (Shutterstock)

Gia tộc Medici có gu nghệ thuật cực kỳ đặc biệt, Lorenzo được hưởng nền giáo dục quý tộc tinh túy từ khi còn nhỏ, bản thân ông là một nhà thơ, nhà văn và người am hiểu nghệ thuật xuất sắc. Hơn nữa, Lorenzo không hề keo kiệt trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, chi tiêu rất thoáng tay.

Trong Cung điện Medici sang trọng, vẫn tụ tập thường niên các nhà thơ, nhà văn, triết gia, học giả nhân văn, họa sĩ, kiến ​​​​trúc sư, nhạc sư, ca sĩ và vũ công giỏi nhất từ ​​​​khắp nước Ý. Tiền thân của múa ba lê cũng chính là đến từ gia tộc Medici. Sau đó, nó phát triển mạnh mẽ ở Pháp và trở thành nghệ thuật vũ đạo chính thống nhất ở phương Tây ngày nay.

Một trong những bài thơ của Lorenzo được khắc trên lối đi dạo của Cung điện Medici. Trong đó có mấy câu:

“Tuổi trẻ đẹp đẽ biết bao, tiếc thay nàng chỉ tồn tại trong ngắn ngủi. Hãy nắm bắt thời khắc tuyệt vời này, để mà tận hưởng! Bởi vì ngày mai đầy ẩn số!”

Bằng cách này, Lorenzo Hào hoa, với sức hút cá tính phi thường, sự sáng suốt của bậc đế vương và nguồn tài chính hùng mạnh, đã dần dần đưa văn nghệ Phục hưng vốn đã sôi sục vào thời kỳ hoàng kim!

Ở đây phải kể đến một vài cái tên, tất cả đều là những bậc thầy đã nhận được sự hỗ trợ và tài chính rất lớn từ Lorenzo: Leonardo da Vinci cùng người thầy Andrea del Verrocchio. Michelangelo và người thầy Domenico Ghirlandaio. Pietro Perugino - gia sư của Raphael.

Sau khi Leonardo hoàn tất việc học tập với Verrocchio, ông trực tiếp được Lorenzo tuyển dụng. Với năng lực của Da Vinci, ông đã trở thành kiến ​​trúc sư hoàng gia, nhà quy hoạch đô thị, nhà khai thác thủy lợi và nhạc sĩ của Lorenzo. Sau đó, để thu phục người cai trị Milan, Sforza, Lorenzo đã đặc biệt tiến cử Leonardo da Vinci đến làm việc ở Milan. Da Vinci ở Milan 16 năm và giành được sự ưu ái của Sforza. Cũng trong thời gian ở Milan, Da Vinci đã trải qua giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đời mình và đạt được những thành tựu xuất sắc trong nhiều lĩnh vực.

Phục hồi bức tranh nổi tiếng "Bữa ăn tối cuối cùng" của Da Vinci vào thế kỷ 15. (Gu Jin cung cấp)

Còn một người nữa phải được nhắc đến đầu tiên, và đó là họa sĩ quan trọng nhất của thời kỳ Phục hưng: Sandro Botticelli. Ông làm việc hoàn toàn cho gia đình Medici, và hầu như tất cả những thành tựu lớn nhất của ông đều đạt được dưới sự bảo trợ của Lorenzo.

Vào thời điểm đó, địa vị của các nghệ thuật gia vẫn chưa cao, không khác mấy so với những người thợ thủ công bình thường. Nhưng Lorenzo đối xử với các nghệ sĩ rất tôn kính, dành cho họ sự đãi ngộ cực kỳ cao cấp, hết sức trọng thị. Ông từng mắng những kẻ chỉ rình bắt bẻ phê bình nghệ sĩ rằng: Nếu biết nghệ thuật khó đạt đến độ hoàn mỹ như thế nào thì các người sẽ không khư khư nhìn vào khuyết điểm như vậy!

Hơn nữa, Lorenzo là người bảo trợ đầu tiên trả tiền cho một nghệ sĩ. Tức là khi nghệ sĩ không có việc gì để làm thì vẫn được nhận lương cao mà không phải lo kiếm sống, để yên tâm nghiên cứu nghệ thuật. Cũng chính dưới sự nỗ lực của ông, địa vị và phẩm giá của các nghệ thuật gia đã được nâng cao chưa từng có!

