Sa Tăng từng 9 lần ăn thịt Đường Tăng - 7 bí ẩn ly kỳ trong Tây Du Ký không phải ai cũng biết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tây Du Ký là một tác phẩm kinh điển của nền văn học Trung Hoa, mức độ nổi tiếng không chỉ giới hạn ở đất nước tỷ dân mà còn rất nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới. Tuy nhiên, có rất nhiều điều bí ẩn và thông điệp bên trong tác phẩm này mà chúng ta chưa được biết đến.

“Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân là một trong Tứ Đại Danh Tác của Trung Hoa. Có thể nói, từ trẻ con cho tới người già, không ai không biết đến tác phẩm này, nhất là sau khi bộ phim được trình chiếu vào năm 1986.

Câu chuyện chủ yếu xoay quanh 81 pháp nạn mà thầy trò Đường Tăng trải qua. Thế nhưng, đằng sau những sự tình tưởng chừng đơn giản lại ẩn chứa huyền cơ bất ngờ.

1. Sa Tăng từng 9 lần ăn thịt Sư Phụ Đường Tăng

Nghe qua có thể khiến chúng ta sửng sốt khó tin, nhưng đúng là vậy. Sa Tăng vốn là Quyển Liêm Đại tướng trên Thiên Đình, là vị thần trông coi xe loan ở điện Linh Tiêu. Năm xưa, vì vô ý làm vỡ chiếc chén lưu ly ở hội Bàn Đào mà bị đày xuống hạ giới. May mắn gặp Quan Thế Âm Bồ Tát, Sa Tăng trở thành đồ đệ phò giá Đường Tăng để chuộc lại lỗi lầm.

Ấn tượng đầu tiên về Sa Tăng là mang hình dạng của một con ác quỷ: “Xanh chẳng ra xanh, đen chẳng ra đen, mặt mày tối om… Răng nanh như kiếm tuốt, tóc đỏ quạch rối tung. Quát một tiếng vang lừng, rẽ nước lao vun vút”.

Sa Tăng có 9 cái đầu lâu - mà lai lịch của nó có thể khiến bạn phải giật mình. (Ảnh: Wikipedia)

Và điều đặc biệt là trên chiếc vòng cổ của Sa Tăng có 9 cái đầu lâu - mà lai lịch của nó có thể khiến bạn phải giật mình. Sa Tăng từng giải thích cho Quán Âm Bồ Tát rằng:

“Con ở khúc sông này đã ăn thịt không biết bao nhiêu người… Phàm đầu lâu của những người bị con ăn thịt, con vứt cả xuống sông Lưu Sa, chúng đều chìm nghỉm xuống đáy… Duy chín chiếc sọ này cứ nổi lềnh bềnh trên mặt nước, không sao chìm được. Con lấy làm lạ lắm, bèn xâu chúng lại thành một chuỗi, lúc rỗi rãi đem ra nghịch chơi…”.

Thực chất, 9 chiếc đầu lâu ấy là của Đường Tăng ở 9 đời trước. Bởi ông vốn là Kim Thiền Tử, là đệ tử của Phật Tổ Như Lai, do ngủ gật trong khi nghe Pháp và lỡ chân đá đổ một hạt gạo nên bị đày xuống trần gian tu hành 10 kiếp mới được trở lại Linh Sơn.

Trong 9 kiếp đầu, Kim Thiền Tử đều bị Sa Tăng ăn thịt. Dẫu sao thì 9 kiếp tu hành của ông cũng không hề uổng phí, bởi ở kiếp thứ 10, ông đã có cơ duyên thu phục Sa Tăng, hoàn thành tâm nguyện đi Tây Thiên thỉnh kinh.

Ở kiếp thứ 10, Sư Phụ Đường Tăng đã có cơ duyên thu phục Sa Tăng, hoàn thành tâm nguyện đi Tây Thiên thỉnh kinh. (Ảnh: The Epoch Times)

2. Thái Thượng Lão Quân là Sư Phụ của Tôn Ngộ Không?

Xem Tây Du Ký, hẳn có nhiều người thắc mắc: Tôn Ngộ Không ăn trộm linh đơn, phá lò Bát Quái, vì sao Thái Thượng Lão Quân vẫn khoanh tay không thể làm gì, lại còn suốt ngày phải chạy theo dọn dẹp hậu quả mà con khỉ đá để lại?

