Dogon – Tộc người châu Phi sở hữu kiến thức vũ trụ khiến giới khoa học kinh ngạc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ tộc cổ xưa Dogon ở châu Phi từ hàng nghìn năm trước - đã sở hữu các kiến thức vật lý thiên văn cực kỳ chính xác về “các ngôi sao vô hình” trong hệ sao Sirius - vốn không thể quan sát được từ Trái Đất nếu không có kính thiên văn hiện đại.

Họ biết đó là một hệ ba sao - trong đó Sirius B và Sirius C vốn không thể quan sát được bằng mắt thường. Cho đến giữa thế kỷ 19, không ai ngoài bộ lạc Dogon biết đến sự tồn tại của chúng.

Họ biết sao Mộc có 4 vệ tinh tự nhiên lớn nhất và 1 vành đai vây quanh. Những câu chuyện “thần thoại” của họ cũng mô tả quỹ đạo elip của các hệ hành tinh xung quanh mặt trời.

Điều đặc biệt là họ biết hết tất cả những điều này từ nhiều thế kỷ - trước khi các nhà thiên văn học Tây phương mới bắt đầu hình dung ra chúng. Họ nói rằng tổ tiên của họ được truyền lại những kiến thức này từ các vị khách đến từ hệ sao Sirius.

Phải chăng đã có sự truyền đạt kiến thức từ bên ngoài Trái Đất cho bộ tộc Dogon cổ xưa này?

Bộ tộc tự tồn tại - Biệt lập với thế giới

Năm 1930, các nhà khoa học phát hiện ra bộ tộc Dogon tại vùng sa mạc Mali, khu vực Tây Phi. Họ sống cách ly hoàn toàn với văn minh của nhân loại, nhưng lại có những kiến thức khoa học vô cùng chính xác - liên quan đến người ngoài hành tinh ở ngôi sao Sirius.

Họ dựng nhà và canh tác trên các đỉnh núi sa thạch cao, với một nền văn hóa, tín ngưỡng có lịch sử hàng nghìn năm. Bộ tộc chia dân cư theo các làng nhỏ, mỗi làng sẽ có một pháp sư - là người có quyền lực và được kính trọng nhất trong làng.

Nền kinh tế của người Dogon dựa vào việc canh tác nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, họ ít tiếp xúc với các dân tộc khác, thường sống tách biệt, giao lưu trong bộ tộc với nhau.

Người Dogon dựng nhà và canh tác trên các đỉnh núi sa thạch cao (Ảnh: wikimedia commons)

Ngày nay, dân số bộ tộc Dogon vào khoảng 400.000 – 800.000 người. Họ được biết đến nhiều nhất nhờ truyền thống tín ngưỡng, các điệu múa mang mặt nạ, các món đồ điêu khắc gỗ và kiến trúc độc đáo.

Họ là một dân tộc cổ đại, không có chữ viết, nhưng những kiến thức cổ xưa về vũ trụ của họ - được truyền miệng từ đời này sang đời khác - đã khiến người ta phải sửng sốt khó tin.

Những hiểu biết đáng kinh ngạc của người Dogon

  • Hiểu biết về chòm sao Sirius

Sao Sirius là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời của chúng ta - xuất hiện như một ngôi sao đơn, nhưng thực chất đó là một hệ sao kép, hoặc thậm chí có thể là bộ ba ngôi sao, theo các quan sát của các nhà khoa học từ năm 1920.

Điều này với người Dogon không có gì xa lạ, họ từ lâu đã biết sao Sirius là một hệ sao có ảnh hưởng quan trọng nhất tới sự phát triển của cuộc sống trên Trái Đất và là nền tảng của Vũ Trụ. Hệ sao này gồm có ba ngôi sao: Sirius, Sirius B, Sirius C. Người Dogon nói rằng, hai ngôi sao (Sirius B, Sirius C) nằm gần với nguồn sáng chính - đến mức không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy chúng.

