Điềm hung và điềm cát của phương Tây và phương Đông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bất kỳ nền văn hóa nào, đều có nói về điềm tốt và điềm xấu. Nhiều người khi gặp điềm tốt thì tâm trạng trở nên tươi sáng hơn, mong chờ những điều tốt đẹp sắp tới; khi gặp điềm xấu thì không tránh khỏi cảm giác sợ hãi, chán nản. Vậy, người xưa nhìn nhận những dấu hiệu của điều tốt và xấu như thế nào?

Câu chuyện hung cát ở phương Tây hiện đại

Trong một chuyến đi, một chàng trai trẻ gặp một chú mèo con, nó cứ đi theo anh. Chàng trai rất thích con mèo, anh tin rằng con mèo là linh vật được Chúa ban tặng, vì vậy anh mang nó về nhà và chăm sóc nó rất chu đáo. Sau này, chàng trai gặp rất nhiều may mắn.

Một người quản lý bán hàng trước khi chuẩn bị lái xe ra ngoài để bàn việc kinh doanh với khách hàng, thì bất chợt một con mèo đen chạy tới trước mặt anh ta. Anh cho rằng đó là điềm xấu nên quyết định hủy bỏ kế hoạch đi gặp khách hàng. Sau đó, khách hàng cho rằng người quản lý này không đáng tin cậy, và anh ta đã mất một giao dịch tốt.

Trong bất kỳ nền văn hóa nào, đều có nói về điềm tốt và điềm xấu. Đối với người phương Đông, việc nhìn thấy những đám mây hay sao băng đẹp lạ thường, hay chim én xây tổ ở trong nhà là những điềm tốt; nghe thấy tiếng chó tru, hay thấy côn trùng xuất hiện bất thường là điềm xấu sắp xảy ra.

Đối với người phương Tây, thấy cỏ bốn lá hay thấy cầu vồng đều là điềm tốt; gặp chim khách kêu huyên náo hay gương vỡ thì điều là điềm xấu. Nhiều người khi gặp điềm tốt thì tâm trạng trở nên tươi sáng hơn, mong chờ những điều tốt đẹp sắp tới; khi gặp điềm xấu thì không tránh khỏi cảm giác sợ hãi, chán nản.

Vậy, người xưa nhìn nhận những dấu hiệu của điều tốt và xấu như thế nào?

Yêu ma không thể thắng được với người có đạo đức

Người xưa tin vào những điềm hung cát mà Thiên thượng ban cho và đối mặt với chúng theo hướng tích cực.

Theo “Sử ký: Ân bổn kỷ”“Khổng Tử gia ngữ”, trước khi Thái Mậu (vị vua thứ chín của nhà Thương) lên ngôi, triều nhà Thương suy yếu, các chư hầu coi thường chính quyền trung ương và không đến bái triều.

Sau khi Hoàng đế Ung Kỷ qua đời, em trai ông là Thái Mậu lên ngôi và đã chọn Y Trắc làm tể tướng. Lúc bấy giờ ở kinh đô có một hiện tượng lạ là cây dâu và cây dướng cùng mọc trong sân đình, hơn nữa chỉ qua một đêm chúng mọc to tới mức hai cánh tay mới ôm vừa. Thái Mậu nhìn thấy và cho rằng là điềm xấu. Ông rất sợ hãi nên hỏi Y Trắc.

Y Trắc nói với Thái Mậu rằng: “Thần nghe nói yêu ma không thể đánh bại người có đức hạnh, liệu có phải việc cầm quyền trị quốc của bệ hạ có điều gì thiếu sót không? Mong rằng bệ hạ có thể tiến thêm bước trong tu dưỡng đức hạnh”.

Thái Mậu đã nghe theo lời khuyên của Y Trắc, cẩn trọng trau dồi đức hạnh của bản thân, học hỏi cách cai trị đất nước của các vị vua trước, và tìm các phương sách hỗ trợ người dân. Từ đó cái cây lạ kia cứ khô héo rồi chết và biến mất. Sau ba năm, nhiều quốc gia xa xôi ngưỡng mộ đạo nghĩa của triều đại Ân Thương, và đã có 16 quốc gia cử sứ giả đến triều kiến. Sức mạnh của triều nhà Thương hưng thịnh trở lại, các chư hầu lại đến quy phục. Vì đã có công vực dậy nhà Thương nên sau khi Thái Mậu qua đời ông được tôn là Trung Tông.

Chức quan tùy vào tài, tước vị coi trọng người có đạo đức

Vũ Đinh là vị vua thứ 22 của nhà Thương. Trong “Sử ký: Ân Bổn Kỷ” có ghi lại rằng, có lần Vũ Đinh tế lễ tiên vương Thành Thang. Ngày hôm sau, một con chim trĩ đậu trên quai cái vạc và kêu to. Vì vậy Vũ Đinh cảm thấy vừa sợ hãi vừa bất an.