Ngài còn biểu hiện là một vị Thần vụng về, không có năng lực, tự mình thả mất Tôn Ngộ Không, lại còn bị Ngộ Không ăn trộm tiên đan, đánh đổ lò Bát Quái, dường như đã mất hết thể diện và trở thành một Thần Tiên hết sức hồ đồ. Nhưng… Ông hồ đồ thật chăng?

Ai đã từng xem qua “Phong Thần Diễn Nghĩa” đều biết công lực của Thái Thượng Lão Quân không hề thua kém Phật Tổ Như Lai. Ngài chính là vị Thần đức cao vọng trọng trong Đạo giáo. Nếu ông muốn đối phó với Tôn Ngộ Không thì dễ như trở bàn tay.

Chính bởi Ngài biết rằng việc bốn thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh là việc to lớn chấn động toàn vũ trụ. Nếu như không có tiên đơn và lò Bát Quái của Thái Thượng Lão Quân tôi luyện, Tôn Ngộ Không trên đường đi Tây Trúc thỉnh kinh, có lẽ sớm đã bị yêu quái đánh bại.

Có câu: “Chân nhân bất lộ tướng”, trong Tây Du Ký, Thái Thượng Lão Quân đã diễn vai một vị Thần tiên vụng về, chính là tạo cơ hội truyền thụ tiên đan, tôi luyện thân kim cương bất hoại cho Ngộ Không - góp phần quan trọng giúp thầy trò Tôn Ngộ Không thành tựu Phật quả.

Tranh vẽ Thái Thượng Lão Quân tay cầm quạt, ngồi bên trái. (Ảnh: wikimedia)

3. Tôn Ngộ Không thử 5 cách trường sinh bất tử

Có thể nói, mọi yêu quái đều muốn ăn thịt Đường Tăng để trường sinh bất tử, nhưng Sa Tăng đã ăn thịt tới 9 đời Đường Tăng mà vẫn không hề đạt được điều ấy. Tuy nhiên, quả là có cách để trường sinh bất tử, và Tôn Ngộ Không đã thử tới 5 cách.

Thứ nhất: Học đạo thuật, tránh tam tai - Bất tử về mặt thể xác

Nguyện vọng của Mỹ Hầu Vương là trường sinh, cho nên đã vượt núi băng sông đến Linh Sơn theo Bồ Đề Tổ Sư học đạo trường sinh. Nếu đã từng tìm hiểu về 72 phép thần thông của Tôn Ngộ Không, chúng ta có thể thấy rằng Ngộ Không có thể tránh khỏi tam tai - sét, lửa, gió.

Đây có thể gọi là sự trường sinh "trong điều kiện chuẩn" nhờ vào khả năng điều khiển ngũ hành. Tuy nhiên, ở tầng cao hơn như Thiên Đình thì không chấp nhận cách này, và 72 phép thần thông chỉ là nền móng mà thôi.

Thứ 2: Gạch tên trong sổ sinh tử - Bất tử về mặt linh hồn

Linh hồn của Ngộ Không từng bị trói và kéo đến Địa Ngục, Ngộ Không đã vô cùng tức giận nói: "Lão Tôn này đã vượt ra ngoài ba cõi, không còn ở trong ngũ hành, đâu còn thuộc Diêm Vương quản lí nữa. Cớ sao dám hồ đồ đến bắt ta?".

Sau một hồi cãi qua cãi lại, Ngộ Không yêu cầu được xem sổ Sinh Tử, sau đó gạch tên của mình và viết nguệch ngoạc lên đó, đồng nghĩa với việc Địa phủ không thể bắt hồn Ngộ Không được nữa. Nói cách khác sau sự kiện này, Ngộ Không bất tử về mặt linh hồn.

Thứ 3: Ăn đào tiên trong vườn đào của Tây Vương Mẫu

Trong vườn bàn đào của Vương Mẫu nương nương có tổng cộng 3.600 gốc. Ăn đào tiên ở khu vườn trước thì người mạnh khỏe nhẹ nhõm, đắc đạo thành tiên; ăn ở khu vực giữa thì trường sinh bất lão; ăn đào vườn sau sẽ có tuổi thọ ngang với trời đất.