Làm thế nào truyền thống cổ đại của một bộ tộc Châu Phi lại có thể bao hàm các kiến thức vật lý thiên văn cực kỳ chính xác về các ngôi sao vô hình trong hệ sao Sirius như vậy? Làm cách nào người Dogon biết được Sirius B – ngôi sao nhỏ hơn trong hệ sao – là một sao lùn trắng, một ngôi sao đã chết (tiêu thụ hết nhiên liệu phản ứng hạt nhân trong sao), và vốn không thể nhìn thấy được bằng mắt thường?

Những người Dogon nói rằng sao Sirius B chuyển động xung quanh sao Sirius theo một quỹ đạo hình ê-líp với chu kỳ 50 năm. Khi sao Sirius B lại gần sao Sirius, nó sẽ sáng hơn; còn khi rời xa thì nó chập chờn, khiến người ta có cảm tưởng nó biến thành nhiều ngôi sao. Quả thật chu kỳ chuyển động và chu kỳ sáng của sao Sirius B đã được các nhà khoa học xác nhận chính xác như vậy.

Sao Sirius A và Sirius B (Ảnh: Flickr)

Người Dogon còn cho biết sao Sirius B là vật chất vũ trụ có tỉ trọng lớn nhất. Quả đúng vậy, nó là “sao lùn trắng” đầu tiên được phát hiện thấy trong vũ trụ, nó bị cháy và nén chặt tới một tỉ trọng không tưởng, tương đương 50 tấn/1cm3. Đáng chú ý hơn, người Dogon còn biết về sự tồn tại của một ngôi sao thứ ba là Sirius C - nhẹ hơn Sirius B 4 lần, và mất cùng một khoảng thời gian để hoàn thành quỹ đạo của nó quanh sao Sirius.

Người Dogon dường như biết hết tất cả những điều này từ nhiều thế kỷ trước khi các nhà thiên văn học Tây phương mới bắt đầu hình dung ra chúng. Quả thật, cho đến giữa thế kỷ 19 của nền khoa học hiện đại, chỉ có bộ lạc Dogon biết chi tiết về sự tồn tại của hệ sao này.

Mãi tới năm 1970, kính thiên văn cỡ lớn mới chụp được ảnh ngôi sao thứ hai là Sirius B. Sự tồn tại của sao Sirius C đến tận bây giờ vẫn đang là đề tài tranh cãi của các nhà thiên văn học.

Cũng có giả thuyết cho rằng vốn kiến thức này của người Dogon bắt nguồn từ phương Tây.

Tiến sĩ Dieterlen - người đã đến khu vực này vào những năm 1930 và dành phần lớn cuộc đời mình sinh sống cùng người Dogon - cho rằng giả thuyết trên vô cùng “vớ vẩn”.

Trong cuộc phỏng vấn với chương trình đặc biệt của đài BBC, bà cho biết mình biết phong tục của người Dogon mật thiết hơn bất cứ ai khác, và đã đưa ra một hiện vật 400 năm tuổi của người Dogon, trong đó vẽ ba ngôi sao của hệ sao Sirius.

Trong cuốn sách “Bí mật hệ sao Sirius (The Sirius Mystery)”, xuất bản năm 1976, tác giả Robert Temple đã cho rằng kiến ​​thức tiên tiến của người Dogon được truyền lại bởi người ngoài hành tinh cổ đại.

Ông Temple cho biết kiến ​​thức về hệ sao Sirius thể hiện đậm nét và rộng khắp trong văn hóa Dogon, “được thể hiện trong … hàng trăm hoặc hàng ngàn hiện vật, biểu tượng, khăn dệt, tượng chạm khắc, v.v…”. Vốn hiểu biết này không thể thâm nhập vào nền văn hóa này một cách nhanh chóng đến vậy, kể từ khi các học giả phương Tây đến đây vào năm 1931.

