Thụy Điển - Quốc gia 'can đảm' nhất châu Âu: Từ chối phong tỏa, người dân vẫn tự do vui chơi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Để đối phó với dịch bệnh, rất nhiều quốc gia châu Âu thực hiện lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại hoặc đưa ra các hình phạt nghiêm khắc dành cho người không tuân thủ, nhưng Thụy Điển vẫn rất bình thản! Các cửa hàng và quán bar vẫn mở cửa, những sân chơi thể thao và trường học vẫn hoạt động, và chính phủ chủ yếu dựa vào ý thức tự nguyện của người dân để ngăn chặn sự lây lan của virus Vũ Hán.

Đây là một phương pháp giải quyết gây nhiều tranh cãi. Tổng thống Donald Trump trước sự việc này đã phát biểu: “Thụy Điển đã lựa chọn vậy. Nhưng Thụy Điển sẽ phải chịu đựng rất khủng khiếp".

Một chuyện gia cảnh báo không nên dỡ lệnh phong toả khi chưa tìm ra vaccine chống virus Vũ Hán. Nhưng chính phủ Thụy Điển rất tự tin rằng chính sách của mình sẽ hiệu quả. Bộ trưởng Ngoại giao, bà Ann Linde nói với một kênh truyền hình Swedish TV vào thứ Tư (8/4) rằng: “Ông Trump hoàn toàn sai khi cho rằng Thụy Điển đang đi theo thuyết miễn dịch cộng đồng, nghĩa là cho phép một lượng người vừa đủ mắc virus trong khi bảo vệ và chữa trị nhóm người bị thương tổn, sau đó dân số của đất nước sẽ miễn dịch trước dịch bệnh”.

Chiến lược của Thụy Điển, theo bà, là: “Không phong tỏa và dựa chủ yếu vào ý thức và trách nhiệm của người dân".

Nhà dịch tễ học của nước này, ông Anders Tegnell, cũng phản đối nhận định của ông Trump. “Tôi nghĩ Thụy Điển làm ổn", theo CNN. “Nó sẽ tạo ra kết quả tốt giống như cách trước đây. Nhìn chung y tế Thụy Điển đang đối phó với dịch bệnh một cách tuyệt vời".

Đến ngày 9/4, Thụy Điển có 9.141 ca nhiễm virus và 793 người tử vong, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.

Chính phủ Thuỵ Điển cho phép một lượng lớn người tự do đi lại, không giống như các quốc gia châu Âu khác. 
Chính phủ Thuỵ Điển cho phép một lượng lớn người tự do đi lại, không giống như các quốc gia châu Âu khác. (Ảnh: Getty)

Thụy Điển đang thực hiện chính sách khuyến khích nhưng không bắt buộc người dân thực hiện cách ly xã hội. Hai ngày sau khi Tây Ban Nha thực hiện lệnh phong tỏa toàn quốc vào 14/3, chính quyền Thụy Điển khuyến khích người dân rửa tay và ở nhà nếu có các triệu chứng. Vào ngày 24/3, họ ra luật mới yêu cầu tránh tụ tập đông người ở nhà hàng. Nhưng rất nhiều nhà hàng vẫn mở cửa. Các trường tiểu học và trung học cũng vậy. Họ vẫn cho phép tụ tập một nhóm đến 50 người.

Ông Tegnell bảo vệ quyết định mở cửa trường học của đất nước: “Chúng tôi hiểu rằng đóng cửa trường học sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ đến y tế bởi nhiều cha mẹ không thể đi làm. Nhiều đứa trẻ phải chịu đựng khi chúng không được đi học".

Elisabeth Liden, một nhà báo ở Stockholm, cho biết hiện tại thành phố cũng bớt đông hơn. “Tàu điện ngầm từ chỗ chật cứng người đến cảnh chỉ có vài hành khách trên một chiếc xe. Tôi có cảm giác rằng phần lớn đang thực hiện lời khuyên cách ly xã hội rất nghiêm túc".

Nhưng cô cũng nói thêm rằng trong khi một số người Thụy Điển thậm chí không hôn bạn đời của họ, thì cũng có nhiều người tổ chức tiệc tưng bừng cho ngày lễ Phục sinh.

