Truyền kỳ Pelosi: Công chúa Bảy biến thành Bông hồng thép

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bà Nancy Pelosi là nữ Chủ tịch Hạ viện đầu tiên trong lịch sử hơn 200 năm của Hoa Kỳ và là nhà lãnh đạo chính trị đứng hàng thứ ba ở Hoa Kỳ.

Bà được mệnh danh là "Quý bà thép" trong chính trường Hoa Kỳ, còn được gọi là "Bông hồng thép", có người nói bà là "Người phụ nữ quyền lực nhất nước Mỹ”, cũng có người nói bà là "Từ Hi Thái hậu" của nước Mỹ.

Bà Pelosi là người dám lên tiếng bảo vệ nhân quyền cho các nhóm người bị đàn áp. Bà là người chống cộng từ lâu, là một trong những người không được lòng ĐCSTQ nhất. Bà Pelosi 82 ​​tuổi, gần đây đã đến thăm Đài Loan. Các chiến binh sói của ĐCSTQ đã tuyên bố bắn rơi máy bay của bà trong chuyến thăm Đài Loan lần này. Các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đã thô thiển phong cho bà một biệt danh "phù thủy già".

Trên thực tế, bà Pelosi khi còn trẻ đã là một mỹ nữ xinh đẹp, bà còn có biệt danh như truyện cổ tích là "Công chúa Bảy".

Công chúa Bảy kiêu hãnh

Bà Nancy Pelosi sinh năm 1940 ở Baltimore, Maryland, Mỹ, trong một gia đình chính trị gốc Ý. Sáu người trước bà Nancy đều là các anh trai, bà là con út trong số bảy người con của gia đình và là con gái duy nhất. Đố là nguồn gốc biệt danh "Công chúa Bảy" của bà.

Bà Pelosi - Công chúa Bảy. (Chụp video)

Cha của Nancy là ông Thomas D'Alessandro Jr., một nghị sĩ và thị trưởng 5 nhiệm kỳ, người đã cai quản Baltimore trong 12 năm, là một trong những thị trưởng được kính trọng nhất trong lịch sử của Baltimore. Người dân thường trìu mến gọi ông là "Ông già Tommy". Một trong những người anh trai của Nancy là Alessandro III, sau này trở thành thị trưởng thành phố.

Nancy Pelosi là "con gái của thị trưởng" Baltimore. Người cha thị trưởng coi cô như viên ngọc minh châu trong tay, và thường đưa cô đến các dịp giao tiếp xã hội khác nhau kể từ khi cô 7 tuổi. Cô có vẻ ngoài xinh xắn khiến ai cũng yêu mến, được mệnh danh là "hoa khôi vĩnh viễn của đảng Dân chủ", và được phong là công chúa. Ngoài ra còn có một con phố ở Baltimore được đặt theo tên của Pelosi.

Pelosi đã giúp cha vận động tranh cử khi còn nhỏ, và là khách mời trong lễ nhậm chức của cha mình. Cô tham dự Đại hội Quốc gia của đảng Dân chủ năm 12 tuổi. Năm 20 tuổi, cô cũng tham dự buổi phát biểu nhậm chức của Tổng thống Kennedy. Một bức ảnh của cô với Tổng thống Kennedy vẫn đang được lan truyền trên mạng.

Trong thời gian này, trên mạng cũng có một bức ảnh tổng hợp của Pelosi được lan truyền trên mạng xã hội, và được truyền thông quốc tế lan truyền, bình luận. Một số người đã ghép một bức ảnh của Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập của tờ Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc, trong bộ quân phục của đảng khi ông còn trẻ, và bức ảnh của bà Pelosi khi còn là một công chúa, trông giống như một ảnh đám cưới cũ. Trên thực tế, về tuổi tác, bà Pelosi có thể là mẹ của Hồ Tích Tiến.

