Lễ nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc: Cựu Tổng thống Moon Jae-in có thoát khỏi lời nguyền?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Hàn Quốc - Yoon Suk-yeol được bầu bắt đầu nhậm chức tổng thống vào lúc 0 giờ sáng ngày 10 tháng 5 năm 2022. Sau khi ông lên nắm quyền, cuộc đấu tranh chính trị trong nước ở Hàn Quốc có thể còn gay gắt hơn nữa, và việc liệu Tổng thống tiền nhiệm Moon Jae-in có thể thoát khỏi "lời nguyền Thanh Ngõa Đài" hay không, đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Lễ nhậm chức Tổng thống thứ 20 của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol được tổ chức vào ngày 10/5, và hơn 300 khách nước ngoài, trong đó có 143 phái viên ngoại giao tại Hàn Quốc tham dự.

Douglas Emhoff, chồng của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, đã dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ tới Hàn Quốc, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cũng tham dự buổi lễ.

Trước đây, Mỹ thường cử các quan chức như ngoại trưởng hay cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống tới dự lễ nhậm chức của tổng thống Hàn Quốc. Việc bổ nhiệm Douglas có thể là do Tổng thống Hoa Kỳ Biden sẽ thăm Hàn Quốc vào ngày 20 tháng 5, và gặp gỡ với ông Yoon Suk-yeol. Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan sẽ đi cùng ông Biden, nên nhận định rằng việc cử thêm hai người nữa là điều bất tiện.

Ông Vương Kỳ Sơn thay mặt phía Trung Quốc tham dự buổi lễ. Theo thông lệ trước đây, ĐCSTQ thường cử quan chức cấp phó thủ tướng đến dự lễ nhậm chức của tổng thống Hàn Quốc, lần này quy cách cao hơn những lần trước. Ủy ban chuẩn bị cho lễ nhậm chức của Tổng thống Hàn Quốc đã liệt ông Vương Kỳ Sơn vào cấp thượng đỉnh. Có thông tin cho rằng, ông Vương Kỳ Sơn sẽ chuyển đến ông Yoon Suk-yeol một thông điệp từ tông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Từ ngày 9/5, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi Yoshimasa sẽ có chuyến thăm hai ngày tới Hàn Quốc, với tư cách là đặc phái viên của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Vào ngày 10, ông tham dự lễ nhậm chức của ông Yoon Suk-yeol, và gặp gỡ ông Yoon Suk-yeol để truyền tải thông tin về quan hệ Nhật - Hàn của ông của Fumio Kishida. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Nhật Bản tới Hàn Quốc sau gần 4 năm kể từ tháng 6/2018.

Liệu Tổng thống tiền nhiệm Moon Jae-in sau khi kết thúc nhiệm kỳ có thoát khỏi "Lời nguyền Thanh Ngõa Đài" hay không?

Việc chính phủ mới xử lý người tiền nhiệm gần như đã trở thành thông lệ khi các chế độ thay đổi ở Hàn Quốc.

Ông Moon Jae-in, người tiền nhiệm của ông Yoon Suk-yeol, chính thức từ chức Tổng thống Hàn Quốc vào ngày 9/5. Đối mặt với ông Yoon Suk-yeol, người đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng, ông sẽ điều tra các cáo buộc chống lại chính phủ Moon Jae-in. liệu ông Moon Jae-in có thể thoát khỏi "lời nguyền Thanh Ngõa Đài" đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

Khi ông Yoon Suk-yeol được hỏi trong một cuộc phỏng vấn của truyền thông Hàn Quốc "Central Daily News" vào ngày 9 tháng 2 năm nay, liệu sẽ có giống chính quyền Moon Jae-in thời kỳ đầu, điều tra tham nhũng đối với chính quyền tiền nhiệm hay không, ông Yoon Suk-yeol trả lời khẳng định. Nhưng ông nói rằng, với tư cách là tổng thống, ông sẽ không can thiệp vào quá trình điều tra. Ông nói: "Cuộc điều tra của chính phủ hiện tại đối với chính phủ tiền nhiệm là phù hợp với hiến pháp và các nguyên tắc. Lẽ nào cuộc điều tra của chính phủ hiện tại về hành vi gian lận của chính phủ tiền nhiệm lại là sự trả đũa? Mọi thứ phải được thực hiện theo đúng thủ tục".