Chính vì quý giá như vậy, nên chỉ có những vị đại tiên, thượng tiên mới xứng thưởng thức. Sau khi lừa thổ địa trông coi vườn ra ngoài, Ngộ Không đã ăn đào ở cả 3 vườn, tức là đạt được thanh xuân sung mãn, sức khỏe trường tồn, bất tử.

Lai lịch của Tôn Ngộ Không cũng chẳng phải tầm thường, ắt hẳn là có điều thâm sâu huyền bí. Nếu không, chỉ với xuất thân tầm thường, làm sao Ngộ Không có thể tu thành Phật quả? (Miền công cộng)

Thứ 4: Tiên đan của Thái Thượng Lão Quân

Tiên đan của Thái Thượng Lão Quân được xem là thứ quý giá nhất trong tam giới, có thể cải tử hoàn sinh, tăng cường tuổi thọ. Năm đó đại náo Thiên Cung, Tôn Ngộ Không đã ăn sạch các loại kim đan trong lò Bát Quái, vì thế mà mới luyện được thân thể "kim cương bất hoại".

Thứ 5: Ăn nhân sâm quả

Trong cố sự ‘hái trộm nhân sâm quả’ rất nổi tiếng, thầy trò Đường Tăng đã đến Ngũ Trang đạo quán, là nơi cư ngụ của Trấn Nguyên đại tiên.

Nơi đây có một cây tiên quý, sinh ra từ khi càn khôn còn hỗn độn, trời đất còn mờ mịt chưa phân - có tên là “Vạn Thọ thảo hoàn đơn”, cũng gọi là “Nhân sâm quả”.

Vậy cây này quý hiếm như thế nào? Kể rằng: “Giống cây này ba nghìn năm mới nở hoa, ba nghìn năm mới kết quả, lại ba nghìn năm nữa mới chín. Tính ra phải một vạn năm mới được ăn. Và trong một vạn năm ấy chỉ kết được 30 quả”.

Tôn Ngộ Không đã ăn loại quả tinh túy của đất trời, vì thế xem như đã đạt được trường sinh.

Ngoài đạt được trường sinh qua các cách khác nhau, Tôn Ngộ Không còn sở hữu bảo bối “độc nhất vô nhị” - có thể chế ngự vô số yêu mà.

(Ảnh: shenyunperformingarts.org)

4. Gậy Như Ý

Trong Tây Du Ký, Như Ý Kim Cô Bổng vốn là một khối thép nặng tới “một vạn ba ngàn năm trăm cân”, được chính Thái Thượng Lão Quân 9 lần nấu luyện, có thể tùy tâm dài ngắn, lại có thể đỉnh thiên lập địa, chống trời chống đất. Món thần khí này được mang đi trị thuỷ rồi thả vào Đông Hải, mong muốn gia cố Hải Hà, từ đó có tên là Định Hải Thần Châm Thiết.

Đến khi Tôn Ngộ Không đại náo Long Cung, đòi bằng được binh khí tối thượng nhưng Long Vương đưa binh khí nào Ngộ Không cũng không ưng ý. Chỉ khi nhìn thấy Kim Cô Bổng phát quang lấp lánh, đỉnh thiên lập địa thì lập tức đồng ý, lại có thể khiến báu vật này thu nhỏ lại, vừa đủ nhét vào tai. Đây dường như chính là Pháp khí mà thiên thượng sắp đặt sẵn cho Ngộ Không vậy.

So về pháp khí thì Bồ Cào 9 răng của Trư Bát Giới cũng không kém gậy Như Ý của Ngộ Không.

Còn bồ cào của Trư Bát Giới cũng được Thái Thượng Lão Quân dùng Thần Băng Thiết luyện trong 49 ngày âm dương. Chín chiếc răng cưa của đinh ba được làm bằng ngọc dưới Cửu tuyền, trên cán khắc 5 chòm sao quý, có đủ 4 mùa 8 tiết. Những chiếc răng trên Đinh ba có độ dài ngắn khác nhau tượng trưng cho đất và trời.