Gần đây, Hồ Tích Tiến thường xuyên công kích bà Pelosi trên Internet. Anh ta cũng đăng một bức ảnh mình tham gia quân đội khi còn trẻ vào trước chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan, và nói rằng, nếu đất nước cần chiến tranh, hiệu triệu người dân, thì lão Hồ này ắt sẽ trở lại. Cư dân mạng đặt sự tương phản giữa chiến binh sói và công chúa với nhau, và tình huống trớ trêu là đánh thẳng vào mặt ĐCSTQ.

Dân mạng ghép ảnh bà Pelosi với Hồ Tích Tiến khi họ còn trẻ. (Chụp video)

Bà nội trợ trong nửa đầu của cuộc đời, mẹ đỡ đầu chính trị trong nửa sau của cuộc đời

Theo lý mà nói, bà Nancy Pelosi, người xuất thân từ một gia đình chính trị, có thể tham gia chính trị sớm khi còn trẻ, nhưng bà đã chọn cuộc sống của một bà nội trợ truyền thống trong nửa đầu cuộc đời của mình.

Năm 1962, cô gái 22 tuổi Nancy kết hôn với Paul Pelosi, một chủ ngân hàng người Mỹ gốc Ý ở San Francisco.

Năm 1969, gia đình Pelosi chuyển đến San Francisco. Bà đã có năm người con cho chồng. Mãi cho đến khi con gái út học cấp hai, bà mới sẵn sàng tranh cử vào Quốc hội thay mặt cho đảng Dân chủ của California, khi đó, bà 47 tuổi.

Bà Pelosi được cho là luôn tràn đầy năng lượng trong công việc, đến mức bà hầu như không ngủ. Bà thích nước nóng với chanh, và không bao giờ uống cà phê có chứa caffein. Bà thích nhất là sô cô la và thường ăn kem "New York Brownie" cho bữa sáng. Bà chơi ô chữ hầu như mỗi ngày, và sử dụng điện thoại để kết nối với các con và các cháu hàng ngày. Bà Pelosi và chồng Paul thích xem phim cùng nhau, và thường xem hai bộ phim liên tiếp nếu họ có thời gian.

Bà Pelosi là một chính trị gia tài năng lớn thành công muộn. Năm 1987, dưới sự tháp tùng của cha, bà tuyên thệ nhậm chức dân biểu Hạ viện Liên bang. Với sự nhạy bén về chính trị bẩm sinh, sự nghiệp chính trị của bà đã thăng tiến nhanh chóng, và trở thành Đảng tiên (gần giống trưởng ban khen thưởng kỷ luật) của Đảng Dân chủ tại Hạ viện vào năm 2002.

Kể từ đó, bà Pelosi đã hoạt động ở tầng cốt lõi của quyền lực chính trị Hoa Kỳ trong 20 năm. Bà là người cực kỳ giỏi kết nối và quyết đoán. Bà có thể dễ dàng giải quyết nhiều vấn đề khó khăn chỉ với một hoặc hai cuộc điện thoại. Sẽ không quá lời khi gọi bà là mẹ đỡ đầu chính trị của Đảng Dân chủ.

Bà Pelosi không chỉ là lãnh đạo lâu năm của Đảng Dân chủ Mỹ, bà còn là "nữ hoàng gây quỹ" thực sự của đảng. Trong lần đầu tiên tranh cử Hạ viện, bà đã huy động được hơn 1 triệu đô la chỉ trong bảy tuần, vượt qua tất cả các đối thủ của mình. Theo thống kê của báo chí Mỹ, từ năm 2002 đến năm 2021, bà Pelosi đã quyên góp được hơn 1 tỷ USD cho Đảng Dân chủ, con số này, trong Đảng Dân chủ không có đối thủ nào có thể so sánh được.

Một trong những người ủng hộ sớm nhất và nổi tiếng nhất của Pelosi là E&J Gallo Winery, tập đoàn sản xuất rượu vang đỏ có ảnh hưởng nhất thế giới, cung cấp 25% sản lượng rượu vang đỏ tại Hoa Kỳ. Gia đình Pelosi cũng sở hữu hai vườn nho ở California.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ và Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc

Bà Pelosi hiện là Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ. Các thành viên của Quốc hội ở Hoa Kỳ là những người đại diện cho dân ý, do cử tri ở mỗi khu vực bầu cử bầu ra. Nếu Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) của Trung Quốc không phải là một quốc hội bù nhìn để đánh lừa dư luận, thì Hạ viện Hoa Kỳ tương đương với Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) của Trung Quốc. Bà Pelosi là phiên bản Hoa Kỳ của “Chủ tịch Quốc hội, tức Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Toàn quốc" của Trung Quốc.

