Vắt chanh bỏ vỏ, bạn đang lãng phí phần tốt nhất của quả chanh mà không biết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quả chanh đã quá quen thuộc trong cuộc sống của chúng ta, tuy nhiên tất tần tật tác dụng của quả chanh chắc rằng nhiều người vẫn chưa biết. Trong quá trình sử dụng, mọi người thường bỏ đi vỏ chanh mà không biết phần vỏ chanh lại có nhiều tác dụng nhất.

Tại Việt Nam, quả chanh xuất hiện ở các vùng miền và cách sử dụng phổ biến nhất là vắt lấy nước. Nước cốt chanh có thể dùng trong chế biến các món ăn, làm gia vị chấm hoặc pha đồ uống. Khi lấy nước cốt xong, các bộ phận khác như vỏ chanh, hạt chanh, múi chanh phía trong đa số đều bị vứt vào sọt rác. Không chỉ có nước cốt, vỏ và cùi chanh… đều có lợi ích với cơ thể nếu biết tận dụng, các chuyên gia cho rằng việc vứt bỏ vỏ chanh là quá lãng phí.

Đừng chỉ vắt lấy nước chanh rồi bỏ vỏ

Các nhà khoa học Úc mới nghiên cứu phát hiện ra tác dụng phòng chống ung thư trong tinh dầu vỏ chanh nhờ nhiều hợp chất có trong loại vỏ này như: limonene, citrus pectin, flavonnol glycosides, vitamin C…

Nếu bạn gặp các vấn đề về tim, mụn trứng cá, hệ miễn dịch kém, thường xuyên mệt mỏi, hãy sử dụng vỏ chanh để hỗ trợ chữa bệnh hiệu quả. Vỏ chanh bao gồm các enzyme thiết yếu, vitamin, khoáng chất vitamin C, vitamin P, canxi, kali, chất xơ, limonene... Đừng lãng phí dược liệu vỏ chanh quý giá và quen thuộc trong căn bếp nhà bạn.

Trong quả chanh phần tốt nhất chính là vỏ, chứ không phải là nước. (Ảnh: pexels)

Thạc sĩ, Lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Hà Nội) cho rằng, đây là cách ăn chanh rất phí của người Việt, đang bỏ đi một vị thuốc, nguồn dược liệu quý mà không hề hay biết. Vị lương y này cho rằng, nhiều người dù biết vỏ chanh tốt nhưng lại ngại chế biến để làm thuốc nên vứt đi.

Theo Lương y Trung, vỏ chanh có thể dùng ăn trực tiếp, có thể thái nhỏ, giã nát để cho vào cùng nước cốt, làm gia vị để chế biến món ăn. Không nhất thiết phải sao vàng, sắc thành nước uống.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyên Lê (Bệnh viện Quân y 103) cũng cho biết, quả chanh rất tốt cho sức khỏe nếu biết cách dùng. Bác sĩ Lê khẳng định, trong quả chanh phần tốt nhất chính là vỏ, chứ không phải là nước. Mỗi ngày nên dùng khoảng 100 gram chanh (tính cả quả), không nên dùng quá nhiều.

Theo Bác sĩ Lê, việc ăn chanh cả vỏ sẽ tận dụng được chất xơ có trong chanh. Hơn nữa, vỏ chanh chứa nhiều tinh dầu, chất chống oxy hóa và vitamin, có thể hỗ trợ phòng chống ung thư… nên việc sử dụng cả vỏ chanh sẽ rất tốt.

Tác dụng của vỏ chanh

Bạn sẽ biết thêm nhiều bài thuốc từ vỏ chanh và áp dụng hiệu quả, ngay sau khi biết chi tiết tác dụng của vỏ chanh dưới đây:

Giảm stress oxy hóa

Stress oxy hóa là tình trạng các gốc tự do và chất chống oxy hóa trong cơ thể bị mất cân bằng, khiến hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như đái tháo đường, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, tim mạch, các bệnh liên quan đến thần kinh não bộ, ung thư... Để giảm hiện tượng stress oxy hóa trong cơ thể, có thể uống nước vỏ chanh nhờ lượng flavonoid sinh học cao có trong lớp vỏ mỏng này.

