5 tàn tích cổ đại bí ẩn có thể chứng minh các nền văn minh tiên tiến từng tồn tại trong thời tiền sử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các hiện vật và tàn tích cổ đại trên khắp thế giới đã khiến nhiều nhà khoa học đặt câu hỏi rằng, liệu cách hiểu hiện tại được chấp nhận của chúng ta về thời tiền sử có đúng hay không.

Dưới đây là một số địa điểm đã phá vỡ nhận thức cũ, vẫn chưa giải thích được cho đến ngày nay. Chúng dường như trưng bày bằng chứng về các nền văn minh thời tiền sử tiến bộ hơn nhiều so với những gì các nhà khoa học nghĩ. Một số cấu trúc đã bị nhấn chìm khi mực nước biển dâng cao và khối lượng đất sụt lún trong suốt hàng thiên niên kỷ.

1. Kim tự tháp Bosnia

Khi Kim tự tháp khổng lồ Bosnian, cách Sarajevo 25 dặm về phía đông bắc, lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2005, các nhà nghiên cứu chỉ có thể đo tuổi của lớp đất bề mặt bao phủ nó, tức là khoảng 12.000 năm tuổi.

Trong thập kỷ qua, hai nhà khảo cổ học người Ý, Tiến sĩ Ricarrdo Brett và Tiến sĩ Niccolo Bisconti, đã trích xuất một mẫu hữu cơ từ cấu trúc đá nhân tạo này và có thể xác định tuổi của kim tự tháp bằng carbon là 25.000 năm tuổi - cổ xưa hơn khoảng 20.000 năm so với nền văn minh Sumer và Babylon, được cho là một trong những nền văn minh lâu đời nhất trên thế giới.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
(Aleksandar Todorovic/Shutterstock)

Tiến sĩ Semir Osmanagich, một nhà nghiên cứu làm việc tại Kim tự tháp Bosnia nói với NTD: “Các vật liệu hữu cơ được tìm thấy trên Kim tự tháp Mặt trời và phân tích sinh học cho chúng ta biết rằng kim tự tháp này đã hơn 12.500 năm tuổi - là kim tự tháp lâu đời nhất trên hành tinh”.

Vì kim tự tháp được bao phủ bởi đất và thảm thực vật nên trước đây người ta gọi nó là đồi Visoko, cho đến khi lớp đá nhân tạo được phát hiện bên trong.

Trong khi nhiều nhà khoa học địa phương ủng hộ lý thuyết của Osmanagich, vẫn có những người hoài nghi. Nhà địa chất Robert Schoch của Đại học Boston, người đã dành 10 ngày tại đây, nói với tạp chí Smithsonian vào năm 2009 rằng kim tự tháp là một sự hình thành tự nhiên. Paul Heinrich, một nhà địa chất khảo cổ tại Đại học bang Louisiana, đồng tình với quan điểm này. Heinrich nói với ấn phẩm: “Địa hình mà Osmanagich gọi là kim tự tháp thực sự khá phổ biến. … Chúng được gọi là 'flatirons' ở Hoa Kỳ và bạn thấy chúng khá phổ biến ở phương Tây”.

Enver Buza, một nhà khảo sát từ Viện trắc địa của Sarajevo đã tuyên bố trong một bài báo rằng kim tự tháp “được định hướng về phía bắc với độ chính xác hoàn hảo”.

2. Gobekli Tepe, Thổ Nhĩ Kỳ

Gobekli Tepe được tạo thành từ những khối cự thạch khổng lồ có trước Stonehenge khoảng 6.000 năm. Nhà khảo cổ học Klaus Schmidt tin rằng đây là nơi thờ cúng lâu đời nhất của loài người - ít nhất 11.000 năm tuổi - được xây dựng vào thời điểm mà các nhà khoa học cho rằng con người chưa phát triển nông nghiệp.

Nhà khảo cổ học Ian Hodder của Đại học Stanford nói với Smithsonian rằng các cấu trúc thời tiền sử ở Gobekli Tepe, Thổ Nhĩ Kỳ, có thể thay đổi cách nhìn nhận của khoa học về người tiền sử.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
( Teomancimit /CC BY-SA 3.0)

Schmidt nói trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Red Ice Creations: “Niên đại là rõ ràng, không có gì phải nghi ngờ về điều đó". Với sự kết hợp của việc xác định niên đại bằng carbon và sử dụng tuổi của các cấu trúc xung quanh, Schmidt tin rằng Gobekli Tepe ít nhất đã 11.000 năm tuổi.

Ông nói: “Sự thật đáng kinh ngạc là chúng ta không ngờ rằng một xã hội săn bắn hái lượm lại có thể vận chuyển những khối cự thạch như vậy".

Với radar xuyên đất, Schmidt và nhóm của ông đã xác định rằng ít nhất 16 vòng cự thạch nữa vẫn nằm dưới lòng đất trải rộng 22 mẫu Anh, theo bài báo năm 2008 của Smithsonian. Thậm chí 50 năm nữa, việc đào bới có thể vẫn chưa kết thúc.

Khắc trên các tảng cự thạch là hình ảnh của kền kền, thủy cầm, nhện và các sinh vật khác.

