Điều tốt nhất nên để lại cho con cháu là gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ xa xưa, tổ tiên đi trước luôn mong muốn để lại một điều gì đó cho con cháu, để cuộc sống của chúng sau này bớt đi khó khăn, gập ghềnh và được thuận lợi, suôn sẻ hơn. Nhưng rốt cuộc, nên để lại gì cho con cháu và điều gì là thực sự tốt nhất cho chúng? Dưới đây là những góc nhìn của một số nhân vật lịch sử.

Không để lại tài sản của gia đình khiến con cháu lười biếng, phạm sai lầm

Sơ Quảng là người thời Tây Hán. Từ nhỏ, ông đã rất ham học, những năm đầu ông dạy học trò tại nhà và có rất nhiều môn hạ đệ tử. Sau này, ông được triều đình bổ nhiệm chức vụ. Tuyên Đế, vị vua tài đức của nhà Hán, rất coi trọng ông. Ông liên tiếp được bổ nhiệm làm bác sĩ, thái trung đại phu, thái phó, v.v., có danh tiếng xuất sắc và được ban thưởng nhiều lần. Ông tin rằng “biết hài lòng thì không bị nhục, biết chừng mực thì không gặp nguy hiểm”, và “công thành mà lui thân là đúng với quy luật Thiên đạo”.

Trong “Hán thư” có ghi lại rằng, trong 5 năm làm thầy của Thái tử (ông giữ chức Thái phó), Thái tử khi mới 12 tuổi đã thông thạo “Luận ngữ của Khổng Tử”“Hiếu Kinh”. Vì thế ông chủ động nghỉ hưu. Hoàng đế ban cho ông 20 cân vàng, và Thái tử ban cho ông thêm 50 cân nữa.

Sau khi Sơ Quảng trở về quê hương, ông thường yêu cầu gia đình tổ chức tiệc chiêu đãi gia tộc và bạn bè, dự định dùng hết số vàng. Hơn một năm sau, con cháu của Sơ Quảng nói riêng với một trưởng lão ngang vai vế, vốn được Sơ Quảng tín nhiệm: “Các con cháu chúng cháu hy vọng đại nhân có thể để lại một ít gia sản, nhưng hiện tại ngài lại thường xuyên tiêu tiền để chiêu đãi khách, tài sản của gia đình sẽ sớm cạn kiệt. Mong ông hãy giúp để thuyết phục đại nhân”.

Ông lão liền truyền đạt suy tư của con cháu tới Sơ Quảng.
Sơ Quảng trả lời: “Tôi lẽ nào hồ đồ đến mức không quan tâm đến con cháu mình sao? Vốn dĩ nhà có mấy ruộng đất, chỉ cần con cháu chăm chỉ làm là có đủ cơm ăn áo mặc, có cuộc sống như người bình thường. Nếu trong nhà có dư thừa của cải thì chỉ khiến cho con cháu lười biếng. Người đức hạnh tài năng mà có quá nhiều tiền tài thì sẽ từ bỏ chí hướng; kẻ ngu muội có quá nhiều thì sẽ làm tăng thêm những sai lầm của họ. Hơn nữa, người giàu thường là đối tượng của sự ghen tị và oán giận. Tôi không có gì để dạy con cháu, tôi cũng không muốn gia tăng thêm lỗi lầm và gây oán giận cho con cháu tôi. Hơn nữa, số vàng này là do quốc vương ban cho tôi, vì vậy tôi rất vui mừng và muốn được chia sẻ ân điển này với dân làng và gia tộc của mình, dành phần đời còn lại của mình cho việc này. Liệu làm như thế cũng không được sao?”

Để lại sự thanh đạm giúp con cháu không nghèo túng

Trong “Hán Thư” ghi lại rằng Tiêu Hà, vị công thần khai quốc đầu tiên của nhà Hán, là một người cần kiệm, lo xa nghĩ rộng. Khi Lưu Bang chiếm kinh đô nước Tần, tất cả tướng sĩ đều vội vàng tranh cướp vàng bạc châu báu, chỉ có Tiêu Hà mau chóng thu thập tập bản đồ địa lý, các tài liệu, hộ tịch, cùng các hồ sơ khác của nước Tần. Sau này, Lưu Bang đã sử dụng những hồ sơ này để hiểu rõ đầy đủ về những cứ điểm núi sông trọng yếu trong thiên hạ, phân bổ tài chính, vật lực và hộ khẩu. Chúng đã đóng vai trò then chốt trong việc thống nhất đất nước.

Kế hoạch của Tiêu Hà cho con cháu của mình cũng có tầm nhìn xa. Khi mua điền trạch, ông luôn chọn những nơi hoang vắng, hẻo lánh và hiếm khi xây nhà ở đó. Tiêu Hà nói rằng: “Nếu con cháu ta tài đức sáng suốt thì sẽ noi theo lối sống thanh đạm của ta, nên cả đời sẽ không gặp cảnh thiếu thốn; dù không thông minh sáng suốt thì những mảnh đất khiêm tốn mà ta mua cho chúng cũng sẽ không bị các gia tộc quyền thế cướp đi”. Sau khi Tiêu Hà qua đời, hai người con trai của ông được phong hầu, cả đời của họ được bình yên.

