Qua tuổi 50, hãy thu cái “tức giận” của bạn lại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người thông minh khéo khống chế cơn tức giận, người ngu xuẩn bị cơn tức giận khống chế. 

1. Tức giận là một loại cảm xúc, có lợi cũng có hại

‘Anh hùng cứu mỹ nhân’, vì hồng nhan phẫn nộ, đó là sức mạnh của tình yêu. ‘Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha’, đó là dấu hiệu của chính nghĩa. Tức giận bóp nghẹt trái tim, đó là mầm bệnh. Manh động là ma quỷ, là tội lỗi.

Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Pythagoras đã nói rằng: “Tức giận khởi đầu bằng ngu xuẩn và kết thúc bằng hối hận”.

Người thông minh khéo khống chế cơn tức giận, người ngu xuẩn bị cơn tức giận khống chế.

Một người khi còn trẻ, tính nóng một chút, làm việc bộp chộp một chút, thì có thể hiểu được, bởi vì anh ta chưa lịch duyệt, từng trải. Người đến tuổi 50, đã sống quá nửa cuộc đời rồi, mà vẫn chưa thấy rõ chân tướng của sự tình, không khống chế được cảm xúc của mình, thì chỉ khiến người ta chê cười mà thôi.

Do đó, nửa đời sau, hãy thu cái “phẫn nộ” của bạn lại, làm một người tâm bình khí hòa.

2. Không phẫn nộ chính là tu dưỡng

Nếu bạn luôn có những tâm trạng không ổn định, thì đó là do bạn tu dưỡng chưa đủ, bạn luôn bị những sự việc của quá khứ và hiện tại can nhiễu. Rất nhiều thứ, cầm lên thì rất dễ, nhưng buông xuống thì rất khó.

Có một vị tướng quân dày dặn kinh nghiệm chốn sa trường, ông đã mệt mỏi bởi tranh đấu nên quyết định quy ẩn rút khỏi giang hồ.

Tướng quân tìm đến một vị thiền sư và nói: “Xin ngài hãy hãy thu nhận tôi làm đệ tử”.

Thiền sư nói: “Ông có gia đình, có vợ con, có quá nhiều điều lo nghĩ, hãy chờ đợi thêm”.

Mấy năm sau, tướng quân nói: “Tôi đã sắp xếp ổn thỏa gia đình rồi, không còn lo nghĩ nữa”.

Thiền sư cười, không trả lời. Sáng sớm hôm sau, tướng quân đang ngồi tĩnh tọa trong thiền viện, thiền sư hỏi: “Ông không lo là vợ ông sẽ cải giá lấy người khác sao?”

Tướng quân tức giận nói: “Không ngờ thiền sư vẫn còn động tà niệm, coi như tôi đã nhìn nhầm người”.

Thiền sư than rằng: “Chỉ một câu nói, đã khiến ông nổi giận rồi, thế thì làm sao có thể tu luyện được?”

Rất nhiều lúc, chúng ta cũng giống vị tướng quân này, quyết tâm làm việc gì đó, cho rằng mình thực sự có thể làm được. Thực tế, chúng ta chỉ là có nguyện ý mà thôi, định lực làm đến cùng thì vẫn chưa đủ.

Thiền sư than rằng: “Chỉ một câu nói, đã khiến ông nổi giận rồi, thế thì làm sao có thể tu luyện được?” (Tranh Winnie Wang)

Đến tuổi 50, con cái cũng trưởng thành rồi, cần phải buông tay rồi, nhưng chúng ta luôn không buông tay được, vẫn thường trách con cái. Ham muốn kiểm soát con cái như thế này, khiến cả nhà đều nhọc tâm khổ tứ, thậm chí thân tâm mệt mỏi.

Nơi công sở, chúng ta cũng đã kịch trần rồi, thế nên cần từ từ rút ra khỏi cương vị. Tuy nhiên, nhiều người vẫn yêu thích quyền lực, vẫn hy vọng mình ở ngôi vị cao, vẫn không ngừng nghỉ tranh giành với người.