Để tiếp tục bồi dưỡng nhân tài nghệ thuật, Lorenzo đã dành một diện tích lớn trong nhà để thành lập "Học viện Nhân văn Medici", giảng dạy triết học, văn học, thơ ca cũng như các loại hình nghệ thuật khác như hội họa và điêu khắc. Sinh viên nổi tiếng nhất được đào tạo trong trường đại học nhân văn này là Michelangelo, bậc kiệt xuất nghìn năm của nghệ thuật phương Tây.

Là một chính khách kiệt xuất, vì tương lai của gia đình và Florence, Lorenzo đã bắt đầu đào tạo thế hệ sau của mình từ rất sớm. Ông gửi con trai thứ hai của mình, Giovanni, và con trai ngoài giá thú, Giulio, đến Rome để học. Giovanni trở thành Hồng y Tổng giám mục năm 16 tuổi. Sau đó, ông kế vị với tư cách là Giáo hoàng Leo X. Giulio cũng trở thành Giáo hoàng Clement VII vài năm sau đó. Sau đó, cả gia tộc cai trị Florence trong hơn 200 năm! Trong thời kỳ này, gia tộc cũng sản sinh ra hai nữ hoàng Pháp. Kết quả là, gia tộc Medici đã trở thành một gia tộc siêu nổi tiếng trong lịch sử châu Âu.

Lorenzo Hào hoa. (Phạm vi công cộng)

Lorenzo thúc đẩy Florence thành một Thánh địa nghệ thuật

Có một phong tục từ thời La Mã cổ đại được truyền lại cho đến ngày nay, đó là chế độ bảo trợ. Ý tứ là gì? Có rất nhiều người bình thường từ mọi tầng lớp xã hội, họ sẽ thề trung thành với các chức sắc địa phương hoặc các gia đình quý tộc để có được sự bảo trợ của những người có năng lực này, nếu có bất kỳ rắc rối nào, họ có thể tìm đến người bảo trợ để giúp họ giải quyết. Tuy nhiên, một khi người bảo trợ cần họ làm việc nào đó, thậm chí liều mạng, họ sẽ vượt qua nước sôi lửa bỏng không từ nan! Điều này hơi giống với chế độ quý tộc dưỡng sĩ, nuôi môn khách trong thời Chiến Quốc ở Trung Quốc. Nổi tiếng nhất là Mạnh Thường Quân - một trong tứ công tử thời Chiến Quốc, người được cho là có tới 3.000 môn khách.

Chế độ bảo trợ của La Mã cổ đại đã phát triển và dần trở thành chế độ cha đỡ đầu (bố già) ở các thế hệ sau. Để đạt được một số mục đích chính trị, các bố già không thể tránh khỏi sử dụng một số biện pháp cực đoan, chẳng hạn như ám sát và bắt cóc. Sau này, nó trở thành thương hiệu của gia đình Sopranos, giống như mô tả trong phim "Bố già".

Nhà Medici cũng làm những điều tương tự trong quá trình cai trị của họ. Vì vậy, Lorenzo không chỉ là chuyên chế của Florence, mà còn là bố già hô mưa gọi gió một thời! Đặc biệt vì đóng góp xuất sắc cho nghệ thuật, ông được người đời sau tôn vinh là: Bố già của thời kỳ Phục hưng! Các nhà sử học sau này thậm chí còn nói rằng nếu không có Lorenzo thì hầu như không có thời toàn thịnh của Florence, và sẽ không có thời kỳ toàn thịnh của văn nghệ Phục hưng! Và nếu vậy thì toàn bộ văn nghệ Phục hưng của Châu Âu có thể không giống như sau này!

Trong thời đại của Lorenzo, ông đã lấp đầy bầu không khí văn hóa của Florence từ góc nhìn của một chính trị gia thực thụ, từ đó đưa văn nghệ Phục hưng vào thời kỳ hoàng kim, và Florence trở thành một thánh địa nghệ thuật hoàn toàn xứng đáng.

Theo Lý Hạo - The Epoch Times

Hữu Đức biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Cuộc đời huyền thoại của "Bố già thời Phục hưng" Lorenzo