Đại thần Tổ Kỷ đã khuyên nhủ nhà vua Vũ Đinh, nói: “Đại vương chớ có lo lắng, cứ xử lý việc triều chính trước đã”.

Rồi Tổ Kỷ nói thêm: “Thiên Thượng đang xem xét con người xem họ có hành động tuân theo đạo nghĩa hay không. Thiên Thượng ban cho con người số năm thọ mệnh dài ngắn khác nhau. Đó không phải là vì ông Trời khiến thọ mệnh con người phải chết yểu, mà chính con người không theo chính Đạo mà bị mất đi tuổi thọ của mình. Có những người đi ngược lại với đạo đức, không chịu nhận tội, và Thiên Thượng sẽ trừng phạt họ để chấn chỉnh phẩm hạnh của họ. Bệ hạ, ngài kế thừa vương vị, cần nên kính trọng người dân. Họ đều là con dân của Thiên Thượng, còn cần thường xuyên tế lễ. Nhưng không thực hiện các nghi lễ dựa trên những thứ bất chính mà cần phải vứt bỏ."

Vũ Đinh nghe theo lời khuyên của Tổ Kỷ, sửa đổi chính trị, kỷ cương, đề cao những việc chính sự có ích cho dân, cải cách chế độ dụng người, và thiết lập chính sách “Chức quan không trao dựa vào quan hệ cá nhân, mà chỉ dựa vào tài năng; tước vị không được trao cho kẻ ác, chỉ trọng hiền tài”. Đồng thời, ông lệnh xóa bỏ các đặc quyền của tầng lớp quý tộc cũ, bình định sự xâm lược của các dân tộc phía bắc Thổ Phương, Thiệt Phương, Bao Phương, Quỷ Phương, Khương Phương, khiến thiên hạ bách tính an cư lạc nghiệp, giúp nhà Thương lại thịnh vượng, được lịch sử gọi là “Thời kỳ Vũ Đinh thịnh thế”.

Tồn vong, họa phúc đều phụ thuộc vào chính mình

Khổng Tử và các học trò của ông (ảnh: [Ming] "Tranh Khổng Tử tích" của Cừu Anh)
Khổng Tử và các học trò của ông (ảnh: [Ming] "Tranh Khổng Tử tích" của Cừu Anh)

Theo “Khổng Tử gia ngữ” ghi lại rằng, Lỗ Ai Công đã từng thỉnh giáo Khổng Tử: “Ta tin rằng sự tồn vong, hoạ phúc của một quốc gia là do Thiên mệnh, chứ không phải do con người quyết định, điều đó có đúng không?”

Khổng Tử trả lời: “Sự tồn vong, hoạ phúc đều do chính bản thân quyết định. Thiên tai không phải là quan trọng nhất”.

Khổng Tử đưa ra một ví dụ:

“Ngày xưa, dưới triều đại của Ân Trụ Vương, có một con chim sẻ nhỏ đã sinh ra một con chim lớn ở trên cổng thành. Người xem bói nói rằng, hễ là nhỏ sinh to, là quốc gia nhất định sẽ hưng thịnh. Vậy là Trụ Vương tin vào điềm lành này, thay vì cai trị nước tốt lại trở nên độc ác vô cùng, đến mức gây ra hoạ diệt quốc.

Đây chính là do hành vi của ông ta đã đi ngược lại Thiên Đạo, khiến cho điều vốn là đại phúc lại biến thành đại hoạ.

Tuy nhiên, Thái Mậu khi thấy điềm xấu xuất hiện (như câu chuyện kể trên) thì ông lại lo lắng, sợ hãi nên đã trau dồi phẩm hạnh và thực thi các chính sách đạo đức, có lợi cho dân, từ đó điềm xấu lại biến thành phúc lành.

Do đó, tai hoạ thiên tai là được Thiên Thượng dùng để cảnh tỉnh các bậc quân chủ. Chính sách thiện lương vì dân sẽ giúp vượt qua tai họa, hành vi ngay chính và tốt đẹp sẽ giúp vượt qua điềm xấu”.

Chúng ta thường cho rằng người xưa mê tín, trên thực tế, người xưa luôn mang trong mình thái độ rất tôn kính và thận trọng đối với những điều chưa biết, và tin rằng việc dùng tu đức và hành thiện để đối diện với những hung cát, tốt xấu, sẽ khiến hoạ chuyển thành phúc.

Trong những năm gần đây, thiên tai nhân họa liên tục xảy ra trên khắp thế giới. Thiên tai chính là lời cảnh tỉnh, người cầm quyền nên học tập người xưa, có thái độ thận trọng và kính uý hơn trước thiên tai, yêu cầu bản thân trau dồi đức hạnh, dùng chính sách thiện lương đối đãi người dân, thay vì làm điều đi ngược đạo lý.

Theo Khởi Huệ- Minh Huệ

Minh An biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Điềm hung và điềm cát của phương Tây và phương Đông