Qua tuổi 50, tự thức tỉnh lớn nhất chính là buông bỏ tranh chấp, biết buông bỏ. Thay vì tranh giành mọi thứ, tốt hơn hết là nên thực sự rút lui.

3. Không tức giận là phúc khí

Có câu nói rằng: “Thay vì tức giận, tốt nhất hãy cố gắng”

Ở Tây Tạng có lưu truyền một câu chuyện như thế này: Có một người đàn ông tên là Aiba, mỗi lần tức giận, ông liền chạy xung quanh khu nhà của mình 3 vòng. Đến khi hết tức giận, lại nỗ lực làm việc.

Ông vẫn luôn giữ thói quen này trong mấy chục năm. Do ông rất chăm chỉ, nên ngôi nhà ông giờ đây đã rất sang trọng và rộng lớn, cái sân cũng rất rộng.

Đến khi Aiba rất già rồi, nhưng khi tức giận, ông vẫn sẽ chạy 3 vòng quanh khu nhà, sau đó ngồi xuống cổng nhà để nghỉ ngơi.

Có người hỏi ông: “Ông luôn luôn chạy xung quanh khu nhà 3 vòng, tại sao vậy?”

Aiba nói: “Khi còn trẻ, tôi vừa chạy vừa nghĩ, nhà mình nhỏ như thế này, không cố gắng làm việc, mà lại còn tức giận, quả là rất ngu xuẩn. Khi về già, tôi vừa chạy vừa nghĩ, nhà mình to như thế này, mà vẫn còn tức giận, quả là rất không đáng”.

Khi bạn đến tuổi 50, nhớ lại những thời gian mà mình đã trải qua, thì sẽ phát hiện ra, mình quả thực rất nỗ lực, mà vẫn còn tức giận, thì chính là lòng tham vô đáy, chính là trái với tâm nguyện nỗ lực ban đầu của mình.

Nếu chẳng phải vì để nửa đời sau anh nhàn, hạnh phúc, thì việc gì bạn phải nỗ lực?

Phúc khí giống như làn gió xuân, chỉ khi bạn tĩnh tâm lại, để mặc gió lướt nhẹ trên da thịt, thì mới cảm nhận được. Phúc khí giống như tia nắng, khi bạn mở rộng tấm lòng, đón nhận nó, thì mới thấy ấm áp cõi lòng.

Phúc khí không phải là bạn sở hữu nhiều hơn người khác, mà là mỗi ngày bạn lại vượt qua chính bạn của ngày hôm qua. Nghĩ rõ ràng rồi, thì phúc khí sẽ dừng lại trong mệnh của bạn.

4. Không tức giận là trí tuệ

Một người không biết chế ngự cảm xúc, thì cuối cùng sẽ bị cảm xúc chế ngự.

Thời kỳ Chiến Quốc, Đại tướng Lý Mục của nước Triệu trấn giữ quan ải, hễ quân Hung Nô đến tấn công, ông liền lệnh cho binh sĩ nấp trong công sự, phòng ngự nghiêm cẩn, không được xuất quân chiến đấu.

Rất nhiều người chê cười Lý Mục là kẻ hèn nhát. Những lời đàm tiếu này truyền đến tai Triệu Vương. Triệu Vương vô cùng tức giận, cách chức tướng quân của Lý Mục.

Sau đó, quân Hung Nô lại đến tấn công, viên tướng chỉ huy mới nhậm chức lệnh toàn quân xông ra chiến đấu. Kết quả, quân Triệu thất bại thảm hại. Triệu Vương buộc phải trọng dụng Lý Mục.

Nghĩ 10 nước đi một nước, đó là người trí tuệ. (Ảnh pexels)

Một người khi tức giận, đưa ra bất kỳ quyết định gì thì cũng là sai lầm. Bởi vì khi tức giận đánh mất lý trí, không nghĩ đến hậu quả, cũng không xem xét các nhân tố trên các phương diện.