Tất nhiên, để sở hữu các Pháp khí như vậy, thì bản lĩnh của cả hai cũng không hề nhỏ. Nếu Ngộ Không học được 72 phép Địa Sát, thì Trư Bát Giới vốn là Thiên Bồng Nguyên Soái cũng thành thạo 36 phép Thiên Cang - xoay chuyển càn khôn, nghịch chuyển đất trời.

Trư Bát Giới vốn là Thiên Bồng Nguyên Soái cũng thành thạo 36 phép Thiên Cang - xoay chuyển càn khôn, nghịch chuyển đất trời. (Ảnh: The Epoch Times)

5. Vòng Kim Cô và câu thần chú bí ẩn

Trong Tây Du Ký, không ai là không biết đến sự ương bướng, coi trời bằng vung của Tôn Ngộ Không. Thế nhưng, mỗi lần Ngộ Không ngang ngược, Sư Phụ sẽ niệm chú để khống chế. Vậy rốt cuộc câu thần chú ấy là gì?

Quan Thế Âm Bồ Tát khi tặng cho Đường Tăng Vòng Kim Cô, thì còn truyền cho một bài chú gọi là “Định tâm chân ngôn”, còn có tên nữa là “Khẩn cô nhi chú”. Thực ra, rất đơn giản, câu chú này gồm 6 chữ tiếng Phạn, dịch ra tiếng Trung còn 4 chữ rất dễ hiểu: Thanh tịnh trí tâm - nghĩa là làm trong sạch Tâm và Trí: Loại bỏ những sân hận, oán thù, khiến Tâm thanh tĩnh, Trí huệ từ đó khai sáng, nảy sinh ý niệm thiện lành.

Sau này, ba lần đánh Bạch Cốt Tinh bị Đường Tăng giận dữ đuổi đi, Tôn Ngộ Không đã xin thầy niệm “túng cô nhi chú” để cởi chiếc vòng kim cô ra. Đường Tăng cả sợ nói: “Ngộ Không, khi ấy Bồ Tát chỉ trao cho ta bài chú “khẩn cô nhi”, chứ không có bài chú “túng cô nhi” nào cả”. Chỉ đến khi thỉnh kinh thành công thì chiếc vòng kim cô này mới tự động biến mất. Cũng là nói rằng, một người trước hết phải nguyện ý quản chắc cái tâm của mình rồi mới có thể tu thành chính quả.

Quan Thế Âm Bồ Tát khi tặng cho Đường Tăng Vòng Kim Cô, thì còn truyền cho một bài chú gọi là “Định tâm chân ngôn”, còn có tên nữa là “Khẩn cô nhi chú”. (Ảnh: Shenyunperformingarts.org)

6. Ngọc Hoàng Thượng Đế

Trong phim Tây Du Ký, Ngọc Hoàng Đại Đế được miêu tả như một vị vua nhân từ nhưng dễ sợ hãi và không có năng lực. Ông thường hay do dự, không có chính kiến, phải dựa vào sự ‘ý kiến’ của các Thần Tiên khác khi đưa ra những quyết định quan trọng. Xét trên mọi khía cạnh, Ông dường như là một vị vua thường nhân hơn là một vị Thần.

Thế nhưng, không như chúng ta nghĩ, Ngọc Hoàng đã tu luyện gian khổ hơn 3.200 kiếp cho tới khi chứng ngộ và trở thành Thần, sau đó lại dành 100.000.000 kiếp nữa để tích đức. Cuối cùng mới trở thành Ngọc Hoàng Đại Đế. Một kiếp là bao lâu? Là khoảng thời gian giữa hai lần tái tạo vũ trụ. Quả là một con số không thể nghĩ bàn. Vậy nên, không khó hiểu khi Ngọc Hoàng đứng đầu trong Tam Giới.

Ngọc Hoàng tuy không có sức mạnh vô song hay thần thông quảng đại, nhưng uy đức lại vô cùng lớn, chưa kể Ngài còn có thể thỉnh mời cả Phật Tổ Như Lai và các vị Thần Tiên, Đại Đạo khác. Còn nhớ, khi con khỉ đá là Tôn Ngộ Không mới xuất sinh làm chấn kinh trời đất, Ngọc Hoàng chỉ nói một câu: “Chúng ta không cần quan tâm con khỉ đó!”
Có thể nói, Ngài đã biết trước mọi sự đều đã có an bài.

