Dạy con sáng Đạo: Bài 39 - Gần son thì đỏ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xem lại:

Minh Đạo gia huấn': Tiểu bách khoa toàn thư 'Dạy con sáng Đạo'
Bài 38: Người không lo xa

Gần son thì đỏ, gần mực thì đen
Những người hiền đức, thì nên thân cận
Tự khắc hữu ích. Những người hung ác
Thì hãy tránh xa, tự tránh được họa

Chữ Hán

近硃者赤,近墨者黑
賢德之人,親⽽近之
終自有益,凶惡之人
斥⽽遠之,自免禍患

Hán Việt

Cận chu giả xích, cận mặc giả hắc (1)
Hiền đức chi nhân, thân nhi cận chi
Chung tự hữu ích. Hung ác chi nhân
Xích nhi viễn chi, tự miễn họa hoạn

Diễn giải

  • Câu thành ngữ “gần son thì đỏ, gần mực thì đen”, cũng tương đương câu thành ngữ Việt “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Câu này ngụ ý, gần gũi với người tốt thì mình cũng sẽ được ảnh hưởng tốt, dần trở nên tốt lên. Nếu gần gũi với người xấu thì mình sẽ bị ảnh hưởng xấu, dần dần cũng trở nên xấu đi.

(1) “Cận chu giả xích, cận mặc giả hắc” là câu nói xuất xứ trong “Thái tử Thiếu phó châm” của Phó Huyền đời Tấn. Nguyên văn: “Cố cận chu giả xích, cận mặc giả hắc. Thanh hòa tắc hưởng thanh, hình chính tắc ảnh chính”.

Nghĩa là: “Thế nên gần son thì đỏ, gần mực thì đen. Âm thanh hài hòa thì tiếng trong trẻo, hình hài ngay chính thì hình ảnh cũng ngay chính”. (Chi tiết câu chuyện này, xem câu chuyện tham khảo ở dưới)

  • Câu “Những người hiền đức, thì nên thân cận, tự khắc hữu ích”, là nói rõ cho câu “Gần son thì đỏ”, hay “Gần đèn thì rạng”.
  • Câu “Những người hung ác, thì hãy tránh xa, tự tránh được họa”, là nói rõ cho câu “Gần mực thì đen”.

Câu chuyện tham khảo

Xuất xứ câu thành ngữ “gần son thì đỏ, gần mực thì đen”

Thầy của Thái tử dạy Thái tử rằng: Gần son thì đỏ, gần mực thì đen. (Tranh: Bình Minh - NTDVN)

Phó Huyền là đại thần triều Tấn. Ông là người có phẩm đức và học vấn song toàn, là người chính trực, được Hoàng đế rất tôn trọng, và được mời làm thầy của Thái tử - Thái tử Thiếu phó.

Nhân viên trong phủ Thái tử rất nhiều, có cung nữ, thái giám và lượng lớn quan lại làm việc cho Thái tử. Rất nhiều người trong số đó nghĩ mọi cách để lấy lòng Thái tử, xu nịnh a dua, hầu Thái tử chơi đùa giải trí. Thái tử muốn gì thì họ sẽ chiều theo như thế. Trong môi trường như thế này thì rất khó có thể học hành tốt được. Hơn nữa những người lấy lòng Thái tử, ở xung quanh Thái tử đều là những người phẩm chất thấp kém. Vì vậy Phó Huyền với trách nhiệm của người thầy, cảm thấy rất lo lắng.

Một ngày nọ, khi Phó Huyền giảng bài cho Thái tử, ông giảng:

“Muốn làm một người tốt, làm một hoàng đế tốt, thì Thái tử nhất định phải thường gần gũi những người chính trực. Ví như, một vật gì thường xuyên tiếp xúc với son thì sẽ bị nhuốm đỏ, thường xuyên tiếp xúc với mực thì sẽ bị nhuộm đen. Đối với bản thân thì nhất định phải yêu cầu thật nghiêm khắc, hành vi đoan chính, như thế mọi người xung quanh mới học theo Thái tử, và người chính trực mới đến bên Thái tử.

Ví như, âm thanh trong trẻo thì tiếng vọng của nó cũng hài hòa và hay. Nếu mình đứng ngay thẳng thì cái bóng hình của mình cũng ngay thẳng. Nếu Thái tử tiếp xúc nhiều với những bậc chính nhân quân tử, thì sẽ nghe được nhiều lời phù hợp với đức hạnh và nhân nghĩa, như thế hành vi của bản thân cũng sẽ dần dần phù hợp với chuẩn mực phép tắc.

Nhưng nếu Thái tử tiếp xúc nhiều với kẻ tiểu nhân, kẻ xấu, thì cũng giống như vào tiệm bán cá muối, thời gian lâu dần, Thái tử sẽ không ngửi thấy mùi thơm của hoa lan nữa".

Những lời dạy này được Hoàng đế biết được, ông cho rằng những lời này vô cùng hay, nên lệnh cho người viết lên tấm bình phong và đặt trong phòng của Thái tử, yêu cầu Thái tử phải đọc hàng ngày.

Sức ảnh hưởng của môi trường đối với con người là rất lớn. Ở cùng với ai sẽ quyết định cuộc đời sau này như thế nào, thậm chí nó còn thay đổi đường đời con người, quyết định thành bại cả cuộc đời. Cho dù là người có phẩm hạnh tốt, nếu ở trong môi trường xã hội xấu, thì cũng dần dần bị ăn mòn, cũng dần dần xấu đi.

Cuộc đời con người giống như tờ giấy trắng, còn giáo dục và môi trường sống giống như những nét vẽ lên tờ giấy trắng đó. Nếu môi trường xung quanh dơ bẩn, thì vô tình cũng sẽ khiến tờ giấy trắng trẻo sạch sẽ đó bị nhiễm bẩn. Cho dù là người vốn có phẩm chất tốt đẹp, nhưng bị những thứ dơ bẩn đen như mực ô nhiễm, thì cũng khiến phẩm chất vốn tốt đẹp của họ cũng bị vấy bẩn.

Câu thành ngữ này cho chúng ta biết, đối với giáo dục mà nói, lựa chọn được mộ trường học tập tốt đẹp có ích rất lớn đối với sự trưởng thành của con người. Ở với người thiện như vào nhà có hoa lan, lâu dần không ngửi thấy mùi thơm, vì ta cũng đã trở nên thơm như hoa lan. Ở với người xấu giống như vào tiệm bán cá muối, lâu ngày không ngửi thấy tanh hôi, bởi ta cũng đã trở nên tanh hôi như cá muối rồi.

Trung Dung

Văn hoá Giáo dục


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Dạy con sáng Đạo: Bài 39 - Gần son thì đỏ