Đối với những nhận xét của ông Yoon Suk-yeol, ông Moon Jae-in tỏ ra tức giận, và yêu cầu ông Yoon Suk-yeol xin lỗi. Ông Moon Jae-in cho bày tỏ vào ngày 10 tháng 2 rằng, liệu ông Yoon Suk-yeol khi giữ chức vụ tổng trưởng kiểm sát, kiểm sát trưởng trung ương và địa phương, thấy rõ tham nhũng của chính quyền mà coi như không hay biết, hay là ông ấy muốn nhân danh điều tra để ngụy tạo tội danh, ông ấy nên nói rõ.

Moon Jae-in và Kim Jong Un tại cuộc gặp thượng đỉnh ngày 20/9/2018. (Pyeongyang Press Corps / Pool / Getty Images)

Ông Yoon Suk-yeol, 61 tuổi, sinh ra tại Seoul, Hàn Quốc, trước khi bước chân vào chính trường Hàn Quốc, ông đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong hệ thống kiểm sát.

Sau khi ông Moon Jae-in lên nắm quyền, ông Yoon Suk-yeol được bổ nhiệm làm người đứng đầu Viện kiểm sát trung ương và địa phương Seoul. Trong các hành động của ông Moon Jae-in chống lại chính phủ tiền nhiệm, ông Yoon Seok-yue đã đích thân xử lý vụ án tham nhũng của tay chân cựu Tổng thống Park Geun-hye, và vụ án tham nhũng của cựu Tổng thống Lee Myung-bak, tống hai cựu tổng thống Hàn Quốc vào tù, và có công lao lớn chống tham nhũng cho chính quyền Moon Jae-in. Ông Yoon Suk-yeol cũng được ông Moon Jae-in đánh giá cao, và được bổ nhiệm làm Tổng trưởng kiểm sát vào năm 2019.

Tuy nhiên, do kiên quyết điều tra nhiều nhân vật chủ chốt của đảng cầm quyền của ông Moon Jae-in, chẳng hạn như Cho Kuk, cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Hàn Quốc, quan hệ giữa ông Yoon Suk-yeol với ông Moon Jae-in và đảng cầm quyền ngày càng xa cách. Đặc biệt, bà Choo Mi-ae, người kế nhiệm ông Cho Kuk, đã mở một cuộc điều tra về quyền chỉ huy của ông Yoon Suk-yeol, và giao ông cho ủy ban kỷ luật. Rạn nứt giữa ông Yoon Suk-yeol và đảng cầm quyền ngày càng sâu sắc.

Vào tháng 3 năm 2021, ông Yoon Suk-yeol từ chức Tổng trưởng kiểm sát. Ngày 29 tháng 6, ông Yoon Suk-yeol đã tổ chức một cuộc họp báo tại Seoul, chính thức tuyên bố ứng cử tổng thống.

"Lời nguyền Thanh Ngõa Đài" là gì?

Thanh Ngõa Đài là nơi ở chính thức của Tổng thống Hàn Quốc, tọa lạc tại thành phố đặc biệt Seoul, Hàn Quốc, nguyên là Ly Cung của Vương triều Cao Ly, Trong hơn trăm năm thời kỳ Cao Ly dưới sự trị vì của dòng họ Lee (Lý), nó là một phần của khu hoa viên của cung điện hoàng gia, Cảnh Phúc Cung.

Năm 1910, quân đội Nhật Bản chiếm bán đảo Triều Tiên, và Thanh Ngõa Đài được sử dụng làm nơi ở chính thức của tổng đốc Nhật Bản. Sau khi thành lập Đại Hàn Dân Quốc vào năm 1948, Tổng thống Lee Seung-man khi đó đã lấy chữ Cảnh của Cảnh Phúc Cung, và chữ Vũ của Thần Vũ Môn đặt tên cho nó là "Cảnh Vũ Đài".

Sau khi chế độ Lee Seung-man (Lý Thừa Vãn) bị lật đổ vào ngày 19 tháng 4 năm 1960, Yun Bo-seon (Doãn Phổ Thiện) được bầu làm tổng thống, và sống ở Cảnh Vũ Đài. Không lâu sau, vì Yun Bo-seon kiêng kỵ chữ Vũ, và phỏng theo Tòa Bạch Ốc của Mỹ, ông đã đổi tên Cảnh Vũ Đài thành Thanh Ngõa Đài.