Còn nhớ, khi con khỉ đá là Tôn Ngộ Không mới xuất sinh làm chấn kinh trời đất, Ngọc Hoàng chỉ nói một câu: “Chúng ta không cần quan tâm con khỉ đó!” (Ảnh: ntdtv.com)

7. Thầy trò Đường Tăng thỉnh kinh là đại diện cho điều gì?

Đọc Tây Du Ký nhiều người cảm thán rằng, năm thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh kỳ thực là biểu hiện cho quá trình tu hành của một người. Tại sao nói như vậy?

Đường Tăng: vốn có vẻ là người phàm yếu nhược, thực chất có thể trở thành Sư phụ của 3 đồ đệ thần thông quảng đại, là vì ông có cái tâm tu hành và mang chính niệm kiên định của một người tu luyện. Trên đường đi thỉnh kinh, ma nạn trùng trùng, nhưng Đường Tăng luôn thể hiện tấm lòng kiên định, thà chết chứ không quay đầu, một lòng một dạ cầu được chân kinh, từ đầu đến cuối không hề mê lạc. Cuối cùng đắc quả vị Phật: Chiên Đàn Công Đức Phật.

Tôn Ngộ Không: được xem là đại diện cho sự dũng mãnh và năng lực của người tu luyện. Lên trời xuống biển, thiên đàng địa ngục đều kinh qua, trừ ma phục quái, trọn vẹn trước sau, có công rất lớn. Bản tính ngông cuồng, khinh nhờn Thần Phật sau cùng được khắc chế hoàn toàn, trở về thiên tính thiện lương vốn có của sinh mệnh. Do đó, Ngộ Không cũng đắc quả vị Phật: Đấu Chiến Thắng Phật, với ngụ ý chiến đấu với ma tính đắc được quả vị Phật.

Nhờ vào sự từ bi giáo huấn và cứu độ của Quan Âm Bồ Tát, bốn thầy trò đã thành tựu kim thân chính quả. (Ảnh: Miền công cộng)

Trư Bát Giới: đại diện cho phần thế tục của người tu luyện với đầy đủ 8 giới như: Tham, lười, sắc tình, đố kỵ, ngại khó, sợ khổ, ham ăn ham chơi… Dù xuất thân không tầm thường, từng thống lĩnh Tứ Thánh Bắc Cực, căn cơ rất to lớn, nhưng bị rớt xuống phàm trần. Có lẽ vì nhân tâm chưa dứt hẳn, nên cuối cùng chỉ có thể làm Tịnh Đàn Sứ Giả trong Sa Môn của Đức Phật, hưởng bổng lộc cúng dường.

Sa Ngộ Tĩnh: đại diện cho tâm thái bình ổn của người tu luyện: Cần cù chịu khó, điềm đạm, chân thành, không bị cám dỗ bởi những điều trần tục nơi nhân thế, cuối cùng tu thành La Hán, nhảy thoát khỏi Tam Giới, âu cũng đã thành tựu chính mình vậy.

Bạch Long Mã: là con của Tây Hải Long Vương, do làm hỏng báu vật mà Ngọc Hoàng Thượng đế tặng, nên đáng lẽ bị tội chết. Bạch Long Mã được Bồ Tát cho lấy công chuộc tội, làm ngựa cưỡi cho Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh. Bạch Long Mã là đại biểu cho sự nhẫn nại của người tu luyện, có thể cam chịu cực khổ, chấp nhận gian lao mà từ từ tích lũy công đức tu lên, cuối cùng được phong làm Thiên Long Bát Bộ.

Cho nên mới nói, người có thể thấu tỏ Tây Du Ký thì có thể thấu tỏ nhân sinh là có hàm ý như vậy!

Bách Diệp

Theo Ngẫm Radio



BÀI CHỌN LỌC

Sa Tăng từng 9 lần ăn thịt Đường Tăng - 7 bí ẩn ly kỳ trong Tây Du Ký không phải ai cũng biết