Câu nói "Giường 7, quan tài 8, bàn 9" có ý nghĩa gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người xưa có câu nói "Giường 7, quan tài 8, bàn 9", hiện nay chúng ta cảm thấy khó hiểu, không biết nó mang ý nghĩa gì. 

Đối với nghề thợ mộc, người xưa thường tuân theo một số quy tắc bất thành văn. Khi đo kích thước để làm giường, số lẻ cuối nhất định là số "7", khi làm quan tài, kích thước nhất định là số “8", khi làm bàn, số lẻ cuối của chiều dài nhất định là số “9”. Tại sao lại như vậy?

Giường 7

Số 7 theo nguyên lý âm dương là số dương. Những đồ dùng cho cuộc sống con người trên dương thế, thường lấy số lẻ, số dương là như thế.

Trong tiếng Hán, chữ số 7 đọc là “Thất”, ngụ ý “yên bề gia thất”, hơn nữa nó có cách đọc gần giống với chữ "Thê" (tức là người vợ), hình ảnh chiếc giường thể hiện hạnh phúc lứa đôi, trong hạnh phúc lứa đôi thì không thể thiếu đi hình bóng của người vợ. Vợ chồng cần phải gắn bó với nhau đến già, cuộc sống mới hạnh phúc viên mãn. Bởi vậy, giường không rời 7 cũng thể hiện sự mong mỏi của người xưa về hạnh phúc lứa đôi. Thế nên khi trai khôn lấy vợ, gái lớn gả chồng, mưu cầu cuộc sống lứa đôi hạnh phúc, yên bề gia thất:

Đào tơ mơn mởn xinh tươi,
Hoa hồng đơm đặc dưới trời xuân trong.
Hôm nay nàng đã theo chồng,
Nên bề gia thất ấm nồng thuận vui.
- Kinh Thi - Tạ Quang Phát dịch.

Quan tài 8

Số 8 theo thuyết âm dương của người xưa thuộc về số âm, do đó, những đồ dùng cho người quá cố, người âm, thường lấy số âm. Tuy nhiên câu nói "Quan tài 8" này còn bắt nguồn từ một câu chuyện thú vị thời xưa.

Có hai sĩ tử nọ cùng nhau đến Kinh thành tham dự kỳ thi. Một buổi sáng nọ, họ mở cửa ra và nhìn thấy người khiêng một chiếc quan tài qua đường. Một chàng sĩ tử thấy vậy liền cảm thấy vô cùng hoảng sợ, cho rằng đây là điềm xui, chàng sĩ tử kia lại cảm thấy rất vui mừng, bởi vì cậu cho rằng, quan tài chính là "kiến quan phát tài" (tức là thăng quan, phát tài). Sau này, quả nhiên chàng sĩ tử vui mừng khi nhìn thấy quan tài đó đã thi đỗ, còn chàng sĩ tử cho là điềm xui thì thi trượt

Ngày xưa, kích thước của quan tài được quy định là 8 thước, hơn nữa trong phát âm tiếng Hán, số 8 (bát) gần giống với chữ "phát" (tức là phát tài), biểu thị cho thế hệ tương lai sẽ phát tài.

Bàn 9

Cuối cùng là vế "Bàn 9", số 9 (cửu) có âm gần giống với chữ “tửu” trong tiếng Hán (nghĩa là rượu). Người xưa ở nông thôn thường hiếu khách, họ luôn muốn thể hiện sự thân thiện và nhiệt tình của mình, họ thường mang rượu ngon ra tiếp đãi khách quý: “Rượu ngon phải có bạn hiền”.

Hơn nữa, trong kích thước của bàn cũng thường có số 9, điều này chứa đựng hy vọng của gia chủ về cảnh tượng khách khứa sẽ đầy nhà. Đối với người ở nông thôn mà nói, bàn to và đủ rộng, trong nhà sẽ có nhiều người ghé thăm, đó cũng là thể hiện của một gia đình hưng vượng, phát tài.

Ngoài ra số 9 âm Hán là Cửu, đồng âm với chữ Cửu - trường cửu, lâu dài, nên cũng ngụ ý tình bạn lâu bền, hưng vượng lâu dài. Và theo thuyết âm dương, số 9 cũng là một số dương, phù hợp với những đồ dùng ở dương trạch.

Câu nói của người xưa "Giường 7, quan tài 8, bàn 9" thể hiện niềm khao khát của con người về cuộc sống tốt đẹp hơn, cũng thể hiện trí huệ và sự mong mỏi của những người dân chất phác.

Gia Hân

Tổng hợp từ Aboluowang và một số nguồn khác



BÀI CHỌN LỌC

Câu nói "Giường 7, quan tài 8, bàn 9" có ý nghĩa gì?