Điều thú vị là trong suốt 35 năm tại Quốc hội, bà Pelosi không chỉ thay mặt công chúng Mỹ lên tiếng cho khu vực bầu cử của mình, mà còn luôn lên tiếng quốc tế cho các nhóm dễ bị tổn thương ở Trung Quốc, những người đã bị ĐCSTQ đàn áp nhân quyền. Trên thực tế, bà giống một “Chủ tịch Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc” quan tâm đến dân ý hơn các Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc.

Bà Pelosi là nghị sĩ Đảng Dân chủ chống Cộng sản nhất ở Hoa Kỳ, bà luôn được biết đến là người cứng rắn trong nhiều vấn đề liên quan đến ĐCSTQ. Những khoảnh khắc huy hoàng nhất trong sự nghiệp chính trị của bà còn được thể hiện qua các sự kiện lên tiếng bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc.

33 năm trước vào năm 1989, bà Pelosi, người vừa mới được bầu làm dân biểu được vài năm, đã đưa ra nghị quyết lên án vụ thảm sát Thiên An Môn với tư cách là dân biểu mới của Quốc hội, và sau đó đã thúc đẩy "Đạo luật Bảo vệ Sinh viên Trung Quốc dụ học tại Hoa Kỳ", cho phép họ cư trú lâu dài tại Hoa Kỳ. Từ đó, bà trở thành nhân vật tâm điểm danh tiếng nổi bật.

Năm 1991, Pelosi và hai nhà lập pháp của cả hai đảng đã đến thăm Trung Quốc, và bị ĐCSTQ cưỡng bức quay về sau khi trưng một biểu ngữ ở Quảng trường Thiên An Môn với dòng chữ "Dành riêng cho các liệt sĩ hy sinh vì nền dân chủ ở Trung Quốc", gây chấn động thế giới.

Hành động của bà Pelosi trong sự cố Thiên An Môn này đã giúp bà có được sự nổi tiếng và uy tín to lớn ở Hoa Kỳ. Những bức ảnh ghi lại cảnh tượng được treo nổi bật trong văn phòng của bà Pelosi.

Sau khi ĐCSTQ phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, bà Pelosi là thành viên Quốc hội đầu tiên đứng ra bênh vực các học viên Pháp Luân Công.

Bà Pelosi phản đối việc Hoa Kỳ cấp quy chế tối huệ quốc vĩnh viễn cho Trung Quốc vào những năm 1990, và phản đối việc Trung Quốc gia nhập WTO vào đầu những năm 2000. Bà ủng hộ chính phủ lưu vong Tây Tạng và nhà lãnh đạo tinh thần, Đức Đạt Lai Lạt Ma. Bà Pelosi đã đưa ra những lời chỉ trích gay gắt về việc ĐCSTQ đăng cai Thế vận hội Olympic vào năm 2008 và 2020, kêu gọi tẩy chay.

Trong phong trào "chống dẫn độ" ở Hồng Kông năm 2019, bà Pelosi cũng đã mời đại diện sinh viên Hồng Kông đến thăm Hoa Kỳ, và có bài phát biểu trước Quốc hội.

Bà Pelosi và Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng), được gọi là "Cha đẻ của nền dân chủ Trung Quốc", là bạn tốt của nhau trong nhiều năm. Năm 2016, Quỹ Ngụy Kinh Sinh đã trao cho bà Pelosi giải thưởng "Người bảo vệ quyền con người và tự do". Một bức ảnh của bà Pelosi và ông Ngụy Kinh Sinh được treo trong văn phòng của bà trong một thời gian dài.