3. Đài tưởng niệm Yonaguni, Atlantis của Nhật Bản

Một số người tin rằng nó được xây dựng cách đây hơn 8.000 năm, trước thời kỳ băng hà cuối cùng, một công trình kiến ​​trúc bằng đá khổng lồ ngoài khơi đảo Yonaguni của Nhật Bản đã được coi là bằng chứng cho thấy một nền văn hóa tiên tiến đã phát triển hàng nghìn năm trước khi sách giáo khoa hiện hành đề cập.

Sau khi nó được một thợ lặn phát hiện vào năm 1987, nhà báo người Anh Graham Hancock và Giáo sư Masaaki Kimura của Đại học Ryukyus ở Okinawa đã kiểm tra cấu trúc này. Cả hai đều đồng ý rằng con người đã xây dựng nó từ đầu hoặc sửa đổi sự hình thành tự nhiên để tạo ra cấu trúc này.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
( Melkov /CC0)

Hancock nói với BBC: “Trông nó giống như một đài tưởng niệm. Nó có những tính năng rất kỳ lạ. Nó mang tất cả các dấu hiệu của một di tích được thiết kế để dùng cho nghi lễ hoặc tôn giáo”.

Schoch, cũng là người hoài nghi đã bình luận về Kim tự tháp Bosnia, không đồng ý. Ông ấy nói với BBC rằng “một phần của nó trông giống như là nhân tạo”, nhưng đá tách ra một cách tự nhiên có thể là nguyên nhân hình thành của nó. Ông nói rằng: “Cấu trúc bí ẩn này đáng được xem xét chi tiết hơn”.

4. Biển hồ Galilee, Israel

Dưới đáy hồ Kinneret của Israel, còn được gọi là Biển hồ Galilee, có một cấu trúc đồ sộ, bí ẩn có thể hơn 9.500 năm tuổi.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
(Alisa_Ch/Shutterstock)

Dani Nadel, một nhà khảo cổ học tại Đại học Haifa, đã nghiên cứu khám phá này. Ông ấy nói với FOX: “Nó rất bí ẩn, rất thú vị, nhưng điểm mấu chốt là chúng ta không biết nó đến từ đâu, chúng ta không biết nó được kết nối với cái gì, chúng ta không biết chức năng của nó. Chúng ta chỉ biết nó ở đó, rất to lớn và khác thường”.

Có thể tốn hàng trăm ngàn đô la để khai quật địa điểm này, hãng tin đưa tin.

5. Con đường Bimini

Con đường Bimini lần đầu tiên được phát hiện ngoài khơi bờ biển Bahamas vào năm 1968. Có hai nhóm các nhà khoa học đã tranh luận với nhau về việc cấu trúc dưới nước này là tự nhiên hay nhân tạo.

Một phe bác bỏ sự hiểu biết thông thường rằng nền văn minh tiên tiến đã xuất hiện cách đây khoảng 5.000 năm và tuyên bố “con đường” dưới nước 12.000-19.000 năm tuổi là do con người tạo ra.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Đường Bimini. (FtLaud/Shutterstock)

Nhóm khác thì cho rằng đó là sự hình thành tự nhiên.

Tiến sĩ Greg Little, nhà tâm lý học trở thành nhà thám hiểm, cùng với nhà khảo cổ học William Donato, đã thực hiện nhiều cuộc lặn được ghi lại tại địa điểm này.

Donato giải thích qua email cho The Epoch Times rằng hàng rào đá tạo thành đê chắn sóng, được xây dựng để bảo vệ khu định cư thời tiền sử khỏi tác động của sóng. Trong quá trình lặn, Donato và Little nhận thấy cấu trúc này có nhiều tầng và bao gồm những tảng đá chống đỡ mà họ cho rằng phải do con người đặt ở đó.

Họ nói thêm rằng họ đã tìm thấy những viên đá neo với các lỗ dây thừng được khoét vào và ít nhất một viên đá, sau đó được phân tích tại Đại học Colorado, được phát hiện có dấu vết của công cụ, hình dạng có chủ ý, hao mòn chức năng và các đặc điểm xói mòn tương tự như các bậc thang.

Little đã viết trong một bài báo năm 2005 rằng phân tích kích hoạt neutron so sánh đá bờ biển gần đó với đá của Bức tường Bimini, tiết lộ rằng đá của Bức tường có ít nguyên tố vi lượng hơn, cho thấy chúng được hình thành ở nơi khác và được vận chuyển đến vị trí đó.

Tiến sĩ Eugene Shinn, một nhà địa chất đã nghỉ hưu, người đã làm việc cho Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ trong 30 năm, thì cho rằng con đường Bimini được tạo thành từ “đá bãi biển” - nơi khí hậu địa phương khiến cát và các vật liệu khác trên bờ biển kết dính thành đá tương đối nhanh chóng - đã bị bao phủ bởi nước khi mực nước biển dâng cao.

Tác giả: Tara MacIsaac - The Epoch Times

Thanh Hương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

5 tàn tích cổ đại bí ẩn có thể chứng minh các nền văn minh tiên tiến từng tồn tại trong thời tiền sử