Tình hình dịch bệnh ở Thụy Điển

Thụy Điển đặc biệt chú trọng vào bảo vệ người già. Những ai tuổi từ 70 trở lên đều được yêu cầu ở nhà và hạn chế tiếp xúc xã hội nhất có thể. Một quan chức chính phủ của Thụy Điển nói rằng nhìn chung mọi người đều ủng hộ cách tiếp cận của chính phủ, nhưng nhiều người tỏ ra không hài lòng vì sự thật là không có lệnh cấm đến thăm viện dưỡng lão cho đến ngày 1/4, và hiện tại virus đang lan rộng trong những trại này, làm tăng tỉ lệ tử vong.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoài nghi về phương pháp của Thụy Điển. Bởi quốc gia này chứng kiến các ca nhiễm tăng. WHO nói với CNN: “Sẽ rất quan trọng khi Thụy Điển tăng cường biện pháp giảm lây lan của virus, chuẩn bị và tăng sức chứa của hệ thống y tế, đảm bảo giữ khoảng cách vật lý và truyền thông nguyên nhân và cách thức của tất cả biện pháp này tới dân chúng".

Rất nhiều nhà hàng Thuỵ Điển vẫn mở cửa 
Rất nhiều nhà hàng Thuỵ Điển vẫn mở cửa. (Ảnh: Getty)

“Chỉ với cách tiếp cận ‘toàn xã hội’ mới có hiệu quả để ngăn chặn sự leo thang của dịch bệnh cũng như khiến tình hình trở nên tốt đẹp", phát ngôn viên của WHO tại châu Âu cho biết.

Biểu đồ tỉ lệ nhiễm và tử vong do virus của Thụy Điển chắc chắn sẽ dốc hơn biểu đồ của các quốc gia châu Âu thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt. Một nghiên cứu từ trường Imperial College London ước tính 3,1% dân số Thụy Điển bị nhiễm (tính đến 28/3), con số này là 0,41% ở Na Uy và 2,5% ở Anh.

Tính đến 8/4, virus đã khiến tỉ lệ người tử vong ở Thụy Điển là 67 người/1 triệu người, theo Bộ Y tế Thụy Điển. Na Uy có 19 trường hợp tử vong trên 1 triệu người, Phần Lan là 7/1 triệu người. Tỉ lệ tử vong ở Thụy Điển tăng 16% vào Thứ Tư (8/4).

Một số nhà nghiên cứu về Thụy Điển yêu cầu chính phủ cần nghiêm khắc hơn. Tuần này, một số bác sĩ lâm sàng nổi tiếng của Thụy Điển trong một lá thư đã than thở rằng, một lượng lớn người Thụy Điển vẫn đang đến quán bar, nhà hàng và trung tâm mua sắm, thậm chí là trượt tuyết. Không may, điều này sẽ khiến tỉ lệ tử vong gia tăng ở Thụy Điển.

Cecilia Söderberg-Nauclér - một nhà nghiên cứu về miễn dịch học do virus ở Học viện Karolinska Thụy Điển, là một trong hơn 2000 chuyên gia y tế và nhà nghiên cứu đã kí vào đơn thỉnh nguyện yêu cầu chính phủ có hành động nghiêm khắc hơn. “Chúng tôi không chiến thắng trận đấu này. Nó thật đáng sợ. Nơi tôi sống, người dân đã làm việc từ nhà, nhưng họ đến các nhà hàng địa phương, quán cafe và ở đó có cả người già lẫn người trẻ từ trường trung học và đại học. Đây không phải là giãn cách xã hội".

Söderberg-Nauclér miêu tả tình hình ở Stockholm, nơi có phần lớn các ca nhiễm, là “mất kiểm soát". “Nhưng chưa quá muộn cho phần còn lại của đất nước. Tôi ước chúng ta sẽ phong tỏa và kiểm soát khu vực chưa bị nhiễm bằng cách khác”.

“Chúng tôi không chiến thắng trận đấu này. Nó thật đáng sợ. Nơi tôi sống, người dân đã làm việc từ nhà, nhưng họ đến các nhà hàng địa phương, quán cafe và ở đó có cả người già lẫn người trẻ từ trường trung học và đại học. Đây không phải là giãn cách xã hội". 
“Chúng tôi không chiến thắng trận đấu này. Nơi tôi sống, người dân đến các nhà hàng địa phương, và ở đó có cả người già lẫn trẻ. Đây không phải là giãn cách xã hội". (Ảnh: Getty)

Đối phó với cơn bão

Tom Britton, một giáo sư của khoa thống kê toán học tại trường đại Học Stockholm, dự đoán xu hướng dịch bệnh sẽ diễn ra trong quần chúng thế nào. Ông tin rằng 40% dân số Thụy Điển sẽ bị lây nhiễm vào cuối tháng 4. Việc đo lường tỉ lệ nhiễm bệnh là rất khó khăn, “tôi đoán nó có thể 10% hoặc là hơn" số người Thụy Điển hiện đang nhiễm virus trên toàn quốc.