Người ta nói: “Đời người như cuộc cờ, nghĩ một nước đi một nước, đó là kẻ bất tài, nghĩ 3 nước đi một nước, đó là người bình thường, nghĩ 10 nước đi một nước, đó là người trí tuệ”.

Người ta đến một độ tuổi nhất định, thì sẽ trải qua rất nhiều sự tình, nắm bắt được quy luật phát triển của rất nhiều sự tình. Nếu có thể sử dụng đầy đủ những kinh nghiệm này, thì đó chính là người trí tuệ.

Qua tuổi 50, tức giận chẳng có tác dụng gì, thế nên, hãy biến tức giận thành trí tuệ, thì mới hữu dụng.

5. Không tức giận thì khỏe mạnh

Thời Tây Hán, có một đại thần là Chu Á Phu, làm quan đến chức Tể tướng.

Một ngày nọ, Hán Cảnh Đế mời ông ăn tiệc, cố ý không đen cho ông đũa. Chu Á Phu rất tức giận, nói mấy câu với Hán Cảnh Đế, và rời bữa tiệc bỏ về. Sau đó, con trai ông mua 500 bộ giáp, bị hiểu nhầm là mưu phản. Ông đã tức giận với người điều tra vụ việc.

Sau này, Chu Á Phu bị oan, chịu nhục, ông tức giận bất bình, 5 ngày không ăn uống gì, và tự hại chết sinh mệnh mình.

Một người khi tức giận thì ăn không ngon, ngủ không yên, đi không thuận, nhìn không xuôi, hỏa khí thiêu đốt trái tim, thì sao có thể không sinh bệnh?

Chúng ta thường nói: “Sức khỏe là tài sản lớn nhất”. Nhưng làm thế nào để bảo vệ sức khỏe, thì lại không dụng tâm suy nghĩ, ngày ngày ăn ngon mặc đẹp, không biết dưỡng sinh. Dưỡng sinh thực sự là có một tâm trạng tốt, ăn cơm thô uống trà nhạt, vui vẻ cười cười nói nói với mọi người.

Bí quyết dưỡng sinh được đúc kết trong bài “Chớ tức giận” rằng: “Người ta tức giận mình không tức, tức khí sinh bệnh chẳng ai thay”

Bạn tức giận, người ta có thể xin lỗi, nhưng sức khỏe của bạn suy sụp thì không ai giúp gì được, và cũng không hồi phục bởi có được lời tạ lỗi.

Hãy suy nghĩ nghiêm túc về mối quan hệ giữa có lý, tức giận và sức khỏe, thì bạn sẽ không tức giận nữa.

Lời kết

Nhà triết học vĩ đại Aristotle nói: “Bất kỳ người nào cũng sẽ tức giận, việc này chẳng khó khăn gì. Nhưng nếu muốn tức giận đúng đối tượng, đúng lúc, đúng địa điểm và đúng phương thức, thì có thể nói là vô cùng khó”.

Qua tuổi 50, cần học được một số phương pháp “không tức giận”. Khi bạn tức giận, thì thay đổi vị trí suy nghĩ, thấu hiểu đối phương, ép mình bình tĩnh lại 3 phút, đếm từ 1 đến 100, chuyển dời sự chú ý… Bình thường nên đọc sách nhiều, tăng thêm trí tuệ ứng phó cuộc sống, Làm người cần thiện lương, học cách dùng đức báo oán.

Qua tuổi 50, những năm tháng còn lại của cuộc đời, hãy tận hưởng thành quả đã phấn đấu nửa cuộc đời, vui vẻ sống tốt mỗi ngày, đừng lãng phí nữa.

Thanh Hà
Theo Apollo



BÀI CHỌN LỌC

Qua tuổi 50, hãy thu cái “tức giận” của bạn lại