Lưu lại sự liêm khiết, khiến con cháu được kính trọng

Trong “Hậu Hán Thư” có ghi chép rằng, Dương Chấn, một vị danh thời thời Đông Hán, đã làm quan lên chức Thái uý. Trong thời gian làm Thái thú của quận Trác, Dương Chấn là người công chính, liêm minh, không bao giờ chấp nhận sự nhờ vả riêng tư, bình thường trong nhà cơm canh đạm bạc, không có xe ngựa, cuộc sống đơn giản. Một số bạn bè cũ và trưởng lão đề nghị ông nên sắm thêm tài sản và để lại cho con cháu, Dương Chấn nói: "Hãy để thế hệ sau gọi chúng là con cháu của vị quan thanh bạch. Đây chẳng phải là tài sản thừa kế tốt nhất sao?". Sau này, con trai cả của Dương Chấn làm quan, trở nên giàu có; con thứ được thăng làm Thái úy; con út học thức cao, học giỏi, được thiên hạ ca ngợi.

Trong “Tùy thư” ghi lại rằng, vào thời nhà Tùy, Phòng Ngạn Khiêm giữ chức giám sát ngự sử, trong khảo sát quan viên cả nước, vì tính chính trực liêm khiết của mình, ông được chọn là thiên hạ đệ nhất. Phòng Ngạn Khiêm có tài sản của tổ tiên truyền lại, gia đình giàu có, nhưng ông rất xem nhẹ sự giàu có. Ông đã dùng tất cả tài sản và bổng lộc của mình để cứu tế người thân và bạn bè, trong gia đình không có dư tiền, nên ông sống một cuộc sống thanh đạm. Thậm chí, ông còn phải chịu cảnh thiếu thốn về vật chất nhưng ông lại bằng lòng và hạnh phúc. Phòng Ngạn Khiêm từng nói với con trai mình: “Mọi người đều giàu có nhờ bổng lộc làm quan, nhưng chỉ có ta nghèo vì làm quan. Tài sản duy nhất mà ta có thể để lại cho con cháu mình chỉ có hai chữ ‘thanh bạch’. Sau này, con trai duy nhất của Phòng Ngạn Khiêm là Phòng Huyền Linh trở thành công thần khai quốc và thừa tướng của nhà Đường, được phong làm Lương Quốc Công.

Tích đức có thể mang lại phúc ấm che chở cho con cháu

Tư Mã Quang, vị tể tướng nổi tiếng thời nhà Tống, đã nói trong “Gia phạm”: “Không có tổ tiên nào không muốn tạo phúc cho thế hệ sau, nhưng có rất ít người thực sự có thể làm được điều đó, bởi vì hầu hết mọi người chỉ biết làm thế nào để tiết kiệm nhiều tiền hơn cho con cháu, nghĩ rằng điều này sẽ giúp con cháu họ được hưởng giàu có vô tận. Tuy nhiên, vì họ không biết cách giáo dục con cháu đạo lý đối nhân xử thế, nên cuối cùng khối tài sản họ tích lũy được sau hàng chục năm làm việc vất vả sẽ bị con cháu phung phí hết sạch chỉ trong mấy năm. Con cháu lại còn cười nhạo tổ tiên ngu ngốc, không biết hưởng thụ”.

Tư Mã Quang còn nói: “Các bậc thánh nhân thời xưa để lại cho con cháu ‘đức và lễ’, trong khi các bậc hiền nhân để lại cho con cháu họ ‘liêm và kiệm’. Ví dụ như tổ tiên nhà Chu, Hậu Tắc, Cung Lưu, Thái Vương, Vương Quý cùng Văn Vương tạo phúc cho dân chúng, tích lũy công đức, nên che chở cho con cháu Chu Vũ Vương sau này chinh phục thiên hạ”.

Điều đó có nghĩa là của cải là vật ngoài thân, chúng đến rồi rời đi, nhưng phúc đức, lễ nghĩa, liêm khiết, tiết kiệm lại mang theo bên người, ảnh hưởng đến cả đời của con người, mà tổ tiên tích đức có thể phù hộ cho con cháu.

Lời kết

Trong xã hội ngày nay, thường hay thấy những việc như con cháu tranh giành quyền thừa kế, họ hàng người nhà kiện nhau ra tòa, nói xấu lẫn nhau; còn có một số quan chức cấp cao tham nhũng, lợi dụng đặc quyền của mình để trục lợi không chính đáng cho con cái, cuối cùng nhận lại quả báo ngay ở đời này. Điều này cho thấy sự thiếu khôn ngoan của họ. Họ không biết điều gì nên để lại cho con cháu, điều gì mới thực sự là tốt nhất cho con cháu.

Theo kinh nghiệm và trí tuệ của các bậc hiền nhân xưa, việc làm gương dạy về những mỹ đức như tiết kiệm, liêm khiết, làm việc thiện và tích đức cho thế hệ mai sau, chính là tài sản tốt nhất để lại cho con cháu.

Theo Khởi Huệ- Minghui

Minh An biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Điều tốt nhất nên để lại cho con cháu là gì?