Câu chuyện về món đồ cũ và những ký ức khó 'ngủ yên'

Giúp NTDVN sửa lỗi

(Radio) - Nếu bạn đang khổ sở tiếc nuối vì phải bán nhà, bán xe, hay rời xa một món đồ đã gắn bó với bạn suốt một thời tuổi trẻ, hy vọng bài viết nhỏ này của Jeff Minick - nhà văn, nhà thơ có bề dày kinh nghiệm hơn 20 năm làm công tác giáo dục tại Front Royal, Virginia, Hoa Kỳ sẽ giúp bạn có một cách nhìn mới rộng mở, khoáng đạt, và tích cực hơn.

Ngay cả khi người phụ nữ chưa bước ra khỏi xe, tôi đã có linh cảm trước đó bà đã khóc. Có lẽ bởi tôi thấy bà tắt máy, ngồi lặng một hồi trong xe, tay đặt trên vô lăng, mắt nhìn chăm chăm vào khoảng không trước mặt qua cặp kính râm.

6h sáng, tôi và con gái rời Front Royal, Virginia lên đường tới Gettysburg, Pennsylvania để nhận chiếc xe tải 12 chỗ mới mua của một gia đình có 5 người con nay đã trưởng thành.

Đúng là bà ấy đã khóc. Trong khi ông chồng tươi cười bước ra từ một chiếc xe khác, chào chúng tôi, thì vẻ mặt của bà vợ lại rất căng thẳng, khổ sở, giọng bà ấy nghẹn lại: “Mong bác và cô đừng cười. Với tôi chiếc xe này không đơn thuần là phương tiện đi lại. Nó lưu giữ biết bao kỷ niệm của gia đình. Không chỉ để phục vụ đưa đón bọn trẻ, nó giúp chúng tôi chở những chiếc thuyền kayak và các vật dụng khi đi cắm trại, còn chuyên chở vật liệu xây dựng sửa sang căn nhà của chúng tôi nữa. Chiếc xe này gắn liền với ký ức, là một phần quá đỗi thân thuộc của gia đình chúng tôi”.

Tôi hiểu sự nguy hiểm của việc quá coi trọng vật chất. Chiếc máy tính xách tay hiệu Mac của tôi là một ví dụ. Nó là vật dụng được tôi giữ gìn rất cẩn trọng. Đặc biệt sau lần không may bị nước vào, tôi không cho cháu tôi động vào nữa, còn cài đặt cả phần mềm chống trộm... Mặc dù đánh giá cao những giá trị hữu hiệu nó mang lại trong việc viết lách, giải trí, tiếp cận và trao đổi thông tin nhưng tôi tuyệt nhiên không ràng buộc bởi nó, bởi tôi hiểu nó đơn giản là một đồ vật. Khi đến lúc cần thay, tôi sẽ chẳng bận tâm.

Nhưng rõ ràng có những vật dụng tuy không giá trị về mặt vật chất, nhưng thực sự có ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống cá nhân chúng ta.

Lướt qua một lượt đồ đạc bài trí trong căn nhà của chúng tôi, cái này bằng kim loại, cái kia bằng gỗ, sơn dầu, hay bằng nhựa, chúng đều ẩn chứa những câu chuyện, những kỷ niệm, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống gia đình.

Một món đồ ẩn chứa một câu chuyện (Ảnh: Congerdesign/ Pixabay)

Ba mươi bảy năm trước, vợ tôi tặng tôi chiếc bàn làm việc này. Nó dài 1.8m, là loại được thiết kế có nắp cuộn, nhưng khi mua đã không có nắp. Chiếc bàn đã cũ, đã thế chúng tôi còn phải cưa làm đôi để lọt qua cửa ra vào. Bất kể ai cũng có thể bình phẩm chê bai kích cỡ kỳ dị của nó, duy chỉ tôi mới cảm được vẻ đẹp của món đồ tri kỷ này.

Rải rác trên các bức tường trong nhà treo các tác phẩm tranh sơn dầu và màu nước của cha tôi. Tất nhiên chúng sẽ chẳng bao giờ được mang bán đấu giá tại sàn Sotheby danh tiếng. Cha tôi là một bác sĩ, ông vẽ đơn giản vì đam mê hội họa. Nhưng với tôi chúng là kỷ vật quý giá, bởi mỗi khi ngắm nhìn chúng tôi thấy hình bóng cha mình cặm cụi rất khuya bên giá vẽ.

Phía sau lưng tôi là căn phòng làm việc của mẹ. Các giá sách, hộc tủ, một cái bàn đơn sơ nơi hàng ngày bà ngồi ghi chép sổ sách chi tiêu và viết thư cho gia đình, bạn bè.

Cây gậy dựng trong góc phòng là của cụ bà Sue Willard Lindsey. Bà là hàng xóm nhà tôi, sống độc thân và đã qua đời ở tuổi 100, cách đây đúng hai thập kỷ. Cây gậy, giờ đã hơn một trăm năm tuổi là của cụ thân sinh ra bà, một cựu chiến binh trong cuộc Nội chiến. Mỗi khi nhìn vào cây gậy nhiều mấu có đầu bọc kim loại ấy tôi lại nhớ đến bà.

Chiếc bình thủy tinh pha chế rượu đặt trên bàn mẹ tôi kia vẫn thường gợi lại những ký ức của các buổi tiệc tùng linh đình mà vợ chồng tôi thường hay tổ chức thết đãi bạn bè khắp nơi ở Waynesville, Bắc Carolina.

Đây nữa, chiếc hộp xếp hình của hãng Lincoln Logs đã gắn bó với tôi suốt thời thơ ấu, giờ là món đồ chơi yêu thích của cháu tôi. Ngày nhỏ vào những chiều đông giá rét, tôi, anh trai Doug và Allen bạn tôi thường say mê xây pháo đài bằng những mảnh gỗ ghép kỳ thú này dưới tầng hầm.