Một số người phản đối chính sách của chính phủ, họ lo ngại nếu chỉ dựa vào hành vi tự nguyện của người dân, các ca nhiễm bệnh sẽ gia tăng, và hệ thống y tế sẽ quá tải. Thụy Điển cũng là đất nước có tỉ lệ số giường chăm sóc trên đầu người thấp nhất ở Châu Âu, và quan chức chính phủ cho biết nguồn cung các thiết bị bảo hộ y tế không theo kịp nhu cầu.

Nhưng theo một số cách, Thụy Điển chuẩn bị để đối phó với “cơn bão” tốt hơn các nước khác. Trước khi virus tấn công, 40% lực lượng lao động của đất nước thường xuyên làm việc từ xa; và Thụy Điển có tỉ lệ người sống độc lập cao, trong khi ở phía Nam châu Âu, việc 3 thế hệ sống chung một mái nhà là rất phổ biến.

Emma Grossmith, một luật sư người Anh về Vấn đề việc làm ở Stockholm, nói rằng: một nhân tố khác có lợi cho Thụy Điển là phúc lợi xã hội khá tốt. Người ta không cảm thấy phải nhanh chóng quay trở lại việc làm nếu con họ bị ốm. Nhà nước cho phép cha mẹ nghỉ làm nếu con họ bị ốm. “Hệ thống ở đây được thiết lập để giúp con người đưa ra sự lựa chọn thông minh hơn, cuối cùng đem đến lợi ích cho nhiều người khác".

Nhưng Grossmith lưu ý có một khoảng cách lớn giữa cách người Thụy Điển và người nước ngoài nhìn dịch bệnh. “Luôn có một niềm tin bản xứ vào hệ thống mà người ta đã trưởng thành cùng với nó. Ngược lại, rất nhiều cộng đồng người nước ngoài tin rằng Thụy Điển không truyền thông rõ ràng cũng như không thách thức mạnh mẽ các chính sách của chính phủ trên báo chí. Họ quan ngại sâu sắc".

Người dân Thụy Điển "luôn có một niềm tin bản xứ vào hệ thống mà người ta đã trưởng thành cùng với nó", tuy nhiên điều này mang lại khá nhiều rủi ro. (Ảnh: Getty)
Người dân Thụy Điển "luôn có một niềm tin bản xứ vào hệ thống mà người ta đã trưởng thành cùng với nó", tuy nhiên điều này mang lại khá nhiều rủi ro. (Ảnh: Getty)

Văn hoá Thụy Điển

Nhìn chung, người dân Thụy Điển rất tin tưởng vào chính phủ nước họ, mặc dù Thụy Điển là một trong những quốc gia yêu cầu đóng thuế cao nhất thế giới. Ông Henrik Berggren, nhà báo, nhà sử học Thụy Điển lý giải, sở dĩ người dân hài lòng khi đóng thuế cao bởi họ tin chính quyền sử dụng tiền thuế của họ một cách đúng đắn và hiệu quả.

Người dân tin vào chính phủ và họ cũng tin tưởng nhau… Xã hội Thụy Điển có hai tiền đề vô cùng quan trọng: Ý thức tự giác của người dân và một hệ thống điều hành minh bạch và liên kết cao của chính phủ.

Nhà nước và các cơ quan công quyền phải chịu trách nhiệm xây dựng và quản trị quốc gia một cách trong sạch và trao quyền kiểm soát thông tin cởi mở gần như tuyệt đối cho báo chí và công chúng.

Đây có thể là một phần lý do vì sao Thụy Điển không ban bố lệnh giới nghiêm toàn đất nước. Họ quản lý đất nước bằng… niềm tin, và họ đề cao ý thức mỗi người dân.

Tuy nhiên, ông Stefan Hanson, một chuyên gia rất có uy tín về các bệnh truyền nhiễm, không che giấu mối lo ngại của ông về cách làm của Thụy Điển: “Chỉ có một cách duy nhất để hiểu được những gì đã được làm hoặc không được làm, đó là nhìn nhận chính phủ nhắm đến việc miễn dịch cộng đồng. Chắc họ tự bảo rằng dầu sao thì tất cả mọi người rồi cũng sẽ bị lây nhiễm, nhưng họ không thể nói công khai điều đó được, vì như thế là không hợp đạo lý”, theo RFI.

Chính sách của Thụy Điển trong dịch bệnh có hiệu quả không, một tháng sau chúng ta sẽ có câu trả lời.

Thiên An
Tham khảo CNN



BÀI CHỌN LỌC

Thụy Điển - Quốc gia 'can đảm' nhất châu Âu: Từ chối phong tỏa, người dân vẫn tự do vui chơi