Bà Pelosi luôn phê phán mạnh mẽ về các chính sách xoa dịu của các tổng thống Dân chủ và Cộng hòa đối với ĐCSTQ. Vào tháng 2 năm 2020, tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức, bà Pelosi đối đầu với bà Phó Oánh, một nữ quan chức ĐCSTQ, bà cáo buộc ĐCSTQ xuất khẩu chuyên chế kỹ thuật số và kêu gọi các nước tránh xa gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei.

Hoa hồng thép vững bền

Một số phương tiện truyền thông Mỹ đã so sánh ba người phụ nữ Mỹ, Chủ tịch Hạ viện Pelosi, hai cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice và Hillary Clinton, là "ba bông hoa vàng" trên chính trường Hoa Kỳ. Bà Rice và bà Hillary Clinton chỉ là những nhân vật nhất thời trên chính trường, trong khi "Bông hồng thép" Pelosi đã thống trị chính trường trong nhiều thập kỷ.

"Pelosi thép, tổng thống của quy trình" là một mô tả sinh động và phù hợp về Pelosi trong giới chính trị Hoa Kỳ.

Bà Pelosi đã tham gia Quốc hội 35 năm liên tục. Bà là nòng cốt không thể tranh cãi của Đảng Dân chủ trong nền chính trị lưỡng đảng của Mỹ. Bà và vị vua không ngôi của Đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Trump, là địch thủ lớn. Cảnh bà Pelosi xé bản sao bài phát biểu quốc hội của ông Trump sau khi ông Trump từ chối bắt tay bà đã thành một cảnh lịch sử.

Bà Pelosi và ông Trump thường xuyên tranh cãi với nhau. Từ năm 2019 đến đầu năm 2021, bà pelosi đã chủ động thúc đẩy 2 lần cáo buộc và luận tội ông Trump. Tất cả các cuộc luận tội đều kết thúc trong thất bại, nhưng chúng đã lập kỷ lục về việc luận tội trong chính trường Hoa Kỳ. Sự tàn nhẫn của chính trị cũng được thể hiện rõ ở "Bông hồng thép".

Bà Pelosi hiện nay 82 tuổi, vẫn còn tinh thần và sức khỏe tốt, tuổi cao chí càng cao, bà cũng tuyên bố sẽ tiếp tục tranh cử dân biểu tiếp theo. Mặc dù quyết định của bà đủ cho thấy sự bền bỉ của “Bông hồng thép” Pelosi, nhưng không khỏi khiến người ta băn khoăn rằng, liệu Đảng Dân chủ Mỹ có rơi vào bước đường cùng khi tình trạng thiếu tướng tài thay thế, phải phụ thuộc vào sự dốc sức chống đỡ của bà Pelosi.

Một số nhà bình luận đã chỉ ra rằng, việc quan tâm đến phong trào sinh viên Thiên An Môn bị đàn áp vào năm 1989 là cánh cửa giúp Pelosi nổi lên trong chính trường Mỹ. Chuyến đi của bà Pelosi đến Đài Loan có thể là "chuyến đi tốt nghiệp" trong toàn bộ sự nghiệp chính trị của bà.

Bàn cờ quân sự: Đài Loan và trò chơi vĩ đại
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (Dân chủ-California) Chụp ảnh với Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-wen tại văn phòng tổng thống ở Đài Bắc, Đài Loan, vào ngày 03/08/2022. (Handout / Getty Images)

Bà Pelosi đã nhiều lần bày tỏ rằng, bà hy vọng chính phủ Trung Quốc sẽ hòa nhập vào các giá trị nhân quyền phổ quát, và tôn trọng người dân của mình. Bà hy vọng rằng, một ngày nào đó, đất nước đông dân nhất thế giới sẽ trở thành nền dân chủ lớn nhất thế giới. Đối với người Trung Quốc, liệu niềm hy vọng này có phải chỉ là một câu chuyện cổ tích giống như câu chuyện nàng công chúa?

Đại Minh
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Truyền kỳ Pelosi: Công chúa Bảy biến thành Bông hồng thép