Điệu múa truyền thống đặc trưng của người Dogon (Ảnh: wikimedia commons)

Ông Temple cho rằng không thể có chuyện có đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn vật thể như vậy lại có thể được ‘làm giả một cách tinh xảo’ để trông như có niên đại hàng thế kỷ như thế. Không chỉ vậy, còn rất nhiều yếu tố khác, ví như tính linh thiêng thần thánh trong phong tục truyền thống của bộ lạc Dogon cho thấy các hiện vật không có khả năng chịu ảnh hưởng hay bắt nguồn từ văn hóa phương Tây - vốn không được các pháp sư của bộ lạc xem trọng hoặc tin tưởng”.

Ông nói: “Nếu bạn hỏi người Dogon, họ sẽ bảo bạn rằng... tổ tiên của họ được truyền lại những kiến thức này từ các vị khách đến từ hệ sao Sirius”.

  • Sự hình thành vũ trụ

Ngoài kiến thức đáng kinh ngạc về chòm sao Sirius, người Dogon còn có hiểu biết kỳ lạ về sự hình thành vũ trụ. Khoa học hiện đại cho rằng vũ trụ được hình thành sau Vụ Nổ Lớn, trước đó mọi vật chất của vũ trụ bị nén chặt ở mức độ không tưởng và chiếm một thể tích vô cùng nhỏ, các khái niệm không gian và thời gian không hề tồn tại. Kể từ thời điểm xảy ra Vụ Nổ Lớn, vũ trụ không ngừng phát triển, được gọi là vũ trụ giãn nở.

Theo truyền thuyết của người Dogon, vũ trụ được hình thành như sau: “Vật chất có trước tiên là “amma” – một vị thần không có nguồn gốc từ đâu cả. Amma là một quả cầu, một quả trứng và quả trứng này đóng kín, ngoài nó ra không còn có vật chất nào khác”.

Trong ngôn ngữ hiện đại của người Dogon, từ “amma” là một vật tĩnh được nén chặt và rất đặc. Tiếp theo, thế giới bên trong Amma vẫn chưa có không gian và thời gian. Không gian và thời gian gộp vào làm một thể thống nhất. Nhưng đến một thời điểm, “Amma” mở mắt, báo hiệu sự phát triển sắp tới của thế giới. Theo truyền thuyết của người Dogon, vũ trụ này là vô tận nhưng có thể đo được.

Thiên hà của chúng ta - dải Ngân Hà - theo người Dogon là “ranh giới vị trí”, là một phần của thế giới các vì sao, mà Trái Đất của chúng ta là một phần rất nhỏ trong đó. Ngoài ra, còn có cả vô tận các tổ hợp sao dưới dạng hình xoắn. Như chúng ta đã biết đa số các thiên hà được khoa học phát hiện ngày nay đều có dạng hình xoắn.

Dogon là một bộ tộc cực kỳ bí ẩn, trí tuệ về thiên văn, kiến ​​thức chi tiết của họ về hệ Mặt trời hoàn toàn đáng kinh ngạc. Những câu chuyện “thần thoại” của người Dogon cũng mô tả quỹ đạo elip của các hệ hành tinh xung quanh mặt trời.

Họ biết về sao Mộc và nhắc đến ngôi sao này như một hành tinh khổng lồ tên là “Dana Tolo”, không những thế họ còn biết sao Mộc có 4 vệ tinh tự nhiên lớn nhất và 1 vành đai vây quanh.

  • Sự hình thành của nhân loại

Theo truyền thuyết của người Dogon, sao Sirius có liên quan đến sự xuất hiện của những con người đầu tiên trên Trái Đất. Con người được đưa tới Trái Đất trên “những tàu bay từ hành tinh có Mặt Trời là sao Sirius B. Lúc hạ cánh, con thuyền bay hai vòng xoắn, cơn lốc làm nảy sinh sự sống đầu tiên”.

