Bệnh viện Ấn Độ làm lễ cầu thần linh, người Việt tại Ấn lao đao giữa 'sóng thần' Covid-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thừa nhận làn sóng lây nhiễm thứ 2 đang làm rung chuyển quốc gia này. Mọi biện pháp khẩn cấp được đưa ra như sử dụng các đoàn tàu hỏa, máy bay để vận chuyển oxy, các bệnh viện thậm chí làm lễ cầu thần linh… Riêng đại sứ quán Việt Nam đang cố gắng giúp đỡ tối đa những người Việt tại Ấn.

Theo công bố ngày 25/4, Ấn Độ có thêm 349.691 ca nhiễm mới và 2.767 ca tử vong trong 24 giờ qua. New Delhi quyết định gia hạn thêm 1 tuần lệnh phong tỏa tại thành phố này nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Để nhanh chóng vận chuyển các bình oxy tới bệnh viện, chính phủ Ấn Độ đã sử dụng các đoàn tàu hỏa, máy bay của lực lượng không quân, và cả xe tải; đồng thời đưa ra biện pháp xóa bỏ thuế quan đối với những mặt hàng liên quan tới cung cấp khí oxy. Song cuộc khủng hoảng của quốc gia có gần 1,4 tỷ dân này trở nên càng trầm trọng do các bệnh viện đã quá tải, giường bệnh không còn, thuốc men và nguồn cung oxy cũng đã cạn kiệt.

Tòa án cấp cao ở Delhi đưa ra lời cảnh báo sẽ “treo cổ” bất cứ ai có hành động ngăn cản hoạt động vận chuyển các bình oxy khẩn cấp, khi có thông tin chính quyền các địa phương đang cố tình tranh giành để đưa bình oxy tới những bệnh viện nằm trong khu vực quản lý.

Bệnh viện làm lễ ‘cầu thần linh’

Trong tình hình căng thẳng như vậy, một bệnh viện ở thành phố Ahmedabad của Gujarat đã quyết định cầu thần linh phù hộ, trong khi ở phía bên ngoài bệnh viện là hàng trăm xe cấp cứu chở bệnh nhân dương tính với Covid-19 đang rồng rắn nối đuôi nhau. Hình ảnh đã được dân mạng Ấn Độ chia sẻ vào đầu tuần trước.

Cụ thể, bệnh viện được nhắc tới ở trên là bệnh viện Dân sự của thành phố Ahmedabad, với sức chứa 1.200 giường bệnh và là cơ sở lớn nhất của thành phố này được chuẩn bị về cơ sở vật chất để đối phó với đại dịch.

Theo đoạn video được dân mạng chia sẻ, các tu sĩ đã tập trung quanh "lửa thiêng" trong khuôn viên bệnh viện và tụng những câu chú bằng tiếng Phạn để cầu nguyện cho dịch bệnh COVID-19 tan biến.

Một bệnh viện ở bang Gujarat, Ấn Độ đã mời thầy về làm lễ, cầu xin thần giúp đỡ trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần 2 này.

Một số người cảm thấy lo lắng, hoang mang khi xem clip, nhưng một số khác tỏ ý ủng hộ việc tổ chức nghi lễ cầu nguyện; họ cho rằng bất cứ điều gì mang lại sự yên bình (trong tâm trí) trong thời điểm khó khăn này đều có thể được cân nhắc, theo Sputnik.

Tình hình người Việt tại Ấn ra sao?

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tăng mạnh tại Ấn Độ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cho biết đã đưa gần hết người Việt về nước và tiếp tục hỗ trợ khoảng 100 người còn ở lại.

Tham tán Đỗ Thanh Hải của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cho biết cộng đồng người Việt tại Ấn Độ có hơn 1.000 người sống rải rác ở nhiều bang và thành phố.

Người Việt tại đây đối mặt với nhiều khó khăn như nguy cơ mắc bệnh tăng rất cao, nếu mắc bệnh thì nguy cơ bị bệnh nặng hoặc tử vong rất cao do hệ thống y tế của Ấn Độ bị quá tải. Điều kiện sống, đi lại, mua các nhu yếu phẩm trong đại dịch cũng khó khăn, bên cạnh những sức ép về tâm lý mà người Việt phải đối mặt.

Ông Hải cho biết Đại sứ quán đã tổ chức 6 chuyến bay đưa gần 1.000 người Việt về nước và hiện còn khoảng 100 người ở lại.

Một người Việt sống tại Ấn Độ cho biết chị vẫn tích trữ các loại thuốc men cơ bản, trong đó có Vitamin C và một số loại thuốc thảo dược tăng sức đề kháng nội địa của Ấn. Ngoài ra, chị thường chọn thực phẩm và thanh toán online qua app, người giao hàng mang tới tận nơi. Để tránh tiếp xúc thì hầu hết các gia đình quanh khu ở đều để thùng, rổ ngoài cửa cho người giao hàng bỏ đồ vào, rồi sau đó lấy thực phẩm vào và rửa sạch sẽ trước khi cho vào tủ lạnh.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã chứng kiến những cảnh tượng ám ảnh ở Ấn Độ trước 'cơn sóng thần' Covid-19 (Ảnh tổng hợp)
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã chứng kiến những cảnh tượng ám ảnh ở Ấn Độ trước 'cơn sóng thần' Covid-19 (Ảnh tổng hợp)

Sự bùng phát như sóng thần của Covid-19 lần này khiến bao người dân lao động Việt tại Ấn lao đao, nhiều người bất chấp dịch bệnh để ra ngoài kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình, bao người mất việc do khủng hoảng kinh tế từ dịch bệnh.

Tuy nhiên, người lập ra và điều hành nhóm facebook "Người Việt tại Ấn" từ năm 2014, chị Vũ Thị Hòa nhìn mọi thứ khá bình tĩnh. Chị cho biết Ấn Độ có phong tục thiêu người chết, không sử dụng quan tài cho người chết, nên những hình ảnh thiêu người tử vong do Covid-19 trong bối cảnh này càng gây cảm giác dễ lo sợ.

Chị cho rằng con số người nhiễm ở Ấn Độ cao nhưng tỷ lệ hồi phục cũng cao. Ví dụ con số ngày 25/4 là hơn 367 ngàn người nhiễm, nhưng số người chết là khoảng hơn 2.700 người, nghĩa là tỷ lệ tử vong chưa đến 0,01% - thấp hơn hẳn Châu Âu trong đợt cao điểm dịch.

Trong nhóm facebook "Người Việt tại Ấn", chị Hòa đã đăng bài trấn an cộng đồng. Tình hình dịch bệnh rất đáng lo ngại, nhưng chị luôn khuyến cáo cộng đồng chớ chủ quan song cũng đừng hoang mang, và nhất là dịp lễ 30/4 – 1/5 tới không nên tụ tập đông người.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Bệnh viện Ấn Độ làm lễ cầu thần linh, người Việt tại Ấn lao đao giữa 'sóng thần' Covid-19