Thạc sĩ, Lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Hà Nội) cho rằng, vắt chanh bỏ vỏ là cách ăn chanh rất phí của người Việt, đang bỏ đi một vị thuốc, nguồn dược liệu quý mà không hề hay biết. (Ảnh: pexels)

Thải độc cho cơ thể

Cơ thể chúng ta ngày càng chứa nhiều độc tố do vấn nạn ô nhiễm nguồn nước và thực phẩm bẩn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hãy tận dụng vỏ chanh bởi hàm lượng flavonoid sinh học cao có tác dụng loại bỏ hiệu quả những độc tố bên trong cơ thể.

Ngăn ngừa ung thư

Vỏ chanh còn được sử dụng để bào chế thuốc phòng ngừa và điều trị ung thư nhờ chứa chất salvestrol Q40 và limonene có tác dụng chống lại các tế bào ung thư bên trong cơ thể.

Răng chắc khỏe, phòng ngừa viêm lợi

Một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng chảy máu chân răng, viêm lợi đó là thiếu Vitamin C. Hãy tăng cường loại vitamin này bằng cách sử dụng vỏ chanh, giúp cung cấp chất C, bảo vệ sức khỏe răng miệng.

Hỗ trợ giảm cân hiệu quả

Trọng lượng cơ thể của bạn sẽ được kiểm soát, duy trì ở mức ổn định nhờ công dụng thúc đẩy giảm cân của vỏ chanh do có chứa thành phần Pectin.

Dưỡng da tự nhiên

Vỏ chanh còn có tác dụng chống oxy hóa, giúp giải độc da, mang lại làn da căng bóng, ngăn ngừa mụn và các nếp nhăn, đốm đen gây lão hóa da mắt.

Vỏ chanh còn có tác dụng chống oxy hóa, giúp giải độc da, mang lại làn da căng bóng… (Ảnh: pexels)

Chăm sóc tóc, da đầu

Tinh dầu vỏ chanh không chỉ thơm dịu mà còn giúp tóc bóng mượt, chắc khỏe, giảm gãy rụng hiệu quả. Bạn có thể đun nước gội đầu có chứa vỏ chanh tươi, hoặc kết hợp dùng nước cốt chanh hòa với vỏ chanh đã xay nhuyễn để massage da đầu trước khi gội cũng là biện pháp hiệu quả chăm sóc tóc.

Tác dụng làm sạch, tẩy rửa đồ gia dụng

Để vỏ chanh vào tủ lạnh có tác dụng khử sạch mùi bám lâu ngày trong tủ, đun sôi dung dịch vỏ chanh và rửa sạch ấm chén, bình thủy tinh sẽ làm sạch và sáng bóng những đồ gia dụng này.

Không chỉ vậy, buổi tối khi đi ngủ, mọi nhà có thể để chút vỏ chanh trong phòng vì trong chanh có tinh dầu tạo mùi thơm dễ chịu, giúp ngủ sâu giấc hơn, nhất là thời điểm mùa hè.

Mùi hương của chanh còn giúp thanh lọc không khí, làm mát dịu trong không gian nhỏ, tốt cho phổi, làm sạch hơi thở và thải độc cơ thể ngay cả khi đang ngủ. Bởi vậy, mọi người nên tận dụng không nên vứt bỏ vỏ chanh sau khi vắt lấy nước.

Vỏ chanh có nhiều tác dụng, nhưng Lương y Trung cũng khuyến cáo, không nên dùng vỏ chanh quá nhiều, nếu đặt trong phòng quá nhiều sẽ nặng mùi gây cảm giác khó chịu. Khi dùng làm vị thuốc không nên dùng quá 20g vỏ chanh/ ngày. Nếu dùng nhiều sẽ tác động đến hành khí, thậm chí mất cân bằng âm dương trong cơ thể.

Tố Như
(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Vắt chanh bỏ vỏ, bạn đang lãng phí phần tốt nhất của quả chanh mà không biết