Tòa nhà Tổng thống Hàn Quốc là Thanh Ngõa Đài, còn gọi là Nhà Xanh, được cho là có phong thủy xấu. (Ảnh: wikipedia/ CC BY SA 3.0)

Thanh Ngõa Đài không chỉ chứng kiến ​​những biến động lịch sử hàng nghìn năm của Bán đảo Triều Tiên, mà còn chứng kiến ​​kết cục bi thảm của nhiều đời tổng thống, kể từ khi Hàn Quốc dân chủ hóa. Ngoại trừ Moon Jae-in, 11 tổng thống của Hàn Quốc kể từ năm 1948 đều không có kết cục có hậu. Họ hoặc thân bại danh liệt, hoặc bị bỏ tù, hoặc bị giết, khiến tổng thống Hàn Quốc trở thành một nghề có độ rủi ro cao nổi tiếng thế giới. Vì vậy, trong dân gian Hàn Quốc có lưu truyền rằng "phong thủy của Thanh Ngõa Đài không tốt".

Là một phần then chốt của "Lời nguyền Thanh Ngõa Đài", " văn hóa xử lý" cũng trở thành chìa khóa để tổng thống đương nhiệm của Hàn Quốc lật đổ người tiền nhiệm. Trong những năm qua, các đảng phái chính trị của Hàn Quốc luôn cạnh tranh gay gắt, các tổng thống mới và các phe phái thường xử lý các chính quyền tiền nhiệm như là một cách để xây dựng uy tín của họ.

Vì mỗi cựu tổng thống Hàn Quốc khi sống trong Thanh Ngõa Đài đều sẽ gặp "tai nạn", nên người ta còn gọi đùa hiện tượng này là "Lời nguyền Thanh Ngõa Đài".

Các đời tổng thống Hàn Quốc đều có tuổi già thê lương

Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, Lee Seung-man, đã thành lập Đại Hàn Dân Quốc, và giữ chức tổng thống Hàn Quốc trong ba nhiệm kỳ liên tiếp. Năm 1960, ông buộc phải từ chức vì thao túng cuộc bầu cử phó tổng thống, dẫn đến biểu tình quy mô lớn và đổ máu.

Yun Bo-seon là người kế vị Lee Seung-man, nhưng bị Park Chung-hee (Phác Chính Hi) đảo chính đoạt quyền chỉ một năm sau đó. Trên danh nghĩa vẫn là tổng thống, nhưng trên thực tế quyền lực đã được kiểm soát bởi Park Chung-hee. Vào ngày 23 tháng 3 năm 1962, Yun Bo-seon bị buộc phải từ chức.

Park Chung-hee có thời gian cầm quyền lâu nhất, làm tổng thống tổng cộng 16 năm, thực tế nắm quyền 18 năm và bị ám sát năm 1979.

Choi Kyu-ha (Thôi Khuê Hạ) nắm quyền tổng thống sau khi Park Chung-hee bị giết, và chính thức lên nắm quyền sau khi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 6 tháng 12 năm 1979. Nhưng chỉ 9 tháng sau, ông bị lật đổ bởi cuộc đảo chính Chun Doo-hwan (Toàn Đẩu Hoán).

Chun Doo-hwan là một vị tướng tài ba được đề bạt bởi Park Chung-hee. Sau khi Park Chung-hee bị ám sát, Chun Doo-hwan đã hợp nhất quân đội và cuối cùng đã thành công trong việc nắm chính quyền. Năm 1996, Chun Doo-hwan bị kết tội phản quốc và tham ô, và bị kết án tử hình, sau đó được giảm xuống tù chung thân. Tháng 12 năm 1997, ông được Tổng thống Kim Dae-jung (Kim Đại Chung) ân xá.

Là bạn cùng lớp và là trợ lý của Chun Doo-hwan, Roh Tae-woo (Lư Thái Ngu) có thể trở thành tổng thống, về cơ bản là nhờ Chun Doo-hwan. Roh Tae-woo đã phục vụ một nhiệm kỳ, nhưng bị kết án 17 năm sau khi từ chức do tham nhũng trong nhiệm kỳ của mình. Ngày 18/12/1995, Roh Tae-woo lần đầu tiên ra hầu tòa, trở thành cựu tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc bị xét xử công khai.