Ngày nay người ta đã biết rằng cấu trúc cơ bản của sự sống - mã DNA của chúng ta - có dạng xoắn kép. Đây là sự trùng hợp đáng chú ý.

Theo truyền thuyết của người Dogon, con người xuất hiện đầu tiên từ con thuyền bay 2 vòng xoắn, có sự tương đồng với DNA (Ảnh: Max pixel)

Người Dogon còn nói về việc một con tàu vũ trụ hạ cánh xuống Trái Đất - chở theo Nommo và những người đầu tiên. Nommo là một thiên thần và thực hiện theo lệnh của Amma. Nhiệm vụ chính của nhân vật này là tạo ra cuộc sống trên Trái Đất và đưa người đến Trái Đất.

Truyền thuyết của người Dogon miêu tả kỹ lưỡng quá trình chuẩn bị thực hiện sứ mệnh quan trọng này. Trên con thuyền có mọi thứ cần thiết để tạo ra cuộc sống trên Trái Đất cũng như con người. Con tàu bay tới trái đất qua một “cánh cửa” thời gian đặc biệt do Amma tạo ra.

Sau khi tàu hạ cánh, những người trong khoang bước ra, Amma đã đóng cánh cổng trời lại. Những người đầu tiên đến trái đất gieo mầm cuộc sống trên đó và sinh sôi, nảy nở.

  • Sao Sirius trong các nền văn hóa, văn minh cổ đại khác

Giáo sư Nicolas Grimal, trưởng Khoa Ai Cập học tại Đại học Collège de France từ năm 2000, khám phá ra rằng truyền thuyết của bộ tộc Dogon bao gồm một loạt các biểu tượng và sự tích - có sự tương đồng rất lớn với tín ngưỡng Ai Cập cổ đại.

Sao Sirius được ghi chép trong các văn tự cổ từ thời kỳ trung Vương quốc (Middle kingdom). Lịch của người Ai Cập cổ đại dựa trên chu kì xuất hiện cùng mặt trời của sao Sirius. Người Sumer cổ đại cũng rất chú trọng sao Sirius, và họ đã sử dụng nó để xác định mùa vụ.

Những trang trí trên cửa và quanh nhà của người Dogon (Ảnh: tổng hợp từ wikimedia commons)

Rất nhiều nền văn hóa và văn minh cổ đại đều cho rằng sao Sirius cực kỳ quan trọng, nhưng người Dogon mới là chủng tộc nắm giữ chi tiết chính xác nhất về chùm sao này.

Tác giả Temple áp dụng vốn kiến thức chuyên sâu của ông về lịch sử cổ đại, thần thoại, vật lý Py-ta-go, Thuyết hỗn loạn và Hy Lạp, để tiến hành phân tích kỹ lưỡng các số đo của Đại Kim tự tháp Giza, vốn được xây thẳng hàng với sao Sirius. Ông đi đến kết luận rằng nền văn minh ngoài hành tinh trên sao Sirius và của chúng ta - là bộ phận của một hệ thống hài hòa tương đồng, được thiết kế để hoạt động và cộng hưởng cùng nhau.

Rất nhiều đất nước và dân tộc trên thế giới hiện nay còn lưu giữ lại những câu chuyện hay những di chỉ khả tín về sự tồn tại của loài người - trong những nền văn minh tiền sử cũng như sự hủy diệt của những nền văn minh này. Nhưng hiếm có dân tộc nào có câu chuyện chi tiết, rõ ràng và ở trình độ cao về sự hình thành của vũ trụ, các vì sao và con người trên trái đất như dân tộc Dogon.

Liệu đây đơn thuần là sự trùng hợp, hay phải chăng bộ tộc Dogon ở Châu Phi sở hữu vốn kiến thức khoa học lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta vẫn tưởng tượng?

Hà Phương
Theo Ngẫm Radio



BÀI CHỌN LỌC

Dogon – Tộc người châu Phi sở hữu kiến thức vũ trụ khiến giới khoa học kinh ngạc