Còn chiếc bình đựng bánh quy có hình công chúa Raggedy Ann trên kệ kia gợi kỷ niệm ngày đầu hẹn hò với vợ tôi bây giờ ở Boston. Chúng tôi ngồi bên nhau trong một quán cà phê, ở đó chiếc bình được bày như một vật trang trí. Sau khi nghe Kris kể rằng hồi bé cô ấy mê Raggedy Ann đến cỡ nào, tôi đã bí mật quay lại cửa hàng, thuyết phục người chủ bán lại cho tôi đúng chiếc bình đó. Đó cũng là món quà đầu tiên tôi tặng cho cô ấy, nó thấm đẫm tình yêu, nhiệt huyết, tuổi trẻ, đam mê của chúng tôi. Sau này cả bốn đứa con của chúng tôi đều thích đựng bánh socola của chúng trong chiếc bình này.

Trải qua các thời đại, các nhà triết học, tiên tri và các nhà thần học đã cảnh báo chúng ta về sự nguy hiểm của chủ nghĩa duy vật và các chấp trước sai lầm của con người đối với của cải vật chất ở nhân gian. Chung quy lại, họ cho chúng ta biết, tất cả mọi tài sản mà chúng ta có trên thế gian đều là vô nghĩa, giống như chúng ta, rồi cũng sẽ trở về với cát bụi.

Quay lại với câu chuyện về người phụ nữ bán chiếc xe 12 chỗ ngồi.

Những người đi qua bãi đậu xe ở Gettysburg gật đầu chào bốn người chúng tôi, chẳng ai đoái hoài gì đến chiếc xe. Nếu có, họ chỉ đơn giản thấy một chiếc xe màu trắng 12 chỗ.

Với người phụ nữ đeo kính râm chiếc xe được nhìn dưới một lăng kính khác. Kỷ niệm ùa về trong tâm trí bà, những cuộc trò chuyện, hàn huyên, những dặm đường, nơi chốn gia đình họ đã ghé thăm, khó khăn họ đã vượt qua, tình yêu đã chia sẻ cho nhau… tất cả đều gắn liền với chiếc xe này.

Tất nhiên bà có quyền khóc. Từ một phương diện khác, tôi nghĩ bà khóc không chỉ vì mất đi một kỷ vật, hơn thế bà đang trải nghiệm sự trôi chảy vô tình của thời gian. Nó cuốn theo tuổi thanh xuân, những kỷ niệm quá khứ, khiến bà có cảm giác mất đi cả một giai đoạn đẹp đẽ huy hoàng nhất của cuộc đời.

(Ảnh: Annazuc/ Pixabay)

Tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện: “Bạn không thể mang nó theo”.

Một ông nhà giàu muốn mang tài sản của mình lên thiên đường sau khi chết. Ông hết mực cầu xin Chúa ban cho mình đặc ân này. Rốt cuộc, một thiên sứ xuất hiện và bảo rằng ông ta có thể mang theo bất cứ thứ gì ông muốn lên thiên đường. Sung sướng vô bờ, ông vội vàng bán hết tài sản, đổi ra vàng, nhét tất cả vào 3 cái túi da, rồi yên tâm nhắm mắt xuôi tay.

Chất 3 túi vàng lặc lè trên lưng, trải qua một hành trình tưởng như kéo dài vô tận, cuối cùng ông cũng đến được Thiên giới. Nhanh chóng đặt “huỵch” từng túi vàng trước mặt Thánh Peter - vị Thần cai quản Thiên giới, ông xin được bước vào cổng Thiên Đường. “Ồ, ông không được mang theo bất kể thứ gì lên đây”, Thánh Peter nhẹ nhàng nói với ông. Nín thở, ông lão đáp: “Nhưng con đã được cho phép, thưa Ngài”. Rà soát sổ sách một lượt, Thánh Peter gật đầu xác nhận và bắt đầu mở túi, cầm lấy một thỏi vàng, rồi rất ngạc nhiên hỏi: ”Ông mang đá lát đường lên đây sao?”...

Quả thực, hầu hết chúng ta đều bị dính mắc vào của cải vật chất và dục vọng nơi thế gian. Bằng cách tạo cho chúng ta tâm lý được sở hữu, chúng dần dần xâm chiếm tâm trí chúng ta, thấm đẫm trái tim và khối óc chúng ta, khiến chúng trở thành một phần máu mủ của chúng ta. Thật sai lầm khi cuối cùng chính chúng ta lại trở thành nô lệ của những thứ dục vọng mà chúng ta bám víu.

Câu chuyện về người phụ nữ với chiếc xe 12 chỗ và của chính bản thân tôi có thể sẽ giúp bạn khách quan hơn khi đối diện với những trải nghiệm tương tự trong cuộc sống. Những kỷ vật gia đình tuy đáng quý, nhưng rốt cuộc cũng chỉ là những vật dụng cần thiết cho chúng ta trong một giai đoạn nhất định trong cuộc đời. Hãy nghĩ về chúng như những niềm vui giản đơn, thay vì mãi đeo đẳng cảm giác mất mát.

Cũng thế, tiền tài, danh vọng chỉ là những vật ngoài thân, sẽ trở thành vô nghĩa khi chúng ta tạm biệt cõi đời này. Hãy tập coi nhẹ những giá trị vật chất và những chuyện đã qua; đó cũng là chìa khoá giúp chúng ta có một cuộc sống hiện tại an nhiên và hạnh phúc.

Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Câu chuyện về món đồ cũ và những ký ức khó 'ngủ yên'