Sau khi Roh Tae-woo từ chức, Kim Young-sam (Kim Vĩnh Tam) đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng, đưa Roh Tae-woo và Chun Doo-hwan ra xét xử. Nhưng "cuộc sống sau song sắt" của Roh Tae-woo không được bao lâu. Tháng 12 năm 1997, Roh Tae-woo và Chun Doo-hwan được Tổng thống Kim Young-sam ân xá.

Kim Young-sam được đánh giá cao trong số các tổng thống Hàn Quốc, và ông có thể được coi là tổng thống đắc cử đầu tiên. Tuy nhiên, con trai cả của ông đã bị bỏ tù vì tội tham nhũng, điều này làm mất uy tín của bản thân Kim Young-sam. Con trai của Kim Young-sam sau đó đã được thả dưới thời chính quyền của Kim Dae-jung.

Đối tác cũ của Kim Young-sam là Kim Dae-jung đã trở thành tổng thống Hàn Quốc sau Kim Young-sam. Những năm tháng sau này của ông cũng giống như thời của Kim Young-sam, ông có hai con trai bị kết án tù vì tội hối lộ và trốn thuế.

Roh Moo-hyun (Lư Vũ Huyễn) xuất thân từ một thường dân, và tự học trở thành luật sư. Năm 2003, Roh Moo-hyun bị luận tội ngay khi vừa nhậm chức. Tháng 2 năm 2008, nhiệm kỳ tổng thống của Roh Moo-hyun chính thức kết thúc. Năm 2009, ông trở thành cựu tổng thống Hàn Quốc thứ ba bị các công tố viên điều tra khi dính vào bê bối hối lộ. Vào ngày 23 tháng 5 năm 2009, Roh Moo-hyun đã tự sát bằng cách nhảy từ một vách đá, trở thành tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc tự sát.

Lee Myung-bak (Lý Minh Bác) được bầu làm tổng thống năm 2007, và từ chức sau khi hết nhiệm kỳ. Vào tháng 12/2017, các công tố viên Hàn Quốc đã thành lập một nhóm điều tra đặc biệt để điều tra về quỹ bí mật tư nhân, được cho là của Lee Myung-bak. Vào ngày 19 tháng 2 năm 2020, Tòa phúc thẩm cấp cao Seoul, Hàn Quốc đã kết án Lee Myung-bak 17 năm tù. Ngày 29/10/2020, Tòa án tối cao Hàn Quốc đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ án Lee Myung-bak bị cáo buộc tham nhũng và hối lộ, giữ nguyên bản án sơ thẩm và tuyên phạt Lee Myung-bak 17 năm tù.

Bà Park Geun-hye đã bị giam giữ tại trại tạm giam Seoul kể từ ngày 31/3/2017. (Ảnh KIM HONG-JI / Getty)
Bà Park Geun-hye đã bị giam giữ tại trại tạm giam Seoul kể từ ngày 31/3/2017. (Ảnh KIM HONG-JI / Getty)

Park Geun-hye (Phác Cẩn Huệ) được bầu làm tổng thống thứ 18 của Hàn Quốc vào năm 2012, và là nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử của Hàn Quốc. Cha bà là Park Chung-hee, người bị ám sát sau 16 năm tại vị. Vào ngày 10 tháng 3 năm 2017, Park Geun-hye đã bị luận tội và cách chức tổng thống, vì người bạn của bà là Choi Soon-sil (Thôi Thuận Thực) can thiệp vào chính trị.

Vào ngày 14 tháng 1 năm 2021, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ can thiệp chính trị và nhận hối lộ của các tay chân của Park Geun-hye, và kết án bà 20 năm tù. Ngoài ra, bà ta còn bị kết án 2 năm tù tội can thiệp bầu cử trước đó, và tổng mức án của Park Geun-hye là 22 năm. Vào ngày 24 tháng 12 năm 2021, Park Geun-hye được Moon Jae-in ân xá.

Thanh Hà
Theo Epochtimes

 



BÀI CHỌN LỌC

Lễ nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc: Cựu Tổng thống Moon Jae-in có thoát khỏi lời nguyền?